HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 310-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1980 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 310-CP NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM 1980 VỀ CHÍNH SÁCH ỔN ĐỊNH NGHĨA VỤ CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP, TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT VÀ HỘ NÔNG DÂN BÁN NÔNG SẢN CHO NHÀ NƯỚC
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Nhằm khuyến khích sản xuất phát triển, nhất là ở vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo quy hoạch, kế hoạch Nhà nước và nhằm khuyến khích nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể;
Để bảo đảm Nhà nước nắm được nguồn hàng nông sản và cung ứng tư liệu sản xuất nông nghiệp đến tận tay người sản xuất.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 - Nay thi hành chính sách ổn định nghĩa vụ của hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất, hộ nông dân bán nông sản cho Nhà nước theo giá chỉ đạo trong từng thời gian 5 năm, bắt đầu từ năm 1981. Đồng thời Nhà nước ổn định mức cung ứng tư liệu sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng (để xây dựng cơ sở vật chất) và các dịch vụ cần thiết (làm đất bằng máy, bơm nước, sửa chữa máy móc nông nghiệp...) theo giá chỉ đạo trong thời gian 5 năm; nếu người sản xuất thiếu lương thực thì được cung ứng phần lương thực thiếu theo chính sách lương thực hiện hành.
Điều 2 - Căn cứ vào diện tích và sản lượng bình quân trong 5 năm đã qua và nhằm đáp ứng những nhu cầu xã hội, Hội đồng Chính phủ giao chỉ tiêu thu mua nông sản ổn định cho tỉnh, thành phố; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao cho huyện; Uỷ ban nhân dân huyện giao mức nghĩa vụ ổn định theo số tuyệt đối cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và duyệt mức nghĩa vụ ổn định cho các hộ nông dân theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã.
Hội đồng Chính phủ giao chỉ tiêu cung ứng tư liệu sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng, các dịch vụ cần thiết và lương thực (cho những người trồng rau và trồng cây công nghiệp thiếu lương thực) cho tỉnh, thành phố; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao cho huyện; Uỷ ban nhân dân huyện giao mức cung ứng ổn định theo số tuyệt đối cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và duyệt mức cung ứng ổn định cho các hộ nông dân theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã.
Điều 3 - Ngoài phần nông sản nộp thuế và bán theo nghĩa vụ, người sản xuất có quyền tự do sử dụng và lưu thông phần nông sản còn lại (trừ thuốc lá theo quy định riêng); thương nghiệp quốc doanh nếu cần thì mua theo giá thoả thuận.
Về giá mua thoả thuận, Bộ quản lý thu mua phối hợp với Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn nguyên tắc, quy định mức giá tối đa; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định giá cụ thể.
Điều 4 - Căn cứ vào mức ổn định nghĩa vụ bán nông sản và mức ổn định cung ứng tư liệu sản xuất như quy định ở các Điều 1 và 2, các tổ chức thu mua người sản xuất, Nhà nước cung ứng cho người sản xuất tư liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, các dịch vụ và lương thực theo giá chỉ đạo; đồng thời người sản xuất bán nông sản trong mức nghĩa vụ ổn định cho Nhà nước cũng theo giá chỉ đạo.
Tổ chức thu mua của Nhà nước và người sản xuất đều có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã ký. Mọi vi phạm hợp đồng đều bị xử lý theo chế độ hợp đồng kinh tế của Nhà nước.
Khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên ký kết hợp đồng cùng bàn bạc để có biện pháp giải quyết thích hợp.
Nếu người sản xuất không thực hiện được hợp đồng vì thiên tai, dịch hoạ thì có thể được miễn, giảm mức nghĩa vụ bán nông sản. Mức miễn, giảm do Bộ quản lý thua mua duyệt Căn cứ vào đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt cho huyện; Uỷ ban nhân dân huyện duyệt cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và hộ nông dân.
Các tổ chức cung ứng của Nhà nước phải cung ứng cho người sản xuất theo hợp đồng đã ký. Trường hợp thật đặc biệt, nếu Nhà nước không cung ứng đủ tư liệu sản xuất theo hợp đồng thì sẽ có sự bù đắp thoả đáng trên cơ sở thoả thuận với người sản xuất.
Ở miền Nam, những nơi còn sản xuất cá thể, chưa quy định được mức nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước và chưa ký được hợp đồng mua bán theo giá chỉ đạo thì tạm thời các tổ chức cung ứng vật tư và thương nghiệp của Nhà nước bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng và cung ứng dịch vụ cho người sản xuất theo giá thoả thuận; các tổ chức thu mua của Nhà nước mua nông sản của người sản xuất cũng theo giá thoả thuận.
Điều 5 - Ngân sách địa phương nơi có nông sản giao nộp cho Trung ương được hưởng khoản thu về giao nộp nông sản do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Điều 6 - Việc thu mua nông sản phải gắn với việc cung ứng tư liệu sản xuất và phải thể hiện thành chỉ tiêu trong kế hoạch Nhà nước, trong kế hoạch địa phương, nhất là trong kế hoạch của cấp huyện.
Việc tổ chức thu mua trên địa bàn huyện thực hiện theo nghị quyết số 33 - CP ngày 4 tháng 2 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ (1).
Cấp huyện phải chỉ đạo, điều hoà, phối hợp các cơ quan và tổ chức thu mua trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế, gắn việc thu mua nông sản với việc cung ứng tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng vào một đầu mối, để vừa phục vụ tốt sản xuất, vừa bảo đảm thực hiện chỉ tiêu thu mua nông sản.
Theo nguyên tắc một loại nông sản ở một địa phương chỉ giao cho một ngành thu mua, việc phân công thu mua như sau:
- Việc thu mua các nông sản cần cho nhiều ngành, thì ngành có nhu cầu nhiều nhất hoặc sẵn có tổ chức thu mua đảm nhiệm và phân phối lại cho các ngành khác theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
- Việc thu mua các nông sản nguyên liệu công nghiệp ở vùng tập trung, chuyên canh do các xí nghiệp công nghiệp hoặc xí nghiệp liên hợp nông - công nghiệp đảm nhiệm.
- Việc thu mua các nông sản chuyên xuất khẩu hay chủ yếu đề xuất khẩu ở vùng sản xuất tập trung, chuyên canh do các tổ chức kinh doanh xuất khẩu đảm nhiệm.
- Việc thu mua dược liệu do ngành y tế đảm nhiệm.
- Việc thu mua các nông sản khác do các tổ chức kinh doanh nội thương đảm nhiệm.
Ở những vùng sản xuất lẻ tẻ, nông sản hàng hoá không nhiều, các tổ chức thu mua của các ngành có thể uỷ thác thu mua cho tổ chức thương nghiệp huyện và cho hợp tác xã mua bán.
Điều 7 - Căn cứ quyết định này, các Bộ quản lý thu mua phối hợp với các Bộ có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo thi hành chính sách thu mua đối với từng loại nông sản.
Trong khi chờ đợi nghiên cứu cải tiến toàn diện hệ thống thu mua và cung ứng, các Bộ quản lý thu mua và cung ứng phải chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh trong ngành, bảo đảm phục vụ tốt sản xuất và thu mua nông sản.
Điều 8 - Các đồng chí Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố.
(1) In trong Công báo 1978 - số 3 (928) - trang 29.
| Tố Hữu (Đã ký) |
PHỤ LỤC
KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 310 - CP NGÀY 1 THÁNG 10 NĂM 1980 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Mức ổn định nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước ở vùng sản xuất tập trung, chuyên canh được Nhà nước cung ứng tư liệu sản xuất được quy định như sau:
- Lương thực: theo Nghị quyết số 9-CP ngày 9 tháng 1 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ (1).
- Thuốc lá: theo Quyết định số 313-CP ngày 1 tháng 10 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ;
- Lợn thịt: theo Quyết định số 311-CP ngày 1 tháng 10 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ;
- Rau: từ 80 đến 90% sản lượng bình quân 5 năm đã qua, tuỳ theo từng vùng và do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cụ thể;
- Đay, cói, tơ tằm, chè, cà phê: từ 70 đến 80% sản lượng bình quân 5 năm đã qua, tuỳ theo từng vùng và do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cụ thể;
- Đậu, lạc: từ 50 đến 60% sản lượng bình quân 5 năm đã qua, tuỳ theo từng vùng và do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cụ thể;
Chú thích: Bản phụ lục này dùng làm Căn cứ xác định mức nghĩa vụ ổn định theo số tuyệt đối cho người sản xuất.
(1) In trong Công báo 1980 - số 3 (975) - trang 59.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.