BỘ GIÁO DỤC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 305-QĐ | Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1981 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 305-QĐ NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 1981 BAN HÀNH QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ VÀ PHỔ THÔNG TRUNG HỌC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ Nghị định số 19-CP ngày 29-1-1966 và Nghị định số 6-CP ngày 7-1-1971 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;
Theo đề nghị của các ông vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cấpI,II và vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cấp III Bộ giáo dục.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và thi tốt nghiệp phổ thông trung học.
Điều 2.- Các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, chánh văn phòng Bộ Giáo dục, vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ,vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cấp I, II, vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cấp III, giám đốc sở giáo dục và trưởng Ty giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Thị Bình (Đã ký) |
QUY CHẾ
THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ VÀ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC
( ban hành theo Quyết định số 305-QĐ ngày 24-3-1981)
Chương 1
TÍNH CHẤT, Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA KỲ THI
Điều 1.- Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm một vị trí đặc biệt trong việc đánh giá đúng kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trong cả một cấp học nhằm động viên học sinh chăm chỉ học tập và rèn luyện.
Điều 2.- Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học là sự kết hợp kiểm tra đánh gía toàn diện của nội bộ nhà trường với sự đánh giá của Nhà nước đối với từng học sinh.
Điều 3.- Kết quả thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học cùng với kết quả học tập và rèn luyện hàng ngày ghi trong học bạ là một căn cứ quan trọng để Nhà nước sử dụng đúng từng học sinh đã được đào tạo ra.
Điều 4.- Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học có mục đích:
1. Đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh, kết quả đào tạo của nhà trường, báo cáo trung thực kết quả đó với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
2. Động viên, thúc đẩy học sinh chăm chỉ học tập và rèn luyện, giáo viên không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm để dạy tốt và hướng dẫn học sinh học tập tốt.
3. Động viên, thúc đẩy các cấp bộ đảng, chính quyền và các cấp giáo dục cùng cha mẹ học sinh và toàn xã hội chăm lo đến việc dạy, việc học của thày và trò.
4. Phát hiện những ưu điểm và khuyết điểm trong công tác giáo dục, đề ra những chủ trương, biện pháp để đẩy mạnh việc dạy tốt, học tốt trong nhà trường, cải tiến công tác quản lý và chỉ đạo giáo dục, góp phần đưa công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục vào nền nếp theo đúng pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Điều 5.- Để đạt được mục đích của kỳ thi, việc đánh giá kết quả thi sẽ căn cứ vào:
1. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở năm học cuối cấp do nhà trường đánh giá toàn diện theo quy chế hiện hành được ghi trong sổ điểm và học bạ.
2. Kết quả kiểm tra các môn văn hoá trong kỳ thi.
Điều 6.- Việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau đây.
1. Đánh giá chính xác chất lượng toàn diện người học sinh qua việc tiến hành các khâu công tác thi một cách nghiêm túc, trung thực và công bằng. Các cán bộ, giáo viên làm công tác thi và những học sinh dự thi phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế và nội quy thi.
2. Thực hiện quyền dân chủ của học sinh và cha mẹ học sinh: niêm yết công khai danh sách học sinh tốt nghiệp và thông báo điểm bài thi cho tất cả học sinh dự thi. Giải quyết những đơn khiếu nại của học sinh theo đúng thủ tục quy định, chậm nhất là 30 ngày sau khi công bố kết quả thi.
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI
Điều 7.- Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tốt nghiệp phổ thông trung học được tổ chức cho:
1. Những học sinh đã học hết lớp cuối cấp trong năm học mở kỳ thi ở các loại trường phổ thông cơ sở hoặc các loại trường phổ thông trung học đã được phép mở theo kế hoạch;
2. Những học sinh đã học hết lớp cuối cấp của các năm học trước đã dự thi nhưng không đạt kết quả tốt nghiệp hoặc không đủ điều kiện dự thi (thí sinh tự do).
Ngoài hai đối tượng trên, các trường hợp đặc biệt khác đều phải được sở, Ty giáo dục xét và quyết định (đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở) hoặc Bộ Giáo dục xét và quyết định (đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học).
Điều 8.- Những học sinh nói trong điểm 1, điều 7, nếu có đủ các điều kiện dưới đây sẽ được dự thi:
1. Đã học hết chương trình của các lớp trong cấp học, có đầy đủ kết quả do nhà trường đánh giá xếp loại về các mặt giáo dục ở các lớp theo quy chế hiện hành;
2. Tổng số ngày nghỉ học trong năm học ở lớp cuối cấp( nghỉ một lần hay nhiều lần cộng lại) không được quá 45 ngày;
3. Được xếp loại cả năm về đạo đức ở lớp cuối cấp từ trung bình trở lên;
4. Về mặt văn hoá phải thuộc một trong các loại sau đây:
a. Có nhiều nhất là 5 môn đạt điểm trung bình cả năm từ 4 đến 4,9, các môn còn lại phải đạt từ 5 trở lên;
b. Có nhiều nhất là 3 môn đạt điểm trung bình cả năm từ 4 đến 4,9 và 1 môn đạt điểm trung bình cả năm từ 3 đến 3,9, các môn còn lại phải đạt từ 5 trở lên;
c. Có nhiều nhất là 1 môn đạt điểm trung bình cả năm từ 4 đến 4,9 và 2 môn (trong 2 môn này chỉ có 1 môn là văn hoặc toán) đạt điểm trung bình cả năm từ 3 đến 3,9, các môn còn lại phải đạt từ 5 trở lên.
Đối với những học sinh đang học không đủ điều kiện dự thi, hiệu trưởng phải báo cho học sinh và gia đình học sinh biết trước ngày thi 10 ngày.
Điều 9.- Về những đối tượng đã nói trong điểm 2, Điều 7:
1. Những học sinh năm học trước đã thi nhưng không đạt kết quả tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng dự thi sẽ được phép đăng ký dự thi trước ngày thi 45 ngày tại trường cũ hoặc nơi thi gần nhất, nếu có đủ các điều kiện dưới đây:
a. Không quá 20 tuổi đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và 24 đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học;
b. Được chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấnv.v...) nơi cư trú hoặc cơ quan, đơn vị sản xuất đang quản lý, cấp giấy xác nhận đã có ý thức và thái độ tốt trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã tích cực tham gia lao động hoặc công tác xã hội và có đủ tư cách đạo đức tốt trong thời gian không tiếp tục học ở trường.
2. Những học sinh năm học trước không đủ điều kiện dự thi mà không tiếp tục học lại, nếu có nguyện vọng dự thi, sẽ được đăng ký dự thi trước ngày thi 45 ngày tại trường cũ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a. Đối với học sinh không đủ điều kiện về mặt đạo đức, phải có đủ hai điều kiện đã nói trong điểm 1 của điều này.
b. Đối với học sịnh không đủ điều kiện về mặt văn hóa, ngoài việc phải có đủ hai điều kiện đã nói trong điểm 1 của điều này, còn phải được trường cũ kiểm tra xác nhận đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá. Chỉ kiểm tra những môn có điểm trung bình cả năm quá thấp nên đã không đủ điều kiện dự thi. Điểm kiểm tra lại sẽ thay thế cho điểm trung bình cả năm của môn học đó để xét điều kiện dự thi.
Điều 10.- Bộ sẽ có quy định riêng về hồ sơ thi. Đối với học sinh đang học tại các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thi của học sinh trong trường để xuất trình với hội đồng coi thi.
Đối với những học sinh đã học năm học trước, nếu có đủ điều kiện mà muốn dự thi thì phải nộp đủ hồ sơ ở nơi đăng ký dự thi.
Điều 11.- Đầu học kỳII, nhà trường phải kiểm tra sơ bộ các hồ sơ thi của học sinh, phát hiện các trường hợp hồ sơ thiéu hoặc sai sót để bổ sung, sửa chữa. Trước ngày thi 15 ngày, nhà trường phải kiểm tra lần nữa toàn bộ hồ sơ thi trước khi ban giáo dục hoặc sở Ty giáo dục tổ chức kiểm tra lại.
Điều 12.- Hội đồng coi thi sẽ kiểm tra lần cuối cùng và xác nhận hoặc không xác nhận tư cách thí sinh của môĩ học sinh. Nếu phát hiện hồ sơ của học sinh nào không đầy đủ hoặc có nghi vấn, hội đồng coi thi phải thông báo ngay cho nhà trường bổ sung hoặc xác minh, nhưng vẫn cho phép học sinh này dự thi, đồng thời lập biên bản chuyển đến hội đồng chấm thi tiếp tục xem xét và báo cáo Ty, Sở giáo dục giải quyết.
Chương 3
MÔN THI, NGÀY THI, CHƯƠNG TRÌNH THI VÀ ĐỀ THI
Điều 13.- Về nguyên tắc, học sinh được học môn nào sẽ phải thi môn ấy. Hàng năm, Bộ Giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế dạy và học của các trường mà quy định và thông báo chậm nhất vào ngày 15 tháng 4 những môn thi viết hoặc môn thi hỏi miệng, môn lấy điểm trung bình cả năm làm điểm bài thi.
Điều 14.- Các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học được tổ chức thống nhất trong cả nước vào khoảng 10 ngày đầu tháng 6 hàng năm. Ngày giờ cụ thể sẽ do Bộ Giáo dục quy định.
Điều 15.- Chương trình thi là chương trình toàn cấp học, chủ yếu dựa vào chưong trình lớp cuối cấp. Bộ Giáo dục quy định các tri thức khoa học, các loại bài tập thực hành từ đầu năm học để các trường tổ chức ôn luyện cho học sinh, chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng cho học sinh dự thi.
Điều 16.- Về việc tổ chức ra đề thi:
1. Việc tổ chức ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở sẽ do giám đốc Sở hoặc trưởng Ty giáo dục chịu trách nhiệm. Hàng năm, sở, Ty giáo dục căn cứ vào hướng dẫn ra đề thi của Bộ Giáo dục, tiến hành việc ra đề thi, hướng dẫn chấm và biểu cho điểm để tổ chức kỳ thi thống nhất trong phạm vi tỉnh hoặc thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
2. Việc ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trong cả nước sẽ do Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm.
3. Đề thi, hướng dẫn chấm và biểu cho điểm phải bảo đảm bí mật, chính xác, an toàn từ khâu dự thảo đến khâu đánh máy, in, phân phối, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định của Bộ.
Chương 4
ĐIỀU KIỆN ĐỖ VÀ TIÊU CHUẨN XẾP LOẠI ĐỖ
Điều 17.- Những học sinh có điểm bình quân các môn thi từ 5 điểm trở lên, không có bài thi nào bị điểm dưới 3 sẽ được công nhận đỗ thẳng.
Điều 18.- Việc xét lấy đỗ thêm chỉ áp dụng đối với những thí sinh là học sinh đang học tại các loại trường phổ thông cơ sở hoặc các loại trường phổ thông trung học nói trong điểm 1 của Điều 7.
Những học sinh thuộc một trong hai diện dưới đây sẽ được xét lấy đỗ thêm:
1. Có điểm bình quân các môn thi từ 5 trở lên, không có môn thi nào bị điểm (zéro );
2. Có điểm bình quân các môn thi từ 4,5 điểm trở lên, không có môn thi nào bị không điểm và có một trong các điều kiện sau đây:
a. Có mặt đạo đức và văn hoá được xếp loại cả năm từ khá trở lên,
b. Có mặt đạo đức được xếp loại cả năm từ khá trở lên, các mặt giáo dục khác được xếp loại cả năm từ trung bình trở lên,
c. Là con liệt sĩ (có giấy chứng nhận hợp lệ) được xếp loại cả năm về đạo đức từ khá trở lên,
d. Là thương binh hoặc đã đi bộ đội, thanh niên xung phong đã phục vụ tại ngũ từ 3 năm trở lên (có giấy chứng nhận hợp lệ của cơ quan, đơn vị quản lý), nay trở về tiếp tục học tại trường phổ thông cơ sở hoặc trường phổ thông trung học được xếp loại cả năm về đạo đức từ khá trở lên.
Điều 19.- Trong trường hợp đặc biệt xét thấy cần phải lấy đỗ thêm nữa ngoài những điều kiện đã nói trong Điều 18 thì Sở, Ty giáo dục phải trình Bộ Giáo dục quyết định.
Điều 20.- Học sinh đạt kết quả tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học được xếp làm 5 loại theo tiêu chuẩn sau đây:
1. Loại xuất sắc (được Bộ Giáo dục cấp giấy khen và thông báo trong tập san của ngành học) là những học sinh đỗ thẳng, có điểm bình quân các môn thi từ 9 điểm trở lên, không có môn thi nào dưới 6 điểm và được xếp loại cả năm về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp từ khá trở lên.
2. Loại giỏi (được Sở, Ty giáo dục cấp giấy khen) là những học sinh đỗ thẳng, có điểm bình quân các môn thi từ 8 điểm trở lên, không có môn thi nào dưới 5 điểm và được xếp loại cả năm về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp từ khá trở lên.
3. Loại khá là những học sinh đỗ thẳng, được xếp loại cả năm về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp từ khá trở lên và thuộc một trong hai diện sau:
a. Có điểm bình quân các môn thi từ 7 trở lên, chỉ có một môn( không phải là văn hoặc toán) đạt điểm thấp nhất là 4;
b. Có điểm bình quân các môn thi từ 6,5 trở lên, không có môn nào dưới 5.
4. Loại trung bình là những học sinh đỗ thẳng còn lại.
5. Loại thường là những học sinh được lấy đỗ thêm (đỗ vớt).
Kết quả xếp loại đỗ được ghi vào danh sách tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp.
Điều 21.- Những học sinh thuộc một trong các diện sau đây sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp.
1. Học sinh bị ốm trước khi thi, không tham dự được kỳ thi, nếu có giấy chứng nhận hợp lệ của cơ quan y tế và nhà trường, được xếp loại cả năm về các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp từ khá trở lên.
2. Học sinh bị ốm hoặc có sự việc đột xuất xảy ra trong lúc đang thi không thể thi tiếp được nữa, nếu có biên bản xác nhận hợp lệ của cơ quan y tế hoặc hội đồng coi thi thì:
- Các môn đã thi phải đạt từ 5 điểm trở lên;
- Điểm trung bình cả năm của các môn không thi được, phải là 5 điểm trở lên.
3. Học sinh không tham dự kỳ thi do được tuyển nhập ngũ, đi thanh niên xung phong, phục vụ quốc phòng, đi vùng kinh tế mới theo chủ trương chung của Nhà nước sau khi đã học hết học kỳ I hoặc học kỳII, nếu ở cuối học kỳI hoặc cuối học kỳ II hoặc cả năm được xếp loại về mặt đạo đức từ khá trở lên, các mặt giáo dục khác được xếp loại từ trung bình trở lên.
4. Học sinh học lớp cuối cấp được Bộ Giáo dục hoặc cơ quan Nhà nước cấp trung ương tuyển chọn trong đội tuyển tham dự các cuộc thi quốc tế (toán hoặc ngoại ngữ, v.v...)
Những học sinh được đặc cách tốt nghiệp đều không xếp loại đỗ và ghi rõ trong bằng tốt nghiệp. Thí sinh tự do cũng không xếp loại đỗ và ghi rõ trong bằng tốt nghiệp.
Điều 22.- Điểm bài thi của học sinh phải được đưa về các trường để công bố cho học sinh dự thi biết ngay sau khi cho học sinh dự thi biết ngay sau khi ban giáo dục quận, huyện, thị xã xét duyệt đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và Sở, Ty giáo dục xét duyệt đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Danh sách học sinh tốt nghiệp đều phải được niêm yết công khai tại trường phổ thông cơ sở và trường phổ thông trung học nơi học sinh dự thi. Nếu sau khi công bố danh sách học sinh tốt nghiệp, Ty, Sở hoặc Bộ Giáo dục phát hiện được những trường hợp làm sai hoặc bỏ sót thì phải có quyết định sửa lại và công bố ngay quyết định đó.
Điều 23.- Việc giải quyết đơn khiếu nại về bài thi của học sinh được quy định như sau:
1. Chỉ nhận đơn khiếu nại của học sinh không tốt nghiệp trong thời hạn một tuần lễ kể từ ngày công bố điểm bài thi và chỉ xét những đơn khiếu nại có nội dung cụ thể và dẫn chứng xác đáng.
2. Sở, Ty giáo dục thành lập các hội đồng chấm lại cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở cũng như kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học để chấm lại các bài thi mà học sinh đã khiếu nại.
Điều 24.- Việc lưu trữ hồ sơ thi quy định như sau:
1. Sở, Ty giáo dục hoặc ban giáo dục phải lưu trữ không thời hạn bảng ghi tên, ghi điểm học sinh dự thi, danh sách học sinh tốt nghiệp, sổ cấp bằng tốt nghiệp và hồ sơ của những học sinh được xét đặc cách tốt nghiệp.
2. Sở, Ty giáo dục hoặc ban giáo dục phải lưu trữ trong thời hạn 3 năm những hồ sơ khiếu nại của học sinh dự thi( kể cả bài thi của các học sinh này).
3. Sở, Ty giáo dục hoặc ban giáo dục phải lưu trữ trong thời hạn 1 năm các bài thi của học sinh dự thi (trừ những bài thi của học sinh có khiếu nại).
Điều 25.- Căn cứ vào kết quả tốt nghiệp của hội đồng chấm thi và việc xét duyệt kết quả thi của Sở, Ty, giám đốc sở giáo dục và trưởng Ty giáo dục sẽ cấp phát bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở và bằng tốt nghiệp phổ thông trung học cho học sinh tốt nghiệp trong thời hạn chậm nhất là 60 ngày sau khi công bố kết quả thi. Sở, Ty giáo dục phải lập sổ cấp bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở và bằng tốt nghiệp phổ thông trung học để theo dõi và lưu trữ việc cấp bằng hàng năm cho học sinh tốt nghiệp của địa phương mình. Bộ Giáo dục sẽ quy định mẫu sổ cấp bằng và mẫu bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học.
Chương 5
TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO KỲ THI
Điều 26.- Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm:
1. Ban hành quy chế thi, các chỉ thị, thông tư hướng dẫn cần thiết khác về tổ chức các kỳ thi, nghiệp vụ thi và các chủ trương giải quyết cụ thể những vấn đề xảy ra trong kỳ thi.
2. Ra đề thi, biểu điểm và hướng dẫn chấm thống nhất cho các địa phương về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học.
3. Chỉ đạo và kiểm tra công tác của các hội đồng coi thi , chấm thi, công việc tổ chức và chỉ đạo toàn bộ kỳ thi của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương và các Sở, Ty giáo dục.
4. Duyệt và quyết định những trường hợp lấy đỗ thêm ngoài quy chế do Sở, Ty giáo dục đề nghị.
Điều 27.- Để giúp Bộ chỉ đạo công tác thi, Bộ sẽ ra quyết định thành lập các tổ chức sau:
1. Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học;
2. Các ban kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học. Các ban này có nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ công tác thi của các địa phương theo đúng quy chế thi của Bộ đã ban hành bao gồm các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ. Nếu phát hiện địa phương nào làm không đúng theo quy chế thi của Bộ thì kịp thời báo cáo và có thể đề nghị Bộ không công nhận toàn bộ hoặc một phần kết quả kỳ thi của địa phương. Trong trường hợp cần thiết, Bộ có thể thành lập các đoàn kiểm tra và giám sát thi ở một số địa phương.
Điểu 28.- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:
1. Chỉ đạo Sở, Ty giáo dục thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy chế thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học do Bộ Giáo dục ban hành;
2. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và huy động lực lượng các ngành cùng Sở, Ty giáo dục tiến hành tổ chức tốt kỳ thi.
3. Theo đề nghị của Sở, Ty giáo dục ra quyết định thành lập các tổ chức làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi tốt nghiệp phổ thông trung học, chấm lại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học của địa phương.
Điều 29.- Sở, Ty giáo dục chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương về toàn bộ công tác thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học, cụ thể là:
1. Chỉ đạo việc hoàn thành công tác cho điểm, đánh giá xếp loại học sinh trong năm học ở các trường và việc chuẩn bị hồ sơ sổ sách, các phương tiện vật chất cần thiết phục vụ cho các kỳ thi.
2. Bảo quản đầy đủ, an toàn và nguyên vẹn niêm phong những bộ đề thi và hướng dẫn chấm của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học của Bộ từ khi nhận được cho đến khi chuyển giao cho các hội đồng coi thi, chấm thi trong địa phương mình.
3. Ra đề thi, biểu điểm và hướng dẫn chấm thống nhất cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở trong địa phương mình theo hướng dẫn của Bộ. Đề thi và biểu điểm hướng dẫn chấm phải đảm bảo chính xác, bí mật, an toàn từ khi dự thảo, đánh máy và in cho đến khi coi thi và chấm thi xong.
4. Tổ chức việc coi thi, chấm thi, xét duyệt và công bố kết quả kỳ thi tốt nghiêp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học, khen thưởng, kỷ luật theo đúng quy chế thi và các hướng dẫn của Bộ. Tiến hành kiểm tra công tác của các hội đồng thi để đảm bảo được yêu cầu nghiêm túc, khách quan và đánh giá đúng thực chất chất lượng kiến thức văn hóa của học sinh qua kỳ thi.
Điều 30.- Sở, Ty giáo dục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương ra quyết định thành lập các tổ chức sau đây để giúp Sở, Ty làm công tác thi:
1. Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở chịu trách nhiệm về việc ra đề thi, hướng dẫn chấm và biểu điểm cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
2. Các ban chỉ đạo và kiểm tra thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp phổ thông trung học chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giải quyết các công việc của kỳ thi theo đúng quy chế thi của Bộ đã ban hành.
3. Các hội đồng coi thi, chấm thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm nhiệm vụ coi thi và chấm thi.
4. Hội đồng chấm lại thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và hội đồng chấm lại thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm nhiệm vụ chấm lại các bài thi mà học sinh khiếu nại.
Điều31.- Ban giáo dục huyện, quận và thị xã chịu trách nhiệm trước Sở, Ty giáo dục và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã về toàn bộ công tác thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở của địa phương mình.
Điều 32.- Ban giáo dục huyện, quận và thị xã trình Uỷ ban nhân dân huyện, quận và thị xã ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi, chấm thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở của địa phương.
Điều 33.- Việc tổ chức coi thi, chấm thi phải bảo đảm tiến hành theo các nguyên tắc sau:
1. Giáo viên không coi thi, chấm bài thi học trò trường mình;
2. Giáo viên chấm thi môn nào phải là người đã dạy hoặc đang dạy môn đó ở lớp cuối cấp;
3. Cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở là cán bộ, giáo viên của các trường phổ thông cơ sở được điều động trong phạm vi huyện, quận và thị xã;
4. Cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là cán bộ, giáo viên của các trường phổ thông trung học được điều động trong phạm vi tỉnh, thành phố, đặc khu.
Điều 34.- Nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc của hội đồng coi thi, chấm thi tiến hành theo bản hướng dẫn nghiệp vụ thi và các văn bản hướng dẫn khác cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học của Bộ Giáo dục.
Điều 35.- Chủ tịch các hội đồng thi, các ban giáo dục huyện, quận và thị xã, các Sở, Ty giáo dục phải chấp hành nghiêm chỉnh việc báo cáo thỉnh thị theo đúng quy định của Bộ. Tất cả những trường hợp giải quyết ngoài những điều quy định của quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ đều phải kịp thời báo cáo và đề nghị với Bộ và chỉ được thực hiện sau khi Bộ đã quyết định.
Chương 6
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT TRONG KỲ THI
Điều 36.- Việc khen thưởng và kỷ luật những cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi, những người làm công tác phục vụ việc coi thi, chấm thi hoặc những học sinh dự thi phải được tiến hành theo các nguyên tắc sau:
1. Định hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với từng cá nhân là căn cứ vào mức độ thành tích hay hành động phạm lỗi cụ thể của cá nhân đó trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình đã được quy định trong quy chế thi của Bộ.
2. Việc khen thưởng và kỷ luật phải được tiến hành một cách nghiêm minh, dân chủ, kịp thời, có tác dụng giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh và những người làm công tác phục vụ coi thi, chấm thi.
Điều 37.- Các hình thức khen thưởng cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi và những người làm công tác phục vụ coi thi, chấm thi bao gồm:
1. Sở, Ty giáo dục cấp giấy khen;
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, Uỷ ban nhân dân huyện, quận và tương đương cấp giấy khen;
3. Bộ giáo dục cấp giấy khen.
Điều 38.- Hình thức thi hành kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi và những người làm công tác phục vụ coi thi, chấm thi gồm bốn loại sau đây, do cơ quan quản lý ra quyết định:
1. Khiển trách trước toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên của ngành trong phạm vi huyện, quận, thị xã hoặc tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương;
2. Cảnh cáo trước toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên của ngành trong phạm vi huyện, quận, thị xã hoặc tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương;
3. Hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật và hạ lương, chuyển đi làm việc khác;
4. Buộc thôi việc hoặc có thể truy tố trước pháp luật.
Điều 39.- Những cán bộ, giáo viên, công nhân, nhân viên được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác thi hoặc phục vụ kỳ thi đều phải đặt dưới sự chỉ đạo của chủ tịch hội đồng coi thi hoặc chấm thi và phải được phổ biến rõ ràng yêu cầu và cách tiến hành nhiệm vụ của mình. Nếu vi phạm một trong các điều dưới đây sẽ bị lập biên bản tại chỗ, đình chỉ ngay công việc đang làm và tuỳ theo mức độ sai phạm mà đề nghị lên cấp trên thi hành kỷ luật theo các hình thức:
1. Bị khiển trách: Do thiếu tinh thần trách nhiệm nên đã vi phạm quy chế thi, song tác hại không lớn như:
- Vắng mặt ở hội đồng thi không có lý do chính đáng;
- Chép sai, sót đề thi đã được chủ tịch hội đồng coi thi phát hiện khi soát lại đề thi và đã sửa lại, tuy có gây tác hại nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc làm bài của học sinh;
- Dung túng cho học sinh chép bài hoặc nhìn bài của nhau trong khi thi.
2. Bị cảnh cáo: Vi phạm quy chế thi tương đối nghiêm trọng như:
- Chữa giấy khai sinh, học bạ, sổ điểm, bảng ghi tên ghi điểm của học sinh dự thi;
- Đánh mất hoặc để thất lạc hồ sơ thi làm cho học sinh không được dự thi;
- Chép sai, sót đề thi nhưng không được phát hiện kịp thời, làm cho cả phòng thi lại theo đề dự bị;
- Cộng sai, sót điểm thi làm ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến kết quả thi của học sinh.
3. Bị hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật và hạ lương; chuyển đi làm việc khác, nếu vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, gây tác hại lớn đến việc tổ chức kỳ thị như:
- Giải bài hoặc chuyển bài cho học sinh trong lúc đang thi;
- Ra đề thi sai kiến thức hoặc ngoài chương trình thi, làm ảnh hưởng đến kết quả thi;
- Do thiếu tinh thần trách nhiệm và để lộ đề thi, gây tác hại nghiêm trọng cho việc tổ chức kỳ thi;
- Do thiếu tinh thần trách nhiệm mà để mất nhiều bài thi của học sinh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi.
4. Buộc thôi việc hoặc có thể bị truy tố trước pháp luật, nếu vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi, gây tác hại rất lớn đến việc tổ chức kỳ thi như:
- Chữa điểm bài thi để học sinh được tốt nghiệp;
- Ăn hối lộ để học sinh được tốt nghiệp;
- Cố tình làm lộ hoặc bán đề thi, hướng dẫn chấm, gây tác hại rất nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi ở một địa phương;
- Có hành động chống phá kỳ thi hoặc hành hung những người làm công tác thi, làm mất an ninh, trật tự ở khu vực thi, làm cho kỳ thi phải đình hoãn lại, không thể tiến hành được ở địa phương.
Đối với các trường hợp vi phạm khác thì tuỳ theo ý thức của người phạm lỗi, tính chất và tác hại của hành động phạm lỗi mà xử lý theo các hình thức kỷ luật đã ghi trong Điều 38.
Điều 40.- Các hình thức khen thưởng đối với học sinh dự thi:
1. Ban giáo dục huyện, quận, thị xã hoặc Sở, Ty giáo dục cấp giấy khen cho những trường hợp:
a. Được xếp loại đỗ vào loại giỏi trong kỳ thi;
b. Có tinh thần đấu tranh, phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong thi cử.
2. Bộ giáo dục cấp giấy khen cho những trường hợp:
a. Được xếp loại đỗ xuất sắc;
b. Có hành động dũng cảm, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện chống phá, hành hung gây rối loạn trật tự kỳ thi hoặc phát hiện những vụ vi phạm lớn về quy chế thi.
Điều 41.- Các hình thức thi hành kỷ luật đối với học sinh dự thi, bao gồm:
1. Giáo viên coi thi khiển trách học sinh trong phòng thi.
2. Chủ tịch hội đồng coi thi cảnh cáo trước toàn thể học sinh dự thi.
3. Chủ tịch Hội đồng coi thi quyết định đình chỉ việc dự thi tiếp các môn còn lại.
4. Chủ tịch hội đồng coi thi đề nghị hội đồng chấm thi không chấm bài thi, huỷ kết quả đỗ thẳng hoặc lấy đỗ thêm, đề nghị ban giáo dục huyện, quận, thị xã đối với học sinh thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, và Sở, Ty giáo dục đối với học sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học, cấm không cho dự thi tốt nghiệp từ một đến hai năm.
5. Sau khi hội đồng chấm thi đã kết kết thúc công việc, nếu phát hiện ra hành động phạm lỗi của học sinh trong kỳ thi thì Sở, Ty giáo dục có thể huỷ bỏ kết qủa tốt nghiệp và thu hồi bằng tốt nghiệp, cấm không cho dự thi từ một đến hai năm.
Điều 42.- Những học sinh dự thi vi phạm một trong các điều dưới đây, phải lập biên bản tại chỗ và xử lý kỷ luật theo các hình thức sau:
1. Bị cảnh cáo, nếu phạm một trong các khuyết điểm tương đối nghiêm trọng như:
- Đưa bài cho bạn chép hoặc gà bài cho bạn, đã được nhắc đến lần thứ hai mà vẫn tiếp tục vi phạm;
- Chép bài của bạn, đã được nhắc nhở lần thứ hai mà vẫn tiếp tục vi phạm.
2. Bị huỷ bỏ kết quả thi, nếu phạm một trong các khuyết điểm nghiêm trọng như:
- Mang tài liệu ngoài quy định vào phòng thi (kể từ lúc đọc đề thi trong phòng thi) dù chưa sử dụng hay đã sử dụng;
- Nhận bài giải sẵn hoặc giấy nháp của người khác trong phòng thi hoặc của người bên ngoài phòng thi đưa vào, dù chưa sử dụng hoặc đã sử dụng;
- Có bài giống nhau chứng tỏ đã chép bài của nhau trong khi thi, bị giáo viên chấm thi phát hiện và tổ chấm thi của hội đồng xác nhận;
- Dùng bài làm hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình, bị giáo viên chấm thi phát hiện và tổ chấm thi của hội đồng xác nhận, cố tình không nộp bài thi;
- Đối với những trường hợp vi phạm khác, tuỳ tính chất và mức độ của hành động phạm lỗi mà xử lý theo các hình thức kỷ luật đã ghi trong Điều 41.
3. Cấm không cho dự thi tốt nghiệp từ một đến hai năm, nếu phạm một trong các khuyết điểm như:
- Hành hung cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi, những người phục vụ kỳ thi hoặc học sinh dự thi, đặc biệt là những kẻ cầm đầu;
- Làm mất trật tự, an ninh khu vực thi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, đặc biệt là những kẻ cầm đầu.
Các hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh dự thi đều phải công bố trước hội đồng thi và thông báo cho cha mẹ học sinh, cho nhà trường và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của trường biết.
Chương 7
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 43.- Bản quy chế này áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trong phạm vi cả nước kể từ năm học 1980-1981. Riêng điểm 4 của Điều 8, chương II sẽ áp dụng từ năm học 1981-1982. Những quy chế, thể lệ và các văn bản hướng dẫn trước đây về kỳ thi trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 44.- Bộ giáo dục sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện bản quy chế này.
Điều 45.- Các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, vụ trưởng vụ giáo dục phổ thông cấpI, II, Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông cấp III, giám đốc sở giáo dục thành phố, đặc khu và trưởng Ty giáo dục các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành bản quy chế này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.