THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 316/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2020 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH HIỆU QUẢ HỆ THỐNG CẢNH BÁO SỚM VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 05 tháng 11 năm 2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp;
Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu;
Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” (viết tắt là Đề án) với những nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu chung
a) Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng vệ thương mại, giúp nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
b) Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
c) Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nắm tình hình, thường xuyên cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam; học tập kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện Hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng mạng lưới các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước; xây dựng chiến lược, sách lược và thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại.
d) Tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách và thực tiễn các vụ kiện phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ luật sư để nâng cao năng lực, trình độ pháp luật quốc tế; từng bước giúp Việt Nam chủ động trong việc cảnh báo và xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại trong và ngoài nước.
đ) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.
e) Tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
g) Nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước và quốc tế có liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2021:
- Xây dựng hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin để lưu trữ, xử lý dữ liệu và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiến hành theo dõi, phân tích các mặt hàng nhập khẩu đang bị Việt Nam điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm phát hiện và cảnh báo nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đánh giá hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiến hành theo dõi, phân tích và cảnh báo đối với 10 đối tác thương mại lớn thường xuyên điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam;
- Xây dựng hệ thống đầu mối cung cấp thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để đảm bảo chủ động trong việc áp dụng, phòng, tránh và ứng phó với các biện pháp này của nước ngoài;
- Ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cảnh báo và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại;
- Xây dựng và phổ biến Bản tin phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm cho các đối tượng liên quan;
- Bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra và ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại cho 200 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan bộ, ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm tăng cường khả năng cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại;
- Nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho 10 hiệp hội ngành hàng và 500 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để nhận biết các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại, chủ động phòng, tránh, ứng phó với các vụ kiện một cách hiệu quả và chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
b) Đến năm 2025:
- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích và trang thông tin điện tử để vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm và để tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp và phân tích thiệt hại;
- Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở dữ liệu để theo dõi các mặt hàng nhập khẩu đang bị Việt Nam điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có khả năng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng nhập khẩu có mức tăng đột biến, các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, nhằm phát hiện và cảnh báo dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đánh giá hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, nâng cao khả năng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại;
- Hoàn thiện và nâng cấp cơ sở dữ liệu và duy trì cập nhật thông tin, phần mềm cảnh báo sớm để theo dõi và cảnh báo đối với 20 đối tác thương mại lớn thường xuyên điều tra biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam;
- Xây dựng mạng lưới các chuyên gia uy tín, dày dạn kinh nghiệm trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phòng vệ thương mại;
- Bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về điều tra, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế về phòng vệ thương mại cho 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan bộ, ngành và địa phương tham gia lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm tăng cường khả năng cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại;
- Nâng cao kiến thức về phòng và thương mại cho 30 hiệp hội ngành hàng và 5.000 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để nhận biết các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại, chủ động phòng, tránh, ứng phó với các vụ kiện một cách hiệu quả và chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
1. Về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật
- Rà soát, đối chiếu Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại với các Hiệp định, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả các Hiệp định, Điều ước quốc tế thông qua việc nâng cao năng lực điều tra, cảnh báo sớm và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước;
- Rà soát các quy định, điều khoản trong các Điều ước quốc tế, Hiệp định thương mại tự do quốc tế, đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên nhằm kịp thời đối chiếu, thay đổi cho phù hợp với thực trạng pháp lý và nền kinh tế của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thương của nền kinh tế;
- Triển khai chiến lược của Việt Nam về vấn đề đối thoại và vận động công nhận kinh tế thị trường với các đối tác thương mại lớn trong bối cảnh mới;
- Xây dựng và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin cảnh báo, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và các rào cản thương mại có tính chất tương đương nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam một cách kịp thời;
- Xây dựng hệ thống đầu mối thông tin tại các bộ, ngành, hiệp hội, cơ quan đại diện Việt Nam tại một số thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, cảnh báo, ứng phó và điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại để đảm bảo chủ động trong việc điều tra, ứng phó với các biện pháp này.
2. Về việc xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm
- Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, máy chủ, đường truyền để phục vụ công tác phân tích và cảnh báo theo hướng đồng bộ, hiện đại và đáp ứng nhu cầu cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm khai thác hiệu quả lợi ích và hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ việc hội nhập kinh tế quốc tế;
- Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn theo từng giai đoạn; cơ sở dữ liệu về hệ thống pháp luật trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phòng vệ thương mại; cơ sở dữ liệu về các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến Việt Nam;
- Xây dựng phần mềm phân tích, tính toán và cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cảnh báo nguy cơ hàng hóa nước ngoài lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Việt Nam áp dụng; đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng; phân tích, tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp, tính toán thiệt hại của ngành sản xuất trong nước;
- Xây dựng cơ chế thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau về sự thay đổi chính sách phòng vệ thương mại, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, các nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại cũng như thông tin về các vụ việc đang điều tra, áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
- Xây dựng trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ và hiệu quả trong lĩnh vực phòng vệ thương mại và thông tin cảnh báo các nguy cơ về các vụ việc phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp có đủ thời gian để ứng phó vụ việc, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp;
- Xây dựng và phổ biến Bản tin phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm để cung cấp thông tin, kết quả phân tích và kết quả cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho các đối tượng có liên quan nhằm phối hợp phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước một cách phù hợp.
3. Về việc nâng cao năng lực sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm
- Xây dựng mạng lưới các chuyên gia uy tín, dày dạn kinh nghiệm trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phòng vệ thương mại;
- Tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ về điều tra, ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan bộ, ngành, địa phương tham gia lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm tăng cường khả năng cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại;
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến về Hệ thống cảnh báo sớm và kiến thức về phòng vệ thương mại cho các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng cường khả năng chủ động trong việc đấu tranh pháp lý với các vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nâng cao năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước;
- Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các chuyên gia pháp lý, các trường đại học, viện nghiên cứu và các luật sư trong nước nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp;
- Tổ chức các hoạt động hợp tác với các cơ quan phòng vệ thương mại nước ngoài và các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại và bảo vệ tối đa lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;
- Phối hợp và chia sẻ thông tin hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan truyền thông, báo chí về phòng vệ thương mại trong quá trình khởi xướng, điều tra, áp dụng và rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
- Phối hợp với các cơ quan phòng vệ thương mại và các cơ quan hải quan các nước có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn với Việt Nam để theo dõi, giám sát tình hình xuất nhập khẩu, phòng tránh hiện tượng gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.
1. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án:
- Kinh phí thực hiện Đề án gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế, và các nguồn hợp pháp khác;
- Nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ: Cập nhật cơ sở dữ liệu (thuộc Hệ thống cảnh báo sớm) và thông tin cần thiết cho Hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, biên soạn, phát hành các tài liệu thông tin tuyên truyền về phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm, tuyên truyền phổ biến nâng cao khả năng sử dụng hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cảnh báo sớm và tham gia vào điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại;
- Nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin cần thiết, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích tính toán và xây dựng, cập nhật trang thông tin điện tử để vận hành Hệ thống cảnh báo sớm;
- Nguồn kinh phí xã hội hóa, kinh phí đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phổ biến kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các nhiệm vụ khác.
2. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí nêu tại khoản 1 để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án áp dụng theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.
1. Bộ Công Thương
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức sơ kết và tổng kết tình hình thực hiện Đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án hàng năm.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động cảnh báo sớm; xây dựng và phê duyệt Danh mục hàng hóa, thị trường trọng tâm cần tăng cường hoạt động cảnh báo sớm phòng vệ thương mại; hàng năm tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện việc đẩy mạnh áp dụng Hệ thống cảnh báo sớm theo tiêu chí đảm bảo nhập khẩu hiệu quả, phù hợp và hướng tới xuất khẩu bền vững.
c) Chủ trì xây dựng kế hoạch, dự toán, phân bổ và giao dự toán kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai Đề án.
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và cập nhật Danh sách đầu mối liên lạc và quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra; giám sát, cảnh báo và ngăn chặn hành vi lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài; chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.
đ) Phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin, số liệu thống kê xuất nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại và các lĩnh vực để triển khai nhiệm vụ của mỗi bên trong năm 2020.
e) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ và các chứng từ tương đương nhằm phòng, tránh nguy cơ nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do lẩn tránh xuất xứ.
g) Định kỳ hàng quý cung cấp cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) Danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hoặc có nguy cơ bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
h) Định kỳ hàng năm cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư Danh mục những lĩnh vực dư thừa công suất và có nguy cơ nước ngoài đầu tư nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước đang áp dụng.
i) Phối hợp thường xuyên với các hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và đội ngũ luật sư trong việc tuyên truyền phổ biến, nâng cao trình độ và kiến thức về phòng vệ thương mại, khả năng sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, đấu tranh pháp lý với các vụ kiện nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
k) Định kỳ hàng năm cung cấp cho Bộ Ngoại giao danh sách các nước đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam trong từng giai đoạn để làm cơ sở chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất về nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp tương đương.
l) Xây dựng bộ tiêu chí cho hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
2. Bộ Tài chính
a) Phối hợp với Bộ Công Thương giám sát việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm phát hiện, điều tra và xử lý các hành vi gian lận, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin, số liệu thống kê xuất nhập khẩu và Danh mục các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra liên quan đến các vụ việc phòng vệ thương mại trong năm 2020.
c) Định kỳ hàng năm bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế, kinh phí chi thường xuyên trên cơ sở kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách do Bộ Công Thương xây dựng và khả năng cân đối ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, đảm bảo mục tiêu chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững.
b) Cung cấp số liệu thống kê về đầu tư và sản xuất trong nước trong phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của Bộ Công Thương để phục vụ công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại.
4. Bộ Ngoại giao
a) Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất về nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp có tính chất tương đương.
b) Tiếp tục triển khai vận động chính trị - ngoại giao với các đối tác để công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam trong bối cảnh mới.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi và cảnh báo nguy cơ các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp có tính chất tương đương.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc phòng, tránh, ứng phó và đấu tranh pháp lý với các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp có tính chất tương đương do các nước áp dụng đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam.
6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thành viên:
a) Tham gia phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hội, hiệp hội thành viên tham gia thực hiện nội dung của Đề án.
b) Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Đề án đến các doanh nghiệp liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia thực hiện.
c) Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thông tin kết quả cảnh báo sớm đến các doanh nghiệp, hiệp hội thành viên đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để phòng, tránh và ứng phó với nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại và các vụ việc có tính chất tương đương.
7. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án, trao đổi thông tin, đánh giá, nhận định về các rủi ro đối với quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác, kinh nghiệm, xu hướng phòng vệ thương mại của các đối tác liên quan đến Việt Nam, các dấu hiệu gian lận thương mại tại các địa phương.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
| THỦ TƯỚNG |
CÁC NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH HIỆU QUẢ HỆ THỐNG CẢNH BÁO SỚM VỀ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI”
(Kèm theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên nhiệm vụ | Sản phẩm | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Rà soát Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực điều tra, cảnh báo sớm và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước | Báo cáo rà soát văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại và kiến nghị sửa đổi | Bộ Công Thương | - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính | 2020 - 2022 |
2 | Ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin cảnh báo, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và các rào cản thương mại có tính chất tương đương nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam một cách kịp thời | Quyết định của Thủ tướng Chính phủ | Bộ Công Thương | Các bộ, ngành | 2020 |
3 | Xây dựng Danh sách đầu mối liên lạc của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội về cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại | Danh sách đầu mối liên lạc | Bộ Công Thương | Các bộ, ngành | 2020 - 2022 |
4 | Xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện Biên bản hợp tác về trao đổi thông tin, số liệu thống kê xuất nhập khẩu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) | Biên bản hợp tác | Bộ Công Thương | Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) | 2020 |
5 | Đánh giá kết quả 10 năm vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ | Bộ Ngoại giao | - Bộ Công Thương - Bộ Tư pháp | 2020 - 2021 |
6 | Triển khai các hoạt động để vận động công nhận kinh tế thị trường với các đối tác thương mại lớn trong bối cảnh mới | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ | Bộ Ngoại giao | Bộ Công Thương | 2021 - 2025 |
1 | Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy chủ, đường truyền để phục vụ công tác phân tích và cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, nghiên cứu kết hợp cơ sở hạ tầng của Trung tâm báo cáo và phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ | Trang thiết bị của hệ thống | Bộ Công Thương | - Văn phòng Chính phủ - Bộ Tài chính - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam | 2020 - 2021 |
2 | Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam và các đối tác thương mại lớn theo từng giai đoạn; cơ sở dữ liệu về hệ thống pháp luật trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phòng vệ thương mại; cơ sở dữ liệu về các vụ việc phòng vệ thương mại có liên quan đến Việt Nam | Cơ sở dữ liệu | Bộ Công Thương | - Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 2020 - 2021 |
3 | Xây dựng phần mềm phân tích, tính toán và cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; cảnh báo nguy cơ hàng hóa nước ngoài lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Việt Nam áp dụng; đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng; phân tích, tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp, tính toán thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; phân tích, dự báo trong hệ thống thông tin đo lường; đánh giá tác động của chính sách, luật pháp và các quy định mới có liên quan để đưa ra cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại theo hướng có thể tích hợp vào các hệ thống của Chính phủ, hệ thống Hải quan một cửa và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam | Phần mềm | Bộ Công Thương | - Văn phòng Chính phủ - Bộ Tài chính - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam | 2020 - 2021 |
4 | Xây dựng trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin một cách phù hợp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại và cảnh báo các nguy cơ về các vụ việc phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp | Trang thông tin điện tử | Bộ Công Thương |
| 2020 |
5 | Xây dựng Danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu có nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hoặc có nguy cơ bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại | Danh mục | Bộ Công Thương | - Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 2020 - 2025 |
6 | Xây dựng Danh mục những lĩnh vực dư thừa công suất và có nguy cơ đầu tư nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước đang áp dụng | Danh mục | Bộ Công Thương | - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 2020 - 2025 |
7 | Xây dựng và phổ biến Bản tin phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm để cung cấp thông tin, kết quả phân tích và kết quả cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho các đối tượng có liên quan | Bản tin định kỳ | Bộ Công Thương |
| 2020 - 2025 |
1 | Tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ về điều tra, ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế về phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan bộ, ngành, địa phương tham gia lĩnh vực phòng vệ thương mại | Hội thảo/Hội nghị/ Diễn đàn | Bộ Công Thương |
| 2020 - 2025 |
2 | Tổ chức các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến về hệ thống cảnh báo sớm và kiến thức về phòng vệ thương mại cho các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa | Khóa đào tạo | Bộ Công Thương | Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các địa phương | 2020 - 2025 |
3 | Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các chuyên gia pháp lý, các trường đại học, viện nghiên cứu và các luật sư trong nước | Khóa đào tạo/Tài liệu giảng dạy | Bộ Công Thương | Các trường đại học | 2020 - 2025 |
4 | Tổ chức các hoạt động hợp tác với các cơ quan phòng vệ thương mại nước ngoài và các tổ chức quốc tế | Chương trình hợp tác quốc tế | Bộ Công Thương | Bộ Ngoại giao | 2020 - 2025 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.