UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3180/2016/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 19 tháng 12 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ GIAO ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU SỞ, NGÀNH, ĐƠN VỊ VÀ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN, HUYỆN TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;
Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tại Tờ trình số 14/TTr-VP ngày 09/12/2016 và theo báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 89/BCTĐ-STP ngày 07/12/2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tại thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 12 năm 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ GIAO ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU SỞ, NGÀNH, ĐƠN VỊ VÀ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN, HUYỆN TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3180/2016/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về tiêu chí, cách thức đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tại thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (sau đây gọi chung là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương).
2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, phân loại
1. Việc đánh giá, phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương bảo đảm thực chất, khách quan, công bằng và công khai, minh bạch.
2. Kết quả việc đánh giá, phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ phải phản ánh đúng kết quả hoạt động công tác chỉ đạo, điều hành, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của các sở, ngành, đơn vị và địa phương mà người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý.
3. Việc đánh giá, phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương phải bảo đảm thống nhất, là căn cứ quan trọng để xem xét quyết định công tác thi đua, khen thưởng; làm cơ sở để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức và xem xét xử lý trách nhiệm công vụ của người đứng đầu theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể:
a) Hàng năm, người đứng đầu được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, tặng Bằng khen.
b) Trong nhiệm kỳ giữ chức vụ, người đứng đầu có 01 năm bị đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê bình. Trong 02 năm liên tục, người đứng đầu bị đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ xem xét, quyết định về công tác cán bộ theo quy định.
4. Đánh giá, phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu đảm bảo theo các tiêu chí tại Quy định này và các văn bản khác có liên quan, được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Chương II
TIÊU CHÍ, CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Điều 4. Tiêu chí đánh giá
1. Nhóm tiêu chí định lượng (đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao):
a) Đối với các nhiệm vụ, nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của cơ quan, đơn vị và địa phương đăng ký và được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận, phê duyệt trong Chương trình công tác năm của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Đối với các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao thông qua các văn bản chỉ đạo, điều hành (công văn, thông báo, kết luận...); văn bản hành chính (quyết định, chỉ thị, kế hoạch...); bao gồm cả trách nhiệm chủ trì (phối hợp) thực hiện.
Đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, ngoài các nhiệm vụ chuyên môn được giao thực hiện như các cơ quan, đơn vị khác, nếu trong văn bản chỉ đạo, điều hành có xác định cụ thể nhiệm vụ Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố phải đôn đốc các ngành, đơn vị và địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao thì nhiệm vụ đôn đốc đó được tính điểm như nhiệm vụ chuyên môn.
2. Nhóm tiêu chí định tính (đánh giá về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính):
a) Việc thực hiện chế độ hội họp theo chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Kết quả thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định của pháp luật.
c) Các sáng kiến, đề tài mang tính mới, sáng tạo, được công nhận và áp dụng thực hiện trong hoạt động quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng nhiệm vụ, hoạt động của cơ quan, đơn vị và địa phương.
d) Kết quả thực hiện quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, giữ gìn đoàn kết nội bộ tại cơ quan, đơn vị và địa phương.
đ) Ý kiến nhận xét, đánh giá của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương phụ trách về kết quả công tác lãnh đạo, điều hành chung.
Điều 5. Cơ cấu điểm đánh giá
Điểm đánh giá làm cơ sở để phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu có tổng điểm tối đa đạt được là 100 (chưa bao gồm điểm thưởng, do vượt thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được giao quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 6 Quy định này), gồm: Điểm đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này, có thang điểm tối đa là 50 điểm và điểm đánh giá dựa trên kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính quy định tại Khoản 2, Điều 4 Quy định này, có thang điểm tối đa là 50 điểm.
Điều 6. Cách tính điểm đối với các tiêu chí đánh giá
1. Cách tính điểm:
a) Mỗi nhiệm vụ, nhiệm vụ trọng tâm xác định trong Chương trình công tác năm của Ủy ban nhân dân thành phố và các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này, nếu hoàn thành theo đúng quy định (về thời hạn, chất lượng được Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt) được tính 10 điểm. Trên cơ sở tổng số điểm đạt được cộng lại chia trung bình cho tổng số nhiệm vụ được giao, quy đổi theo thang điểm 50.
b) Điểm đánh giá đối với từng tiêu chí về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành và thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính quy định tại Khoản 2, Điều 4 Quy định này, có thang điểm tối đa tương ứng với từng tiêu chí là 10 (mười) điểm, chia ra bốn mức: Tốt được 10 (mười) điểm; khá được 7 (bảy) điểm; trung bình được 5 (năm) điểm; không tốt không được điểm.
2. Cách tính điểm cụ thể đối với nhóm tiêu chí định lượng:
a) Nếu nhiệm vụ được giao có cả tiêu chí định lượng về khối lượng công việc (sản phẩm thực hiện) và thời hạn hoàn thành thì đạt điểm tối đa khi bảo đảm đúng yêu cầu cả tiêu chí định lượng về sản phẩm thực hiện và thời hạn theo quy định.
b) Nếu nhiệm vụ được giao chỉ yêu cầu định lượng về sản phẩm thực hiện mà không quy định về thời hạn hoàn thành thì đạt điểm tối đa khi bảo đảm đúng yêu cầu về tiêu chí định lượng về sản phẩm thực hiện theo quy định.
c) Trong trường hợp, một nhiệm vụ có các tiêu chí định lượng theo tỷ lệ%, nếu đảm bảo về thời hạn (hoặc nhiệm vụ không xác định về thời hạn) thì xác định điểm như sau:
- Đạt điểm tối đa: 10 (mười) điểm nếu hoàn thành 100%; đạt 9 (chín) điểm nếu hoàn thành từ 90% đến dưới 100%; đạt 8 (tám) điểm nếu hoàn thành từ 80% đến dưới 90%; đạt 7 (bảy) điểm nếu hoàn thành từ 70% đến dưới 80%; đạt 6 (sáu) điểm nếu hoàn thành từ 60% đến dưới 70%; đạt 5 (năm) điểm nếu hoàn thành từ 50% đến dưới 60%; không được điểm nếu hoàn thành dưới 50%.
- Thưởng điểm, nếu hoàn thành vượt mức kế hoạch: Từ 10 đến 30% được cộng thêm 1 (một) điểm; từ 31 đến 50% được cộng thêm 2 (hai) điểm; từ 51 đến 70% được cộng thêm 3 (ba) điểm; từ 70% trở lên được cộng thêm 5 (năm) điểm. Không áp dụng thưởng điểm đối với nhiệm vụ định tính và nhiệm vụ không thực hiện được (do lỗi chủ quan) phải điều chỉnh sang nội dung khác, điều chỉnh về thời gian.
d) Nhiệm vụ được giao có xác định thời gian thực hiện cụ thể chỉ được tính điểm nếu hoàn thành trong thời hạn được giao; nếu được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố gia hạn thực hiện, thì tính thời hạn trong thời gian đã được gia hạn.
đ) Đối với những nhiệm vụ được giao, cơ quan, đơn vị và địa phương đã tổ chức thực hiện, nhưng không hoàn thành được do nguyên nhân khách quan, đã báo cáo và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thì không tính điểm đối với nhiệm vụ đó.
3. Trừ điểm:
a) Cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc cá nhân người đứng đầu bị Thành ủy (Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy), Hội đồng nhân dân thành phố (Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố), Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ra văn bản phê bình, nhắc nhở do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng ý kiến, chỉ đạo: Mỗi lần bị phê bình, nhắc nhở trừ 5 (năm) điểm.
b) Thực hiện nhiệm vụ được giao, khi đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định; nếu chất lượng không bảo đảm bị trả lại để hoàn thiện, mỗi lần bị trả lại trừ 5 (năm) điểm; nếu không được thông qua do không đảm bảo quy định của pháp luật, công tác chuẩn bị sơ sài, không thuyết phục, mỗi lần trừ 10 (mười) điểm.
c) Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và địa phương không thực hiện tốt quy định về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã bị đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn không giải quyết hoặc để công dân khiếu nại, tố cáo tập trung đông người lên thành phố, Trung ương trừ 15 (mười lăm) điểm.
d) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản có nội dung sai sót phải sửa đổi, điều chỉnh, mỗi văn bản trừ 5 (năm) điểm; bị đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ, mỗi văn bản trừ 10 (mười) điểm; bị cơ quan có thẩm quyền có ý kiến bằng văn bản về văn bản đã ban hành là trái pháp luật, mỗi văn bản trừ 15 (mười lăm) điểm.
Điều 7. Điểm đánh giá, mức độ phân loại trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương
1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi có tổng số điểm đánh giá đạt từ 95 điểm trở lên.
2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi có tổng số điểm đánh giá đạt từ 85 đến dưới 95 điểm.
3. Hoàn thành nhiệm vụ, khi có tổng số điểm đánh giá đạt từ 70 đến dưới 85 điểm.
4. Không hoàn thành nhiệm vụ, khi có tổng số điểm đánh giá đạt dưới 70 điểm.
Điều 8. Thời gian, quy trình đánh giá và phân loại
1. Từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 12 hàng năm, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tự chấm điểm đối với các tiêu chí đánh giá quy định tại Khoản 1, điểm a, b, c, d Khoản 2, Điều 4 Quy định này và gửi báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để tổng hợp).
2. Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 12 hàng năm, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến nhận xét, đánh giá đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương phụ trách về kết quả công tác lãnh đạo, điều hành chung và gửi ý kiến đánh giá, chấm điểm về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để tổng hợp.
3. Chậm nhất trước ngày 15 tháng 01 năm liền kề với năm đánh giá, trên cơ sở ý kiến đánh giá, chấm điểm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và kết quả tự chấm điểm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm tổng hợp, thẩm định điểm tự chấm của người đứng đầu và dự kiến phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định tại Điều 7 Quy định này và sắp xếp theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp; lập báo cáo, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định đánh giá, phân loại và chỉ đạo việc công bố công khai kết quả phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương làm căn cứ để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng năm theo quy định pháp luật.
Quyết định đánh giá, phân loại gửi báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ và thông báo tới các cơ quan, đơn vị và địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương biết, thực hiện.
Điều 9. Hồ sơ trình ban hành Quyết định về việc đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu
1. Báo cáo kết quả tự chấm điểm, đánh giá của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương.
2. Ý kiến đánh giá, chấm điểm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Báo cáo thẩm định và tổng hợp kết quả điểm đánh giá, dự kiến phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương.
4. Các văn bản, tài liệu có liên quan làm cơ sở cho việc thẩm định, xác định, đánh giá và phân loại.
5. Dự thảo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố
1. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, thẩm định và tổng hợp việc đăng ký các nhiệm vụ, nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành, quận, huyện; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt, ban hành Chương trình nhiệm vụ công tác năm của Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác, có cơ cấu gồm: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố làm Tổ trưởng; đại diện một số sở, ngành có liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Thanh tra thành phố; mời đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy tham gia Tổ công tác; Phòng Kiểm tra, giám sát và Thi đua, khen thưởng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố là bộ phận thường trực của Tổ công tác để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quy định này.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
Căn cứ Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương, tổng hợp, đề xuất việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Điều 12. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương
1. Căn cứ các Nghị quyết của Trung ương Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố, Nghị quyết của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và tình hình thực tế của thành phố, của ngành, địa phương theo từng năm để xác định, đề xuất các nhiệm vụ, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong Chương trình nhiệm vụ công tác năm của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Căn cứ Quy định này, cụ thể hóa thành Quy định của ngành, địa phương để tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu các tổ chức, đơn vị trực thuộc cơ quan, đơn vị và địa phương.
3. Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy định này và các nhiệm vụ khác có liên quan./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.