ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Đồng Xoài, ngày 28 tháng 01 năm 2010 |
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Mở đầu.
THỰC TRẠNG VĂN HÓA NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
1. Về thiết chế văn hóa nông thôn:
Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 16/111 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cụm văn hóa xã, đạt tỷ lệ 14,41% và 659/842 khu dân cư có nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, ấp đạt tỷ lệ 78,267% (210 nhà văn hóa cộng đồng, 449 hội trường thôn ấp). Diện tích sử dụng bên trong nhà văn hóa bình quân khoảng 80 - 200m2/nhà văn hóa, diện tích ngoài trời bình quân khoảng 500m - 3.000m2/nhà văn hóa, hầu hết các nhà văn hóa xã đều có sân thể thao, mức đầu tư xây dựng mỗi nhà văn hóa từ 100 đến 500 triệu đồng.
- Về cơ cấu tổ chức: Quản lý và tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hóa do cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm, 100% đội ngũ cán bộ văn hóa ở các xã, phường, thị trấn đều đã qua đào tạo trang cấp văn hóa trở lên.
- Trang thiết bị hiện có: 01 bộ trang thiết bị trị giá từ 10-15 triệu đồng, gồm: (âm ly, loa, tivi, đàn, Casset..) để phục vụ cho nhà văn hóa khi sinh hoạt.
- Về cơ chế tài chính: Thiết chế văn hóa thông tin cơ sở xã, phường, thị trấn gắn với các hoạt động của UBND, một số nơi đã chủ động xây dựng kế hoạch ngân sách cho văn hóa thông tin – thể thao theo Luật Ngân sách và thực hiện công tác xã hội hóa về hoạt động văn hóa với sự đóng góp của nhân dân bằng việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường . Tùy vào điều kiện khả năng thu ngân sách của địa phương, mỗi nơi chi cho hoạt động văn hóa thông tin ở xã, phường theo các mức khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn rất hạn hẹp, chủ yếu kinh phí hoạt động cấp theo thời vụ, ngân sách huyện bố trí cho xã chủ yếu để tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ lớn không có kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên. Các hoạt động của các ban, ngành tuyến xã tổ chức tại nhà văn hóa kinh phí do ban, ngành đó hỗ trợ.
- Tình hình tổ chức hoạt động:
Tổ chức hoạt động không thường xuyên, quy tụ vào các hoạt động sau: Thông tin tuyên truyền cổ động (nhất là các hoạt động của Đài truyền thanh, cụm cổ động, tổ chức nhiều điểm đọc sách báo, văn nghệ quần chúng); 100% xã, phường, thị trấn đều có đội văn nghệ quần chúng. Triển khai nội dung hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên, mức độ tổ chức hoạt động còn đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, một phần do kinh phí hạn hẹp, bộ máy hoạt động chưa đồng bộ, không có sự thu hút của người dân.
2. Về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”: Năm 2010 toàn tỉnh có: 189.366/192.764 hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 98,6%. Kết quả đến nay qua bình xét đánh giá toàn tỉnh có: 177.151 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,9%; 152/842 khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 18%, 363/842 khu dân cư tiên tiến, đạt tỷ lệ 43,1%, 328/842 khu dân cư đạt yêu cầu, đạt tỷ lệ 38,4%, có 03 khu dân cư không đạt yêu cầu, chiếm 35%; có 789/842 khu dân cư xây dựng được quy ước, đạt tỷ lệ 93,70%; trong đó: có 759/789 quy ước được phê duyệt, đạt tỷ lệ 96,19%.
3. Về xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc:
Nhiều địa phương, ngành, đoàn thể đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện tốt quy ước cộng đồng và sự phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng bình xét các danh hiệu thi đua đã có tác động hiệu quả đến cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Về việc tang, thực hiện tốt theo Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn có nghĩa trang chung. Hiện tượng chôn người chết trong vườn nhà hoặc ở những địa điểm khác ngoài nghĩa trang cơ bản không còn. Đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đã từ bỏ các hủ tục lạc hậu về chôn người chết... các địa phương đã thành lập các đội mai táng. Lễ tang được tổ chức trang trọng, chu đáo, tiết kiệm. Nhiều hủ tục như để đám kéo dài nhiều ngày cũng hạn chế so với trước kia.
Về lễ hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số lễ hội và duy trì tổ chức thường xuyên. Trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức và duy trì được một số lễ hội lớn là Lễ giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội đền thờ Bà Rá (Phước Long), lễ hội Mừng lúa mới, Hội phá bàu,... của người S’tiêng; Tết Chỗl Chnăm Thmây, lễ Xen Đôlta, lễ hội Ot-om-bok,... của người Kh’mer; Lễ hội Lồng Tồng của người Tày - Nùng... Ngoài ra, vào dịp các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và lồng ghép tuyên truyền về truyền thống lịch sử với các thành tựu của tỉnh đạt được trong những năm qua để phục vụ nhân dân.
Trong những năm qua, thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, đặc biệt là khu vực nông thôn đã thể hiện được nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các lễ hội được diễn ra lành mạnh ngày càng phát triển và trở thành nhu cầu văn hóa không thể thiếu của nhân dân.
Phần 1.
CĂN CỨ CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ xây dựng Đề án:
- Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
- Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”;
- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
2. Sự cần thiết phải xây dựng đề án
Hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quản lý văn hóa ở nông thôn trên địa bàn tỉnh như: đời sống văn hóa các đồng bào vùng sâu, vùng xa vùng biên giới còn nhiều khó khăn, khoảng cách mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng thành thị và nông thôn còn chênh lệch lớn. Cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Chưa có khu đất quy hoạch hoặc có quy hoạch rồi nhưng chưa có đầu tư các công trình dành cho các hoạt động thể dục thể thao từ cấp xã, phường, thị trấn đến các thôn, ấp, chủ yếu là khoảng đất trống. Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa phát triển chưa đồng đều, chất lượng hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn theo hướng văn minh hiện đại trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ thực trạng văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy để phát triển văn hóa nông thôn trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được nhằm xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại thì việc xây dựng Đề án phát triển văn hóa nông thôn năm 2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh là một yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách tạo cơ sở về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tương xứng với sự phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phần 2.
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn nông thôn.
2. Quan điểm
Quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 và định hướng 2020” đã phê duyệt tại Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010, đó là:
Gắn phát triển văn hóa nông thôn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Phát triển văn hóa nông thôn trên cơ sở kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với địa bàn từng vùng, từng dân tộc;
Thực hiện phát triển văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ; đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, huy động đóng góp của nhân đân để phát triển văn hóa nông thôn.
3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- 30% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó: 15% dân số nông thôn luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên;
- 50% nhà văn hóa và khu thể thao xã và 50% nhà văn hóa, khu thể thao thôn, ấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- 90% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “gia đình văn hóa”, trong đó 5% gia đình văn hóa nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa;
- 50% thôn, ấp giữ vững và phát huy danh hiệu “khu dân cư văn hóa”, trong đó 15% thôn, ấp văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới;
- 70% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa;
- 80% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.
4. Định hướng đến năm 2020
a) Tiếp tục củng cố và nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015.
b) Phấn đấu đạt được các tiêu chí về xây dựng văn hóa nông thôn mới cấp xã:
+ 100% thôn, ấp có nhà văn hóa và khu thể thao thôn, ấp đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ 70% số thôn, ấp trở lên đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa
a) Nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa gia đình, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu "Gia đình văn hóa"; phổ biến nhân rộng mô hình gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực ở nông thôn: Thỏa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, kỷ cương, nề nếp, có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, có tinh thần tương thân, tương ái, tính tự quản, dân chủ và năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng.
2. Nâng cao chất lượng khu dân cư văn hóa
a) Nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa văn hóa thôn, ấp, tiêu chuẩn công nhận khu dân cư văn hóa, ý thức và vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu "khu dân cư văn hóa"; xây dựng điểm mô hình khu dân cư văn hóa gắn với du lịch; phổ biến nhân rộng mô hình khu dân cư văn hóa chuyển đổi cơ cấu kinh tế phát triển ngành nghề phụ; huy động được nội lực của người dân nông thôn xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới.
b) Xây dựng thôn, ấp văn hóa bền vững, thực sự là những điểm sáng về văn hóa ở nông thôn; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, thu hút người dân nông thôn tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hoà thuận nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn.
3. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
a) Tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể; các loại hình văn hóa dân gian, nghệ thuật cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
b) Coi trọng và tổ chức thực hiện các chương trình về bảo tồn và phát huy nhưng giá trị truyền thống tốt đẹp; xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt chú trọng hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Quan tâm khuyến khích việc truyền dạy cách giữ gìn, bảo tồn, phát huy và sử dụng nhạc cụ đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
4. Thực hiện tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã
4.1. Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể như sau:
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị:
- Diện tích đất sử dụng:
+ Đối với nhà văn hóa đa năng từ 800m2 trở lên;
+ Sân thể thao phổ thông (45m x 90m) trở lên, gồm: sân bóng đá (ở trong sân bóng đá có thể bố trí sân bóng chuyền, sân nhảy cao, nhảy xa, sân đẩy tạ, sân đẩy gậy)...
- Quy mô xây dựng:
+ Hội trường nhà văn hóa đa năng: từ 150 chỗ ngồi trở lên;
+ Phòng chức năng nhà văn hóa đa năng gồm 5 phòng (hành chính, thông tin, đọc sách, báo, truyền thanh, câu lạc bộ);
+ Phòng tập thể thao đơn giản sử dụng để huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu thể thao 23m x 11m trở lên;
+ Công trình phụ trợ trung tâm văn hóa, thể thao (nhà để xe, khu vệ sinh, vườn hoa);
- Trang thiết bị:
+ Nhà văn hóa có đủ: Bàn, ghế, giá, tủ, trang bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh;
+ Dụng cụ thể thao, có đủ: Dụng cụ chuyên dùng cho các môn thể thao (phù hợp với phong trào thể thao quần chúng ở xã);
b) Tổ chức, quản lý và hoạt động:
- Cán bộ:
+ Cán bộ quản lý có trình độ trung cấp về văn hóa, thể thao trở lên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bổ nhiệm, được hưởng phụ cấp bán chuyên trách;
+ Cán bộ nghiệp vụ: Có chuyên môn về văn hóa, thể thao, được hợp đồng và hưởng thù lao hợp lý,
- Kinh phí hoạt động thường xuyên:
+ Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên ổn định hàng năm.
- Hoạt động văn hóa, văn nghệ:
+ Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị 12 cuộc/năm;
+ Liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng 01 cuộc/năm;
+ Duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ: 10 Câu lạc bộ trở lên hoạt động tốt;
+ Hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc;
+ Thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa: 40% trở lên/tổng số dân.
- Hoạt động thể thao:
+ Thi đấu thể thao: 3 lần/năm;
+ Thu hút nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên: 30% trở lên.
- Chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn nhà văn hóa, khu thể thao thôn, ấp hiện có: 100%.
4.2. Môi trường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4.3. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; xã đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
4.4. Bảo vệ tốt di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa dân tộc.
4.5. Làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
5. Hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn
5.1. Hoàn thiện trung tâm văn hóa, thể thao xã:
- Đảm bảo diện tích đất sử dụng theo đúng quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở;
- Từng bước xây dựng các thiết chế: Đài truyền thanh, thư viện, phòng thông tin, các câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng, nhà tập luyện và thi đấu thể thao, sân tập ngoài trời thuộc trung tâm văn hóa, thể thao xã;
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khai thác, quản lý và phát huy hiệu quả trung tâm văn hóa, thể thao xã.
5.2. Xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn, ấp theo tiêu chí sau;
Diện tích đất được sử dụng:
+ Khu nhà văn hóa 500m2 trở lên;
+ Sân thể thao phổ thông từ 2.000m2 - 4.000m2 trở lên.
Quy mô xây dựng:
+ Hội trường nhà văn hóa 100 chỗ ngồi trở lên;
+ Sân thể thao phổ thông: trồng cỏ, có rãnh thoát nước.
- Trang thiết bị:
+ Dụng cụ thể thao: có đầy đủ các dụng cụ thể thao theo nhu cầu sử dụng.
- Cán bộ:
+ Trình độ chuyên môn: sơ cấp trở lên;
+ Chế độ thù lao: hưởng thù lao hàng tháng.
- Hình thức tổ chức quản lý:
+ Có sự chỉ đạo, quản lý của chi bộ, trưởng thôn;
+ Có sự tham gia của ngành, giới trong thôn;
+ Có tổ chức tự quản duy trì hoạt động của nhà văn hóa, sân thể thao;
- Nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên:
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 10% trở lên;
+ Kinh phí xã hội hóa từ 90% trở lên.
- Thu hút nhân dân tham gia hoạt động:
+ Tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cộng đồng từ 40% trở lên/tổng số dân;
+ Luyện tập thể thao thường xuyên: 25% trở lên/tổng số dân.
+ Phát triển nhà văn hóa, khu thể thao ở cấp thôn, ấp gắn với phong trào xây dựng thôn, ấp, khu dân cư văn hóa;
+ Xây dựng hạt nhân văn hóa, thể thao làm nòng cốt để duy trì thường xuyên các hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn, ấp.
5.3. Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn:
- Tăng cường các hoạt động sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật, các chương trình tuyên truyền về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Tăng cường hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa nhà nước, đưa các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số;
- Tăng cường đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã và hạt nhân văn hóa cơ sở cấp thôn, ấp;
- Tạo điều kiện để người dân ở nông thôn tham gia sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống.
III. GIẢI PHÁP
1. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn
a) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và người dân ở nông thôn về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phát huy tinh thần chủ động, tích cực nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng nông thôn trong quá trình phát triển văn hóa nông thôn.
b) Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp từ tỉnh đến huyện, thị và xã, phường, thị trấn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
c) Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các cấp thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn.
d) Tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; nghiên cứu và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về phát triển văn hóa nông thôn. Tích cực chống bệnh thành tích trong việc công nhận khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa.
đ) Đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân ở nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa.
2. Tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn
a) Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" xem đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn.
b) Tranh thủ các nguồn đầu tư để ưu tiên cho mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn. Đưa các đội hoạt động chuyên ngành như thông tin lưu động, văn nghệ xung kích, chiếu bóng lưu động... xuống xã, thôn, ấp để vừa phục vụ vừa tuyên truyền kéo theo các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao ở các khu dân cư.
c) Tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng và trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số.
d) Đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện, xã để xây dựng trung tâm văn hóa xã, thể thao xã; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao thôn, ấp, ưu tiên vùng có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
đ) Lựa chọn và xây dựng thí điểm phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã 01 xã trong giai đoạn 2010 - 2012 (Ngoài xã điểm Tân Lập, huyện Đông Phú thuộc “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã được triển khai).
e) Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn theo quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
g) Xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả “Quỹ phát triển văn hóa nông thôn" nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn; lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa ở nông thôn.
h) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở.
i) Hỗ trợ kinh phí đào tạo một số nghề truyền thống.
3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá:
Hàng năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả triển khai các nội dung của Đề án. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh các nội dung triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá hệ thống thiết chế văn hóa ở địa bàn nông thôn; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tỉnh Bình Phước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và các văn bản khác liên quan đến phát triển văn hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh, coi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là nội dung trọng tâm trong chương trình phối hợp giữa Chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong những năm tới (theo Chỉ thị số 1869/CT-TTg ngày 10/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới). Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
c) Tổ chức các chương trình hoạt động văn hóa, tuyên truyền phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
d) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
đ) Cụ thể hóa các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã; hướng dẫn xét, công nhận xã đạt tiêu chí phát triển nông thôn mới.
e) Tham mưu UBND tỉnh lựa chọn địa bàn và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thí điểm xây dựng 01 xã nông thôn mới về văn hóa trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2012.
g) Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở vùng nông thôn.
h) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá kết quả triển khai các nội dung của Đề án.
2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối ngân sách hàng năm, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư ngân sách để thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn theo Đề án này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBMTTQVN tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Cựu chiến binh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án này.
3. UBND các huyện, thị xã
a) Có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, Đề án, dự án phát triển văn hóa nông thôn tại địa phương mình.
b) Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn, quy hoạch và triển khai xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn, ấp.
c) Cân đối ngân sách hàng năm, hỗ trợ đầu tư ngân sách thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn trên địa bàn.
d) Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương theo hướng hiệu quả và chất lượng.
đ) Tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.