ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2010/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 22 tháng 6 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ DỰ ÁN CẢI TẠO RỪNG TỰ NHIÊN NGHÈO KIỆT THUỘC RỪNG SẢN XUẤT ĐỂ TRỒNG CÂY CAO SU VÀ CÂY LÂM NGHIỆP KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNN ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1042/SNN-KHTC ngày 08 tháng 6 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết hồ sơ dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh và thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan và người đại diện theo pháp luật của các tổ chức thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ DỰ ÁN CẢI TẠO RỪNG TỰ NHIÊN NGHÈO KIỆT THUỘC RỪNG SẢN XUẤT ĐỂ TRỒNG CÂY CAO SU, CÂY LÂM NGHIỆP KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác theo Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2681/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2009 (sau đây gọi tắt là Đề án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt) và Quy hoạch vùng trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp đến năm 2010 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp).
2. Các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh thì không bị điều chỉnh bởi Quy định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý của Nhà nước có liên quan.
2. Các tổ chức trực tiếp thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác theo Đề án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, gồm: Công ty lâm nghiệp Nhà nước, Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế tư nhân đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai (gọi chung là chủ rừng); các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư đăng ký lập dự án cải tạo rừng trồng cây cao su, cây lâm nghiệp (gọi chung là chủ dự án).
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác
1. Tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt quy định tại Điều 10 Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cây cao su còn phải tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BNN ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Tuân thủ quy định về đánh giá tác động môi trường khi thực hiện cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt theo Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
Điều 4. Hồ sơ, thủ tục cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt
Trước khi triển khai dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác (dưới đây gọi là dự án cải tạo rừng), chủ rừng hoặc chủ dự án phải có đủ các loại hồ sơ sau:
1. Chủ trương cho phép khảo sát lập dự án cải tạo rừng của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Dự án cải tạo rừng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Quyết định cho thuê đất (hoặc giao đất) của Ủy ban nhân dân tỉnh kèm theo bản đồ vị trí và diện tích thực hiện dự án.
4. Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
5. Hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, cấp phép.
* Riêng đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên, phải có thêm Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết hồ sơ dự án đầu tư bằng vốn không thuộc ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 5. Trình tự thực hiện, thẩm quyền giải quyết hồ sơ cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt
1. Chủ trương cho phép khảo sát lập dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt:
a) Chủ rừng hoặc chủ dự án nộp hồ sơ đăng ký khảo sát lập dự án cải tạo rừng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký khảo sát lập dự án cải tạo rừng (theo mẫu tại Phụ lục I);
- Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Bản đồ vị trí khu vực đăng ký khảo sát theo Hệ tọa độ VN-2000, múi chiếu 3o, khu vực Bình Thuận.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát, có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ của chủ rừng, chủ dự án;
c) Căn cứ tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận (hoặc không chấp thuận) cho phép khảo sát lập dự án cải tạo rừng trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc.
2. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án cải tạo rừng:
a) Sau khi có chủ trương cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ rừng hoặc chủ dự án thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành điều tra đánh giá hiện trạng rừng, lập dự án cải tạo rừng (trường hợp cải tạo rừng để trồng cao su phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng đánh giá phân loại đất).
Trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày có chủ trương cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ rừng hoặc chủ dự án phải gửi dự án cải tạo rừng đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định; nếu quá thời hạn trên mà chủ rừng, chủ dự án không gửi dự án đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chủ trương cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh không còn hiệu lực.
b) Khi nhận được hồ sơ dự án cải tạo rừng của chủ rừng hoặc chủ dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức bộ phận chuyên môn để thẩm định. Nội dung công tác thẩm định, gồm:
- Kiểm tra sự phù hợp về hồ sơ, tài liệu, quy trình, phương pháp điều tra đánh giá hiện trạng rừng, phân loại đất (đối với dự án trồng cao su); kết quả phân loại về diện tích rừng đạt tiêu chí cải tạo, trong đó diện tích đủ điều kiện trồng cao su, diện tích trồng cây lâm nghiệp khác, diện tích rừng phải khoanh nuôi không được tác động; phương án cải tạo, khoanh nuôi, bảo vệ; lập báo cáo thẩm định kết quả điều tra đánh giá loại rừng và báo cáo thẩm định phân loại đất;
- Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp về mục tiêu, quy mô dự án, quy hoạch bố trí cây trồng trên diện tích cải tạo rừng với kết quả điều tra đánh giá loại rừng, loại đất; quy trình kỹ thuật lâm sinh; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của dự án; tiến độ thực hiện dự án và các nội dung khác có liên quan; lập báo cáo thẩm định dự án cải tạo rừng của chủ rừng, chủ dự án.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển rừng sang trồng cao su đối với diện tích đủ điều kiện trồng cao su và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án cải tạo rừng. Trong đó, nội dung Tờ trình phê duyệt dự án phải nêu rõ tổng diện tích dự án; diện tích rừng đạt tiêu chí cải tạo (gồm: diện tích đủ điều kiện trồng cao su, diện tích trồng cây lâm nghiệp khác); diện tích rừng phải khoanh nuôi không được tác động; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu; tổng vốn đầu tư; thời gian hoạt động của dự án; tiến độ thực hiện và các nội dung cần lưu ý khi triển khai dự án.
Thời hạn tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án cải tạo rừng không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của chủ rừng hoặc chủ dự án.
c) Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét báo cáo thẩm định và Tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án cải tạo rừng của chủ rừng, chủ dự án trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc đối với dự án có diện tích cải tạo dưới 200 ha. Đối với dự án có diện tích cải tạo từ 200 ha trở lên, thực hiện theo Quy chế làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về trình các dự án đầu tư.
3. Thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, thuê đất (hoặc giao đất); lập đánh giá tác động môi trường:
Sau khi dự án cải tạo rừng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, chủ rừng hoặc chủ dự án thực hiện các thủ tục sau:
a) Liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận;
b) Liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn:
- Lập hồ sơ thuê đất (hoặc giao đất) trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Nội dung quyết định cho thuê đất (hoặc giao đất) có kèm bản đồ thể hiện vị trí khu vực được phép cải tạo, vị trí khu vực phải bảo vệ khoanh nuôi;
- Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trên diện tích rừng được phép cải tạo. Việc thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Lập, thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng; cấp phép khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích rừng được phép cải tạo:
a) Song song với việc thực hiện các thủ tục theo khoản 3, Điều này, chủ rừng hoặc chủ dự án tiến hành lập hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích rừng được phép cải tạo trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt. Thời gian thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản không quá 25 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ của chủ rừng hoặc chủ dự án.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khai thác tận dụng cho đơn vị có chức năng hoặc cho chủ rừng, chủ dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh giao sau khi chủ rừng, chủ dự án đã hoàn thành thủ tục về môi trường;
b) Chủ rừng hoặc chủ dự án không phải lập hồ sơ khai thác tận dụng lâm sản trong các trường hợp sau:
Diện tích cải tạo rừng không có các loại lâm sản có giá trị (cây gỗ tạp phẩm chất kém không có giá trị thương mại hoặc cây gỗ nhỏ, trữ, sản lượng thấp) nếu tổ chức khai thác tận dụng sẽ lỗ chi phí.
Trên cơ sở kết quả điều tra đánh giá hiện trạng rừng của đơn vị tư vấn chuyên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ủy ban nhân dân huyện nơi lập dự án khảo sát thực tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định các trường hợp không tổ chức khai thác tận dụng để cho phép chủ rừng, chủ dự án ủi tấp bờ lô hoặc giao địa phương sử dụng cho nhu cầu chất đốt trong quá trình khai hoang, xử lý thực bì.
Điều 6. Thực hiện dự án cải tạo rừng
1. Tổ chức khai thác và tiêu thụ lâm sản trên diện tích cải tạo rừng:
- Chủ rừng, chủ dự án chỉ được tổ chức thực hiện khai thác tận dụng lâm sản sau khi được giao đất trên thực địa; việc tổ chức khai thác tận dụng lâm sản trước hoặc đồng thời với khai hoang do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Việc quản lý, tổ chức tiêu thụ lâm sản khai thác tận dụng trên diện tích cải tạo rừng thực hiện thông qua đấu giá (gỗ nằm) theo quy định hiện hành.
2. Trong thời hạn 12 tháng sau khi được giao đất trên thực địa, chủ rừng hoặc chủ dự án phải khai thác tận dụng lâm sản và triển khai đầu tư trồng rừng, trồng cao su theo đúng nội dung và kế hoạch tiến độ của dự án được phê duyệt. Chủ rừng, chủ dự án không thực hiện đầu tư trong thời hạn trên mà không báo cáo nguyên nhân, lý do chính đáng thì bị thu hồi dự án đầu tư.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước giải quyết theo thẩm quyền được pháp luật quy định về quá trình cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh:
1. Chấp thuận chủ trương cho phép khảo sát lập dự án cải tạo rừng.
2. Ban hành quyết định cho phép chuyển rừng sang trồng cao su đối với diện tích đủ điều kiện trồng cao su; phê duyệt dự án cải tạo rừng để trồng cây lâm nghiệp, trồng cây cao su.
3. Cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Quyết định cho thuê đất (hoặc giao đất) thực hiện dự án cải tạo rừng.
5. Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cải tạo rừng theo phân cấp.
6. Quyết định việc chọn đơn vị khai thác tận dụng lâm sản, phê duyệt giá khởi điểm và điều chỉnh giá làm cơ sở tổ chức đấu giá lâm sản khai thác tận dụng.
7. Thu hồi chủ trương cho phép lập dự án cải tạo rừng; thu hồi dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su của chủ rừng, chủ dự án.
8. Giải quyết các kiến nghị liên quan đến dự án cải tạo rừng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc đối tượng rừng sản xuất theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo Quy định này:
a) Tiếp nhận Đơn đăng ký khảo sát lập dự án cải tạo rừng của chủ rừng, chủ dự án; kiểm tra, rà soát tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép khảo sát lập dự án cải tạo rừng;
b) Hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự án cải tạo rừng; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển rừng sang trồng cao su đối với diện tích rừng cải tạo đủ điều kiện trồng cao su; trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án cải tạo rừng;
c) Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản;
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chọn đơn vị khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích đất rừng được phép cải tạo; cấp phép khai thác tận dụng lâm sản cho đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao;
đ) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện kiểm tra, theo dõi tiến độ triển khai dự án cải tạo rừng của chủ rừng, chủ dự án;
e) Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi chủ trương cho phép khảo sát lập dự án cải tạo rừng, thu hồi dự án cải tạo rừng đối với chủ rừng hoặc chủ dự án vi phạm quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Hướng dẫn lập thủ tục và trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
3. Cục Thuế tỉnh:
Hướng dẫn thực hiện các ưu đãi đầu tư cho chủ rừng hoặc chủ dự án theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn, tiếp nhận, xử lý hồ sơ thuê đất (hoặc giao đất) của chủ rừng hoặc chủ dự án; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho thuê đất (hoặc giao đất) thực hiện dự án cải tạo rừng của chủ rừng, chủ dự án; xử lý và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất dự án theo quy định;
b) Hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án cải tạo rừng theo quy định.
5. Các sở, ngành có liên quan khác:
Có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước được giao và theo Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện
1. Khẩn trương rà soát, xây dựng phương án sử dụng quỹ đất đã đưa ra ngoài đất lâm nghiệp sau khi rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg để bố trí cho các hộ dân nghèo thiếu hoặc không có đất sản xuất; trường hợp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thì lập danh sách cụ thể các hộ dân thiếu đất sản xuất báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí quỹ đất cải tạo rừng tập trung với quy mô phù hợp để giao khoán đất lâm nghiệp theo quy định.
2. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý khai thác tận dụng lâm sản đối với diện tích rừng tự nhiên cải tạo không có lâm sản hoặc trữ, sản lượng không đáp ứng yêu cầu khai thác tận dụng.
3. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, theo dõi tiến độ cải tạo rừng, trồng rừng, trồng cây cao su của chủ rừng, chủ dự án theo nội dung dự án được phê duyệt trên địa bàn.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan phổ biến công khai trình tự, thủ tục cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc đối tượng rừng sản xuất, hướng dẫn và triển khai thực hiện các nội dung của Quy định này.
Điều 11. Những dự án đã triển khai thực hiện trước thời điểm Quy định này có hiệu lực, được xử lý như sau:
1. Đối với những dự án đã có kết quả điều tra xác định loại rừng, loại đất đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép cải tạo rừng để trồng cao su, cây lâm nghiệp khác và những dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa khai hoang tại thực địa thì tiếp tục thực hiện theo dự án đã được duyệt.
2. Đối với các dự án đang điều tra khảo sát hoặc đã có kết quả điều tra hiện trạng rừng, loại đất nhưng chưa trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh thì thực hiện theo trình tự, thủ tục tại Quy định này.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC I
MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ KHẢO SÁT LẬP DỰ ÁN CẢI TẠO RỪNG TỰ NHIÊN NGHÈO KIỆT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------
……………….., ngày ………… tháng……… năm……
ĐƠN ĐĂNG KÝ KHẢO SÁT LẬP DỰ ÁN CẢI TẠO RỪNG
Kính gửi: (tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ)
Tên doanh nghiệp/tổ chức: (ghi đầy đủ tên doanh nghiệp/tổ chức).
Địa chỉ: (ghi rõ địa chỉ trụ sở /văn phòng chính, điện thoại, số máy fax,…).
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập: (ghi số, ngày tháng cấp, cơ quan cấp/quyết định).
Đăng ký được khảo sát lập dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt như sau:
* Khu vực đăng ký khảo sát lập dự án: (ghi tên tiểu khu, đơn vị chủ rừng quản lý, diện tích đăng ký khảo sát; yêu cầu khu vực khảo sát phải nằm trong vùng quy hoạch cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh).
* Mục tiêu dự án: (phù hợp với mục tiêu Đề án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt của tỉnh, Quy hoạch vùng trồng cao su trên đất lâm nghiệp; ghi rõ loại cây lâm nghiệp dự kiến đầu tư trên diện tích rừng cải tạo).
* Dự kiến vốn đầu tư: (ghi giá trị bằng đồng Việt Nam).
* Cam kết của doanh nghiệp (chấp hành đúng, đầy đủ các quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận).
Đề nghị (tên cơ quan tiếp nhận hồ sơ) quan tâm giải quyết./.
| Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp/ (ký tên, đóng dấu) |
Ghi chú: (1) Ghi danh mục các loại giấy tờ tài liệu đính kèm theo Đơn gồm Bản đồ vị trí khu vực xin khảo sát theo hệ tọa độ VN-2000, khu vực Bình Thuận; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản có giá trị tương đương.
PHỤ LỤC II
MẪU QUYẾT ĐỊNH CHO PHÉP CHUYỂN RỪNG SANG TRỒNG CAO SU TRÊN DIỆN TÍCH CẢI TẠO RỪNG TỰ NHIÊN NGHÈO KIỆT LÀ RỪNG SẢN XUẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày........tháng.........năm.............. |
QUYẾT ĐỊNH
về việc chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất sang trồng cao su
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNN ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số……./2010/QĐ-UBND ngày … tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết hồ sơ dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Căn cứ Công văn số ……/UBND-KT ngày … tháng … năm …… của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đồng ý chủ trương cho (ghi tên chủ rừng, chủ dự án) khảo sát lập dự án cải tạo rừng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số … /TT-SNN ngày … tháng … năm …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cho phép chuyển rừng sang trồng cao su đối với (ghi số liệu diện tích tính bằng ha) rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất nằm trong Quy hoạch vùng trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 thuộc lâm phận quản lý của (tên đơn vị chủ rừng), trong đó:
- Tiểu khu ……(số hiệu): ……ha
- Tiểu khu ……(số hiệu): ……ha
- …………………………………
(Có bản đồ vị trí khu vực chuyển rừng sang trồng cao su theo hệ tọa độ VN-2000, khu vực Bình Thuận đính kèm).
Điều 2. Căn cứ nội dung Điều 1 Quyết định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Hướng dẫn (tên chủ rừng, chủ dự án) lập dự án trên diện tích rừng được phép chuyển sang trồng cao su; tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đúng quy định về trình tự, thủ tục;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc cải tạo rừng trồng cao su của (tên chủ rừng, chủ dự án) đúng vị trí và diện tích đã xác định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (nơi có diện tích cải tạo rừng), thủ trưởng (đơn vị chủ rừng), tổ chức (đăng ký lập dự án cải tạo rừng), các đơn vị và cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH (ký tên, đóng dấu) |
Ghi chú: Trường hợp Phó Chủ tịch được giao ký thay thì điều chỉnh lại Chức vụ người ký cho phù hợp.
PHỤ LỤC III
MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT DỰ ÁN CẢI TẠO RỪNG TỰ NHIÊN NGHÈO KIỆT LÀ RỪNG SẢN XUẤT ĐỂ TRỒNG CAO SU VÀ CÂY LÂM NGHIỆP KHÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày........tháng.........năm.............. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt dự án cải tạo rừng của (tên chủ rừng, chủ dự án)
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BNN ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Quyết định số 2681/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Đề án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất để trồng cây cao su, cây lâm nghiệp khác;
Căn cứ Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp đến năm 2010;
Căn cứ Công văn số ……/UBND-KT ngày … tháng … năm …… của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đồng ý chủ trương cho (ghi tên chủ rừng, chủ dự án) khảo sát lập dự án cải tạo rừng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số … /TT-SNN ngày … tháng … năm …,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án cải tạo rừng của (tên chủ rừng, chủ dự án) trong diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất được quy hoạch cải tạo để trồng cao su và cây lâm nghiệp khác với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên dự án.
2. Tên chủ rừng hoặc chủ dự án.
3. Mục tiêu dự án.
4. Phạm vi, quy mô dự án:
a) Tổng diện tích dự án: ……ha
Trong đó:
- Diện tích cải tạo trồng cao su:…ha;
- Diện tích cải tạo trồng cây lâm nghiệp khác: ……ha;
- Diện tích phải bảo vệ, khoanh nuôi:………ha;
- Diện tích đất sông suối, xây dựng hạ tầng:………ha.
b) Đính kèm bản đồ vị trí dự án và các phân khu được phép cải tạo rừng trồng cao su, trồng cây lâm nghiệp khác; phân khu phải bảo vệ, khoanh nuôi (hệ tọa độ VN-2000, khu vực Bình Thuận).
5. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu:
a) Đối với trồng cao su:
- Giống sử dụng: (ghi loại giống theo tên tiếng Việt và tên khoa học);
- Mật độ trồng:…………cây/ha;
- Thời gian kiết thiết cơ bản vườn cây: …năm;
- Suất đầu tư bình quân:……triệu đồng/ha.
b) Đối với trồng loại cây lâm nghiệp khác:
- Giống cây trồng: (ghi loại giống tên khoa học và tên tiếng Việt);
- Mật độ trồng:…………cây/ha;
- Thời gian kiết thiết cơ bản vườn cây:…………năm;
- Suất đầu tư bình quân:……triệu đồng/ha.
c) Đối với bảo vệ, khoanh nuôi làm giàu rừng: (tóm tắt biện pháp kỹ thuật khoanh nuôi, tái sinh, làm giàu rừng).
d) Đầu tư các công trình hạ tầng, bảo vệ chủ yếu:
- Đường giao thông trong vùng dự án (chiều dài, chiều rộng, kết cấu các tuyến đường);
- Công trình nhà trạm quản lý, bảo vệ rừng (số lượng, diện tích nhà trạm quản lý bảo vệ rừng);
- Công trình trạm giống, vườn ươm (nếu có thì ghi rõ quy mô, diện tích);
- Công trình khác (nếu có).
* Ghi chú: Nội dung phê duyệt tại khoản 5 căn cứ điều kiện vùng cải tạo rừng của từng dự án và Tờ trình đề nghị phê duyệt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Tổng vốn đầu tư:…………. đồng.
Trong đó:
- Vốn tự có của chủ rừng/chủ dự án:………
- Vốn vay, vốn khác………
7. Tiến độ thực hiện:
a) Phân kỳ thực hiện cải tạo và đầu tư;
b) Thời điểm bắt đầu trồng cao su, trồng rừng: (yêu cầu không quá 12 tháng kể từ thời điểm dự án được phê duyệt).
8. Thời gian hoạt động của dự án: ……….năm.
9. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng, chủ dự án:
a) Quyền lợi: (quyền được hưởng thành quả từ việc đầu tư trồng rừng, trồng cao su, khoanh nuôi làm giàu rừng theo quy định hiện hành).
b) Trách nhiệm và nghĩa vụ:
- Trách nhiệm thực hiện chính sách đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang giao nhận khoán bảo vệ rừng trong khu vực cải tạo rừng;
- Trách nhiệm và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về đầu tư,…
* Ghi chú: Nội dung Mục 9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cụ thể trong Tờ trình đề nghị phê duyệt dự án cải tạo rừng trên cơ sở kết quả thẩm định từng hồ sơ dự án cải tạo rừng.
Điều 2. Căn cứ Điều 1 Quyết định này
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Thông báo cho (tên chủ rừng hoặc chủ dự án) thực hiện thủ tục về thiết kế khai thác tận dụng lâm sản; thủ tục về thuê (hoặc giao đất) và đánh giá tác động môi trường theo trình tự, thủ tục quy định;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình khai thác tận dụng lâm sản, triển khai dự án cải tạo rừng trên thực địa theo nội dung, tiến độ được phê duyệt.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định cho thuê (hoặc giao đất); tổ chức giao đất trên thực địa; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đánh giá môi trường theo phân cấp.
3. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm: (hướng dẫn chủ rừng, chủ dự án làm thủ tục ưu đãi đầu tư theo quy định).
4. Sở Tài chính có trách nhiệm: (hướng dẫn, phối hợp thực hiện thủ tục đấu giá lâm sản tận dụng trên diện tích rừng cải tạo theo quy định).
* Đối với trường hợp dự án có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam trở lên, bổ sung thêm 1 khoản quy định trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ rừng, chủ dự án làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài Chính, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (địa bàn có dự án cải tạo rừng), thủ trưởng (đơn vị chủ rừng), tổ chức thực hiện dự án (ghi tên chủ rừng, chủ dự án), thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH (ký tên, đóng dấu) |
Ghi chú: Trường hợp Phó Chủ tịch được giao ký thay thì điều chỉnh lại Chức vụ người ký cho phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.