ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2931/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 21 tháng 8 năm 2019 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;
Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-NTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 201/TTr-SXD ngày 13/8/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
NGẦM HÓA HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT TẠI CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Kèm theo Quyết định số 2931/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh)
1. Mục tiêu:
- Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ công tác quản lý hiệu quả hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Từng bước ngầm hóa lưới điện, đường dây chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình nhằm chỉnh trang và nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định.
2. Yêu cầu:
- Giai đoạn 2020-2025 ưu tiên thực hiện ngầm hóa lưới điện, đường dây chiếu sáng, cáp viễn thông tại khu vực trung tâm đô thị, khu hành chính, thương mại; tại các tuyến đường phố chính đô thị, trục cảnh quan.
- Đảm bảo xây dựng cơ sở hạ tầng ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông của đô thị theo hướng hiện đại ứng dụng hệ thống điều khiển hạ tầng đô thị thông minh, phù hợp với quy hoạch xây dựng chung đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị; đảm bảo an toàn điện, an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.
1. Đối với địa bàn thành phố Quy Nhơn:
a) Đến năm 2020:
- Các khu dân cư mới, khu đô thị mới thuộc khu vực nội thành: Bắt buộc phải thực hiện hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đi trong hào kỹ thuật hoặc tuynen kỹ thuật.
- Các khu dân cư hiện hữu thuộc khu vực nội thành: Thí điểm hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông tại các tuyến đường trục cảnh quan gồm: đường An Dương Vương, Xuân Diệu, Nguyễn Tất Thành.
b) Từ năm 2021 đến năm 2025:
- Các khu dân cư mới, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố: Bắt buộc phải thực hiện hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông; đi trong hào kỹ thuật hoặc tuynen kỹ thuật.
- Đối với các dự án giao thông mới, các công trình chỉnh trang đô thị: Bắt buộc xây dựng hệ thống hạ tầng chờ sẵn (tuynen, hào kỹ thuật, cống bể cáp) để bố trí hệ thống đường dây, đường cáp.
- Các khu dân cư hiện hữu thuộc khu vực nội thành: Hạ ngầm các tuyến đường ở khu vực trung tâm đô thị, khu hành chính, thương mại, tại các tuyến đường phố chính đô thị, trục cảnh quan, các tuyến đường có yêu cầu thiết kế đô thị theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thành phố Quy Nhơn và Quyết định số 1571/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị thành phố Quy Nhơn (bao gồm: Trần Phú, Nguyễn Huệ, Chương Dương, Lê Hồng Phong, Tây Sơn, Ngô Mây, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo, Đống Đa).
2. Đối với địa bàn thị xã An Nhơn:
a) Đến năm 2020:
- Các khu đô thị mới thuộc các phường nội thị: Bắt buộc phải thực hiện hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông.
- Các khu dân cư hiện hữu thuộc các phường nội thị: Thí điểm hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông tuyến đường trục chính đô thị (đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định).
b) Từ năm 2021 đến năm 2025:
- Các khu dân cư mới, khu đô thị mới thuộc các phường nội thị: Bắt buộc phải thực hiện hạ ngầm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
- Đối với các dự án giao thông mới; các công trình chỉnh trang đô thị: Bắt buộc xây dựng hệ thống hạ tầng chờ sẵn (tuynen, hào kỹ thuật, cống bể cáp) để bố trí hệ thống đường dây, đường cáp.
- Các khu dân cư hiện hữu thuộc các phường nội thị: Hạ ngầm các tuyến đường khu vực trung tâm đô thị, khu hành chính, thương mại, tại các tuyến đường phố chính đô thị, các tuyến đường trục cảnh quan (bao gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung, Trần Phú, Ngô Gia Tự, Thanh niên, Nguyễn Trọng Trì, phường Bình Định; đường Hồng Lĩnh, phường Đập Đá).
3. Đối với đô thị thuộc các huyện còn lại:
a) Đến năm 2020:
- Các khu dân cư mới, khu đô thị mới tại các đô thị lớn thuộc các huyện: Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ phải thực hiện hạ ngầm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Tổ chức thực hiện thí điểm tại một tuyến đường trục chính, cảnh quan có yêu cầu thiết kế đô thị theo Quyết định 340/QĐ-UBND ngày 11/02/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục khu vực, tuyến phố trong đô thị phải lập đồ án thiết kế đô thị riêng trên địa bàn tỉnh Bình Định, cụ thể:
+ Thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước: Đường Nguyễn Huệ.
+ Thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn: Đường Trần Hưng Đạo.
+ Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn: Đường Nguyễn Huệ.
b) Từ năm 2021 đến năm 2025:
- Các khu đô thị mới thuộc các đô thị của các huyện: Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ phải thực hiện hạ ngầm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Đối với các dự án giao thông mới, các công trình chỉnh trang đô thị: Bắt buộc xây dựng hệ thống hạ tầng chờ sẵn (tuynen, hào kỹ thuật, cống bể cáp) để bố trí hệ thống đường dây, đường cáp.
- Các khu dân cư hiện hữu: Thực hiện ngầm hóa tại các tuyến đường có yêu cầu thiết kế đô thị theo Quyết định 340/QĐ-UBND ngày 11/02/2014 của UBND tỉnh.
1. Giải pháp chung:
- Thành lập Ban chỉ đạo ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh để chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện ngầm hóa.
- Xây dựng cơ chế chính sách liên quan: Quy định về quản lý, phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị; xây dựng chính sách ưu đãi trong đầu tư hệ thống hạ tầng ngầm dùng chung qua đó tăng cường công tác kêu gọi đầu tư xã hội hóa; xây dựng quy định về nguồn vốn đầu tư hạ ngầm đường dây điện, cáp viễn thông; giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo đủ không gian ngầm cho phát triển nâng cấp, mở rộng công suất hoặc dung lượng trong tương lai.
- Lập và quản lý cơ sở dữ liệu về công trình ngầm đô thị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hạ tầng đô thị.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ địa phương làm công tác quản lý thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị để đáp ứng yêu cầu về hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông.
2. Giải pháp cụ thể:
a) Về phương án thực hiện ngầm hóa:
- Chủ đầu tư các công trình hạ tầng ngầm hóa: Các cơ quan, đơn vị Nhà nước được giao nhiệm vụ làm Chủ đầu tư; Chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu dân cư mới, các công trình giao thông đô thị; các công trình chỉnh trang đô thị; các đơn vị ngành điện, viễn thông, truyền hình.
- Nguyên tắc khi thực hiện ngầm hóa:
+ Đối với các khu đô thị hiện hữu: Ưu tiên thiết kế, thi công các công trình hạ ngầm trên vỉa hè, hạn chế thi công dưới lòng đường và phù hợp với kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông; phối hợp thực hiện thi công đồng bộ giữa các ngành điện, viễn thông, chiếu sáng công cộng, công trình giao thông, cấp nước, thoát nước khi có kế hoạch thi công trên cùng một tuyến đường.
+ Đối với các khu đô thị mới: phải thực hiện ngầm hóa hệ thống lưới điện, cáp viễn thông khi đầu tư xây dựng.
- Các loại công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng cho ngầm hóa:
+ Tuy nen kỹ thuật: Đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước; đường ống cấp năng lượng; đường ống thoát nước (nếu có). Loại công trình này thích hợp sử dụng cho các tuyến đường mới có lộ giới xây dựng từ 60m trở lên.
+ Hào kỹ thuật: Đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng; đường ống cấp nước; đường ống cấp năng lượng. Loại công trình thích hợp xây dựng cho các trục đường chính, liên khu vực, các tuyến đường có vỉa hè rộng, đảm bảo đủ không gian bố trí các suất tuyến chính của các hệ thống hạ tầng ngầm.
+ Cống cáp bao gồm: Đường dây, cáp viễn thông, điện lực và chiếu sáng công cộng. Loại công trình thích hợp sử dụng đối với các tuyến đường có vỉa hè nhỏ, suất tuyến ổn định, không có yêu cầu bảo trì, vận hành phức tạp và không có nhu cầu phát triển phụ tải, mạng lưới trong tương lai.
b) Về nguồn vốn, cơ chế tài chính:
- Nguồn vốn thực hiện ngầm hóa: Vốn Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; vốn xã hội hóa của các cá nhân, tổ chức; vốn tài trợ; các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Về cơ chế tài chính:
+ Đối với các khu đô thị mới, các tuyến đường đầu tư mới, nâng cấp mở rộng: Thực hiện bằng nguồn vốn của chủ đầu tư.
+ Đối với các khu đô thị hiện trạng:
Các hạng mục Tuynen kỹ thuật, hào kỹ thuật, cống, bể kỹ thuật và chi phí bồi thường công trình hạ tầng nổi hiện trạng: Thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn xã hội hóa, vốn của Nhà đầu tư.
Các hạng mục Trạm biến áp; tủ điện; tủ phân phối viễn thông; ống luồn cáp, đường dây đi ngầm (điện lực, viễn thông, truyền hình,...) và các hạng mục khác có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, tổ chức sử dụng hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị: Thực hiện bằng nguồn vốn của nhà cung cấp dịch vụ.
c) Quản lý, vận hành: Việc quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm được thực hiện theo Điều 10 Nghị định số 72/2012/NĐ-CP:
- Đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: UBND các huyện, thị xã, thành phố là chủ sở hữu hoặc ủy quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc quản lý vận hành hệ thống.
- Đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân: Chủ đầu tư quản lý vận hành cho đến khi bàn giao lại cho cơ quan quản lý nhà nước.
d) Về giá cho thuê: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BCT-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013:
- Đối với công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước: Cơ quan quản lý vận hành xây dựng đơn giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở Tài chính thẩm định trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Đối với các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân: Nhà đầu tư xác định đơn giá cho thuê; thỏa thuận đơn giá cho thuê với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng và đăng ký giá cho thuê với cơ quan quản lý có thẩm quyền.
1. Sở Xây dựng: chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo ngầm hóa hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông; xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; đề xuất thành lập tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo.
b) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan xây dựng và trình phê duyệt Quy định về quản lý, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị và cải tạo, sắp xếp lại đường dây, cáp đi nổi.
c) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo không gian ngầm cho phát triển nâng cấp, mở rộng công suất hoặc dung lượng trong tương lai.
d) Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế, thi công xây dựng công trình hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình ngầm tại đô thị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
e) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ địa phương làm công tác quản lý thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị để đáp ứng yêu cầu về hạ ngầm hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình về kế hoạch thực hiện ngầm hóa; nhu cầu phát triển dung lượng trong tương lai và kinh phí thực hiện ngầm hóa đối với các tuyến hạ ngầm khi triển khai thực hiện.
3. Sở Công Thương: Rà soát điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành điện trong tương lai theo hướng ngầm hóa hoàn toàn tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; chủ trì, làm việc với điện lực về cơ chế, nguồn vốn, phương thức, tiến độ thực hiện ngầm hóa lưới điện, nhu cầu phát triển trong tương lai.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp các sở, ngành có liên quan đề xuất giải pháp hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án hạ ngầm. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh nguồn vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định.
5. Sở Tài chính: Thẩm định giá dịch vụ cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; tiếp nhận thông báo đăng ký giá thuê của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, phối hợp các cơ quan có liên quan xem xét, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của thông báo đăng ký giá thuê; phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung của tổ chức, cá nhân.
6. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo, phối hợp các đơn vị có liên quan trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thực hiện đồng bộ với việc ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Xây dựng kế hoạch và phân kỳ giai đoạn thực hiện ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại địa phương phù hợp theo kế hoạch ngầm hóa của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đồ án quy hoạch xây dựng do địa phương thực hiện đảm bảo không gian ngầm cho phát triển nâng cấp, mở rộng công suất hoặc dung lượng trong tương lai.
c) Phối hợp các sở, ban, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình ngầm tại đô thị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị kinh doanh điện lực, cáp viễn thông và cơ quan có liên quan trên địa bàn xây dựng phương án quản lý, vận hành các tuyến hạ ngầm đã được đầu tư hoàn thành đảm bảo hiệu quả, an toàn.
8. Công ty Điện lực Bình Định: Đề xuất, phối hợp các đơn vị có liên quan trong việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh theo hướng ngầm hóa hệ thống lưới điện tại địa bàn các đô thị trên địa bàn tỉnh; phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình, internet trong việc bố trí kinh phí, phân kỳ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung đảm bảo ngầm hóa hệ thống đường dây, đường cáp theo kế hoạch được duyệt.
9. Các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình: Chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện việc hạ ngầm đồng bộ theo các nội dung tại Kế hoạch này.
10. Các Chủ đầu tư công trình hạ tầng ngầm hóa thực hiện ngầm hóa đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các nội dung kế hoạch này khi triển khai dự án.
Trên đây là Kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.