ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2012/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐÔ THỊ TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại văn bản số 411/SXD-QH ngày 30 tháng 7 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh. Việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 phải bảo đảm:
- Phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn tỉnh, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng kinh tế động lực và các tiểu vùng huyện. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn; nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống;
- Phát triển ổn định, bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái;
- Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện của đô thị miền núi, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chương trình phát triển của mỗi đô thị;
- Kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội; đối với các đô thị dọc hành lang biên giới phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát:
- Tổ chức hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ;
- Từng bước xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2015: Đảm bảo các huyện hình thành đô thị loại V để làm hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cho vùng huyện. Thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới); nâng cấp thị trấn Plei Kần lên đô thị loại IV và thành lập thị xã Ngọc Hồi;
- Đến năm 2020: Từng bước hình thành các đô thị chuyên ngành tại các vùng Tây Bắc và phía Đông, gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2020;
- Đến năm 2025: Từng bước hình thành chuỗi đô thị được phân bố hợp lý theo các tuyến, trục giao thông chính, nhất là dọc theo tuyến biên giới và Trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối 08 tỉnh của 03 nước Việt Nam - Lào và Thái Lan. Phấn đấu nâng cấp thị trấn Đăk Tô và thị trấn Đăk Hà đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
3. Các chỉ tiêu phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum
3.1. Mức tăng trưởng dân số đô thị:
- Đến năm 2015: Dân số đô thị khoảng 235 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 46,1%;
- Đến 2020: Dân số đô thị khoảng 320 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 533%.
- Đến 2025: Dân số đô thị khoảng 520 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 76,5%.
3.2. Phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị:
a. Giai đoạn 2012-2015: Có 09 đô thị, trong đó:
- 01 đô thị loại III là thành phố Kon Tum;
- 01 đô thị loại IV là thị xã Ngọc Hồi;
- 07 đô thị loại V là các thị trấn: Đăk Glei huyện Đăk Glei, Đăk Tô huyện Đăk Tô, Đăk Hà huyện Đăk Hà, Sa Thầy huyện Sa Thầy, Đăk Rơ Ve huyện Kon Rẫy và các đô thị mới: Kon Plông huyện Kon Plông, Đăk Tân huyện Kon Rẫy.
b. Giai đoạn 2016-2020: Có 12 đô thị, trong đó:
- 01 đô thị loại II là thành phố Kon Tum - Thành phố thuộc tỉnh;
- 01 đô thị loại IV là thị xã Ngọc Hồi;
- 10 đô thị loại V là các thị trấn: Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Rơ Ve, Kon Plông, Đăk Tân và các đô thị mới: Tu Mơ Rông huyện Tu Mơ Rông, Mô Rai huyện mới Mô Rai, Đăk Hring huyện Đăk Hà.
c. Giai đoạn 2021-2025: Có 19 đô thị, trong đó:
- 02 đô thị loại II là thành phố Kon Tum và đô thị Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Đô thị chuyên ngành;
- 04 đô thị loại IV là: Thị xã Đăk Tô, thị xã Đăk Hà, thị xã Ngọc Hồi (nằm trong Khu đô thị cửa khẩu quốc tế Bờ Y) và đô thị Khu du lịch sinh thái Măng Đen;
-13 đô thị loại V là các thị trấn: Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Rơ Ve, Kon Plông, Đăk Tân, Tu Mơ Rông, Mô Rai, Đăk Hring và các đô thị mới: Đăk Môn huyện Đăk Glei, Chư Mom Ray huyện Sa Thầy, Đăk Tăng và Hiếu thuộc huyện Kon Plông và Văn Xuôi thuộc huyện Tu Mơ Rông.
3.3. Nhu cầu đất quy hoạch xây dựng đô thị:
- Đến năm 2020, quy mô đất đai quy hoạch xây dựng đô thị cả tỉnh khoảng 197 ha.
- Đến năm 2025, quy mô đất đai quy hoạch xây dựng đô thị cả tỉnh khoảng 16.650 ha.
(Quy mô của từng đô thị sẽ được cụ thể hóa tại quy hoạch chung của từng đô thị, phù hợp với tính chất và các giai đoạn phát triển).
4. Định hướng tổ chức phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
4.1. Phát triển đô thị theo các vùng kinh tế động lực:
a. Vùng trung tâm: Lấy thành phố Kon Tum là hạt nhân, làm động lực thúc đẩy phát triển cho các đô thị thuộc các huyện Đăk Hà, Sa Thầy và Đăk Tân thuộc huyện Kon Rẫy.
b. Vùng Tây Bắc: Lấy thị xã Ngọc Hồi là hạt nhân, làm động lực thúc đẩy phát triển cho các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và đô thị các huyện Đăk Glei, Đăk Tô, Mô Rai.
c. Vùng phía Đông: Lấy Khu du lịch sinh thái Măng Đen là hạt nhân, làm động lực thúc đẩy phát triển cho các đô thị các huyện Kon Plông, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông.
4.2. Phát triển đô thị theo các trục giao thông chính:
- Trục đường Hồ Chí Minh;
- Trục Quốc lộ 40;
- Trục Quốc lộ 24;
- Trục Quốc lộ 14C;
- Trục đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh.
4.3. Phát triển đô thị theo chức năng:
- Du lịch;
- Thương mại, dịch vụ;
- Công nghiệp.
5. Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị
Từng bước hình thành bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị có bản sắc, phù hợp với văn hóa của địa phương và các yêu cầu phát triển mới. Tổng thể kiến trúc của mỗi đô thị phải kết hợp hài hòa giữa cải tạo với xây dựng mới.
6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Tổ chức không gian hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn phù hợp với tiềm năng của từng đô thị, bảo đảm mối liên kết giữa các đô thị trong vùng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung nguồn lực để xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có tính chất đột phá mang tầm chiến lược để khai thác các vùng đất còn nhiều tiềm năng; các tuyến đường kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng.
7. Các giải pháp bảo vệ môi trường
Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai để phát triển đô thị theo hướng đô thị bền vững. Tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, khoáng sản, rừng... vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị.
8. Các vấn đề về tổ chức thực hiện
8.1. Lộ trình thực hiện:
- Giai đoạn từ nay đến năm 2015: Ưu tiên phát triển đô thị trong các vùng kinh tế động lực của tỉnh; đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Kon Tum đạt 70% mức tiêu chuẩn của đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu, biên giới); nâng cấp thị trấn Plei Kần lên đô thị loại IV và thành lập thị xã Ngọc Hồi; đầu tư phát triển các huyện lỵ mới để tiến tới thành lập thị trấn.
- Giai đoạn 2016-2020: Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng thành phố Kon Tum để đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2020; dành nguồn lực phù hợp để đầu tư, phát triển các huyện lỵ mới được thành lập và các đô thị mới dọc tuyến đường Hồ Chí Minh để tạo động lực phát triển cho vùng huyện.
- Giai đoạn 2021-2025: Tập trung nâng cấp thị trấn Đăk Tô, Đăk Hà đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; phát triển các đô thị mới theo tuyến biên giới, trục giao thông chính để tạo chuỗi đô thị liên kết phát triển và phân bố cơ bản hợp lý trên địa bàn tỉnh.
8.2. Các giải pháp về cơ chế, chính sách chủ yếu phát triển đô thị:
a. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện:
- Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị, tạo ra sự thay đổi cơ bản đối với hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường phân cấp quản lý đô thị cho các Sở, ngành và chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân thành phố, huyện, phường, thị trấn) kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng các đô thị theo quy hoạch phát triển quy hoạch chi tiết các đô thị theo yêu cầu quản lý và khả năng đầu tư.
- Xây dựng Chương trình phát triển cho từng đô thị, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án và phân loại đô thị.
b. Giải pháp về huy động vốn đầu tư:
- Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn, theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước.
- Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, bảo vệ môi trường và các dự án có tính chất kinh doanh.
- Kêu gọi đầu tư các dự án phát triển đất đô thị, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng hoặc xây dựng nhà để bán, cho thuê.
c. Giải pháp về tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực:
- Kiện toàn cơ quan quản lý đô thị các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã;
- Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực về quản lý và phát triển đô thị cho cán bộ quản lý đô thị các cấp.
- Tăng cường hiệu lực bộ máy quản lý đô thị, đổi mới cơ chế và chính sách phát triển đô thị.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Xây dựng:
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức công bố quy hoạch; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo quy định hiện hành;
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tham mưu UBND tỉnh sơ kết, tổng kết Quyết định này.
2. UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức công bố, công khai quy hoạch trên địa bàn quản lý;
- Xây dựng Chương trình phát triển đô thị và tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành;
3. Các Sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định hiện hành.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.