UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2008/QĐ-UBND | Thái Nguyên, ngày 27 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN, THỰC HIỆN ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2007/QĐ-TTG NGÀY 05/3/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-UBDT , ngày 08 tháng 6 năm 2007 của Uỷ ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2007 - 2010;
Căn cứ Thông tư số 99/2007/TT-BTC , ngày 10 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện công tác định canh, định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 208/TTr-BDT, ngày 19 tháng 5 năm 2008 và văn bản thẩm định số 1097/STP-VBPQ, ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung thực hiện Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2007 - 2010.
Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN, THỰC HIỆN ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ SỐ 33/2007/QĐ-TTG NGÀY 05/3/2007 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 30/2008/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 5 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với hình thức thực hiện định canh, định cư xen ghép theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2007 – 2010.
2. Đối tượng áp dụng:
Là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg , ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, có đủ 3 tiêu chí sau:
a) Không có đất sản xuất ổn định thuộc quyền sử dụng của hộ theo quy định của Nhà nước.
b) Nơi ở không ổn định, di chuyển chỗ ở theo nương rẫy hoặc đang sinh sống tách biệt, rải rác thành các nhóm nhỏ, xa các điểm dân cư tập trung; thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sinh hoạt (đường giao thông, điện, nước…).
c) Chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ tương tự của Nhà nước theo các Quyết định số 190/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003; số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004; số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2.
Thực hiện chính sách phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng đối tượng và phải được tiến hành từ cơ sở, xóm, bản.
Việc cấp phát, thanh toán kinh phí để thực hiện chính sách cho các cơ quan, đơn vị và từng hộ phải chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Chính sách hỗ trợ cụ thể.
1. Hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng:
Đối với các xã tiếp nhận các hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến định canh, định cư xen ghép, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho ngân sách xã với mức 20 triệu đồng/hộ, để sử dụng vào các việc:
a) Tạo quỹ đất ở, đất sản xuất, bồi thường đất ở, đất sản xuất cho hộ dân sở tại thu hồi để giao cho hộ định canh, định cư theo chế độ quy định.
b) Phần còn lại sau khi bồi thường đất ở, đất sản xuất được sử dụng để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã.
2. Hỗ trợ trực tiếp hộ du canh, du cư thực hiện định canh, định cư:
a) Được giao đất ở và đất sản xuất:
- Định mức diện tích đất ở tối thiểu cho một hộ là 200m2.
- Định mức diện tích đất sản xuất tối thiểu cho một hộ là 0,5 ha đất nương hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước 2 vụ.
Việc tạo quỹ đất để giao cho các hộ thực hiện theo phương châm như thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cần vận động các tổ chức, các doanh nghiệp, các cá nhân và cộng đồng, trước tiên là anh em dòng họ cho đất hoặc chuyển nhượng trên tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ là chính.
b) Được hỗ trợ bình quân mỗi hộ là 15 triệu đồng để sử dụng vào các việc:
- Hỗ trợ làm nhà ở mỗi hộ tối đa 7,2 triệu đồng.
- Hỗ trợ nước sinh hoạt mỗi hộ tối đa 480 nghìn đồng.
- Hỗ trợ mua lương thực 6 tháng đầu tính từ khi đến nơi định canh định cư mới.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất: các nội dung và định mức hỗ trợ áp dụng như quy định trong Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 (đối với phần vốn sự nghiệp).
Mức hỗ trợ cụ thể cho từng việc đối với từng hộ do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định.
c) Hỗ trợ san mặt bằng tạo nền nhà mỗi hộ 1 triệu đồng.
d) Hỗ trợ di chuyển các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ nơi ở cũ đẫn nơi định canh, định cư được tính theo thực tế khi lập dự án. Mức hỗ trợ do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định trên cơ sở căn cứ vào quãng đường thực tế di chuyển và đơn giá hiện hành áp dụng ở địa phương.
Các hộ du canh, du cư sau khi được tổ chức định canh định cư được hưởng các chính sách hiện hành như người dân tại chỗ và được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống (theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg , ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn).
Điều 4. Nguồn vốn thực hiện
- Căn cứ Quyết định phân bổ thực hiện dự toán của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính thực hiện cấp phát có mục tiêu ngân sách cấp huyện để đảm bảo thực hiện hỗ trợ theo các nội dung và định mức quy định trong Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngân sách cấp huyện đảm bảo các nhiệm vụ chi điều tra, khảo sát, lập dự án, tuyên truyền, vận động, quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tộc thiểu số định canh, định cư. Nội dung và mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành và áp dụng quy định về mức chi phí quản lý Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 (đối với phần vốn sự nghiệp), cụ thể do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định theo thực tế công việc khi lập dự án và khả năng ngân sách địa phương.
- Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách khác để thực hiện chính sách định canh, định cư theo quy định.
Điều 5. Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, báo cáo kế toán và quyết toán kinh phí theo hướng dẫn tại Thông tư 99/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. nhiệm vụ của các sở, ban, ngành
1. Ban Dân tộc tỉnh: là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước đối với Chính sách hỗ trợ, di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tôc thiểu số giai đoạn 2007 – 2010, có nhiệm vụ:
- Phối hợp với các ngành liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo lên Trung ương theo quy định.
- Phối hợp với các ngành chức năng trong việc phân bổ vốn, tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chính sách.
- Tổng hợp tình hình thực hiện Chính sách hàng quý, năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Trung ương theo quy định.
2. Sở Tài chính: căn cứ vào dự toán số bổ sung có mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, nguồn ngân sách địa phương (nếu có), vốn lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn huy động khác, phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan lập dự án phân bổ dự toán chi tiết theo từng nhiệm vụ, từng huyện trình Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong dự toán ngân sách hàng năm.
3. Các ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liêm quan ở tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Điều 7. Uỷ ban nhân dân huyện
- Căn cứ vào các quy định hiện hành của Trung ương và của tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện đến các xã có đối tượng thuộc diện định canh, định cư.
- Điều tra, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án định canh, định cư trên địa bàn.
Căn cứ mức kinh phí được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao và các đối tượng được hưởng, quyết định phân bổ cho các xã chi tiết theo từng nhiệm vụ và từng hộ được hưởng theo danh sách được phê duyệt.
- Hàng tháng, hàng quý và năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh.
Điều 8. Uỷ ban nhân dân xã
1. Đối với xã có các hộ di chuyển
Tạo điều kiện cho các hộ di chuyển đi, giải quyết những tồn tại (nếu có) của các hộ đối với nơi ở cũ.
2. Đối với xã tiếp nhận các hộ định canh định cư
- Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả của Chính sách di dân thực hiện định canh, định cư trên địa bàn theo hướng dẫn và phân cấp của Uỷ ban nhân dân huyện.
- Trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc giải quyết đất ở, đất sản xuất để tiếp nhận các hộ di chuyển đến địa bàn theo quy định.
- Hàng tháng, hàng quý và năm tổng hợp kết qủa thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện.
Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Đối với các hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện căn cứ vào các quy định hiện hành của Chính phủ, của các bộ, ngành ở Trung ương và quy định này để tổ chức thực hiện, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ảnh về Ban Dân tộc để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.