UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 10 tháng 01 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg , ngày 04 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 711/TTr-SLĐTBXH, ngày 13/10/2010 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2011 - 2015 tỉnh Vĩnh Long,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
(Kèm theo kế hoạch).
Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI HIV/AIDS TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 10/01/2011 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC TIÊU CHUNG:
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, các ngành, gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân trẻ về phòng, chống HIV/AIDS; bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; giúp các em được tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội để được chăm sóc sức khoẻ, được đến trường, được hoà nhập cộng đồng, được vui chơi giải trí để phát triển toàn diện như bao trẻ em bình thường khác.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:
1. Các mục tiêu đến năm 2015:
Mục tiêu 1. Tăng cường công tác giáo dục truyền thông về phòng chống HIV/AIDS và bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội phấn đấu đến 2015 có ít nhất 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, chính sách xã hội theo qui định hiện hành.
Mục tiêu 2. Hình thành các dịch vụ cần thiết có chất lượng cao và thân thiện đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
- 100% trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp.
- 100% phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, trẻ em dưới sáu tuổi nhiễm HIV được Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV.
- 100% phụ nữ nhiễm HIV được dự phòng phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (thuốc ARV).
- 100% trẻ sơ sinh là con của bà mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện HIV ngay sau khi chào đời.
- 100% cơ sở chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho người lớn nhiễm HIV có lồng ghép các dịch vụ nhi khoa trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV.
- Phấn đấu 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ đến 6 tuần tuổi.
- Phấn đấu 100% trẻ dưới 18 tháng tuổi được cấp sữa tiếp tục cho đến đủ 18 tháng tuổi.
- Ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ chăm sóc tâm lý - xã hội; chăm sóc tại gia đình và cộng đồng; tư vấn và xét nghiệm HIV; hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất; tiếp nhận và chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cho trẻ em lứa tuổi mầm non.
- 80% trường học có bố trí nhân viên y tế học đường có khả năng tư vấn cho trẻ em bị nhiễm HIV.
- Ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc thay thế dựa vào gia đình, cộng đồng.
- 50% cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được hỗ trợ để thực hiện các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc trẻ em bị lây nhiễm HIV.
- 100% cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị trẻ nhiễm HIV/AIDS được trang bị kiến thức về phòng chống HIV/AIDS.
Mục tiêu 3. Cải thiện cơ chế cung cấp thông tin giáo dục, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- 90% cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cơ sở chăm sóc và điều trị trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em.
- 50% tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp kiến thức và hướng dẫn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- 50% cán bộ quản lý trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng, nhóm tự lực, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ đủ 13 tuổi trở lên, người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cơ sở dịch vụ xã hội và tổ chức xã hội được cung cấp thông tin về các dịch vụ chăm sóc, tư vấn, về chính sách xã hội hiện hành và các qui trình cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Mục tiêu 4: Tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
- Ít nhất 70% nhà quản lý làm việc với trẻ em trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, ngành lao động - thương binh và xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản qui phạm pháp luật liên quan khác.
- Ít nhất 80% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.
Mục tiêu 5: Thực hiện tốt hệ thống theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng các chỉ số theo dõi theo hướng dẫn của trung ương để có cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng có liên quan trong việc giám sát thực hiện kế hoạch.
2. Tầm nhìn đến 2020:
- Nâng cao nhận thức và hành động cho toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Tiếp tục chỉ đạo, đầu tư và đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Bảo đảm trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, tư vấn thích hợp, tiếp cận với giáo dục hoặc được hỗ trợ học nghề, hưởng các chính sách xã hội theo quy định hiện hành, được sống an toàn cùng với bố, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc người thân trực hệ hoặc được sống ở những cơ sở chăm sóc thay thế; trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến HIV/AIDS.
III. PHẠM VI, THỜI GIAN:
1. Phạm vi: Kế hoạch thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh. Từng huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tập trung ưu tiên chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho các địa bàn trọng điểm của địa phương.
2. Thời gian: Thực hiện giai đoạn 2011 đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
IV. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU:
1. Truyền thông, giáo dục, vận động:
- Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.
- Tuyên truyền, giáo dục gia đình, học sinh, giáo viên của các cơ sở giáo dục được cung cấp thông tin về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV; kiến thức cơ bản về quyền trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể làm việc với trẻ em trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nâng cao kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV, Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác. In ấn, phân phối tài liệu truyền thông (phát tờ rơi, áp phích, sách mỏng…), đặt pano, kẻ khẩu hiệu thông điệp tuyên truyền.
- Phối hợp các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp như tổ chức truyền thông lồng ghép, truyền thông nhóm, truyền thông tư vấn cộng đồng,... nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của từng gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thông qua mạng lưới cộng tác viên cơ sở.
2. Thiết lập các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
- Tăng cường thực hiện các dịch vụ hiện có để tổ chức điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, phát hiện sớm, tổ chức tốt việc chăm sóc, điều trị trẻ em bị nhiễm HIV, tư vấn về HIV/AIDS cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Cung cấp, hỗ trợ và nhân rộng các dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về tâm lý - xã hội; về chăm sóc tại gia đình, cộng đồng; về tư vấn và xét nghiệm HIV; về hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất; về nhận và chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cho trẻ em lứa tuổi mầm non.
- Cung cấp, hỗ trợ, kiểm tra việc thực hiện các quy trình chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trong chẩn đoán, điều trị trẻ em bị nhiễm HIV, quy trình chăm sóc liên tục đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Cung cấp và kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị trẻ em bị nhiễm HIV ở các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.
- Cung cấp kiến thức về chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho gia đình, cộng đồng và cán bộ y tế ở các trường học, Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Bảo trợ xã hội.
3. Cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
- Cung cấp thông tin, kiến thức cho người làm công tác quản lý trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, ưu tiên cho người làm việc trực tiếp với trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các dịch vụ, chính sách xã hội có liên quan đến trẻ em bị nhiễm HIV.
4. Giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hoà nhập cộng đồng:
- Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ xã hội một cách dễ dàng, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
- Tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em do ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội tổ chức.
- Phổ biến kiến thức cho các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan, gia đình, cộng đồng và trẻ em về sự lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng; chống kỳ thị phân biệt đối xử; quyền trẻ em và trách nhiệm của xã hội đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
5. Công tác thu thập thông tin, giám sát, báo cáo đánh giá.
Tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội các cấp thực hiện:
- Thu nhập số liệu, thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS:
+ Trẻ em bị nhiễm HIV.
+ Trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV là trẻ em thuộc các đối tượng: Trẻ em mồ côi do cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS; trẻ em sử dụng ma tuý; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma tuý; trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua bán người; trẻ em lang thang; trẻ em mồ côi do các nguyên nhân khác; trẻ em sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
- Theo dõi, kiểm tra, báo cáo, đánh giá tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.
V. GIẢI PHÁP:
1. Giải pháp về xã hội:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo của UBND các cấp đối với công tác dự phòng, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.
- Ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội và các ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai các dịch vụ xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ tham gia hoạt động dự phòng, chăm sóc, tư vấn cho trẻ em nhiễm HIV.
- Tăng cường hỗ trợ các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS theo Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
- Nâng cao kiến thức về pháp luật, chính sách, thông tin về dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
2. Giải pháp về kỹ thuật:
- Các quy trình kỹ thuật hướng dẫn các tiêu chuẩn dịch vụ thiết yếu, dịch vụ chất lượng cao về phòng ngừa, chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Xây dựng hướng dẫn và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội về nhận biết và đánh giá nhu cầu của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Ngành y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội thực hiện những dịch vụ hỗ trợ tư vấn, truyền thông, dự phòng, chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
3. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý:
- Nâng cao năng lực chuyên môn của những người cung cấp dịch vụ xã hội trong việc dự phòng, chăm sóc điều trị tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Kiểm tra đánh giá chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu về dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, tư vấn cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
4. Giải pháp về huy động nguồn lực:
Kinh phí thực hiện kế hoạch từ 2011 đến 2015 và tầm nhìn 2020: Bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các ngành có liên quan và địa phương theo qui định hiện hành; trong dự án, huy động thêm các nguồn tài trợ khác (trong và ngoài nước) thực hiện kế hoạch theo đúng qui định của pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn và kiểm tra các sở, ngành có liên quan và các địa phương sử dụng các nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch này.
3. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các nội dung về chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; lồng ghép việc thực hiện các nội dung có liên quan đến chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với việc thực hiện các dự án phòng chống HIV/AIDS thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm HIV/AIDS. Tiếp tục thực hiện các dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (2011 - 2020). Rà soát kế hoạch thực hiện chương trình hành động của ngành y tế năm 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020 để bổ sung, hoàn thiện, trong đó:
- Tiếp tục duy trì hoạt động của phòng khám ngoại trú nhi và chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại khoa nhi và khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến năm 2012 do Dự án LIFE-GAP tài trợ và những năm tiếp theo.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động và bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động chăm sóc và điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2015.
- Tiếp tục duy trì các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2015.
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hàng năm.
- Tăng cường hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung và cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư và trường học,…
4. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các nội dung về giáo dục có liên quan đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của Kế hoạch này.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Long thường xuyên tuyên truyền về Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai và tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
7. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động của Kế hoạch hành động này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.