ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3270/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 11 tháng 10 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP GIỮA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG GIẢ VÀ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Căn cứ Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng;
Xét đề nghị của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh (Chi cục Quản lý thị trường) tại Tờ trình số 55/TTr-QLTT ngày 19/9/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Cục Hải quan, Cục Thuế, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường; UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hoà; các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI SẢN XUẤT, KINH DOANH HÀNG GIẢ VÀ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3270/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy định này xác định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, doanh nghiệp (gọi tắt là các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đăng kí để xác lập quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật) trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Phạm vi phối hợp
1. Trao đổi thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
2. Tiếp nhận, xử lý yêu cầu xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
3. Giám định, kiểm định, xác định hành vi vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
4. Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ;
5. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp phải được thực hiện đúng pháp luật, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu phối hợp nghiệp vụ, chuyên môn của các bên.
2. Bảo đảm thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo sự gắn kết, bí mật, hỗ trợ lẫn nhau nhằm tăng cường hiệu quả công tác, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hợp pháp trong mọi hoạt động.
3. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo quy định pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi bên. Trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền xem xét quyết định.
Điều 4. Hình thức phối hợp
1. Trực tiếp gặp gỡ để thông báo, trao đổi thông tin, tài liệu.
2. Trao đổi, cung cấp thông tin qua văn bản, phương tiện thông tin liên lạc.
3. Cử cán bộ có chức năng, thẩm quyền tham gia trực tiếp các hoạt động phối hợp.
Chương II
QUY ĐỊNH NỘI DUNG TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 5. Trách nhiệm trao đổi thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
1. Đối với các cơ sở
a) Cung cấp chứng cứ chứng minh chủ thể quyền sở hữu;
b) Cung cấp chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm đã xảy ra;
c) Cung cấp bản sao Thông báo của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ gửi cho người xâm phạm, trong đó đã ấn định thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm và chứng cứ chứng minh người xâm phạm không chấm dứt hành vi xâm phạm trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;
d) Cung cấp chứng cứ về thiệt hại do sản phẩm xâm phạm gây ra cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, bao gồm lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn dùng cho chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và môi trường trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;
đ) Cung cấp chứng cứ và hiện vật về hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc sản phẩm, bộ phận sản phẩm, đề can, nhãn, mác, bao bì hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ; tài liệu chứng minh hành vi giao việc, đặt hàng, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, bộ phận sản phẩm, đề can, nhãn, mác, bao bì hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ trong trường hợp nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;
e) Cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt (nếu đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt).
2. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
a) Yêu cầu các chủ thể quyền sở hữu cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật phục vụ công tác đấu tranh, xử lý vi phạm về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật;
b) Phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu của các doanh nghiệp chủ thể quyền sở hữu cung cấp để lập phương án, kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý vi phạm.
Điều 6. Trách nhiệm trong tiếp nhận, xử lý yêu cầu xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
1. Đối với các cơ sở
a) Khi bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kịp thời phản ánh trực tiếp hoặc có văn bản gửi các cơ quan nhà nước có chức năng yêu cầu xử lý hành vi vi phạm về hàng giả hoặc hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật;
b) Nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm đến các cơ quan nhà nước có chức năng.
2. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý vi phạm của các cơ sở bị xâm phạm quyền sở hữu, các cơ quan nhà nước có chức năng có trách nhiệm tiếp nhận đơn và kịp thời tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm giám định, kiểm định, xác định hành vi vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các cơ sở có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước có chức năng giám định, kiểm định nhằm xác định về hành vi vi phạm, giá trị hàng hoá vi phạm, xác định mức độ thiệt hại do các đối tượng vi phạm gây ra nhằm có cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước làm căn cứ để xử lý vi phạm.
Điều 8. Trách nhiệm hỗ trợ trong công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ
Các cơ sở có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao kỹ năng nhận biết về hàng thật – hàng giả cho các lực lượng chức năng để phục vụ tốt cho công tác kiểm tra, kiểm soát; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác.
Điều 9. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật
Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền, in ấn các tài liệu liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chuyển tải đến nhân dân hiểu để không mua phải hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Căn cứ Quy định này, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý vi phạm về hàng giả và xâm phậm quyền sở hữu trí tuệ.
2. Thường trực Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và xâm phậm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh kịp thời phản ánh về Ban Chỉ đạo 127/ĐP tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.