ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2013/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009; Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 129/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc Quyết định mức đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 278/TTr-STC ngày 29/12/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Giám đốc công an tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) do cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động, cư trú trên địa bàn đóng góp để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều 2. Nguyên tắc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh đúng mục đích, theo quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân các cấp không ban hành văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp dịch vụ công mà người dân được hưởng.
3. Vận động đúng đối tượng đóng góp theo quy định tại Nghị quyết số 129/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc Quyết định mức đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
4. Mức vận động đóng góp không vượt quá mức quy định tại Điều 4 Quy chế này. Trường hợp có tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp cao hơn mức quy định thì cấp xã được phép tiếp nhận và nộp đầy đủ vào Quỹ quốc phòng - an ninh của cấp xã.
5. Quỹ quốc phòng - an ninh được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện để theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi của Quỹ và được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã để giao dịch. Kinh phí Quỹ quốc phòng - an ninh phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Kinh phí Quỹ chưa sử dụng hết trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp, không được dùng vào mục đích khác.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, MỨC VẬN ĐỘNG, PHƯƠNG THỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH
Điều 3. Đối tượng
a) Đối tượng vận động đóng góp
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động, cư trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
- Khuyến khích các đối tượng khác tự nguyện đóng góp.
b) Đối tượng được miễn đóng góp
Hộ gia đình bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Hộ gia đình thương binh, liệt sĩ đang hưởng trợ cấp; Gia đình bệnh binh; Người cao tuổi sống độc thân; Gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; Gia đình có người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội.
Điều 4. Mức đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Các cơ quan, đơn vị có trụ sở trên địa bàn xã, phường, thị trấn: 10.000 đồng/người/năm.
2. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (gọi chung là tổ chức kinh tế) có trụ sở trên địa bàn xã, phường, thị trấn:
a) Đối với tổ chức kinh tế có số cán bộ, lao động dưới 100 người, mức đóng góp 300.000 nghìn đồng/năm.
b) Đối với tổ chức kinh tế có số cán bộ, lao động từ 100 người trở lên, mức đóng góp 500.000 nghìn đồng/năm.
3. Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
a) Đối với hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo
- Đang thường trú thuộc các phường, thị trấn: 20.000 đồng/hộ/năm.
- Đang thường trú thuộc các xã còn lại: 10.000 đồng/hộ/năm.
b) Đối với hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo
- Đang thường trú thuộc các phường, thị trấn: 10.000 đồng/hộ/năm.
- Đang thường trú thuộc các xã còn lại: 5.000 đồng/hộ/năm.
4. Đối với hộ gia đình và cá nhân (đủ 18 tuổi trở lên) đăng ký tạm trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn: 20.000 đồng/người/năm; đối với sinh viên đăng ký tạm trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn: 10.000 đồng/người/năm.
Điều 5. Các nội dung chi của Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Chi cho công tác quốc phòng
a) Đăng ký, quản lý, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, quân sự, diễn tập chiến đấu trị an, hội thi, hội thao quốc phòng; tuyên truyền pháp luật, ngày truyền thống dân quân tự vệ; hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của dân quân tự vệ; sơ kết, tổng kết, khen thưởng và các hoạt động của dân quân tự vệ do cấp xã tổ chức. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ chi huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, đối với lực lượng dân quân tự vệ.
b) Trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn và các chi phí cho hoạt động của dân quân tự vệ được huy động, điều động làm nhiệm vụ. Mức chi thực hiện theo quy định của Luật dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật dân quân tự vệ.
c) Các khoản chi khác cho dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật do cấp xã thực hiện như: Chi cho nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tuần tra canh phòng và thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước đối với từng nội dung chi, nhiệm vụ chi.
2. Chi cho công tác an ninh
a) Chi cho công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
b) Chi sơ kết, tổng kết và khen thưởng đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng lực lượng công an xã. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ chi hội nghị, khen thưởng.
c) Các khoản chi khác cho lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật do cấp xã thực hiện như: Chi cho việc nắm tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tham gia công tác an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước đối với từng nội dung chi, nhiệm vụ chi.
3. Chi cho các hoạt động phục vụ công tác quản lý Quỹ quốc phòng - an ninh (tập huấn nghiệp vụ, văn phòng phẩm, tài liệu, biên lai) và các hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo, vận động xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ chi tập huấn, hội nghị, công tác phí.
Các khoản chi quy định tại khoản 3 Điều này không được vượt quá 5% tổng số thu hàng năm của Quỹ quốc phòng - an ninh đối với các phường, thị trấn; không vượt quá 10% đối với các xã còn lại.
Điều 6. Phương thức thu, Kế toán, báo cáo quyết toán và công khai Quỹ
1. Phương thức thu:
- Bằng chuyển khoản: Chuyển tiền vào tài khoản của Quỹ quốc phòng - an ninh cấp xã.
- Hoặc bằng tiền mặt: Đóng góp trực tiếp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người được Ủy ban nhân dân cấp xã ủy quyền thu bằng biên lai thu tiền theo quy định.
2. Kế toán
- Quỹ quốc phòng - an ninh không thực hiện phản ánh vào ngân sách cấp xã. Việc hạch toán, kế toán, quyết toán kinh phí của Quỹ quốc phòng - an ninh thực hiện theo chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã hiện hành. Kế toán xã có nhiệm vụ giúp UBND cấp xã quản lý Quỹ quốc phòng - an ninh, thực hiện thu, chi, tổ chức hạch toán, quyết toán riêng Quỹ quốc phòng - an ninh và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
- Danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ Quỹ quốc phòng - an ninh phải được ghi chép kịp thời, đầy đủ. Nghiêm cấm việc để ngoài sổ sách kế toán bất kỳ khoản thu, chi hay khoản đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
- Toàn bộ số thu đóng góp xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh được nộp vào tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc nhà nước, Quỹ do Chủ tịch UBND cấp xã làm chủ tài khoản. Hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo các ngành tổ chức thu và giải quyết miễn đóng góp theo quy định; quản lý thu, chi phải chặt chẽ, đúng Luật ngân sách nhà nước.
3. Báo cáo quyết toán và công khai Quỹ
a) Báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ
- Ủy ban nhân dân cấp xã lập báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh hàng năm trên địa bàn cấp xã và gửi Ủy ban nhân dân huyện; Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố; Ban chỉ huy quân sự huyện; Công an huyện. Nội dung báo cáo phải thể hiện rõ, khái quát tình hình chung như: Đơn vị hành chính, tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổng số hộ gia đình... cư trú trên địa bàn; Kết quả tuyên truyền đóng góp, thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh trong năm (phản ánh bằng số liệu cụ thể); Phương hướng thu Quỹ quốc phòng - an ninh trong năm tới...; Kiến nghị (đối với báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 10/7; đối với báo cáo năm gửi trước ngày 15/01 năm sau).
- Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh hàng năm trên địa bàn huyện, thành phố gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh (đối với báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 10/8; đối với báo cáo năm gửi trước ngày 10/02 năm sau).
b) Nội dung công khai Quỹ: phải được thể hiện bằng văn bản, thông báo rộng rãi hoặc niêm yết công khai cho các đối tượng đóng góp Quỹ biết và theo dõi, đồng thời thực hiện theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.
Điều 7. Tổ chức hoạt động của Quỹ quốc phòng - an ninh
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ tài khoản của Quỹ quốc phòng - an ninh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và hoạt động của quỹ.
2. Thành viên tham gia vào hoạt động của Quỹ quốc phòng - an ninh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, gồm những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khối phố.
3. Kế toán, thủ quỹ của Quỹ quốc phòng - an ninh do cán bộ kế toán, thủ quỹ của Ủy ban nhân dân cấp xã đảm nhiệm và thực hiện việc thu, chi, hạch toán, kế toán theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động các đối tượng đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh theo đúng quy định;
b) Hàng năm lập dự toán và quyết toán thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh báo cáo Ủy ban nhân dân, Phòng Tài chính - Kế hoạch và cơ quan Quân sự, Công an cấp huyện. Quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi Quỹ Quốc phòng - An ninh theo quy định hiện hành.
c) Đề nghị khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích; xử lý hoặc kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng cấp hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện việc thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh thuộc địa bàn quản lý theo quy định hiện hành. Đồng thời thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện tại các xã, phường, thị trấn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong tổ chức thu Quỹ quốc phòng - an ninh.
b) Hàng năm báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Sở Tài chính; Công an tỉnh về tình hình và kết quả vận động đóng góp, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
3. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh
a) Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định tại Quy chế này.
b) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình hoạt động, sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên phạm vi toàn tỉnh.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thu, chi, Quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.
5. Kho bạc nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm soát việc thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong vận động, đóng góp, quản lý Quỹ quốc phòng - an ninh được xem xét, khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.