BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 305-TC/BH | Hà Nội , ngày 09 tháng 8 năm 1990 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TẮC CHUNG VỀ BẢO HIỂM HÀNG HOÁ VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG BIỂN
(QTC - 1990)
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 35/CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 155/HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc chung về bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển (QTC-1990).
Điều 2. Bãi bỏ Quy tắc chung về bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển ban hành năm 1965.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các đồng chí Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
QUY TẮC CHUNG
VỀ BẢO HIỂM HÀNG HOÁ VẬN CHUYỂN BẰNG ĐƯỜNG BIỂN (QTC - 1990)
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Quy tắc chung này áp dụng cho mọi bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển bao gồm giá trị hàng hoá, lãi ước tính nếu có, phí bảo hiểm, cước phí và các chi phí khác liên quan. Quy tắc này còn có thể áp dụng cho cả việc bảo hiểm hàng hoá vận chuyển nối tiếp bằng đường bộ, đường sông hoặc đường không.
Chương 2:
PHẠM VI BẢO HIỂM
Điều 2.
1. Hợp đồng bảo hiểm có thể được ký kết theo một trong những điều kiện sau đây:
Điều kiện A:
Theo điều kiện này, người bảo hiểm chịu trách nhiệm về mọi rủi ro gây ra mất mát, hư hỏng cho hàng hoá được bảo hiểm, trừ những trường hợp đã quy định loại trừ ở Chương III dưới đây.
Điều kiện B:
Trừ những trường hợp đã quy định loại trừ ở Chương III dưới đây, theo điều kiện này, người bảo hiểm chịu trách nhiệm với:
a) Những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hoá được bảo hiểm có thể quy hợp lý cho các nguyên nhân sau:
1. Cháy hoặc nổ;
2. Tàu hay sà lan bị mắc cạn, hay lật úp;
3. Tàu đâm va nhau hoặc tàu, sà lan hay phương tiện vận chuyển đâm va phải bất kỳ vật thể gì bên ngoài không kể nước;
4. Dỡ hàng tại một cảng nơi tàu gặp nạn;
5. Phương tiện vận chuyển đường bộ bị lật đổ hoặc trật bánh;
6. Động đất, núi lửa phun hoặc sét đánh.
b) Những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hoá được bảo hiểm do các nguyên nhân sau:
1. Hy sinh tổn thất chung;
2. Ném hàng khỏi tàu hoặc nước cuốn khỏi tàu;
3. Nước biển, nước hồ, hay nước sông chảy vào tàu, sà lan, hầm hàng, phương tiện vận chuyển, công-ten-nơ hoặc nơi chứa hàng.
c) Tổn thất toàn bộ của bất kỳ kiện hàng nào rơi khỏi tàu hoặc rơi trong khi đang xếp hàng lên hay đang dỡ hàng khỏi tàu hoặc sà lan. d) Hàng hoá được bảo hiểm bị mất do tàu hoặc phương tiện chở hàng mất tích.
Điều kiện C:
Trừ những trường hợp quy định loại trừ ở Chương III dưới đây, theo điều kiện này người bảo hiểm chịu trách nhiệm đối với:
a) Những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hoá được bảo hiểm có thể quy hợp lý cho các nguyên nhân sau:
1. Cháy hoặc nổ;
2. Tàu hay sà lan bị mắc cạn, đắm hay lật úp;
3. Tàu đâm va nhau hoặc tàu, sà lan hay phương tiện vận chuyển đâm va phải bất kỳ vật thể gì bên ngoài không kể nước;
4. Dỡ hàng tại một cảng nơi tàu gặp nạn;
5. Phương tiện vận chuyển đường bộ bị lật đổ hoặc trật bánh;
b) Những mất mát hư hỏng xảy ra đối với hàng hoá được bảo hiểm do các nguyên nhân sau gây ra:
1. Hy sinh tổn thất chung;
2. Ném hàng khỏi tàu;
c) Hàng hoá được bảo hiểm bị mất do tàu hoặc phương tiện chở hàng mất tích.
2. Dù hàng hoá được bảo hiểm theo điều kiện "A", "B", hay "C", trong mỗi trường hợp, người bảo hiểm còn phải chịu trách nhiệm về những tổn thất và chi phí sau đây:
a) Tổn thất chung và chi phí cứu hộ được điều chỉnh hay xác định bằng hợp đồng chuyên chở và/hoặc theo luật pháp và tập quán hiện hành, đã chỉ ra nhằm tránh hay liên quan đến việc tránh khỏi tổn thất có thể xảy ra do bất kỳ nguyên nhân gì trừ những trường hợp đã loại trừ tại Chương III của Quy tắc này hay những trường hợp loại trừ khác quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi có tổn thất chung người được bảo hiểm cần hỏi ý kiến người bảo hiểm trước khi kê khai và ký cam kết tổn thất chung.
b) Những chi phí và tiền công hợp lý do người được bảo hiểm, người làm công và đại lý của họ đã chi nhằm phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất cho hàng hoá được bảo hiểm để đòi bồi thường và kiện người chuyên chở, người nhận uỷ thác hàng hoá hay người thứ ba nào khác, với điều kiện những chi phí và tiền công này phải được giới hạn trong phạm vi những tổn thất thuộc trách nhiệm người bảo hiểm.
c) Những chi phí hợp lý cho việc dỡ hàng, lưu kho và gửi tiếp hàng hoá được bảo hiểm tại cảng dọc đường hay cảng lánh nạn do hậu quả một rủi ro thuộc phạm vi hợp đồng bảo hiểm.
d) Những chi phí hợp lý cho việc giám định và xác định số tổn thất mà người bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường.
e) Phần trách nhiệm thuộc điều khoản "Tàu đâm va nhau đôi bên cùng chịu trách nhiệm" ghi trong hợp đồng vận chuyển được coi như một loại tổn thất thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của người bảo hiểm. Trường hợp chủ tàu khiếu nại theo điều khoản đó thì người được bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho người bảo hiểm biết. Người bảo hiểm dành quyền bảo vệ người được bảo hiểm, chống lại việc khiếu nại của chủ tàu và tự chịu các phí tổn.
Điều 3. Trong trường hợp hàng hoá được bảo hiểm theo điều kiện "B" hay "C" nếu người được bảo hiểm yêu cầu người bảo hiểm có thể nhận trách nhiệm bảo hiểm thêm một hay nhiều loại rủi ro phụ dưới đây với điều kiện phải trả thêm phí bảo hiểm theo thoả thuận:
- Rủi ro trộm cắp và/hoặc không giao hàng.
- Tổn thất do những hành vi ác ý hay phá hoại gây ra.
- Hư hại do nước mưa, nước ngọt, do đọng hơi nước và hấp hơi nóng.
- Va đập phải hàng hoá khác.
- Gỉ và ôxy hoá.
- Vỡ, cong và/hoặc bẹp.
- Rò rỉ và/hoặc thiếu hụt hàng hoá.
- Hư hại do móc cẩu hàng.
- Dây bẩn do dầu và/hoặc mỡ.
- Và những rủi ro phụ khác tương tự.
Điều 4. Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường những mất mát, hư hỏng xảy ra cho hàng hoá xếp trên boong tàu trái với tập quán thương mại. Đối với hàng hoá xếp trên boong tàu phù hợp với tập quán thương mại chỉ có thể được bảo hiểm theo điều kiện "C".
Điều 5. Nếu theo tập quán địa phương cần phải sử dụng sà lan hoặc các phương tiện vận chuyển khác để chuyên chở hàng hoá được bảo hiểm từ tàu biển vào bờ hoặc ngược lại thì người bảo hiểm cũng sẽ chịu trách nhiệm đối với rủi ro về sà làn như đã ghi trong Điều 2 Quy tắc này. Tuy nhiên, quy định này không bao gồm trường hợp sà lan dùng vào việc chứa hàng ngoài quá trình vận chuyển bình thường.
Chương 3:
LOẠI TRỪ BẢO HIỂM
Điều 6. Trừ khi có thoả thuận khác, người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm đối với:
1. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí gây ra bởi:
a) Chiến tranh, nội chiến, cách mạng khởi nghĩa, phản loạn hoặc quần chúng nổi dậy khi xảy ra những biến cố này hoặc do bất kỳ hành động thù địch nào khác của một thế lực tham chiến hay chống lại thế lực đó.
b) Việc chiếm, bắt giữ, cầm giữ tài sản hoặc kiềm chế (trừ khi do cướp biển và trong trường hợp đang áp dụng điều kiện "A") và hậu quả hay bất kỳ mưu toan nào phát sinh từ những sự việc này.
c) Mìn, thuỷ lôi, bom hay những vũ khí chiến tranh khác đang trôi dạt.
2. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí:
a) Do những người đình công hay công nhân bị cấm xưởng gây ra hoặc do những người tham gia các vụ gây rối trong lao động, làm náo loạn hoặc bạo động gây ra.
b) Phát sinh từ những cuộc đình công, cấm xưởng những vụ gây rối trong lao động, phản loạn hoặc bạo động.
c) Do bất kỳ kẻ khủng bố nào hoặc do bất kỳ người nào đang hành động vì một lý do chính trị nào gây ra.
3. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh từ việc sử dụng bất kỳ một loại vũ khí chiến tranh gì có sử dụng năng lượng nguyên tử, hạt nhân và/hoặc phản ứng hạt nhân, phóng xạ hoặc tương tự.
4. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí do khuyết tật vốn có hoặc do tính chất riêng của loại hàng được bảo hiểm.
5. Hàng hoá hay một bộ phận của hàng hoá bị hư hại hay bị phá huỷ có chủ tâm do hành động sai lầm của bất kỳ người nào gây ra. Điểm 5 này không áp dụng trong trường hợp bảo hiểm theo điều kiện A.
Điều 7. Trong mọi trường hợp người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với:
1. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí được quy là do việc làm xấu cố ý của người bảo hiểm.
2. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí có nguyên nhân trực tiếp do chậm trễ, dù chậm trễ xảy ra do một rủi ro được bảo hiểm (trừ những chi phí được bồi thường theo điều 2/2a Quy tắc này).
3. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh do tàu hoặc sà lan không đủ khả năng đi biển và do tàu, sà lan, phương tiện vận chuyển hoặc công-ten-nơ không thích hợp cho việc chuyên chở hàng an toàn nếu người được bảo hiểm hay những người làm công cho họ được biết riêng về trạng thái không đủ khả năng đi biển hay không thích hợp đó vào thời gian bốc xếp hàng hoá.
4. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh do việc đóng gói hoặc chuẩn bị hàng hoá được bảo hiểm không đầy đủ hoặc không thích hợp và do việc xếp hàng hỏng lên tàu
5. Hàng hoá được bảo hiểm bị rò chảy thông thường hao hụt trọng lượng hay giảm thể tích thông thường, hoặc hao mòn tự nhiên.
6. Những mất mát, hư hỏng hay chi phí phát sinh do chủ tàu, người quản lý, người thuê hay người điều hành tàu không trả được nợ hoặc thiếu thốn về tài chính gây ra.
Chương 4:
BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM
Điều 8.
1. Trách nhiệm bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực từ khi hàng hoá được bảo hiểm rời kho hoặc nơi chứa hàng tại địa điểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm để bắt đầu vận chuyển và tiếp tục có hiệu lực trong suốt quá trình vận chuyển bình thường. Trách nhiệm bảo hiểm kết thúc vào một trong số các thời điểm sau đây, tuỳ theo trường hợp nào xảy đến trước: a) Khi giao hàng vào kho hay nơi chứa hàng cuối cùng của người nhận hàng hoặc một người nào khác tại nơi nhận có tên trong hợp đồng bảo hiểm. hoặc
b) Khi giao hàng cho bất kỳ kho hay nơi chứa hàng nào khác, dù trước khi tới hay tại nơi nhận ghi trong hợp đồng bảo hiểm mà người được bảo hiểm chọn dùng làm:
i/ Nơi chia hay phân phối hàng, hoặc
ii/ Nơi chứa hàng ngoài quá trình vận chuyển bình thường hoặc
c) Khi hết hạn 60 ngày sau khi hoàn thành việc dỡ hàng hoá bảo hiểm hoặc sà lan, nếu là tàu Lash, khỏi tàu biển tại cảng dỡ hàng cuối cùng ghi trên đơn bảo hiểm.
2. Trong quá trình vận chuyển nói trên, nếu xảy ra chậm trễ mà người bảo hiểm không thể khống chế được hoặc những trường hợp tàu đi chệch hướng, dỡ hàng bắt buộc, chuyển tải ngoại lệ hoặc thay đổi hành trình, thì bảo hiểm này vẫn giữ nguyên hiệu lực với điều kiện phải thông báo ngay cho người bảo hiểm biết về việc xảy ra hoặc thay đổi đó và phải trả thêm phí bảo hiểm nếu có yêu cầu. Người được bảo hiểm sẽ mất quyền đòi bồi thường nếu không đáp ứng yêu cầu này.
3. Trường hợp hành trình bảo hiểm có cả quãng vận chuyển đường sông hay đường bộ thì trách nhiệm bảo hiểm chỉ giới hạn ở những rủi ro được quy định trong mục 2 và 5 của điều kiện B và C, ngay cả khi hàng hoá được bảo hiểm theo điều kiện A. Riêng với trường hợp có vận chuyển bằng đường hàng không trách nhiệm bảo hiểm sẽ giới hạn theo điều khoản hiện hành về bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không được thoả thuận riêng. Trong tất cả trường hợp trên, người được bảo hiểm đều phải gửi giấy báo trước cho người bảo hiểm và phải thêm phí bảo hiểm nếu có yêu cầu.
Chương 5:
KÝ KẾT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Điều 9.
1. Khi có nhu cầu bảo hiểm, người có nhu cầu phải làm giấy yêu cầu trong đó ghi rõ các điều khoản sau đây:
a) Tên người được bảo hiểm.
b) Tên hàng hoá cần được bảo hiểm.
c) Loại bao bì, cách đóng gói và ký mã hiệu của hàng hoá được bảo hiểm.
d) Trọng lượng hay số lượng hàng hoá được bảo hiểm.
e) Tên tàu biển hoặc loại phương tiện vận chuyển.
f) Cách thức xếp hàng được bảo hiểm xuống tàu (xếp trên boong, dưới hầm, chở rời v.v...)
g) Nơi bắt đầu vận chuyển, chuyển tải và nơi nhận hàng hoá được bảo hiểm.
h) Ngày tháng phương tiện chở hàng bảo hiểm bắt đầu rời bến.
i) Giá trị hàng hoá được bảo hiểm và số tiền được bảo hiểm.
j) Điều kiện bảo hiểm.
k) Nơi thanh toán bồi thường.
Ngoài ra người có nhu cầu bảo hiểm còn phải báo cho người bảo hiểm biết những tình huống quan trọng khác mà họ biết để giúp cho người bảo hiểm phán đoán rủi ro.
Nếu ký hợp đồng bảo hiểm, người có nhu cầu bảo hiểm chưa thể cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết nói trên thì họ có trách nhiệm báo tiếp cho người bảo hiểm biết những chi tiết còn thiếu ngay khi họ được biết.
2. Hợp đồng bảo hiểm coi như đã được ký kết khi người bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm bằng văn bản.
Người bảo hiểm sẽ căn cứ và giấy yêu cầu bảo hiểm để cấp đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.
3. Trừ khi có thoả thuận khác, người được bảo hiểm phải thanh toán phí bảo hiểm cho người bảo hiểm ngay nhận đơn bảo hiểm hay giấy chứng nhận bảo hiểm. Người bảo hiểm có quyền huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm nếu phí bảo hiểm không thanh toán đúng thời hạn đã quy định.
4. Nếu sau khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết mà có bất kỳ thay đổi nào về rủi ro được bảo hiểm, đặc biệt nếu vì thay đổi đó mà làm tăng thêm nguy hiểm thì người được bảo hiểm có trách nhiệm thông báo cho người bảo hiểm biết sự thay đổi đó ngay khi họ được biết.
Khi nhận được thông báo này, người bảo hiểm sẽ cấp giấy sửa đổi, bổ sung và có thể căn cứ vào sự việc thay đổi đó mà yêu cầu người được bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm.
Điều 10. Nếu người được bảo hiểm khai báo sai hoặc giấu giếm những điểm đề ra trong giấy yêu cầu bảo hiểm hay những sự việc thay đổi đã được thông báo cho người bảo hiểm, thì người bảo hiểm được miễn trách nhiệm đã quy định trong hợp đồng bảo hiểm mà vẫn có quyền nhận phí bảo hiểm.
Điều 11. Nếu hợp đồng bảo hiểm được ký kết khi đã xảy ra tổn thất trong phạm vi trách nhiệm của hợp đồng thì hợp đồng vẫn giữ nguyên giá trị, nếu người được bảo hiểm không hay biết gì về tổn thất đó. Nhưng nếu người được bảo hiểm đã biết có tổn thất rồi thì người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường mà vẫn có quyền nhận phí bảo hiểm.
Nếu hợp đồng bảo hiểm được ký kết khi hàng hoá được bảo hiểm đã an toàn về đến nơi nhận ghi trong hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng vẫn giữ nguyên giá trị nếu người bảo hiểm không hay biết gì về việc đó. Nhưng nếu người bảo hiểm đã biết việc đó rồi thì hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực và họ phải hoàn lại cho người được bảo hiểm toàn bộ phí bảo hiểm mà họ đã nhận được.
Điều 12. Đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm có thể được chuyển nhượng cho một người khác sau khi người được bảo hiểm hay đại diện có thẩm quyền của họ ký ở mặt sau đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.
Chương 6:
GIÁ TRỊ BẢO HIỂM VÀ SỐ TIỀN BẢO HIỂM
Điều 13.
1. Số tiền bảo hiểm của hàng hoá được bảo hiểm phải là giá trị do người được bảo hiểm khai báo và được người bảo hiểm thừa nhận.
2. Nếu người được bảo hiểm của không khai báo được số tiền bảo hiểm thì có thể áp dụng các tính giá trị bảo hiểm như sau:
Giá trị bảo hiểm của hàng hoá được bảo hiểm bao gồm giá tiền hàng ghi trên hoá đơn bán hàng (hoặc giá hàng thực tế tại nơi gửi hàng nếu không có hoá đơn), cộng chi phí vận chuyển và phí bảo hiểm.
Điều 14. Trừ khi có thoả thuận khác, trong số tiền bảo hiểm khai báo, người được bảo hiểm có thể tính gộp cả tiền lãi ước tính. Tuy nhiên, tiền lãi này không được vượt quá 10% giá trị bảo hiểm.
Điều 15.
1. Nếu số tiền bảo hiểm của hàng hoá thấp hơn giá trị bảo hiểm thì người bảo hiểm sẽ bồi thường những mất mát, hư hỏng và các chi phí như đã quy định ở khoản 2b và 2c của Điều 2 Chương II theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm.
2. Nếu số tiền bảo hiểm của hàng hoá cao hơn giá trị bảo hiểm thì phần cao hơn đó không được thừa nhận.
Chương 7:
BẢO HIỂM TRÙNG VÀ BẢO HIỂM GIÁ TRỊ TĂNG THÊM
Điều 16.
1. Nếu cùng một số hàng mà đem bảo hiểm với nhiều người bảo hiểm và nếu tổng của những số tiền bảo hiểm vượt quá giá trị bảo hiểm thì trách nhiệm của tất cả những người bảo hiểm cũng chỉ giới hạn ở giá trị bảo hiểm và trách nhiệm của mỗi người bảo hiểm được tính theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm riêng và tổng của những số tiền bảo hiểm.
Nếu trách nhiệm bảo hiểm chưa bắt đầu thì người được bảo hiểm có thể yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm hoặc giảm bớt số tiền bảo hiểm và đòi hoàn lại phần phí bảo hiểm tương ứng, với điều kiện trong trường hợp huỷ hợp đồng người bảo hiểm có quyền yêu cầu người được bảo hiểm nộp thủ tục phí.
2. Nếu người được bảo hiểm tiến hành bảo hiểm giá trị tăng thêm cho hàng hoá được bảo hiểm thuộc hợp đồng bảo hiểm này thì giá trị thoả thuận của hàng hoá phải được coi như đã gia tăng thành tổng số tiền bảo hiểm theo bảo hiểm này cộng với tất cả các khoản bảo hiểm về giá trị tăng thêm để bảo hiểm tổn thất; và trách nhiệm thuộc phạm vi bảo hiểm này phải được tính theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm thuộc hợp đồng bảo hiểm này và tổng số tiền bảo hiểm nói trên.
Trường hợp có khiếu nại, người được bảo hiểm phải cung cấp cho người bảo hiểm bằng chứng về những số tiền bảo hiểm thuộc tất cả các bảo hiểm khác.
Chương 8:
HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM BAO
Điều 17.
1. Người được bảo hiểm có thể ký kết trước với người bảo hiểm một hợp đồng bảo hiểm bao cho những hàng hoá cần được bảo hiểm, trong đó ghi rõ tên hàng được bảo hiểm, loại tàu chở hàng, cách tính giá trị bảo hiểm của hàng, số tiền bảo hiểm tối đa cho mỗi chuyến hàng và điều kiện bảo hiểm, tỷ lệ phí bảo hiểm và những điểm liên quan khác đã được thoả thuận giữa hai bên.
2. Khi bắt đầu xếp hàng lên tàu hay khi nhận được thông báo xếp hàng, người được bảo hiểm phải thông báo cho người bảo hiểm biết càng sớm càng tốt mọi tình hình mà người bảo hiểm cần biết, tuy nhiên việc thông báo này không được làm chậm quá sau khi tàu bắt đầu dỡ lô hàng đầu tiên tại cảng đến cuối cùng ghi trên đơn bảo hiểm.
Nếu trước khi thông báo mà hàng hoá đã bị mất mát, hư hỏng thuộc phạm vi bảo hiểm thì người bảo hiểm vẫn có trách nhiệm bồi thường. Tiền bồi thường sẽ được tính theo nguyên tắc xác định giá trị bảo hiểm như đã quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Nếu người được bảo hiểm cố ý không thông báo hoặc thông báo không kịp thời hay sai lệch thì người bảo hiểm có quyền kết thúc hợp đồng ngay khi phát hiện tình hình đó và thu toàn bộ số phí bảo hiểm phải trả trước khi hợp đồng kết thúc.
4. Theo yêu cầu của người được bảo hiểm, người bảo hiểm có thể cấp đơn bảo hiểm hay giấy chứng nhận bảo hiểm riêng cho từng chuyến hàng. Nếu nội dung của chứng từ cấp riêng này không phù hợp với nội dung hợp đồng bảo hiểm bao thì sẽ căn cứ vào chứng từ cấp riêng để giải quyết.
Chương 9:
NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM KHI XẢY RA TỔN THẤT
Điều 18. Khi xảy ra mất mát hay hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm phải thông báo ngay cho người bảo hiểm hay đại lý họ chỉ định đến giám định. Nếu người bảo hiểm không có đại lý địa phương thì người được bảo hiểm có thể yêu cầu giám định viên có đăng ký ở nơi đó đến giám định.
Trừ khi trước đó đã có một thoả thuận khác, người bảo hiểm có quyền từ chối giải quyết một vụ khiếu nại không được chứng minh bằng biên bản giám định.
Điều 19.
1. Khi xảy ra mất mát hay hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm hay đại lý của họ phải tiến hành mọi biện pháp có thể thực hiện được nhằm phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất cho hàng hoá được bảo hiểm. Người bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường cho những mất mát hay hư hỏng xảy ra do phía người được bảo hiểm không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của họ như đã quy định trong Điều này.
2. Khi xảy ra tổn thất thuộc phạm vi trách nhiệm của hợp đồng bảo hiểm, người bảo hiểm có thể tự mình hoặc chỉ dẫn cho người được bảo hiểm tham gia công việc cứu hộ và bảo vệ hàng hoá được bảo hiểm.
3. Bất kỳ biện pháp nào nói trên do người bảo hiểm hay người được bảo hiểm tiến hành đều không thể coi là dấu hiệu khước từ hay chấp nhận việc từ bỏ hàng hoá.
Điều 20. Trong mọi trường hợp, người được bảo hiểm hay đại lý của họ có trách nhiệm đảm bảo thực hiện và bảo lưu đầy đủ cho người bảo hiểm quyền khiếu nại đối với người chuyên chở, người nhận uỷ thác hàng hoá hay người thứ ba khác. Đặc biệt, họ cần làm theo những quy định sau đây:
1. Khiếu nại ngay người vận chuyển, chính quyền cảng hay những người nhận uỷ thác hàng về bất kỳ kiện hàng nào bị mất.
2. Yêu cầu đại diện người chuyên chở hay người nhận uỷ thác hàng tham gia việc chứng kiến giám định ngay khi phát hiện hàng hoá có hiện tượng mất mát hoặc hư hỏng và qua giám định nếu thấy thực tế có tổn thất thì phải lập hồ sơ khiếu nại họ.
3. Trừ khi đã có thư kháng nghị, trong mọi trường hợp không được cấp giấy biên nhận hoàn chỉnh cho những hàng hoá có hiện tượng nghi vấn.
4. Gửi giấy báo cho đại diện người chuyên chở hay người nhận uỷ thác hàng hoá trong vòng ba ngày sau khi nhận hàng nếu tổn thất thuộc loại khó phát hiện vào thời gian nhận hàng.
Nếu người được bảo hiểm không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã quy định trong Điều này thì người bảo hiểm có quyền từ chối những khiếu nại thuộc trách nhiệm người chuyên chở, người nhận uỷ thác hàng hoá hay người thứ ba khác.
Điều 21. Khi đòi người bảo hiểm bồi thường về những mất mát hay hư hỏng thuộc trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm cần nộp đủ giấy tờ chứng minh, trong đó tuỳ trường hợp liên quan phải có:
1. Bản chính của đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.
2. Bản chính hoặc bản sao hoá đơn gửi hàng, kèm tờ kê chi tiết hàng hoá và/hoặc phiếu ghi trọng lượng.
3. Bản chính của vận tải đơn và/hoặc hợp đồng chuyên chở khác loại.
4. Biên bản giám định và chứng từ tài liệu khác chỉ rõ mức tổn thất.
5. Giấy biên nhận hoặc giấy chứng nhận tàu giao hàng và phiếu ghi trọng lượng tại nơi nhận cuối cùng.
6. Bản sao báo cáo hải sự và/hoặc trích bản sao nhật ký hàng hải. 7. Công văn thư từ trao đổi với người chuyên chở và các bên khác về trách nhiệm của họ đối với tổn thất.
8. Thư đòi bồi thường.
Chương 10:
XÁC ĐỊNH TỔN THẤT
Điều 22.
1. Tổn thất toàn bộ nói trong Quy tắc này bao gồm tổn thất toàn bộ thực tế và tổn thất toàn bộ ước tính.
2. Khi xảy ra mất mát hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, nếu hàng hoá được bảo hiểm bị phá huỷ hoàn toàn hay bị hư hỏng nghiêm trọng tới mức không còn là vật phẩm với tính chất ban đầu của nó nữa hoặc người được bảo hiểm bị mất hẳn quyền sở hữu hàng hoá thì được coi là tổn thất toàn bộ thực tế.
3. Khi hàng hoá được bảo hiểm bị mất mát hay hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm, nếu xét thấy không thể tránh khỏi tổn thất toàn bộ thực tế hoặc do các chi phí cứu hàng, chi phí chỉnh lý và gửi hàng đến nơi nhận ghi trong hợp đồng bảo hiểm có thể vượt quá giá trị hàng khi tới nơi nhận đó, thì được coi là tổn thất toàn bộ ước tính.
4. Bất kỳ trường hợp mất mát hay hư hỏng nào không thuộc loại tổn thất đã nói ở hai phần trên đều được coi là tổn thất bộ phận.
Điều 23. Nếu tàu chở hàng bị mất tích thì hàng hoá được bảo hiểm sẽ được coi là tổn thất toàn bộ thực tế.
Tàu chở hàng được coi là mất tích khi không tới được bến đến và cũng không tin tức gì, về thời gian thì đã quá ba lần quãng thời gian cần thiết cho tàu đi từ địa điểm dừng lại cuối cùng cho tới bến đến. Tuy nhiên thời gian cần thiết để xác định việc mất tích tàu không được ít hơn 3 tháng. Nếu việc thông báo tin tức bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoặc những hoạt động quân sự thì thời hạn nói trên được đổi thành 6 tháng.
Chương 11:
CÁCH TÍNH VÀ THANH TOÁN BỒI THƯỜNG
Điều 24. Khi hàng hoá được bảo hiểm bị tổn thất toàn bộ, thì số tiền bồi thường được xác định bằng tổng giá trị hàng hoá khi còn nguyên vẹn trừ đi tổng giá trị hàng hoá còn lại sau khi đã bị tổn thất tại nơi nhận hàng trên cơ sở tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm.
Điều 25. Trường hợp có tổn thất chung thuộc phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm thì số tiền đóng góp tổn thất chung của người được bảo hiểm sẽ được người bảo hiểm bồi thường lại đầy đủ. Tuy nhiên số tiền bảo hiểm của hàng hoá lại thấp hơn giá trị đóng góp tổn thất chung thì người bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường tiền đóng góp tổn thất chung theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị đóng góp.
Điều 26. Trách nhiệm của người bảo hiểm chỉ giới hạn ở số tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, người bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm đối với số tổn thất cộng với các chi phí cứu hộ, phí giám định, chi phí đánh giá và bán lại hàng hoá tổn thất, chi phí đòi người thứ ba bồi thường và tiền đóng góp tổn thất chung, dù cho tổng số tiền bồi thường như vậy có thể vượt quá số tiền bảo hiểm.
Điều 27. Người bảo hiểm có quyền được miễn mọi trách nhiệm quy định trong hợp đồng bảo hiểm bằng cách khước từ quyền lợi về hàng hoá bảo hiểm và quyền khiếu nại người thứ ba, đồng thời bồi thường cho người được bảo hiểm toàn bộ số tiền bảo hiểm.
Khi thực hiện quyền của mình đã quy định ở trên người bảo hiểm phải thông báo cho người được bảo hiểm biết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của người được bảo hiểm về hiểm hoạ đã xảy ra và hậu quả của nó. Những chi phí cần thiết và hợp lý mà người được bảo hiểm đã chi trước khi nhận được thông báo trên nhằm phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất sẽ được người bảo hiểm bồi hoàn.
Điều 28.
1. Sau khi kiểm tra các chứng từ có liên quan đến việc khiếu nại do người được bảo hiểm gửi đến và đã xác nhận tổn thất, người bảo hiểm sẽ thanh toán bồi thường cho cho người được bảo hiểm.
2. Trừ khi có thoả thuận khác, việc thanh toán bồi thường sẽ được giải quyết bằng loại tiền quy định trong hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận bảo hiểm.
3. Khi thanh toán bồi thường, người bảo hiểm có thể khấu trừ vào tiền bồi thường các khoản thu nhập của người được bảo hiểm trong việc bán hàng hoá cứu được và đòi người thứ ba.
Chương 12:
CHUYỂN QUYỀN ĐÒI BỒI THƯỜNG
Điều 29.
1. Sau khi thanh toán bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm, mọi khoản khiếu nại và quyền khiếu nại của người được bảo hiểm đối với những người thứ ba đều được chuyển cho người bảo hiểm mà giới hạn là số tiền đã bồi thường.
Ngay khi nhận được tiền bồi thường của người bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển cho người bảo hiểm mọi tài liệu và bằng chứng của họ và phải làm đầy đủ thủ tục đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền truy đòi của người bảo hiểm.
2. Nếu người được bảo hiểm bỏ qua quyền đòi người thứ ba hoặc nếu do lỗi của họ mà không thể thực hiện được quyền này (như hết hạn gửi thư khiếu nại người chịu trách nhiệm về tổn thất v.v...), thì người bảo hiểm sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường với một mức độ thích hợp và nếu việc bồi thường của bảo hiểm đã được giải quyết thì người được bảo hiểm có nghĩa vụ hoàn lại cho người bảo hiểm một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường mà họ đã nhận được, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
Điều 30. Với điều kiện phải thực hiện những quy định trên, khi người bảo hiểm bồi thường một vụ tổn thất toàn bộ có thể bồi thường tất cả hoặc nguyên một phần hàng được bảo hiểm, họ còn có quyền thu hồi những gì còn lại của phần hàng hoá đã được bồi thường theo hình thức đó.
Chương 13:
TỪ BỎ HÀNG
Điều 31.
1. Trường hợp người được bảo hiểm muốn khiếu nại tổn thất toàn bộ ước tính cho hàng hoá được bảo hiểm thì họ phải gửi thông báo từ bỏ hàng cho người bảo hiểm. Nếu không thực hiện theo quy định này thì tổn thất chỉ được giải quyết theo hình thức bồi thường tổn thất bộ phận.
2. Thông báo từ bỏ hàng phải làm thành văn bản và trong mọi trường hợp phải cho biết ý định của người được bảo hiểm là từ bỏ không điều kiện mọi quyền lợi về hàng hoá được bảo hiểm cho người bảo hiểm.
3. Trường hợp thông báo từ bỏ hàng được gửi theo đúng quy định thì quyền khiếu nại của người được bảo hiểm không bị phương hại bởi việc người bảo hiểm từ chối chấp nhận từ bỏ hàng. Khi thông báo từ bỏ hàng đã được chấp nhận thì việc từ bỏ hàng không còn thay đổi khác được.
Chương 14:
NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 32. Hợp đồng bảo hiểm không có hiệu lực đối với lợi ích của người chuyên chở, người nhận uỷ thác hàng hoá hay người bảo hiểm cháy.
Điều 33. Người được bảo hiểm phải hành động khẩn trương hợp lý trong những tình huống có thể chủ động được và người bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường cho những vụ tổn thất phát sinh do người được bảo hiểm không hoàn thành nghĩa vụ đó.
Chương 15:
THỜI HIỆU KHIẾU NẠI
Điều 34. Quyền đòi bồi thường của người được bảo hiểm sẽ hết hiệu lực sau 2 năm kể từ ngày phát sinh quyền đó.
Chương 16:
XỬ LÝ TRANH CHẤP
Điều 35. Bất kỳ một vụ tranh chấp nào có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm mà không giải quyết được bằng hình thức thương lượng giữa người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải chuyển tới Toà án, Trọng tài Nhà nước hay bất kỳ một tổ chức trọng tài nào khác do các bên thoả thuận để giải quyết hoặc Trọng tài hàng hải Việt Nam nếu một trong hai bên tham gia hợp đồng là người nước ngoài. Kết luận của Toà án hoặc Trọng tài sẽ là quyết định cuối cùng ràng buộc hai bên.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.