BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3118/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ nhà nước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước, có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành dự trữ; tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực dự trữ nhà nước.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn và hàng năm của Trung tâm.
2. Phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo quản hàng dự trữ nhà nước của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dự trữ nhà nước.
4. Tổ chức hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành dự trữ nhà nước theo kế hoạch được giao.
5. Tổ chức quản lý, đánh giá kết quả, đảm bảo kinh phí cho các lớp học, khoá học; kiến nghị các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
6. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ bảo quản theo chương trình kế hoạch do Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao.
7. Triển khai dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản, kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng dự trữ, kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị đo lường, bảo quản hàng dự trữ nhà nước.
8. Được quyền cấp chứng chỉ cho học viên sau khi hoàn thành các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
9. Xây dựng các quy chế quản lý nội bộ, bảo đảm mọi hoạt động của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
10. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tài sản, tài chính của Trung tâm theo quy định của pháp luật và của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ nhà nước có các phòng:
1. Phòng Hành chính - Tổng hợp.
2. Phòng Bồi dưỡng nghiệp vụ.
3. Phòng Nghiên cứu khoa học.
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quy định.
Biên chế của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ nhà nước do Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định trong tổng biên chế được giao.
Điều 4. Lãnh đạo
1. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ nhà nước có Giám đốc và một số Phó giám đốc.
Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm. Phó giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ được phân công.
2. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh lãnh đạo khác của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính.
Điều 5. Quản lý tài chính, tài sản
Trung tâm được thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật hiện hành.
Trung tâm có trách nhiệm lập, chấp hành dự toán, thực hiện chế độ kế toán; chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản và cơ sở vật chất được giao; trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, dự phòng ổn định thu nhập, phúc lợi và khen thưởng theo quy định hiện hành.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 228/2004/QĐ-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khoa học bảo quản và Bồi dưỡng nghiệp vụ trực thuộc Cục Dự trữ quốc gia.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.