ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 304/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 26 tháng 01 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2018-2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Căn cứ Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”;
Xét đề nghị của Trường ban Ban Dân tộc tại Công văn số 37/BDT-TTĐB ngày 18 tháng 01 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018-2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2018-2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát
Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
2. Mục tiêu cụ thể
- 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng thôn vùng dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới;
- Phấn đấu 90% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới;
- 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi;
- 60% cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện, xã vùng dân tộc thiểu số được tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách;
- 50% các xã vùng dân tộc thiểu số xây dựng mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
II. Phạm vi và đối tượng
1. Phạm vi: Địa bàn triển khai các xã và huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng các khu vực có địa hình núi cao, cách xa trung tâm huyện, thị.
2. Đối tượng: Già làng, người có uy tín, cán bộ thôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn vùng dân tộc thiểu số.
III. Nhiệm vụ và giải pháp
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán địa phương nhằm chuyển biến nhận thức và hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số; lồng ghép vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.
- Tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các Trường phổ thông dân tộc nội trú;
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới, chú trọng tại các địa bàn có địa hình núi cao, cách xa trung tâm huyện, thị thuộc vùng dân tộc thiểu số.
2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, Ban Giám hiệu Trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số.
- Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện, trình độ và văn hóa dân tộc;
- Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự tham gia của cán bộ thôn, học sinh tại các Trường phổ thông dân tộc nội trú trong việc tuyên truyền, vận động, thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn.
3. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội và năng lực kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục của địa phương.
Xây dựng các mô hình câu lạc bộ về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, duy trì và nhân rộng những mô hình sáng kiến đem lại hiệu quả cao.
IV. Kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch đến năm 2020 được thực hiện theo Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và lồng ghép nguồn kinh phí theo Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020. Riêng nguồn kinh phí giai đoạn 2021-2025 của Kế hoạch chờ Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung sau.
2. Căn cứ nhiệm vụ tại Kế hoạch này, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình và các địa phương xây dựng dự toán thực hiện Kế hoạch, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm trình cơ quan tài chính cùng cấp.
V. Tổ chức thực hiện
1. Ban Dân tộc
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch;
- Theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, đánh giá hiệu quả việc triển khai Kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc theo quy định.
2. Sở Tài chính
Bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020. Riêng nguồn kinh phí giai đoạn 2021-2025, sau khi có Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí cho các cơ quan, địa phương thực hiện.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Ban Dân tộc trong việc lồng ghép triển khai các hoạt động liên quan theo Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; hướng dẫn tổ chức thực hiện các kế hoạch, chính sách về bình đẳng giới và các hoạt động hỗ trợ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí của tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thông tin, tuyên truyền về công tác bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số với các hình thức đa dạng, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì đề xuất, chỉ đạo và tổ chức đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào các trường dân tộc nội trú.
6. Sở Văn hóa và Thể thao
Chỉ đạo giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa
Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa phát sóng và có bài viết tuyên truyền về hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.
8. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh
- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức pháp luật, giải quyết vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống;
- Phối hợp triển khai các nội dung của Kế hoạch này trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” ở vùng đồng bào dân tộc.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả và phải phù hợp với Kế hoạch của tỉnh; tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan ở địa phương đang triển khai thực hiện;
- Chủ động cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện Kế hoạch trong dự toán chi thường xuyên được giao hàng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật;
- Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; báo cáo kết quả về Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.