ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 315/QĐ-UB | Bến Tre, ngày 12 tháng 4 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
“V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TỈNH BẾN TRE”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;
Xét đề nghị của Sở khoa học công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành quy chế quản lý đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ban ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ QUẢN LÝ
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo QĐ số 315/QĐ-UB phát hành ngày 12/4/1995 của UBND tỉnh
Nhằm cải tiến công tác quản lý KHCNMT phù hợp tình hình mới theo hướng đẩy mạnh và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng TBKT vào sản xuất ngày càng có hiệu quả cao hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, UBND tỉnh, căn cứ vào các văn bản của Chính phủ, Bộ KHCNMT, Bộ Tài chánh như: NĐ 35/HĐBT ngày 28/01/92 về công tác quản lý khoa học và công nghệ - Thông tư Liên bộ 1308/TC-KHKT ngày 24/11/90 hướng dẫn chế độ thu hồi kinh phí đối với hoạt động khoa học và công nghệ - Thông tư liên bộ 63/TC-KHKT ngày 11/12/90 hướng dẫn chế độ quản lý tài chánh đối với các hoạt động khoa học và công nghệ ở các tỉnh, thành và đặc khu trực thuộc TW – Thông tư liên bộ số 1291/TC-KHKT ngày 08/10/92 hướng dẫn trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố - Thông tư liên bộ số: 1213/KHCN-TC ngày 26/9/92 hướng dẫn việc quản lý tài chánh của chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 91-95, xây dựng và ban hành quy chế tạm thời về quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh Bến Tre.
PHẦN I:
CÁC KHÁI NIỆM
Điều 1. - Phân loại đề tài: Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ được phân làm 3 loại:
+ Đề tài nghiên cứu cơ bản (R) gồm các đề tài nghiên cứu khoa học trong các lãnh vực: điều tra cơ bản, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn và một số trường hợp nghiên cứu thăm dò trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, khoa học về nông nghiệp và khoa học về y học mà chưa tiến đến được giai đoạn phát triển thực nghiệm.
+ Đề tài nghiên cứu phát triển (R-D): Cũng bao gồm các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc 3 lĩnh vực nêu ở phần với nội dung phải mang tính chất xác định khu vực hóa, áp dụng thử một kết quả nghiên cứu đã được công bố hoặc các nơi khác đã triển khai có kết quả. Yêu cầu của đề tài là phải tiếp đến việc tạo ra sản phẩm KHCN ở qui mô, loại mẫu thử đơn chiếc (thiết bị, dây chuyền công nghệ…) hoặc một loạt sản phẩm loại nhỏ, trung bình và bắt đầu tiếp cận thị trường để khẳng định nhu cầu và đôi khi, cũng có thể bao gồm cả sản xuất để hoàn chỉnh công nghệ, ổn định chất lượng trước khi đưa vào sản xuất. Để thực hiện những nhiệm vụ kỹ thuật thuộc dạng đề tài R-D, đòi hỏi phải tương đối khẳng định được các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm cần đạt, nhu cầu đầu ra và sơ bộ xác định được giá cả, tiềm lực KHCN thực tế (cán bộ KHKT, cơ sở vật chất đóng góp tài chánh từ các nguồn).
+ Dự án sản xuất thử - thử nghiệm (P) Loại hình hoạt động ứng dụng KHCN ở giai đoạn cầu nối giữa nghiên cứu và sản xuất. các dự án SXT – TN là giai đoạn kế tục và xây dựng trên cơ sở các kết quả KHCN được tạo ra và đánh giá từ các đề tài R-D các cấp (NN, Bộ, tỉnh, CS) hoặc trên cơ sở thực hiện hợp đồng công nghệ ủy thác hoặc hợp tác. Dự án phải được cơ quan chủ quản đề nghị, sau khi đã xem xét và khẳng định ý nghĩa khoa học, ý nghĩa kinh tế - xã hội, hiệu quả kinh tế và tính khả thi của dự án.
Điều 2. - Phân cấp quản lý
Tùy theo tính chất, nội dung, nguồn vốn, tầm quan trọng, tính thiết thực, bức xúc và khả năng ứng dụng mở rộng của mỗi đề tài…các đề tài nghiên cứu cơ bản (R), nghiên cứu phát triển (RD) và sản xuất thử - thử nghiệm (P) được phân cấp quản lý:
+ Cấp tỉnh: là những đề tài có qui mô ứng dụng rộng có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt trong kế hoạch KHCNMT tỉnh hàng năm và những đề tài đột xuất khác từ thực tiễn đặt ra do TW, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị được Hội đồng KHKT nhất trí và UBND tỉnh phê duyệt bổ sung. Loại đề tài này do Sở KHCNMT tỉnh quản lý và được đầu tư bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh .
+ Cấp cơ sở: Những đề tài mà kết quả góp phần giải quyết các tồn tại trong phạm vi đơn vị. Đề tài được đặt ra theo yêu cầu thực tiễn sản xuất tại cơ sở và được các sở, ban ngành chủ quản chấp thuận.
Đề tài cấp cơ sở do ban, ngành quản lý và được đầu tư bằng quỹ sự nghiệp ngành và quỹ phát triển sản xuất của đơn vị. Sở KHCNMT quản lý gián tiếp và hỗ trợ về mặt nghiệp vụ (nếu có yêu cầu).
Điều 3. Đăng ký đề tài
Để thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch KHCNMT của tỉnh hàng năm và tổ chức triển khai đề tài, các sở, ban, ngành, huyện, thị, các cơ quan dự kiến có các đề tài R, R-D các dự án P cần thực hiện sẽ tiến hành đăng ký đề tài nghiên cứu KHCN với Sở KHCNMT - thời gian đăng ký tháng 7- 8 hàng năm để thuận lợi cho việc tổng hợp xây dựng kế hoạch năm sau.
Hổ sơ đăng ký gồm:
a) Phiếu đăng ký đề tài nghiên cứu KHCN
b) Bản thuyết minh đề cương tóm tắt của từng đề tài
c) Bản dự toán kinh phí cho riêng từng đề tài
Hồ sơ đăng ký của mỗi đề tài phải được thông qua HĐ. KHKT sở, ban, ngành, huyện, thị và có ý kiến thống nhất của lãnh đạo sở, ban, ngành, huyện, thị về mục tiêu, nội dung phương pháp nghiên cứu và kinh phí cần thiết để thực hiện đề tài.
Điều 4. Xét duyệt đề tài
Trên cơ sở các đề tài đăng ký, các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở KHCNMT xem xét tổng hợp xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ của tỉnh hàng năm (bám chắc nhiệm vụ và mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà) thông qua HĐ.KHKT tỉnh để trình Bộ KHCNMT và UBND tỉnh xem xét phê duyệt vào quí 4 trước năm kế hoạch.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt, các chủ nhiệm đề tài sẽ tiến hành xây dựng đề cương nghiên cứu, thuyết minh và dự trù kinh phí chi tiết của đề tài, dự án. Sở KHCNMT và Sở Tài chánh có trách nhiệm xem xét về nội dung, kinh phí, có ý kiến thẩm kế bằng văn bản để trình HĐ.KHKT tỉnh. Chủ nhiệm đề tài cùng nhóm thực hiện có trách nhiệm bảo vệ đề cương, bảng thuyết minh và dự trù kinh phí chi tiết của đề tài, dự án… trước HĐ.KHKT tỉnh.
Căn cứ theo kết luận của HĐ.KHKT, Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm sửa chữa hoàn chỉnh hồ sơ đề tài, Sở KHCNMT tập hợp trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định cho phép triển khai thực hiện.
PHẦN II
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI
Điều 5. Nguồn vốn
Nguồn vốn đảm bảo cho việc triển khai đề tài nghiên cứu KHCN của tỉnh đạt được kết quả thiết thực cần được đầu tư phối hợp từ nhiều nguồn:
Quỹ phát triển KHCN của tỉnh: là nguồn vốn ngân sách do nhà nước đầu tư sau khi được cân đối trong ngân sách địa phương. Quỹ phát triển KHCN được thành lập theo NĐ 35/HĐBT.
Vốn ký kết hợp đồng nghiên cứu triển khai theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ KHCNMT.
Các nguồn vốn khác như vốn phát triển sản xuất của các đơn vị kinh tế, vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn tín dụng…
Điều 6. Dự toán kinh phí
Kinh phí dự toán cấp cho từng đề tài từ nguồn quỹ phát triển KHCN phải phản ánh chính xác các công việc cần thiết để thực hiện đề tài với nguyên tắc đảm bảo theo định mức thích hợp, chính xác và tiết kiệm bao gồm các khoản sau:
a) Các khoản chi:
* Công khoa học và công thuê khoán gồm:
+ Phụ cấp trách nhiệm:
+ Chủ nhiệm đề tài: 50.000 đ/tháng.
+ Phó chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện đề tài: 30.000đ/tháng.
+ Công tác phí (công khoa học phần ngoại nhập) là 15.000đ/ngày công, khi đề tài chi công tác phí, người thực hiện không thanh toán công tác phí tại cơ quan làm việc).
+ Công thuê khoán chuyên môn:
Đối với cộng tác viên không thuộc biên chế Nhà nước: Theo giá thị trường ở thời điểm lập đề cương.
Đối với cố vấn đề tài (là những cán bộ có học vị thuộc các Viện, Trường, Bộ…có uy tín trong khoa học) trả bồi dưỡng chất xám theo thuê khoán hợp đồng được căn cứ trên mức độ đóng góp và trách nhiệm. Đối với việc phân tích mẫu xét nghiệm… trả theo hợp đồng thuê khoán đối với các cơ sở có chức năng và pháp nhân Nhà nước qui định.
Công xử lý tư liệu, viết báo cáo, thuyết minh khoa học: (Công khoa học phần nội nghiệp): 15.000đ/công.
Số lượng công khoa học và thuê khoán cần thiết cho việc thực hiện đề tài sẽ do Sở Tài chánh và Sở KHCNMT thẩm định khi xem xét đề cương trình HĐ.KHKT.
Nguyên nhiên vật liệu: Bao gồm xăng, dầu, giống cây, con, phân bón, sắt, thép vật tư phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện đề tài. Khối lượng nguyên, nhiên, vật liệu được xác định căn cứ trên yêu cầu thực tế của từng nội dung công tác với các định mức của Nhà nước, lộ trình, khảo sát thực tế… theo giá thị trường ở thời điểm lập đề cương. Hạn chế việc mua sắm các vật tư dụng cụ mà trong quá trình thực hiện đề tài không sử dụng hết thời gian khai thác.
Thiết bị, máy móc chuyên dùng, xây dựng nhỏ, sửa chữa lớn:
Tùy theo tính chất, loại đề tài, quỹ phát riển KHCN chỉ đầu tư cho việc thuê khoán các hạng mục thật sự không thể thiếu khi thực hiện đề tài. Khuyến khích cơ sở sử dụng nguồn vốn khác (phát triển sản xuất, tự có…) để chi cho trang thiết bị, máy móc chuyên dùng, xây dựng nhỏ, sửa chữa lớn. Sau đó, cơ sở tiếp tục sử dụng cho hoạt động sản xuất của đơn vị khi đề tài kết thúc.
Khoản chi khác:
Văn phòng phẩm được chi theo yêu cầu của đề tài trên cơ sở thật cần thiết và tiết kiệm.
In ấn đề cương đề tài, báo cáo khoa học tổng kết đề tài…chi tùy theo số lượng với loại hình thích hợp theo giá bình quân hiện tại thời điểm xây dựng đề án.
Hội thảo khoa học (nếu có) được chi cho số lượng đại biểu được mời (có liên quan đến nội dung hội thảo) theo định mức 15.000 đ/người/ngày.
Quản lý phí đề tài:
Quản lý phí từng đề tài được dự toán với 2 tỷ lệ:
Đối với đề tài nghiên cứu cơ bản (R) và nghiên cứu phát triển (R-D): 5%
Đối với các dự án sản xuất thử - thử nghiệm (P) 2% trên tổng số các phần dự toán trên.
Quản lý phí được sở KHCNMT quản lý và sử dụng cho công tác phí phục vụ kiểm tra định kỳ đề tài, tổ chức hội nghị sơ, tổng kết đề tài, tổ chức cho Sở KHCNMT, HĐ.KHKT tham quan, tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật có liên quan đến đề tài phục vụ cho công tác quản lý, tổ chức họp HĐ.KHKT để xét duyệt đề cương nghiệm thu kết quả đề tài, thuê khoán chuyên gia nhận xét phản biện đề tài… định mức chi trong quản lý phí theo chế độ công tác phí, hội nghị phí hiện hành theo sự quản lý thống nhất của Sở Tài chánh.
Về thuê khoán chuyên gia nhận xét phản biện đề tài phục vụ cho việc nghiệm thu, đánh giá của HĐ.KHKT:
Tùy theo tính chất phức tạp của mỗi đề tài, mức chi bồi dưỡng phản biện sẽ do TT.HĐ.KHKT quyết định với định mức.
Mỗi đề tài có tối thiểu 2 ý kiến phản biện bằng văn bản của chuyên gia hoặc cơ quan được mời phản biện. Việc chọn chuyên gia hay cơ quan phản biện do TT.HĐ.KHKT quyết định đảm bảo cơ quan hoặc chuyên gia được chọn là những người, đơn vị có uy tín và chuyên môn sâu trong lĩnh vực của đề tài.
b) Quản lý vốn cấp: Nhằm bảo đảm chất lượng kết quả nghiên cứu và tiết kiệm ngân sách kinh phí đề tài do quỹ PT.KHCN cấp được quản lý như sau:
- Kinh phí đề tài được cấp hàng quí hoặc theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch triển khai đề tài, bảo đảm đủ kinh phí cho chủ nhiệm đề tài thực hiện theo tiến độ của đề cương nghiên cứu.
- Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm lập sổ thu chi riêng cho nguồn vốn KHCN độc lập với các nguồn vốn khác, chi theo đúng nội dung khối lượng đã được phê duyệt trong đề cương, báo cáo nội dung và quyết toán khối lượng kinh phí đã cấp đợt trước với các chứng từ hợp lệ để tiếp tục nhận vốn cấp đợt tiếp theo.
- Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đề tài, nếu có vấn đề phát sinh, chủ nhiệm đề tài lập tờ trình cụ thể gửi về TT.HĐ.KHKT xin giải quyết và chỉ được thực hiện phần kinh phí phát sinh khi nhận được văn bản cho phép của TT.HĐ.KHKT tỉnh.
Điều 7. Chế độ báo cáo, kiểm tra và quyết toán
Tùy theo tình hình cụ thể định kỳ hàng quí hoặc đột xuất (theo kế hoạch triển khai cụ thể từng đề tài), Sở KHCNMT tiến hành kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện đề tài với các nội dung: tiến độ, nội dung, kinh phí sử dụng…theo đề cương được duyệt và có dự báo đánh giá tình hình tiến triển của đề tài (kết quả kiểm tra) được lập biên bản và có sự thống nhất của sở KHCNMT và chủ nhiệm đề tài.
- Hàng quí, sở KHCNMT tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các đề tài đã phê duyệt về TT.HĐ.KHKT.
- Nếu đột xuất có những diễn biến phát sinh từ ngoài dự kiến của đề cương nghiên cứu, có ảnh hưởng đến việc thực hiện và kết quả nghiên cứu của đề tài…chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm báo cáo nhanh nhất bằng văn bản với sở KHCNMT để có biện pháp xử lý thích hợp hoặc xin ý kiến chỉ đạo của TT.HĐ.KHKT.
- Trước khi trình HĐ.KHKT xem xét nghiệm thu đề tài, chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm quyết toán đợt cấp cuối cùng vơi Sở KHCNMT.
Điều 8. Thu hồi kinh phí đầu tư
Quỹ PT.KHKT đầu tư triển khai các đề tài được thu hồi theo Thông tư Liên bộ Bộ KHCNMT và Bộ Tài chính số: 1308/TC-KHKT bao gồm các khoản sau:
a)- Các sản phẩm do các đề tài tạo ra được tiêu thụ trên thị trường tính thành tiền.
b)- Tiền thu về do bán phế liệu, phế phẩm trong quá trình thực hiện đề tài.
c)- Tiền thu bán vật tư còn thừa (nếu có) sau khi thực hiện đề tài.
d)- Tài sản cố định, công cụ lao động chuyên dùng…được mua sắm bằng quỹ phát triển KHCN cấp cho cơ quan thực hiện đề tài.
Giá để tính giá trị sản phẩm và giá trị thu hồi là giá thị trường tại thời điểm ký hợp đồng và được điều chỉnh theo giá bán thực tế khi thanh lý và quyết toán hợp đồng.
Điều 9. Phân phối và sử dụng kinh phí thu hồi
Kinh phí thu hồi được phân phối và sử dụng theo thông tư 1308/ TC.KHKT của liên Bộ tài chính và Bộ KHCNMT:
a) Đối với đề tài nghiên cứu (R) và nghiên cứu phát triển tiến bộ KT (R-D):
- Không thu hồi đối với các khoản chi: công khoa học, công thuê khoản bồi dưỡng trách nhiệm, VPP, chi phí phân tích, hội thảo…
- Thu hồi 70% giá trị của mục 8a và 8b (thấp nhất phải tương đương 30% tổng kinh phí đầu tư của quỹ phát triển KHCN tỉnh). Số còn lại cơ quan chủ trì đề tài lập các quỹ theo qui định hiện hành (40% quỹ phát triển KHKT cơ sở, 40% quỹ khen thưởng, 20% quỹ phúc lợi).
- Mục 8c và 8d, cơ quan thực hiện đề tài phải nộp 100% về quỹ phát triển KHCN tỉnh.
b)- Đối với dự án sản xuất thử - thử nghiệm (P):
Trừ chi phí quản lý, kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử - thử nghiệm phải được hoàn trả lại 80-100% trên cơ sở trích từ lợi nhuận thu được do tiêu thụ sản phẩm KHCN.
Các cơ quan quản lý và thực hiện các nhiệm vụ KHCN phải mở sổ sách theo dõi chi tiết các khoản thu chi nói trên và theo đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng đã ký kết.
PHẦN III:
ĐÁNH GIÁ NGHIỆM THU, KHEN THƯỞNG CÁC ĐỀ TÀI.
Điều 10. Đăng ký báo cáo kết quả nghiên cứu
Tất cả báo cáo đề tài nghiên cứu phải được báo cáo nghiệm thu trước HĐ.KHKT. Hồ sơ đăng ký nghiệm thu do chủ nhiệm đề tài thực hiện và phải nộp về sở KHCNMT chậm nhất 10 ngày trước khi tổ chức họp Hội đồng.
Hồ sơ gồm có:
- 20 bản báo cáo tổng kết kết quả của công trình. Báo cáo lập đầy đủ, sạch sẽ và có tính pháp lý.
- 01 mẫu sản phẩm thiết kế hoàn chỉnh hoặc sơ đồ qui trình công nghệ.
- Các hồ sơ kỹ thuật kèm theo mẫu sản phẩm hoặc sơ đồ tính toán, mô tả…
- 20 bản báo cáo tình hình thực hiện đề tài và quyết toán kinh phí đã cấp.
Báo cáo tổng kết đề tài phải được trình bày theo đúng hướng dẫn của Bộ KHCNMT.
Điều 11. Đánh giá phản biện, nghiệm thu đề tài
a)- Các chỉ tiêu cơ bản được sử dụng để đánh giá nghiệm thu đề tài:
+ Tính mới của đề tài đạt được ở các mức độ khác nhau so với tình hình hiện có trong tỉnh, trong nước đối với vấn đề đặt ra của đề tài.
- Khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện tỉnh Bến Tre.
- Quá trình triển khai có nghiêm túc theo đúng mục tiêu, nội dung và phương pháp đã được Hội đồng phê duyệt.
b)-Phản biện:
Trước khi triệu tập Hội đồng xét nghiệm thu, mỗi kết quả nghiên cứu phải được ý kiến phản biện ít nhất là của 2 chuyên gia (hoặc cơ quan) có đủ năng lực đánh giá. Kết quả phản biện được thể hiện bằng văn bản để toàn thể Hội đồng tham khảo. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng KHKT tỉnh cũng xem trước báo cáo và có nhận xét (bằng văn bản) trước khi họp HĐ.KHKT nghiệm thu.
c) Nghiệm thu: Tùy theo tính chất nội dung đề tài, Chủ tịch HĐ.KHKT tỉnh sẽ quyết định thành lập HĐ nghiệm thu đề tài (gồm 1 số thành viên HĐ. Khoa học kỹ thuật và 1 số chuyên gia do Hội đồng mời). Chủ nhiệm đề tài (hoặc người được ủy nhiệm) có trách nhiệm báo cáo toàn bộ công trình để tập thể Hội đồng xem xét và nghiệm thu trên cơ sở bỏ phiếu kín đánh giá kết quả công trình.
Kết quả đề tài nghiệm thu khi có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng dự họp nhất trí.
d)- Phân loại kết quả nghiệm thu và định mức khen thưởng:
Thông qua kết quả bỏ phiếu kín, đề tài được phân hạng và được khen thưởng tương ứng với các mức thưởng (theo tỉ lệ đầu tư từ vốn KHCN) như sau:
Loại đề tài Phân loại kết quả | R và R-D | P | Ghi chú |
Xuất sắc Khá Trung bình | 10% 7,5% 5% | 4% 3% 2% | Có bằng khen của tỉnh |
Không đạt | Bồi thường hoặc tự làm lại theo yêu cầu Hội đồng |
Kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài sẽ được lập thành văn bản nghiệm thu và kết luận của HĐ.KHKT với các nội dung sau:
- Những thành tựu cơ bản đạt được.
- Những tồn tại chủ yếu và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
- Kiến nghị áp dụng kết quả vào sản xuất và đời sống.
- Những kiến nghị công bố (theo qui định Nhà nước)
- Kiến nghị khen thưởng.
Trong trường hợp chưa thống nhất với kết luận đánh giá của Hội đồng, chủ nhiệm đề tài có quyền xin tổ chức đánh giá lại trong thời gian chậm nhất là 20 ngày. Khi được thông báo cho phép tổ chức lại, chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ xét duyệt lần 2.
Một công trình được xem hoàn tất sau khi đã được nghiệm thu và có văn bản phê chuẩn của HĐ.KHKT tỉnh.
Căn cứ trên phê chuẩn của HĐ.KHKT, Sở KHCNMT lập tờ trình UBND tỉnh để được phê duyệt mức thưởng theo mục 11d nêu trên.
Các chủ nhiệm đề tài không thực hiện đúng mục đích nội dung, phương pháp nghiên cứu và các chế độ báo cáo quyết toán… tùy theo mức độ vi phạm sẽ được Hội đồng xem xét và xử lý theo pháp luật hiện hành./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.