ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 327/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 19 tháng 3 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN TRỒNG CÂY LÂM NGHIỆP PHÂN TÁN GIAI ĐOẠN 2009 - 2010 VÀ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TỈNH TRÀ VINH.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 02/2008/TTLT-BKH-BNN-BTC ngày 23/6/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;
Xét Tờ trình số 63/TTr-SNN ngày 13/3/2009 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin phê duyệt dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2009 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Trà Vinh (đính kèm Biên bản thẩm định dự án số 17/BB-SNN ngày 11 tháng 3 năm 2009 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2009 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Trà Vinh, với những nội dung chính như sau:
1. Tên dự án: Trồng cây lâm nghiệp phân tán giai đoạn 2009 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Trà Vinh.
2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý Dự án Đầu tư bảo vệ và Phát triển rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh.
4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2009 đến năm 2015.
5. Phạm vi thực hiện dự án: Trên địa bàn tỉnh.
6. Mục tiêu của dự án:
- Khai thác hết tiềm năng đất đai, tận dụng triệt để nguồn đất trống và nguồn lao động trong nông thôn để trồng cây lâm nghiệp phân tán, tạo ra sản phẩm hàng hoá cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xây dựng làm tăng thêm nguồn thu nhập cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân lao động nông thôn;
- Tạo vành đai phòng hộ cho đồng ruộng, hỗ trợ và bảo vệ sản xuất nông, ngư nghiệp, hạn chế xói lỡ, làm mất đất, giảm tối đa thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, điều hòa khí hậu, ổn định môi trường, cân bằng hệ sinh thái trong vùng, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo đất;
- Duy trì, phát huy được phong trào trồng cây nhân dân mà Bác Hồ đã khởi xướng, tạo thành một nét đẹp truyền thống của dân tộc.
7. Nội dung và qui mô đầu tư.
7.1. Đối tượng đầu tư của dự án:
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu trồng cây phân tán;
- Các loại đất đầu tư trồng cây phân tán, bao gồm:
+ Đất trống: Bao gồm quỹ đất trống trong dân (Đất vườn hộ, bờ ranh thửa, bờ mương, đất tận dụng quanh nhà, đất không trồng được các loài cây ăn trái…) và đất đồi động, đất xung quanh nghĩa địa, nghĩa trang…;
+ Bờ kênh thủy lợi, bờ đê;
+ Đường giao thông nông thôn;
+ Đất công sở, khu công nghiệp, trường học, khu dân cư tập trung.
7.2. Phương thức, điều kiện và chính sách hỗ trợ đầu tư.
a) Phương thức và điều kiện đầu tư của dự án:
- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ cây giống đến nơi tập trung phân phối, các khoản kinh phí đầu tư khác như: công trồng, chăm sóc và bảo vệ, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự bỏ vốn thực hiện;
- Việc lựa chọn các cây giống phải dựa trên cơ sở thích nghi của từng loại cây phù hợp với điều kiện sản xuất của từng nơi theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn;
- Tập thể, cá nhân và hộ gia đình muốn tham gia dự án phải đăng ký với Ban nhân dân ấp, để báo cáo về UBND xã tổng hợp nhu cầu gởi về UBND huyện và Ban Quản lý Dự án tỉnh để xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể hàng năm;
- Tiêu chuẩn cây sống khi nghiệm thu phải đạt 85% trở lên, số lượng cây nhận trồng nếu không đạt thì tổ chức, cá nhân và hộ gia đình được hỗ trợ đầu tư phải tự bỏ vốn đầu tư trồng lại theo quy định của dự án.
b) Chính sách hỗ trợ đầu tư của dự án: Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia dự án theo phương thức đầu tư nêu trên, được hưởng các chính sách cụ thể như sau:
- Hỗ trợ 100% chi phí về cây giống và vận chuyển đến nơi tập trung phân phối;
- Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây phân tán (có lòng ghép với các chương trình, dự án khác);
- Các tổ chức, cá nhân tham gia trồng cây phân tán được hưởng 100% sản phẩm gổ, củi khai thác từ các loại cây trồng được nhận đầu tư nhưng phải đảm bảo sau 10 năm mới được khai thác, trong trường hợp khai thác sớm hơn 05 năm phải bồi thường 15% tiền hỗ trợ cho mỗi năm khai thác sớm để hỗ trợ đầu tư trồng lại.
7.3. Quy mô đầu tư của dự án: Hỗ trợ đầu tư trồng 12 triệu cây phân tán, cụ thể: Keo 2.125.500 cây, Bạch đàn 7.564.130 cây, Xà cừ 1.806.130 cây, Phi lao 26.400 cây, Sao - Dầu 31.290 cây, Đưng - Đước 402.000 cây, cây khác 44.550 cây.
8. Kế hoạch đầu tư của dự án.
8.1. Giai đoạn I (2009 - 2010):
Tổng số lượng cây trồng 3.000.000 cây (tương đương 4.342 ha), các loại cây cụ thể như sau:
- Keo: 540.000 cây;
- Bạch đàn: 1.960.000 cây;
- Xà cừ: 300.000 cây;
- Phi lao: 8.470 cây;
- Sao, Dầu: 4.900 cây;
- Đưng, Đước: 180.000 cây;
- Cây khác: 6.630 cây.
* Kế hoạch trồng cây lâm nghiệp phân tán thực hiện năm 2009:
Tổng số lượng cây trồng 1.400.000 cây (tương đương 4.342 ha), các loại cây cụ thể như sau:
- Keo: 300.000 cây;
- Bạch đàn: 1.000.000 cây;
- Xà cừ: 100.000 cây.
(Sau mỗi năm thực hiện sẽ xác định lại nhu cầu và xây dựng kế hoạch cụ thể về cây giống cho năm tiếp theo).
8.2. Giai đoạn II (2011 – 2015).
Tổng số lượng cây trồng 9.000.000 cây (tương đương 28.219 ha), các loại cây cụ thể như sau:
- Keo: 1.585.500 cây;
- Bạch đàn: 5.604.130 cây;
- Xà cừ: 1.506.103 cây;
- Phi lao: 17.930 cây;
- Sao, Dầu: 26.390 cây;
- Đưng: 222.000 cây;
- Cây khác: 37.920 cây.
(Sau mỗi năm thực hiện sẽ xác định lại nhu cầu và xây dựng kế hoạch cụ thể về cây giống cho năm tiếp theo).
9. Thời gian thực hiện dự án: Năm 2009 đến năm 2015.
10. Tổng kinh phí: 11.736.323.000 (Mười một tỷ, bảy trăm ba mươi sáu triệu, ba trăm hai mươi ba ngàn đồng).
Trong đó:
- Cây giống: (kể cả chi phí vận chuyển): 10.718.104.000 đồng;
- Chi phí quản lý (9,5%): 1.018.219.000 đồng, bao gồm.
+ Ban Quản lý dự án tỉnh (6,7%): 718.112.000 đồng;
+ Ban Chỉ đạo cấp huyện (1,8%): 192.925.000 đồng;
+ Ban Chỉ đạo cấp xã (1%): 107.182.000 đồng.
11. Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương đầu tư từ nguồn vốn của dự án trồng mới 05 triệu ha rừng (dự án 661).
11.1. Phân kỳ đầu tư:
a. Giai đoạn I (2009 - 2010): 1.889.807.000 đồng.
Trong đó:
- Cây giống: (kể cả chi phí vận chuyển): 1.725.852.000 đồng;
- Chi phí quản lý (9,5%): 163.955.000 đồng, bao gồm.
+ Ban Quản lý dự án tỉnh (6,7%): 115.632.000 đồng;
+ Ban Chỉ đạo cấp huyện (1,8%): 31.065.000 đồng;
+ Ban Chỉ đạo cấp xã (1%): 17.258.000 đồng.
b. Giai đoạn II (2011- 2015): 9.846.516.000 đồng.
Trong đó:
- Cây giống: (kể cả chi phí vận chuyển): 8.992.252.000 đồng;
- Chi phí quản lý (9,5%): 854.264.000 đồng, bao gồm.
+ Ban Quản lý dự án tỉnh (6,7%): 602.480.000 đồng;
+ Ban Chỉ đạo cấp huyện (1,8%): 161.860.000 đồng;
+ Ban Chỉ đạo cấp xã (1%): 89.924.000 đồng.
12. Hiệu qủa dự án:
12.1. Hiệu quả kinh tế:
Việc trồng cây phân tán đem lại cho người dân nguồn lợi kinh tế dồi giàu và phong phú như: gỗ, củi và làm nguyên liệu phục vụ chế biến giấy. Đối với một số cây trồng phân tán có chu kỳ khai thác ngắn như bạch đàn và keo khi tới chu kỳ khai thác (5 năm) mỗi cây cho từ 0,09 - 0,11 ster gỗ, nếu tận dụng các khu vực đất trống, đất ven kênh thủy lợi và ven đê, lộ giao thông để trồng thì sau 5 năm cả tỉnh sẽ thu được khoảng 6 triệu cây tương đương với 565.000 ster gỗ có giá trị khoảng 125 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với những cây lâu năm hơn như: sao, dầu, xà cừ… thì thời gian thu hoạch sẽ dài hơn và cho giá trị kinh tế càng cao hơn.
12.2. Hiệu quả xã hội:
- Dự án trồng cây phân tán khi được triển khai thực hiện sẽ giải quyết được công ăn, việc làm cho lực lượng lao động ở nông thôn, nhất là lao động nghèo. Đây là điều kiện để thực hiện kế hoạch hành động về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” góp phần tăng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc trồng cây lâm nghiệp phân tán sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo làm giảm đi các tệ nạn xã hội ở nông thôn.
12.3. Hiệu quả môi trường:
Dự án thực hiện hoàn thành sẽ tạo độ che phủ được 37.118 ha đất góp phần tăng cường hệ thống phòng hộ cho đồng ruộng, bảo vệ kinh đê và các công trình giao thông, cải thiện môi trường sinh thái. Mặt khác, việc trồng cây xanh trên các khu vực công sở sẽ góp phần tạo vẽ đẹp mỹ quan cho từng loại hình công sở.
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh chịu trách nhiệm trực tiếp về mục tiêu, nội dung, qui mô và tổ chức thực hiện dự án đạt hiệu quả, quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, yêu cầu.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.