ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 322/QĐ-UBND | Tuyên Quang, ngày 09 tháng 9 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 100/2008/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về việc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Nghị Quyết số 18/NQ-HĐND ngày 18/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1282/TTr-SNN ngày 30/7/2013 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
1.1. Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang đến 2015, định hướng đến năm 2020 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam, Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các Quy hoạch khác đã được phê duyệt.
1.2. Khai thác có hiệu quả lòng hồ thuỷ điện, tận dụng mặt nước sông, suối, các công trình thuỷ lợi, hồ, ao, để phát triển nuôi trồng thuỷ sản; tăng cường công tác khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, nghiên cứu khả năng nhân giống, kỹ thuật nuôi một số loài cá đặc sản của địa phương.
1.3. Khuyến khích các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản vùng trọng điểm; đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức kinh tế hộ gia đình gắn với chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng giá trị kinh tế ngành thuỷ sản, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
1.4. Phát triển thủy sản phải gắn với phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
2. Mục tiêu chung
2.1. Đến năm 2015: Phát triển thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân. Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm thủy sản đặc trưng của tỉnh để tạo đà xây dựng vùng sản xuất thủy sản đặc sản tập trung. Giá trị sản xuất thủy sản chiếm 10,13% trong tỷ trọng ngành nông nghiệp.
2.2. Đến năm 2020: Phát triển thuỷ sản tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh; hướng tới xuất khẩu sản phẩm thủy sản. Giá trị sản xuất thủy sản chiếm 7,33% trong tỷ trọng ngành nông nghiệp.
3. Mục tiêu cụ thể
3.1. Đến năm 2015:
- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 11.494 ha, trong đó: ao, hồ nhỏ 1.992 ha; nuôi cá ruộng 143 ha; hồ thủy lợi 800 ha; hồ thủy điện 8.555 ha; nuôi cá Tầm trong bể 4 ha.
- Tổng số lồng nuôi cá 1.000 lồng (100 lồng nuôi cá Tầm), trong đó: nuôi trên sông 300 lồng; nuôi trên hồ thủy điện 700 lồng.
- Sản lượng thủy sản đạt 7.127 tấn; trong đó: nuôi trồng 6.327 tấn, khai thác 800 tấn.
- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá thực tế) đạt 315.900 triệu đồng.
- Tạo công ăn việc làm cho 10.051 lao động.
- Tỷ lệ tăng trưởng diện tích nuôi bình quân/năm 2,29%
- Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng bình quân/năm 12,5%
- Tỷ lệ tăng trưởng giá trị bình quân/năm 8,4%
3.2. Đến năm 2020:
- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 12.453 ha, trong đó: ao, hồ nhỏ 2.024 ha; nuôi cá ruộng 143 ha; hồ thủy lợi 800 ha; hồ thủy điện 9.480 ha; nuôi cá Tầm trong bể 6 ha.
- Tổng số lồng nuôi cá 1.490 lồng (150 lồng nuôi cá Tầm), trong đó: nuôi trên sông 240 lồng; nuôi trên hồ thủy điện 1.250 lồng.
- Sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 10.326 tấn; trong đó: nuôi trồng 9.326 tấn, khai thác là 1.000 tấn.
- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá thực tế) đạt 478.200 triệu đồng.
- Tạo công ăn việc làm cho 10.948 lao động.
- Tỷ lệ tăng trưởng diện tích nuôi bình quân/năm 1,62%.
- Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng bình quân/năm 7,7%.
- Tỷ lệ tăng trưởng giá trị bình quân/năm 8,65%.
4. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản
4.1. Quy hoạch ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thuỷ sản:
a) Đến năm 2015: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản đạt 1.992 ha; năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 2,2 tấn/ha; sản lượng đạt 4.411 tấn; tạo việc làm cho 4.980 lao động.
b) Đến năm 2020: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản là 2.024 ha; năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 3,05 tấn/ha, sản lượng đạt 6.184 tấn; tạo việc làm cho 5.060 lao động.
4.2. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên ruộng:
a) Đến năm 2015: Diện tích ruộng cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 143 ha; năng suất bình quân 0,4 tấn/ha; sản lượng đạt 57 tấn; tạo việc làm cho 143 lao động.
b) Đến năm 2020: Duy trì diện tích ruộng kết hợp nuôi cá là 143 ha; năng suất bình quân trên 0,5 tấn/ha; sản lượng đạt 72 tấn; tạo việc làm cho 143 lao động.
Áp dụng các phương thức nuôi như: nuôi xen cá trong lúa, nuôi luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ nuôi cá hoặc nuôi cá vụ đông.
4.3. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy lợi:
a) Đến năm 2015: Diện tích hồ thủy lợi được tận dụng để phát triển nuôi trồng thủy sản 800 ha; sản lượng thủy sản 971 tấn; tạo việc làm cho 1.317 lao động.
b) Đến năm 2020: Diện tích hồ thủy lợi được tận dụng để phát triển nuôi trồng thủy sản 800 ha; sản lượng thủy sản đạt 1.650 tấn; tạo việc làm cho 1.317 lao động.
4.4. Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện:
a) Đến năm 2015: Diện tích hồ thủy điện 8.555 ha, sản lượng 768 tấn, trong đó:
- Nuôi cá trong eo ngách 446 ha, tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, năng suất bình quân 0,6 tấn/ha, sản lượng đạt 268 tấn, tạo việc làm cho 892 lao động.
- Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện 700 lồng (nuôi cá Tầm 100 lồng tại suối Nặm Mja thuộc huyện Lâm Bình), sản lượng đạt 480 tấn (cá Tầm 300 tấn), tạo việc làm cho 700 lao động.
- Diện tích bể nuôi cá Tầm 4 ha tại Thác Mơ thị trấn Na Hang, suối Pắc Hẩu xã Sơn Phú, suối bản Bung xã Thanh Tương thuộc huyện Na Hang; năng suất bình quân 5 tấn/ha; sản lượng 20 tấn; tạo việc làm cho 8 lao động.
b) Đến năm 2020: Diện tích hồ thủy điện 9.480 ha, sản lượng 1.314 tấn, trong đó:
- Nuôi cá trong eo ngách 515 ha, tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn; phấn đấu đạt năng suất trung bình 0,6 tấn/ha; sản lượng đạt 309 tấn; tạo việc làm cho 1.030 lao động.
- Nuôi cá lồng trên hồ thủy điện 1.250 lồng (nuôi cá Tầm 150 lồng tại suối Nặm Mja thuộc huyện Lâm Bình); sản lượng 985 tấn (cá Tầm 600 tấn); tạo việc làm cho 1.250 lao động.
- Diện tích bể nuôi cá tầm là 6 ha, tại Thác Mơ thị trấn Na Hang, suối Pắc Hẩu xã Sơn Phú, suối bản Bung xã Thanh Tương thuộc huyện Na Hang; năng suất bình quân 5 tấn/ha; sản lượng 30 tấn; tạo việc làm cho 12 lao động.
4.5. Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông:
a) Đến năm 2015: Tổng số lồng nuôi cá trên sông 300 lồng, tại thành phố Tuyên Quang và các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; năng suất bình quân 0,4 tấn/lồng; sản lượng 120 tấn; tạo việc làm cho 300 lao động.
b) Đến năm 2020: Tổng số lồng nuôi cá trên sông 240 lồng, tại thành phố Tuyên Quang và các huyện Hàm Yên, Sơn Dương; năng suất bình quân 0,4 tấn/lồng; sản lượng 96 tấn; tạo việc làm cho 240 lao động;
4.6. Quy hoạch vùng nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao:
- Trên hồ thủy điện: Thực hiện phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nuôi thâm canh và bán thâm canh các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao như: Chiên, Bỗng, Lăng Chấm, Lăng Nha, Tầm, Nheo, Trạch…
- Vùng hạ lưu sông Lô: Phát triển nuôi các loài cá bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Chiên, Bỗng, Lăng Nha, Nheo, Trạch...
- Vùng có ao, hồ nhỏ tập trung có nguồn nước sạch: Đầu tư nuôi thâm canh và bán thâm canh các loài cá bản địa quý hiếm như: Lăng Chấm, Anh Vũ, Chầy Đất, Vền...
5. Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
5.1. Khai thác nguồn lợi thủy sản trên sông, suối, hồ chứa mặt nước lớn:
- Đến năm 2015: Sản lượng khai thác 800 tấn; tạo việc làm cho 1.711 lao động.
- Đến năm 2020: Sản lượng khai thác 1.000 tấn; tạo việc làm cho 1.896 lao động.
5.2. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Bảo vệ các vùng bãi sinh sản của cá trên các sông:
+ Sông Gâm: Hồ thủy điện Chiêm Hóa và từ chân đập thủy điện Tuyên Quang đến ngã ba sông Gâm chảy vào sông Lô trên địa bàn huyện Yên Sơn.
+ Sông Lô: Từ ngã ba sông Gâm chảy vào sông Lô trên địa bàn huyện Yên Sơn đến hết địa phận tỉnh Tuyên Quang; khu vực từ Bến Đền thuộc xã Bạch Xa đến cửa Ngòi Tèo chảy vào sông Lô thuộc xã Minh Dân, huyện Hàm Yên.
- Bảo vệ các vùng bãi sinh sản của cá trên hồ thủy điện Tuyên Quang:
+ Khu vực eo Thác Mơ, thị trấn Na Hang phạm vi 300 m tính từ chân thác ra phía lòng hồ.
+ Vùng hồ triền sông Năng và các suối thuộc lưu vực sông Năng trên địa bàn các xã Sơn Phú, xã Đà Vị, xã Yên Hoa, xã Khau Tinh; suối Nặm Vàng thuộc địa bàn các xã Sinh Long, Côn Lôn, Khâu Tinh thuộc huyện Na Hang; Ngòi Chang và các suối thuộc lưu vực Ngòi Chang trên địa bàn xã Phúc Yên và Lăng Can; suối Nà Khiềng, suối Bản Loà thuộc xã Phúc Yên thuộc huyện Lâm Bình.
6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
6.1. Về giống thủy sản:
a) Nhu cầu giống thủy sản
- Đến năm 2015: Tổng nhu cầu giống thủy sản là 98,11 triệu con, trong đó: ao hồ nhỏ 59,76 triệu con; ruộng cấy lúa kết hợp với nuôi cá 0,72 triệu con; hồ thủy lợi 10,91 triệu con; nuôi cá trong eo ngách 8,92 triệu con; nuôi cá lồng trên sông, hồ 0,36 triệu con; nuôi cá Tầm 0,34 triệu con; thả tái tạo nguồn lợi thủy sản 17,11 triệu con.
- Đến năm 2020: Tổng nhu cầu giống thủy sản là 118,89 triệu con, trong đó: ao hồ nhỏ 70,84 triệu con; ruộng cấy lúa kết hợp với nuôi cá 1,43 triệu con; hồ thủy lợi 13,77 triệu con; nuôi cá trong eo ngách 12,88 triệu con; nuôi cá lồng trên sông, hồ 0,55 triệu con; nuôi cá Tầm 0,44 triệu con; thả tái tạo nguồn lợi thủy sản 18,96 triệu con.
b) Giải pháp về giống
- Sớm hoàn thành xây dựng, đưa trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Na Hang đi vào hoạt động.
- Xây dựng mới trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Chiêm Hóa với công suất 20 triệu cá giống/năm.
- Xây dựng một số điểm ương nuôi cá giống tại các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Sơn Dương để cung cấp giống thủy sản cho đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa.
- Nâng cấp và bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống hiện có, thực hiện sinh sản nhân tạo một số loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng của nhân dân.
- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng có giá trị kinh tế cao.
6.2. Giải pháp về sản xuất và cung ứng thức ăn:
Tổng nhu cầu thức ăn cho phát triển nuôi thủy sản đến năm 2015 là 12.654 tấn/năm; đến năm 2020 là 18.652 tấn/năm.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thuỷ sản có chất lượng tốt; khuyến khích các hộ nuôi trồng thuỷ sản có điều kiện sử dụng các thiết bị chế biến thức ăn (máy nghiền, máy trộn, máy sấy thức ăn…) phù hợp để tăng hiệu quả trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương; hạn chế ô nhiễm môi trường với giá thành thấp, đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn công nghiệp cho các vùng nuôi tập trung và các đối tượng có giá trị kinh tế cao.
6.3. Giải pháp về khoa học công nghệ:
- Lựa chọn công nghệ nuôi tiên tiến, đối tượng nuôi thị trường đang có nhu cầu; ứng dụng tiến bộ khoa học vào nuôi trồng, sản xuất giống, sản xuất thức ăn và phòng trị bệnh.
- Tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống; nuôi thương phẩm các đối tượng nuôi chủ lực, một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao và nằm trong danh mục bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, cấp quốc gia.
6.4. Giải pháp khuyến ngư:
- Xây dựng mạng lưới khuyến ngư từ tỉnh tới huyện; tăng cường tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến ngư cơ sở và các hộ nuôi trồng thuỷ sản, phát hành ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nhân dân; xây dựng chuyên mục khuyến ngư trên báo và đài phát thanh - truyền hình.
- Xây dựng các mô hình khuyến ngư, chuyển giao công nghệ nuôi trồng, công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm các đối tượng nuôi chủ lực và các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế cao.
6.5. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm thủy sản:
- Đối với thị trường trong nước: Thông qua hệ thống các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để hình thành các kênh phân phối sản phẩm.
- Đối với thị trường nước ngoài: Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tham gia Hội chợ triển lãm thủy sản; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
6.6. Giải pháp về tổ chức:
- Ở tỉnh: Kiện toàn bộ máy tổ chức Chi cục Thủy sản để giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh. Thành lập Ban quản lý dự án nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giúp Chi cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên toàn tỉnh.
- Ở cấp huyện: Tăng cường cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thủy sản cho phòng nông nghiệp cấp huyện để đảm bảo ít nhất mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 kỹ sư chuyên ngành thủy sản.
- Ở cấp xã: Bồi dưỡng cho cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y thôn bản về lĩnh vực thủy sản coi đây là nhiệm vụ đào tạo các tiểu giáo viên trong lĩnh vực thủy sản.
6.7. Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
- Có chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia giỏi về lĩnh vực thủy sản và tuyển dụng cán bộ tốt nghiệp từ các trường đào tạo chuyên ngành thủy sản về làm việc tại tỉnh.
- Tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực thuỷ sản cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và đội ngũ thanh tra, kiểm soát viên trong lĩnh vực thủy sản để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản.
- Đa dạng các hình thức đào tạo phù hợp với trình độ, tập quán của người dân, để người dân tiếp cận tốt với tiến bộ kỹ thuật, phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 ổn định, bền vững.
6.8. Giải pháp về công tác quản lý sản xuất:
Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi để giảm thiểu rủi ro cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi.
Tăng cường công tác vận động, tập hợp cộng đồng nông, ngư dân tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Chi hội nghề cá, Chi hội nuôi thủy sản, Chi hội sản xuất giống … để bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
6.9. Giải pháp cơ chế, chính sách:
Có cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức và cá nhân đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Khuyến khích hình thành các trang trại chuyên thủy sản hoặc nông lâm thủy sản kết hợp trên những vùng có điều kiện thuận lợi.
Phát triển dịch vụ thủy sản, tổ chức các đơn vị chuyên dịch vụ về thủy sản trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức đồng quản lý nghề cá.
Thực hiện chính sách trợ giá giống thủy sản cho các hộ gia đình, các hợp tác xã, tổ hợp tác làm nghề nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển sản xuất thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao và chính sách thu hút đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển thủy sản của tỉnh.
Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng bản thực hiện chuyển đổi ruộng trũng, lầy thụt trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch bằng các chính sách của địa phương như: Hỗ trợ một phần công đào đắp, hỗ trợ vốn xây dựng hệ thống công trình sản xuất vùng nuôi thủy sản theo quy mô công nghiệp, hoặc các vùng nuôi trên ruộng trũng chuyển đổi tập trung.
6.10. Giải pháp về vốn:
Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2013 - 2020: 509,323 tỷ đồng, trong đó: ngân sách nhà nước 106 tỷ đồng chiếm 20,8%; vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác (doanh nghiệp, nhân dân, vay tín dụng và vốn vay ưu đãi) 403,150 tỷ đồng chiếm 79,2%.
6.11. Giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản:
- Tổ chức điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng nội địa, đánh giá thành phần loài và trữ lượng nguồn lợi thủy sản, đặc điểm, mùa vụ sinh sản, bãi sinh sản của các loài cá trong các thủy vực tự nhiên.
- Thực hiện Quy hoạch 02 khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp tỉnh để bảo tồn nguồn gen các loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Rầm xanh, Anh Vũ, Chiên, Lăng chấm, Bỗng, Chầy đất, Vền, Hỏa...
- Hàng năm thả bổ sung vào các thủy vực tự nhiên một số loài thủy sản bản địa, quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học.
- Xây dựng và thực hiện các giải pháp bảo vệ bãi đẻ tự nhiên của các loài thủy sản. Triển khai các dự án sinh sản nhân tạo cá bản địa để chủ động nguồn giống thả ra vùng nước tự nhiên nhằm thực hiện bảo tồn nguồn gen quý hiếm của tỉnh và của quốc gia.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt và sử dụng các ngư cụ cấm khai thác; điều chỉnh, cơ cấu lại nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản đảm bảo phù hợp; thành lập các tổ chức quản lý nghề cá cộng đồng tại các vùng ven sông, hồ thủy điện.
7. Xác định danh mục các chương trình, dự án ưu tiên.
Tổng số dự án và đề tài: 20 (02 chương trình, 15 dự án và 03 đề tài); nhu cầu vốn thực hiện các dự án, đề tài là: là 509,323 tỷ đồng, trong đó:
7.1. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
7.2. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung trên vùng ruộng chuyển đổi.
7.3. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giống thuỷ sản gồm 03 dự án sau:
a) Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện Tuyên Quang.
b) Dự án đầu tư xây dựng trại cá giống huyện Chiêm Hóa.
c) Dự án đầu tư hiện đại hóa cơ sở sản xuất giống thủy sản để sản xuất con giống thủy sản đặc sản.
7.4. Các dự án phát triển sản xuất hàng hóa gồm 05 dự án sau:
a) Dự án đầu tư xây dựng đặc khu nuôi và chế biến sản phẩm cá Tầm xuất khẩu công nghệ cao tại Tuyên Quang.
b) Dự án đầu tư phát triển cá Tầm thương phẩm tại huyện Na Hang và các địa điểm có vùng sinh thái thích hợp.
c) Dự án xây dựng các vùng nuôi cá lồng đặc sản trên sông.
d) Dự án nuôi các loài thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao trong ao.
đ). Dự án phát triển thủy sản trên hồ thủy lợi.
7.5. Dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gồm 04 dự án sau:
a) Dự án nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản quý hiếm của địa phương có sự tham gia của cộng đồng.
b) Dự án thả cá giống vào các vùng nước nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
c) Dự án tăng cường công tác truyền thông pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
d) Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng và phát triển thủy sản.
7.6. Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ gồm 03 đề tài sau:
a) Đề tài di nhập và thuần hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
b) Đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm một số loài cá bản địa (Rầm Xanh, Anh Vũ, Chày Đất, Chiên, Nheo, Trạch…) để bảo tồn quỹ gen quý hiếm.
c) Đề tài nghiên cứu phương pháp điều trị một số bệnh thường gặp ở động vật thủy sản tại Tuyên Quang.
7.7. Chương trình tăng cường năng lực quản lý thuỷ sản.
7.8. Chương trình xúc tiến thương mại.
7.9. Dự án xây dựng thương hiệu cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Lăng chấm, cá Chiên vùng sông Lô - Gâm Tuyên Quang.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa các nội dung Quy hoạch phát triển thuỷ sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả; chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển thuỷ sản; báo cáo, đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối và đề xuất bố trí vốn từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác hàng năm để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch phát triển thuỷ sản.
3. Các sở, ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển thuỷ sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 24/2007/QĐ-UBND ngày 8/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.