ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3199/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 07 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI QUY ĐỊNH, QUY TRÌNH CAN THIỆP, TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em;
Căn cứ Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục;
Xét Tờ trình số 2554/TTr-LĐTBXH-BVCSTE ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt kế hoạch triển khai quy định, quy trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là kế hoạch triển khai quy định, quy trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (là cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Thông tin - Truyền thông; Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, các ngành có liên quan; Kho bạc Nhà nước tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH QUY ĐỊNH QUY TRÌNH CAN THIỆP, TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3199/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
- Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
- Áp dụng đối với cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong can thiệp và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
II. NGUYÊN TẮC CHUNG:
1. Kế hoạch quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục gồm các bước: tiếp nhận thông tin; kiểm tra, đánh giá nguy cơ sơ bộ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp; thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp. Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp và báo cáo kết quả can thiệp, trợ giúp.
2. Kế hoạch quy định: trẻ em bị bạo lực là nạn nhân của một trong các hành vi: lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em; đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội; cưỡng ép trẻ em lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và những công việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm. Trẻ em bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một trong các hành vi: dâm ô, giao cấu, cưỡng dâm, hiếp dâm.
3. Kế hoạch quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục được xây dựng tại Thông tư số 23/TT-LĐTBXH ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:
1. Hoạt động 1: tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
- Xây dựng kế hoạch để triển khai Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
- Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội về tình trạng ngược đãi, bạo lực trẻ em ở gia đình, cộng đồng đang diễn ra phức tạp trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các vấn đề có liên quan.
- Tuyên truyền Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các nội dung về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
2. Hoạt động 3: tập huấn nâng cao năng lực về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
- Xây dựng chương trình, giáo trình tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và mạng lưới Cộng tác viên của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Tổ chức các lớp tập huấn triển khai Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đến hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp.
3. Xây dựng hệ thống thu thập, giám sát, đánh giá hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
- Tập huấn triển khai thu thập thông tin quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
4. Hoạt động 4: đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY TRÌNH CAN THIỆP, TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC:
A) Tiếp nhận thông tin; kiểm tra, đánh giá nguy cơ sơ bộ; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp:
1. Cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của mọi công dân, cơ quan, tổ chức, trường học…v.v…về các vụ việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
2. Khi tiếp nhận thông tin về vụ việc trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã có trách nhiệm:
a) Ghi chép kịp thời, đầy đủ thông tin về vụ việc.
b) Báo cáo với chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và phối hợp với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, gia đình, trường học, hàng xóm, bạn bè của trẻ em nạn nhân kiểm tra tính xác thực của thông tin, đồng thời bổ sung các thông tin liên quan đến vụ việc bằng cách đến trực tiếp địa bàn hoặc qua điện thoại.
c) Thực hiện đánh giá nguy cơ sơ bộ làm cơ sở đưa ra nhận định về tình trạng hiện tại của trẻ.
d) Trường hợp trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
đ) Báo cáo vụ việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ.
3. Việc tiếp nhận, ghi chép thông tin, tiến hành đánh giá nguy cơ sơ bộ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ trong tình trạng khẩn cấp được thực hiện theo mẫu hướng dẫn (Mẫu số 1).
B) Thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
1. Cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã phối hợp với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
2. Nội dung thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể bao gồm:
a) Thu thập thông tin liên quan đến môi trường sống của trẻ (tình trạng trẻ trong quá khứ và hiện tại, mối quan hệ của trẻ với các thành viên trong gia đình; mối quan hệ của trẻ với đối tượng xâm hại; mối quan hệ của trẻ với môi trường chăm sóc trẻ…).
b) Trên cơ sở các thông tin liên quan, thực hiện đánh giá nguy cơ cụ thể đối với trẻ nhằm xác định các vấn đề và nhu cầu của trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp phù hợp, hiệu quả.
c) Thu thập bằng chứng cho việc tố giác tội phạm, làm cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
3. Việc thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể đối với các trường hợp thực hiện theo mẫu hướng dẫn (Mẫu số 2).
C) Xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
1. Cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã phối hợp với cán bộ các ngành: Công an, Tư pháp, Y tế, Giáo dục - Đào tạo và các tổ chức đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
2. Kế hoạch can thiệp, trợ giúp dựa trên cơ sở các kết luận của việc đánh giá nguy cơ tại Mẫu 2 và ý kiến thống nhất của cán bộ các ngành liên quan, bao gồm các nội dung sau:
a) Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các vấn đề cần giải quyết của trẻ;
b) Chỉ ra các nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp để giải quyết từng vấn đề của trẻ;
c) Xác định mục tiêu cần đạt được để giải quyết các vấn đề và đáp ứng các
nhu cầu cơ bản của trẻ trên cơ sở nguồn lực và khả năng hiện có;
d) Xác định các biện pháp can thiệp, trợ giúp và nguồn lực cần hỗ trợ để đạt được mục tiêu;
đ) Đề xuất trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị trong việc phối hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
3. Kế hoạch can thiệp, trợ giúp trường hợp được xây dựng theo mẫu hướng dẫn (Mẫu số 3) và trình Ủy ban nhân dân cấp xã thông qua.
D) Thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp.
1. Căn cứ vào kế hoạch được thông qua, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã phối hợp với các cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
2. Khi thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã có trách nhiệm:
a) Theo dõi, giám sát việc thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động can thiệp, trợ giúp cho phù hợp;
b) Vận động cộng đồng, cá nhân, tổ chức tham gia và hỗ trợ nhằm đáp ứng các nhu cầu chăm sóc cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục;
c) Kết nối với các dịch vụ sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
3. Việc theo dõi, giám sát tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp theo mẫu hướng dẫn (Mẫu số 4).
E) Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp và báo cáo kết quả can thiệp, trợ giúp.
1. Cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá nguy cơ đối với trẻ sau khi thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp.
2. Việc đánh giá nguy cơ đối với trẻ sau khi thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp nhằm đưa ra các nhận định, kết luận về tình trạng của trẻ, làm cơ sở đề xuất các giải pháp tiếp theo:
a) Nếu trẻ không còn nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ ổn định, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã lưu hồ sơ và báo cáo theo quy định;
b) Nếu trẻ vẫn có nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục hoặc các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ chưa ổn định, cần tiếp tục rà soát, đánh giá nguy cơ, kết quả can thiệp, trợ giúp lần trước và xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp tiếp theo.
3. Việc rà soát, đánh giá nguy cơ đối với trẻ sau khi thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp theo mẫu hướng dẫn (Mẫu số 5).
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC:
1. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo hệ thống ngành tổ chức thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
b) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em, từng bước đáp ứng nhu cầu can thiệp, trợ giúp của trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, lập đường dây tư vấn để kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em, cử cán bộ có kiến thức pháp luật hoặc liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý giúp đỡ trẻ em, gia đình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục về mặt pháp luật để bảo vệ tốt quyền và lợi ích của các đối tượng này tại các phiên Tòa khi vụ việc được đưa ra xét xử.
c) Hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp xã và cấp huyện.
d) Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
2. Trách nhiệm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
b) Phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các loại hình dịch vụ trợ giúp trẻ em; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập các điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn.
c) Hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp xã.
d) Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:
a) Phân công cán bộ, bố trí phương tiện và điểm tiếp nhận thông báo về trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
b) Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cá nhân, gia đình và cộng đồng phát hiện, cung cấp thông tin về trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
c) Chỉ đạo việc xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
d) Chỉ đạo các ban, ngành liên quan xây dựng các loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em, hình thành mạng lưới cộng tác viên người lớn, mạng lưới cộng tác viên trẻ em, điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn.
đ) Huy động nguồn lực, đáp ứng tối đa việc thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em trong trường hợp trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
e) Lưu trữ hồ sơ can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Định kỳ 6 tháng và năm báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục tại địa phương và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện:
Định kỳ 6 tháng và năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình, kết quả thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục tại địa phương và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:
Định kỳ 6 tháng và năm báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện về tình hình, kết quả thực hiện công tác can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục tại địa phương và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
VII. KINH PHÍ:
Kinh phí thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm cho các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.