BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
SỐ: 318-QĐ | Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1965 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI THI TỐT NGHIỆP CẤP III BỔ TÚC VĂN HÓA NGOÀI GIỜ LÀM VIỆC
Căn cứ Nghị định số 198-CP ngày 7-1-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;
Căn cứ quy chế tạm thời của các trường bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởngVụ Giáo dục cấp III.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – Ban hành quy chế tạm thời thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc.
Điều 2. – Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh thành; các ông chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục cấp III chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
QUY CHẾ TẠM THỜI
THI TỐT NGHIỆP BỔ TÚC VĂN HÓA CẤP III NGOÀI GIỜ LÀM VIỆC
Chương 1
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. - Kỳ thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa nhằm kiểm tra và xác nhận trình độ văn hóa cấp III (từng ban hay từng môn) của cán bộ, công nhân và nhân dân lao động.
Thể lệ kỳ thi tốt nghiệp còn nhằm mục đích đẩy mạnh phong trào học tập, khuyến khích động viên cán bộ, công nhân và nhân dân lao động đi học, đẩy mạnh phong trào tự học, đồng thời đưa việc học dần dần vào nề nếp, bảo đảm chất lượng giảng dạy và học tập bổ túc văn hóa.
Điều 2. - Kỳ thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa tổ chức cho những thí sinh dưới đây:
- Cán bộ, công nhân, nhân dân lao động đang theo học ở các trường bổ túc văn hóa bằng các hình thức khác nhau;
- Cán bộ, công nhân, nhân dân lao động tự học từng môn hay một số môn.
Điều 3. – Thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc tổ chức mỗi năm một kỳ. Ngày thi và thời gian thi do Bộ ấn định.
Điều 4. - Bộ lãnh đạo kỳ thi qua các văn bản hướng dẫn, quản lý chương trình hạn chế thi và ra đề thi.
Các Sở, Ty Giáo dục trực tiếp tổ chức và lãnh đạo kỳ thi.
Điều 5. - Được dự thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa những thí sinh sau đây:
- Những học viên học hết chương trình cấp III bổ túc văn hóa trong năm học ở các trường bổ túc văn hóa đã được đăng ký của Sở hoặc Ty giáo dục;
- Những học viên đã học hết chương trình cấp III trong những năm trước ở các trường bổ túc văn hóa đã được đăng ký của Sở hoặc Ty Giáo dục;
- Những học sinh phổ thông không tốt nghiệp lớp 10 hoặc đã học hết chương trình cấp III nhưng đã tham gia sản xuất và công tác từ hai năm trở lên;
- Những cán bộ, công nhân và nhân dân lao động tự học.
Điều 6. – Không được dự thi tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa những người sau đây:
- Những học viên phạm kỷ luật bị đuổi ra khỏi trường;
- Những học sinh phổ thông chưa tốt nghiệp lớp 10 nhưng chưa tham gia sản xuất hoặc công tác theo quy định thời hạn nói trên.
Điều 7. - Hồ sơ thi: Trường bổ túc văn hóa đã được đăng ký của Sở hoặc Ty Giáo dục lập danh sách học viên đủ điều kiện thi.
Hồ sơ của mỗi thí sinh gồm những giấy tờ sau đây:
- Đơn xin dự thi,
- Học bạ do trường bổ túc văn hóa cấp III cấp,
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp II.
- Giấy chứng nhận của cơ sở sản xuất và công tác chứng nhận mình là người trực tiếp sản xuất hoặc công tác ở cơ sở đó.
Đối với thí sinh tự học phải nộp giấy tự khai quá trình học hết chương trình bổ túc văn hóa cấp III được ban chấp hành các đoàn thể (công đoàn hoặc đoàn Thanh niên lao động) mà thí sinh sinh hoạt thông qua và đề nghị cho dự thi đồng thời có thị thực của thủ trưởng cơ sở sản xuất hoặc công tác.
Thời gian học mỗi ban phải từ ba năm trở lên. Thời gian học một hay hai môn có thể ngắn hơn.
Điều 8. - Hồ sơ thi và danh sách thí sinh dự thi phải nộp cho Sở hoặc Ty Giáo dục trước ngày thi là 20 ngày.
Trường hợp đặc biệt: Những người do thuyên chuyển công tác hay do cơ quan sơ tán thì có thể nộp hồ sơ thi chậm hơn cũng được dự thi.
Chương 2
CHƯƠNG TRÌNH THI, BÀI THI
Điều 9. – Chương trình thi là chương trình hạn chế của Bộ Giáo dục.
Mỗi khóa thi Bộ ra đề thi thống nhất cho tất cả các hội đồng thi.
Điều 10. - Chủ tịch Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm giữ bí mật đề thi.
Điều 11. – Bài thi gồm có:
Toán – Lý – Hóa
Văn - Sử - Địa.
Thí sinh có thể đăng ký thi theo ban (Toán, lý, hóa; Văn, sử, địa) hoặc đăng ký theo từng môn.
Điều 12. – Các bài thi đều cho điểm 5 bậc. Thể lệ chấm thi quy định như thi phổ thông.
Chương 3
ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN
Điều 13. – Xét trúng tuyển theo môn và theo ban.
Điều kiện trúng tuyển: bài thi phải đạt điểm 3 trở lên.
Điều 14. – Xét vớt: Chỉ xét vớt những thí sinh thi cả ba môn trong một khóa thi.
Không xét vớt những thí sinh thi hai môn hoặc một môn dù hai môn kia đã trúng tuyển khóa trước.
Điều kiện xét vớt:
Những thí sinh có một điểm 2 nhưng một trong hai môn kia phải đạt điểm 4.
Điều 15. - Hội đồng thi công bố kết quả trúng tuyển tạm thời của kỳ thi cho thí sinh. Kết quả này chỉ coi là chính thức sau khi được Bộ duyệt y.
Điều 16. - Quản lý và cấp phát giấy chứng nhận:
Các Sở, Ty Giáo dục cấp giấy chứng nhận và quản lý sổ cấp giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận cho cả ban do Bộ in thống nhất gửi cho các Sở, Ty Giáo dục.
Giấy chứng nhận cho bộ môn thì Sở, Ty Giáo dục tự in lấy theo mẫu thống nhất của Bộ gửi kèm theo.
Điều 17. - Giấy chứng nhận tốt nghiệp từng ban có giá trị được xét dự thi vào học các trường chuyên nghiệp (đại học, trung cấp) theo yêu cầu đào tạo ở các trường này.
Đủ giấy chứng nhận tốt nghiệp ba môn trong mỗi ban có giá trị như tốt nghiệp ban đó.
Chương 4
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 18. - Hội đồng chấm thi khen thưởng những thí sinh đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Các bài thi đều đạt điểm 4 trở lên;
- Thí sinh đó là lao động tiên tiến của cơ sở sản xuất và công tác.
Các Sở, Ty Giáo dục ghi khen thưởng của Hội đồng chấm thi vào giấy chứng nhận trúng tuyển của thí sinh và báo cho đơn vị mà thí sinh đang công tác hoặc sản xuất biết.
Điều 19. - Những thí sinh phạm sai lầm trong kỳ thi thì tùy theo lỗi nặng nhẹ mà có kỷ luật thích đáng.
Những thí sinh gian lận trong kỳ thi nhưng sau này mới phát hiện được thì sẽ hủy bỏ kết quả trúng tuyển, thu hồi giấy chứng nhận và tùy theo lỗi nặng nhẹ mà cấm không cho dự thi một khóa hay hai khóa.
Việc đuổi thí sinh ra khỏi phòng thi do chủ tịch hội đồng thi quyết định và ghi rõ vào biên bản kỳ thi. Việc hủy bỏ kết quả trúng tuyển và thu hồi giấy chứng nhận do Bộ quyết định.
Chương 5
Điều 20. – Các Sở, Ty Giáo dục lập danh sách hội đồng thi đề nghị Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh duyệt.
Thành phần Hội đồng thi:
Ban lãnh đạo:
- Một đại biểu của Ủy ban hành chính.
- Một đại biểu của Liên hiệp công đoàn hoặc Đoàn thanh niên lao động tùy theo đối tượng thí sinh.
- Một đại biểu của Sở, Ty Giáo dục.
Thư ký: Trong ban thư ký có đại biểu của Sở, Ty Giáo dục.
Giám khảo: Giám khảo là giáo viên cấp III được Bộ công nhận.
Điều 21. – Tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương mà Sở, Ty Giáo dục có thể tổ chức nhiều Hội đồng coi thi nhưng chỉ thành lập một hội đồng chấm thi.
Việc bố trí, tổ chức Hội đồng coi thi phải linh hoạt thích hợp với tình hình để bảo đảm kỳ thi cho thí sinh.
Lề lối làm việc của Hội đồng thi: tổ chức; coi thi, chấm thi, xét duyệt giống như những điều đã quy định trong quy chế thi phổ thông do Bộ ban hành kèm theo quyết định số 196-QĐ ngày 17-4-1963.
Chương 6
GIẤY TỜ, SỔ SÁCH, BÁO CÁO
Điều 22. - Giấy tờ sổ sách quy định như kỳ thi phổ thông.
Điều 23. – Báo cáo về Bộ:
- Một biên bản của Hội đồng coi thi,
- Một biên bản của Hội đồng chấm thi có nhận xét trình độ thí sinh,
- Những đề nghị cụ thể.
Bản quy chế này được ban hành kèm theo quyết định số 318-QĐ ngày 19-5-1965
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.