ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 309/2007/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 28 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27 tháng 03 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của kiểm lâm ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 333/TTr-SNNPTNT ngày 27 tháng 09 năm 2007 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2551/TTr-SNV ngày 19 tháng 11 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng.
1. Chi cục Kiểm lâm (sau đây gọi tắt là Chi cục) là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, có chức năng tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi toàn tỉnh.
2. Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; có biên chế và kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hằng năm và có trụ sở làm việc đặt tại số 358 đường 21/8, phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục.
1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi toàn tỉnh:
a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động vật, thực vật hoang dã, quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hằng năm về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động, thực vật hoang dã, quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng lâm sản trên địa bàn tỉnh;
c) Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền huy động các đơn vị vũ trang; huy động lực lượng, phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn tỉnh để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế dộ chính sách sau khi được ban hành; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý động vật, thực vật hoang dã, quản lý lâm sản ở địa phương;
đ) Đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp cần thiết thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ trong lĩnh vực bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý động vật, thực vật hoang dã và quản lý lâm sản ở địa phương.
2. Tổ chức, chỉ đạo bảo vệ rừng ở địa phương:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật khác xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp;
b) Tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo việc xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng phê duyệt phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên trách; thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp; tham gia phòng trừ sâu bệnh hại rừng;
c) Quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh (trừ những diện tích đã giao cho các Vườn quốc gia và Ban Quản lý rừng quản lý); tổ chức lực lượng kiểm lâm bảo vệ các khu rừng đặc dụng, Vườn quốc gia theo quy định của pháp luật;
d) Huấn luyện, bồi dưỡng, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực bảo vệ rừng cho lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng này, kể cả lực lượng bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn để triển khai công tác bảo vệ rừng.
3. Bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh:
a) Kiểm tra, hướng dẫn các cấp các ngành của tỉnh trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo và tổ chức, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng trong lực lượng kiểm lâm của tỉnh và trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý động vật, thực vật rừng hoang dã, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;
c) Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý động vật, thực vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;
d) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng khi rừng bị xâm hại.
4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
5. Xây dựng lực lượng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm:
a) Quản lý, chỉ đạo hoạt động các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương;
c) Cấp phát, quản lý trang phục phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng của kiểm lâm tỉnh; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động của kiểm lâm toàn tỉnh.
7. Quản lý tổ chức cán bộ, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức kiểm lâm toàn tỉnh (kể cả kiểm lâm các Vườn quốc gia, Kiểm lâm rừng phòng hộ) theo quy định của pháp luật.
8. Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ; chấp hành chế độ báo cáo thống kê theo hướng dẫn của Cục Kiểm lâm.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân công.
10. Thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Ban chỉ huy và tham mưu giúp cho Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao (tại quyết định thành lập Ban chỉ huy).
Điều 3. Quyền hạn, trách nhiệm của công chức kiểm lâm khi thi hành công vụ.
1. Quyền hạn:
a) Yêu cầu tổ chức cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra; tiến hành kiểm tra hiện trường, các cơ sở chế biến lâm sản, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật;
b) Được dừng phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy khi có căn cứ là trong phương tiện đó có vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép để kiểm soát; kiểm tra lâm sản, động vật hoang dã tại các nhà ga đường sắt, nhà ga đường hàng không, cảng biển theo quy định của pháp luật;
c) Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính quy định của pháp luật;
d) Chi cục trưởng, Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm huyện và Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia trực thuộc Chi cục có thẩm quyền khởi tố, thực hiện hoạt động điều ra hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật về rừng theo quy định của pháp luật;
đ) Sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm:
a) Chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo và phát triển rừng, kiểm lâm, của pháp luật về cán bộ, công chức và của Quyết định này;
b) Thực hiện đúng chức năng, quyền hạn được giao; mặc đồng phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu khi thi hành nhiệm vụ;
c) Công chức kiểm lâm không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Kiểm lâm địa bàn xã.
1. Kiểm lâm địa bàn xã là công chức thuộc biên chế của Hạt, được phân công về công tác tại địa bàn xã của huyện có rừng và đất lâm nghiệp, chịu sự chỉ đạo, quản lý về mọi mặt của Hạt trưởng; đồng thời chịu sự chỉ đạo, giám sát trực tiếp của cấp ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
2. Kiểm lâm địa bàn xã có quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại Điều 3 của Quyết định này và có các nhiệm vụ sau đây:
a) Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp: xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu hại rừng; xây dựng phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi phương án được phê duyệt; huy động lực lượng dân quân tự vệ, các lực lượng và phương tiện khác trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng chống phá rừng trái phép;
b) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và Hạt trưởng trong việc thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công; kiểm tra việc sử dụng rừng của các chủ rừng trên địa bàn; xác nhận về nguồn gốc lâm sản hợp pháp theo đề nghị của chủ rừng trên địa bàn;
c) Chủ trì phối hợp với các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng;
d) Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng tại địa bàn;
đ) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
e) Tổ chức kiểm tra, phát hiện và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; đồng thời báo cáo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;
g) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm địa bàn xã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và thường xuyên báo cáo tình hình bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã cho Hạt trưởng Hạt kiểm lâm;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp theo sự phân công của Ủy ban nhân dân xã và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm.
Điều 5. Chế độ chính sách đối với kiểm lâm.
1. Công chức, viên chức công tác trong các cơ quan, đơn vị kiểm lâm được hưởng lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi theo nghề nghiệp và các phụ cấp khác theo quy định của Nhà nước.
2. Công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị kiểm lâm, trong khi thi hành công vụ nếu bị thương, bị hy sinh được công nhận là thương binh, liệt sĩ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức và biên chế.
1. Cơ cấu tổ chức:
a) Lãnh đạo: gồm có Chi cục trưởng và 2 Phó Chi cục trưởng.
- Chi cục trưởng điều hành hoạt động của Chi cục, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.
- Phó Chi cục trưởng giúp việc cho Chi cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về thực hiện các nhiệm vụ được phân công;
b) Bộ máy giúp việc Chi cục trưởng:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp.
- Phòng Thanh tra - Pháp chế.
- Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng;
c) Các đơn vị trực thuộc Chi cục:
- Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Hạt Kiểm lâm Bác Ái.
- Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn.
- Hạt Kiểm lâm Ninh Phước.
- Hạt Kiểm lâm Thuận Bắc.
- Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa.
- Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phước Bình.
2. Biên chế: biên chế của Chi cục do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ hằng năm trong tổng số biên chế hành chính của tỉnh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao và phê duyệt của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 7. Quản lý công chức, viên chức và người lao động.
1. Chi cục trưởng, các Phó Chi cục trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm (theo tiêu chuẩn chức danh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành), miễn nhiệm theo quy trình, thủ tục và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.
2. Trưởng, Phó trưởng phòng và Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc Chi cục do Chi cục trưởng quyết định bổ nhiệm (theo tiêu chuẩn chức danh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành), miễn nhiệm theo quy trình, thủ tục quy định và sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động của Chi cục theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.
1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký; bãi bỏ Quyết định số 5485QĐ/UB-NT ngày 03 tháng 10 năm 1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Quyết định số 33/1999/QĐ-UB ngày 18 tháng 6 năm 1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và các quy định trước đây trái với Quyết định này.
2. Chi cục trưởng có trách nhiệm:
a) Quy định nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn; ban hành quy chế làm việc của Chi cục và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả;
b) Trong quá trình thực hiện Quyết định này nếu có vấn đề phát sinh, không hợp lý thì tập hợp báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung.
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.