ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2895/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 30 tháng 12 năm 2019 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”; số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Căn cứ Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 09/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán đề án “Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1780/TTr-SCT ngày 27/12/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ nhãn trên địa bàn tỉnh” thuộc đề án “Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu xây dựng mô hình thí điểm
1.1. Mục tiêu chung
Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nhãn và cung ứng vật tư nông nghiệp tại những vùng sản xuất nhãn tập trung. Nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, theo đó: Sản phẩm do người dân làm ra đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng đồng đều, giá cả hợp lý đảm bảo có lợi nhuận; doanh nghiệp ổn định nguyên liệu đầu vào với chất lượng cao, tạo sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước có thế cạnh tranh; phát huy thế mạnh của hợp tác xã nông nghiệp qua vai trò làm cầu nối thu mua nhãn và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng mô hình thí điểm liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp qua hoạt động tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để nhân rộng cho các sản phẩm nông sản khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng mô hình chuỗi liên kết phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ nhãn thành mô hình liên kết giữa Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân ổn định, bền vững, hiệu quả trên cơ sở mối liên kết giữa các thành viên trong mô hình về kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu.
- Kết hợp hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong Mô hình đảm bảo sản xuất lượng hàng hóa có định hướng theo nhu cầu thị trường và phù hợp với những điều kiện tự nhiên và xã hội địa phương.
2. Phương án xây dựng mô hình thí điểm
2.1. Chủ thể tham gia mô hình
a) Doanh nghiệp
- Doanh nghiệp được lựa chọn là: Công ty cổ phần Kim Chính có trụ sở tại đường 37, khu Tiền Trung, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông sản và Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thuộc tập đoàn Masan) tại số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh thương mại.
- Nhiệm vụ của doanh nghiệp:
+ Dựa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm phù hợp với khả năng tiêu thụ của Doanh nghiệp, phối hợp với HTX, hộ nông dân xác định sản lượng nhãn để hợp đồng sản xuất. Đồng thời, thông báo cho HTX và nông dân biết nhu cầu thu mua nguyên liệu để ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn và giữ đúng các cam kết trong hợp đồng.
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai, mở rộng các dự án sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới tiêu chuẩn Global GAP đến các hộ nông dân.
+ Giữ vững các thị trường tiêu thụ hiện tại, khai thác thêm một số thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, Bộ Công Thương tổ chức hàng năm. Nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa để phát triển ngày càng cao số lượng sản xuất cũng như nhu cầu thu mua nguyên liệu ngày càng tăng.
+ Hợp tác với các công ty sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp có uy tín để cung cấp cho nông dân phân bón có chất lượng cao với giá cả hợp lý, ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật trong sử dụng phân bón và chăm sóc nhãn cho nông dân.
b) Hợp tác xã
- Hợp tác xã được lựa chọn là Hợp tác xã nhãn Miền Thiết, có địa chỉ tại thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
- Nhiệm vụ của Hợp tác xã trong mô hình:
+ Là đầu mối hướng dẫn xã viên tham gia tiêu thụ nhãn thông qua ký kết hợp đồng. Theo dõi tiến độ thực hiện hợp đồng ký kết. Tập trung thu gom nhãn từ các hộ xã viên, nông dân cung cấp cho Doanh nghiệp.
+ Chấn chỉnh về tổ chức, xác định phương án sản xuất, tăng cường vai trò của việc xây dựng kế hoạch hàng năm, nâng cao năng lực điều hành, quản lý của Ban Giám đốc tích cực huy động thêm vốn góp của xã viên, xác định vai trò quyền hạn và nghĩa vụ của Hợp tác xã đối với xã viên và ngược lại. Chú trọng việc xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các Hợp tác xã theo vùng chuyên canh để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
+ Căn cứ vào kế hoạch thu mua, tổ chức hướng dẫn xã viên thu hoạch nhãn đáp ứng theo nhu cầu của Doanh nghiệp, ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp để được tạm ứng vốn thu mua nhãn theo vụ.
+ Phối hợp các cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền kiến thức về chăm sóc, canh tác, thu hoạch nhãn tạo sản phẩm đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm cho xã viên, nông dân. Vận động xã viên, hộ nông dân tham gia các hội thảo, diễn đàn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, các loại giống mới phù hợp với yêu cầu về chủng loại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu đặt hàng của Doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký kết.
+ Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn xã viên, hộ nông dân thực hiện đúng các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nhằm tạo sản phẩm đúng theo yêu cầu.
+ Tổ chức vị trí, khu vực để xã viên tập kết nhãn, doanh nghiệp tổ chức thu mua và vận chuyển về nơi tiêu thụ hoặc nhà máy sản xuất.
+ Hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp hình thành kho dự trữ phân bón cung cấp cho các hộ xã viên, nông dân theo giá hợp lý, ưu đãi hoặc ứng trước phân bón.
+ Thu hút các nguồn vốn từ các tổ chức, vốn vay tín dụng hoặc kết nạp thêm xã viên mới tạo nguồn vốn đầu tư cho xe chuyên chở và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
c) Hộ nông dân
- Các hộ nông dân là xã viên của Hợp tác xã nhãn Miền Thiết (quy mô diện tích trồng nhãn khoảng 458 ha).
- Nhiệm vụ của hộ nông dân trong mô hình: Dựa vào cơ sở vật chất sẵn có của mình, đăng ký diện tích nhãn, ứng với năng suất dự kiến đạt được tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn với hợp tác xã, doanh nghiệp; cam kết thực hiện đúng theo các điều khoản của hợp đồng. Thực hiện đúng quy trình sản xuất từ chọn giống đến chăm sóc, canh tác, thu hoạch nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng, không vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
- Tham gia các hội thảo, diễn đàn, lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nhãn nhằm tăng năng suất, tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới là Global GAP.
- Trong sản xuất, có vấn đề bất thường xảy ra phải thông báo với hợp tác xã, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng kịp thời để có hướng giải quyết, tránh thiệt hại cho bản thân mình cũng như hợp tác xã, doanh nghiệp.
2.2. Điều kiện để mô hình hoạt động hiệu quả, bền vững
- Các chủ thể tham gia dự án xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia mô hình về tiêu thụ nhãn và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được thuê đơn vị có chức năng soạn thảo (nếu cần), những điều khoản được ràng buộc chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên trên tinh thần các bên cùng có lợi và cùng chia sẻ rủi ro. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên đều có quyền khiếu kiện lên tòa án nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.
- Khi triển khai thực hiện mô hình, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện Khoái Châu (thông qua các phòng chuyên môn) và các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn các nghiệp vụ có liên quan cho các chủ thể tham gia dự án hiểu rõ trách nhiệm của mình khi tham gia dự án; tổ chức các hội thảo nâng cao kiến thức về soạn thảo, ký kết, thực hiện hợp đồng; kỹ năng canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nhãn đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Và tổ chức theo dõi, hướng dẫn thường xuyên cho các hộ xã viên, nông dân thực hiện đúng theo quy trình.
- Các cơ quan chức năng: Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, UBND huyện Khoái Châu, UBND xã Hàm Tử, Dân Tiến, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại, phòng chuyên môn của huyện:
+ Tạo điều kiện để các chủ thể tham gia dự án tiếp cận các nguồn vay vốn, hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các đơn vị, cá nhân đầu tư sản xuất, lưu kho, tiêu thụ nhãn, cung ứng vật tư nông nghiệp, quảng bá, mở rộng thị trường, thông tin thị trường giá cả...
+ Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho hộ xã viên, hộ nông dân về nhiệm vụ, quyền lợi của hộ xã viên, nông dân khi tham gia dự án; hướng dẫn trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng, giám sát việc thực hiện hợp đồng. Có trách nhiệm hướng dẫn, hòa giải khi có tranh chấp giữa các chủ thể tham gia dự án. Khuyến cáo việc thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm hạn chế rào cản kỹ thuật về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
+ Tổ chức tập huấn tại khu vực trồng nhãn của từng nhóm nông dân, hộ xã viên về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Phối hợp cung cấp các thông tin về thị trường giá cả mặt hàng rau, vật tư, hàng hóa, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.
+ Tổ chức hội thảo đầu bờ, học tập kinh nghiệm các mô hình thí điểm thành công ở các huyện, địa phương khác.
+ Hướng dẫn trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng, thực hiện giám sát quá trình triển khai dự án mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; có trách nhiệm hướng dẫn, hòa giải khi có tranh chấp giũa các chủ thể tham gia dự án.
+ Tổ chức theo dõi dự án, kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhằm đạt được mục tiêu.
+ Thực hiện theo dõi, đánh giá và báo cáo việc triển khai dự án cho UBND tỉnh, Bộ Công Thương để kiến nghị nhân rộng mô hình sau khi đánh giá dự án mô hình hiệu quả.
2.3. Phương thức liên kết, cơ chế hoạt động của mô hình
a) Phương thức liên kết
- Hợp tác xã đóng vai trò là nhân tố trung tâm kết nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân thông qua hợp đồng. Hợp tác xã nắm bắt khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của xã viên và hộ nông dân; đồng thời tham vấn, trao đổi ý kiến với hộ nông dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ký hợp đồng với công ty bao tiêu sản phẩm của nông dân. Các bên ký hợp đồng sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với nhau trước pháp luật theo thỏa thuận hợp đồng đã ký kết.
- Nhằm tạo mối liên kết bền vững trong hợp đồng tiêu thụ nhãn và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã nhãn Miền Thiết ký kết thu mua nhãn từ các hộ xã viên của mình và các nông dân, tập trung cung cấp cho doanh nghiệp; cam kết không cung cấp cho doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp Kim Chính, Vincommerce ký kết với nông dân ngoài hệ thống thu mua của HTX nhãn Miền Thiết, đảm bảo không thu mua có tính tranh giành. Từ đó, tạo dựng được nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp và nông dân, hộ xã viên đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm của mình.
b) Quy trình vận hành của mô hình:
Bước 1: Công ty ra Quyết định thành lập Ban điều hành Trung tâm chuỗi liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhãn, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của chuỗi.
Bước 2: Lập danh sách, tuyển chọn thành viên tham gia
- Công ty sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm khuyến Nông huyện, HTX Miền thiết trên địa bàn lập danh sách các hộ nông dân đạt các tiêu chí chất lượng để cung cấp cho Ban điều hành Trung tâm chuỗi.
- Các HTX thông tin cho Trung tâm chuỗi biết về uy tín giao dịch của từng hộ trong hợp tác xã và cả những hộ nông dân chưa tham gia nhưng có uy tín, sản xuất giỏi,...
Bước 3: Khảo sát địa bàn - Tổng hợp - Đánh giá - Chọn lọc hộ nông dân tham gia sản xuất nhãn, ký kết hợp đồng nguyên tắc liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn với HTX đại diện cho các hộ dân - Ban điều hành Trung tâm chuỗi kết hợp với cán bộ Ngân hàng tiến hành khảo sát từng khu vực theo danh sách mà các HTX cung cấp.
- Nội dung cần thu thập: Diện tích đất trồng; điều kiện chăm sóc; Kế hoạch: vốn đầu tư, sản lượng cần thiết - vật tư nông nghiệp - nhãn sau thu hoạch; nhu cầu vốn vay; tài sản thế chấp.
- Lập danh sách hộ được chọn.
- Tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn với HTX đại diện cho các hộ dân:
+ Công ty có trách nhiệm cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...) theo yêu cầu bằng văn bản của HTX;
+ Công ty cam kết thu mua hết toàn bộ nhãn thuộc Vùng dự án của các bên theo giá thị trường.
+ Công ty được thu lại chi phí cho việc cung ứng vật tư nông nghiệp theo đơn giá mà các Bên thỏa thuận bằng cách khấu trừ vào giá thu mua hàng hóa tại thời điểm thu mua.
Bước 4: Hiệp thương đơn giá - giao nhận vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật).
- Ban điều hành chuỗi phát hành thư mời để thỏa thuận đơn giá giao nhận vật tư nông nghiệp. Thành phần gồm: Doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX Miền Thiết đại diện cho các hộ trồng nhãn.
- Thống nhất số lượng vật tư nông nghiệp đăng ký cho từng hộ dân và phương thức thanh toán, giao nhận sản phẩm theo lịch trình kế hoạch.
- Công ty thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp.
Bước 5: Cung ứng vật tư
- Trước khi bắt đầu mùa vụ ít nhất ba mươi (30) ngày, HTX có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho Công ty biết về loại vật tư, số lượng vật tư và quy trình dự kiến sử dụng các loại vật tư đó phục vụ cho quá trình canh tác để Công ty chuẩn bị, tập kết và cung cấp vật tư cho HTX một cách kịp thời.
- Đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp áp đơn giá và tính tổng số tiền fax đến Trung tâm chuỗi và Ngân hàng xác nhận cung ứng đủ lượng theo đơn đặt hàng.
- Ngân hàng tiến hành giải ngân theo đề nghị, đồng thời thông báo cho Trung tâm chuỗi biết để theo dõi.
- Đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp sẽ cung ứng vật tư cho HTX để phân phối vật tư đến các hộ dân.
- Giá vật tư Công ty cung cấp cho HTX phải đảm bảo bằng hoặc thấp hơn giá của Đại lý cấp 1 của loại vật tư đó cộng với tiền lãi ngân hàng 03 tháng tại thời điểm cung cấp vật tư.
- HTX có nghĩa vụ gửi cho Công ty danh sách biên nhận giữa HTX với các hộ dân về số lượng vật tư mà mỗi hộ dân nhận được (tương ứng và phù hợp với diện tích canh tác của mỗi hộ dân) trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày Công ty đã hoàn tất việc bàn giao toàn bộ vật tư cần thiết cho HTX theo yêu cầu và HTX đã hoàn thành việc phân phối vật tư cho từng hộ dân trong vùng dự án.
- Công ty cập nhật tổng hợp tiến độ đặt - giao hàng, theo dõi công nợ làm cơ sở để khấu trừ tiền vật tư của mỗi hộ dân vào tiền nhãn mà mỗi hộ dân bán cho doanh nghiệp khi thu hoạch vụ mùa.
Bước 6: Kiểm tra, giám sát
- Ban điều hành Chuỗi liên hệ ngày giờ cụ thể với HTX để phối hợp cán bộ Ngân hàng đến giám sát việc xuống giống và ký vào biên bản.
- Công ty sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm khuyến Nông huyện tại địa bàn thực hiện dự án hoặc bất kỳ một cơ quan nào có chuyên môn và thẩm quyền để theo dõi quá trình phát triển nhãn để khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho phù hợp; khuyến khích bà con nông dân theo các chương trình “04 giảm ba tăng”: Giảm: Nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng: Năng suất, chất lượng và lợi nhuận nhằm giúp nhãn đạt năng suất cao.
- Định kỳ 01 tháng 01 lần hoặc vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sản xuất tại Vùng dự án dưới sự quản lý và giám sát của HTX, doanh nghiệp cử kỹ sư và/hoặc chuyên gia có chuyên môn theo dõi, kiểm tra và đánh giá tình trạng sinh trưởng và phát triển của nhãn (hoa nhãn) để đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật được tuân thủ và thực hiện một cách đầy đủ và đúng mức. Tùy thuộc vào kết quả của quá trình kiểm tra nói trên, các kỹ sư và/hoặc chuyên gia của Công ty có thể đưa ra các đề xuất, khuyến cáo hoặc hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chăm sóc và các vấn đề liên quan và HTX có nghĩa vụ khuyến khích, vận động và đảm bảo rằng bà con nông dân tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo và chỉ dẫn đó một cách phù hợp để đảm bảo chất lượng và sản lượng nhãn đạt yêu cầu vào mùa thu hoạch.
Bước 7: Thu hoạch và giao nhận hàng hóa - Công ty lập kế hoạch gửi Ngân hàng chuẩn bị giải ngân số tiền mua nhãn của hộ dân.
- Trước thời điểm thu hoạch nhãn từ 07 ngày, các HTX thông báo cho Công ty biết vụ nhãn chuẩn bị thu hoạch để Công ty kịp thời cử cán bộ xuống kiểm tra chất lượng nhãn.
- Trước thời điểm thu hoạch 03 ngày, hai bên thống nhất giá thu mua nhãn thành phẩm (nhãn tươi).
- Giá thị trường tại thời điểm tính giá là giá thực và sát với thực tế thị trường. Trong trường hợp, giá biến động cao đột biến do sự cố ý làm giá từ bên ngoài mà hai bên không thống nhất được giá, Công ty có quyền từ chối không mua hàng.
- Các bên sẽ cùng thỏa thuận thời gian giao nhận hàng hóa và HTX phải thông báo bằng văn bản thời gian nhận hàng hóa cụ thể cho Công ty trước thời gian thu hoạch ít nhất 15 ngày để Công ty có thể chuẩn bị nhân sự và phương tiện phù hợp cho việc nhận hàng.
- Các hộ dân dưới sự hướng dẫn và giám sát của HTX sẽ tiến hành thu hoạch và vận chuyển, tập kết nhãn thành phẩm về các địa điểm theo thông báo của HTX (nằm trong Vùng dự án) và đã được sự chấp thuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ cử cán bộ và phương tiện đến các điểm tập kết để tiến hành việc thu mua nhãn như đã thỏa thuận.
- Khi đến nhận hàng, người nhận hàng của Doanh nghiệp phải xuất trình giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền hợp pháp do Doanh nghiệp cấp. Nếu có sự tranh chấp về số lượng và chất lượng hàng hóa thì phải lập biên bản tại chỗ, có chữ ký của người đại diện mỗi bên. Thời gian giao nhận hàng hóa giữa hai bên không được quá 22 giờ khuya trong ngày. Sau khi nhận hàng, Các Bên giao và nhận hàng phải lập biên bản giao nhận hàng hóa xác nhận rõ số lượng, chất lượng và quy cách hàng hóa, có chữ ký và họ tên của người giao và người nhận của các Bên. Mỗi Bên giữ một bản.
Bước 8: Thanh toán tiền mua nhãn
- Căn cứ biên bản giao nhận số lượng nhãn đã mua giữa Doanh nghiệp và các hộ dân:
+ Ngân hàng thực hiện thu hồi phần vốn đã đầu tư cho giống, vật tư nông nghiệp và phần lãi vay, phần còn lại chuyển thanh toán qua tài khoản của hộ dân mở tại ngân hàng, thời gian thanh toán không quá 05 ngày theo giá thị trường (giá được tham chiếu của các công ty thu mua cùng khu vực).
+ Ngân hàng ghi tổng số nợ của hợp đồng cho doanh nghiệp.
- Công ty tiến hành thanh lý hợp đồng với hộ dân.
Bước 9: Thu tiền xuất hàng - Hoàn vốn và lãi cho Ngân hàng
Sau khi doanh nghiệp tiến hành chế biến và phân phối tới các điểm tiêu thụ, người mua hàng sẽ trả tiền cho doanh nghiệp thông qua tài khoản của doanh nghiệp mở tại Ngân hàng, Ngân hàng thu hồi nợ và lãi của hợp đồng, phần còn lại thuộc quyền thừa hưởng của doanh nghiệp.
3. Một số giải pháp thực hiện mô hình
3.1. Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển thương mại
- Về mô hình thương mại nông thôn mới: Việc xây dựng mô hình thương mại nông thôn mới ở Hưng Yên thực hiện theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, phát triển thương mại nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh.
- Phát triển các loại hình tổ chức thương mại đặc thù: Tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung hoặc ở vùng ven đô, tiếp tục cải tạo, nâng cấp, xây mới một số chợ đầu mối tổng hợp hoặc chuyên doanh bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp, tạo tiền đề để hình thành các trung tâm giao dịch hàng nông sản.
3.2. Nhóm giải pháp về thông tin tuyên truyền
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm khi tham gia các hoạt động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thông tin, tuyên truyền, phổ biến về cách thức, điều kiện để đăng ký chủ trì thực hiện dự án liên kết và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về hình thành và phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia làm thành viên của các chuỗi liên kết theo từng khâu (từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật) nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và có tính cạnh tranh cao.
3.3. Nhóm giải pháp về chính sách và phát triển hạ tầng thương mại
a) Về hạ tầng thương mại
- Trên cơ sở các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch phát triển ngành, từng địa phương chủ động có kế hoạch quảng bá tiềm năng thế mạnh của mình, có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư vào liên kết hợp tác phát triển và tiêu thụ sản phẩm nhãn có giá trị thương phẩm cao.
- Huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; chủ yếu là nguồn vốn của các doanh nghiệp và nhân dân.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua công tác khuyến nông, khuyến công, công tác giống, kiểm soát phòng trừ dịch bệnh.
- Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo kho phân bón, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng cho các hộ xã viên, nông dân, góp phần chống hàng gian, hàng giả hiện đang có mặt trên thị trường, giúp các hộ xã viên, nông dân an tâm sản xuất.
- Nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ cho vận chuyển nhãn các sản phẩm vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ.
b) Về chính sách: Thực hiện theo Nghị Quyết số 199/2019/NQ-HĐND ngày 27/3/2019 của Hội đồng nhân dân về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Cụ thể:
- Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, bao gồm: Tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Tổng mức hỗ trợ không quá 300 triệu đồng cho 01 dự án liên kết.
- Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Máy móc, thiết bị, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; kết cấu hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản gia súc, gia cầm và thủy sản; công trình cấp, thoát nước, công trình xử lý chất thải, hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất; giao thông khu sản xuất; công trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
- Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng cho 01 dự án liên kết.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho 01 dự án liên kết:
- Hỗ trợ 100% chi phí tuyên truyền, tham quan; 50% chi phí xây dựng mô hình khuyến nông trình diễn, mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng.
- Hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng.
- Hỗ trợ 100% chi phí giáo trình, học phí đào tạo nghề; 100% chi phí tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng.
- Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác cho nông dân tham gia dự án liên kết. Mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng, cụ thể:
+ Liên kết trong trồng trọt: Hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây trồng và 30% chi phí mua vật tư trong 03 vụ cho các ngành hàng, sản phẩm có chu kỳ sản xuất dưới 01 năm. Hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống cây trồng mới, hỗ trợ 30% chi phí mua vật tư trong 03 năm cho ngành hàng sản phẩm có chu kỳ sản xuất trên 01 năm.
+ Hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa 03 năm.
3.4. Nhóm giải pháp về bồi dưỡng, đào tạo nguồn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các chủ thể tham gia mô hình thí điểm
- Tuyên truyền, phổ biến nội dung của dự án đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất và tiêu thụ Nhãn trên địa bàn tỉnh.
- Tập huấn về soạn thảo, ký kết hợp đồng, việc thực hiện hợp đồng sau khi ký kết và giải quyết tranh chấp, nâng cao nghiệp vụ quản lý kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trồng nhãn.
- Tập huấn về các chính sách tiêu thụ nông sản cho nông dân, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
- Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, canh tác, tưới tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản... đảm bảo quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cử chuyên gia trồng trọt theo dõi, hướng dẫn trực tiếp tại vườn của nông dân nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ khâu chăm sóc đến khi thu hoạch.
- Hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, một số nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
3.5. Giải pháp khuyến khích liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm
- Quảng bá, công khai các sản phẩm chủ lực, sản phẩm nông sản an toàn có tính cạnh tranh cao trên các phương tiện thông tin để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết nhằm tăng cường liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất.
- Tích cực thâm nhập thị trường mới trong và ngoài nước cho các nông sản có lợi thế, thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể đã được bảo hộ, đồng thời phối hợp hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể mới cho một số nông sản khác của tỉnh.
- Kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng thuê ruộng, góp ruộng với nông dân, cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm đầu ra cho nông dân.
- Phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng.
- Duy trì và phát triển tốt kênh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm qua các trung tâm giao dịch tiêu thụ nông sản với Thủ đô Hà Nội.
3.6. Giải pháp phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia mô hình liên kết
- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020.
- Trên cơ sở lợi thế của địa phương, định hướng ngành nghề hoạt động của các hợp tác xã và các tổ hợp tác, mạnh dạn giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, lựa chọn để hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác sản xuất, chế biến tiêu thụ cùng sản phẩm có hiệu quả cao, từ đó hướng tới thành lập các HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc khuyến khích tập trung ruộng đất, tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, an toàn, chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ.
- Tập trung công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, năng lực thị trường cho cán bộ HTX và tổ trưởng các tổ hợp tác từ đó điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động.
3.7. Các giải pháp khác
- Giải quyết cho các hợp tác xã vay vốn tín chấp trên cơ sở Hợp đồng cung ứng sản phẩm đã ký kết với đơn vị mua hàng. Tăng cường trợ giúp các hợp tác xã trong việc ứng dụng các hệ thống quản lý và tiêu chuẩn chất lượng vào quá trình sản xuất, hỗ trợ mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các hợp tác xã.
- Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tổ chức lại hệ thống sản xuất, tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn được tuyển chọn ngay từ khâu đầu tiên là giống, đến áp dụng kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến. Tổ chức thông tin về dự báo tình hình thị trường, trang bị kiến thức về thị trường và những tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân để từ đó áp dụng vào sản xuất. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để người nông dân thời hội nhập có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tốt.
- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đồng thời vận động nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng gắn sản xuất với chế biến, nhất là đối với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; khuyến khích hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản có chuyển giao công nghệ, ứng trước vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
4.1. Trách nhiệm của Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương triển khai thực hiện Dự án; kiểm tra, đôn đốc các chủ thể tham gia thực hiện theo đúng nhiệm vụ của mình.
- Hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ xã viên, nông dân ký kết, thực hiện hợp đồng; phối hợp tham gia giải quyết khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra.
- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức cho các hộ xã viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất, chính sách tiêu thụ nông sản, cung ứng nông nghiệp, tìm kiếm thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng kinh doanh...
- Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện Dự án xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Nông dân trong chuỗi liên kết phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ nhãn.
- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận kinh phí khuyến công hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ, thay đổi máy móc thiết bị phục vụ phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp.
- Tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện dự án, tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh cùng với kiến nghị nhân rộng mô hình.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Khoái Châu tiếp tục nhân rộng mô hình (nếu thành công) chuỗi liên kết phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ nhãn tại xã: Xã Hồng Nam, Phương Chiếu, Quảng Châu, Tân Hưng, Hoàng Hanh, Lam Sơn thành phố Hưng Yên; xã Đông Kết, Bình Kiều huyện Khoái Châu.
4.2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Sở Công Thương cùng triển khai các nội dung có liên quan đến Dự án xây dựng chuỗi liên kết phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ nhãn.
- Phổ biến, tuyên truyền pháp luật và các chính sách liên quan đến sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và phát triển thị trường tiêu thụ nhãn.
- Chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoặc quy hoạch mới thuộc ngành nông nghiệp làm cơ sở để phát triển các vùng sản xuất nhãn tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản nhất là đối với vùng trồng cây ăn quả.
- Triển khai các chương trình, dự án về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, sản xuất hàng hóa nông sản.
- Xây dựng cơ chế tạo điều kiện để công tác khuyến nông và các chương trình, dự án về nông nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản.
- Xây dựng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các mô hình hợp tác giữa hộ sản xuất nông nghiệp với các cơ sở chế biến, tiêu thụ, phát triển các tổ chức liên kết cộng đồng những người sản xuất trong ngành chế biến nông sản.
- Hướng dẫn triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hợp đồng và xây dựng chế tài xử lý vi phạm hợp đồng phù hợp với quy định của Luật Thương mại; hướng dẫn các hoạt động hỗ trợ khác từ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình khuyến công quốc gia và chương trình hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Thực hiện tốt việc hướng dẫn dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp các ngành liên quan xem xét, nghiên cứu áp dụng các quy định của Trung ương để đề xuất UBND tỉnh chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
c) Sở Tài chính
Chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ các chủ thể tham gia mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp các quy định hiện hành và với tình hình thực tế.
d) Sở Khoa học và Công nghệ
- Thực hiện các hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cho nông dân và HTX.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ các tổ chức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Xây dựng các tiêu chuẩn thương hiệu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
đ) Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Hướng dẫn hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phát huy các nguồn lực để góp phần tạo công ăn việc làm cho xã viên.
- Phối hợp cùng các cơ quan chức năng hướng dẫn HTX thực hiện các nhiệm vụ khi triển khai thực hiện dự án.
- Cụ thể hóa cơ chế chính sách phát triển hợp tác xã cho địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác xã và tổ hợp tác; cụ thể hóa Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ khuyến khích thành lập hợp tác xã, bồi dưỡng, đào tạo, cấp đất, cho thuê đất, chính sách đầu tư, tài chính, tín dụng, hỗ trợ khuyến nông, khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thuế, ứng dụng đổi mới, hỗ trợ hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đời sống các hộ xã viên...
e) Hội Nông dân tỉnh
- Tuyên truyền về vai trò, lợi ích, tác dụng của Dự án nhằm làm tăng sức mạnh, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất trong nền kinh tế thị trường để hội viên, nông dân lựa chọn và tự nguyện tham gia.
- Hướng dẫn về trình tự, cách thức hình thành và hoạt động Dự án. Lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn với công tác hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học và công nghệ,... giúp hội viên, nông dân thực hiện tốt nhiệm vụ của mình khi tham gia vào Dự án.
- Tổ chức tập huấn cán bộ, hội viên, nông dân các kỹ năng cơ bản về khai thác thông tin trên mạng internet, cập nhật thông tin về khoa học công nghệ, kỹ thuật, thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất,... để nông dân tìm hiểu, khai thác lựa chọn và quyết định việc đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.
- Tăng cường sự phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ; liên kết với các tổ chức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp,... huy động các nguồn lực để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, tập huấn cho nông dân ứng dụng vào sản xuất.
- Tuyên truyền và hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến các doanh nghiệp và giới thiệu nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp đến nông dân thông qua “Điểm sàn giao dịch kết nối cung cầu nông sản “thực phẩm” trong hệ thống giao dịch của Hội Nông dân cả nước để tăng tính cạnh tranh trong nước cũng như thị trường thế giới.
- Tổ chức các hoạt động khuyến nông bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống, sản xuất và cung ứng máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến để cung ứng cho nông dân theo các hình thức trả chậm, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, kết hợp với các chính sách hậu mãi, chuyển giao kỹ thuật sử dụng sản phẩm.
g) Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Hưng Yên
Chỉ đạo hệ thống ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phổ biến phương thức cho vay, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn vay. Cụ thể:
- Linh hoạt cải tiến thủ tục cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đa dạng hóa các loại hình cho vay nhằm đáp ứng tốt nhất cho sản xuất nguyên liệu; tăng cường vốn cho vay sản xuất hàng xuất khẩu, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho các hợp đồng tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp.
h) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan:
- Hàng năm dành một khoản ngân sách để hỗ trợ hợp tác xã, hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Thực hiện các chính sách, chế tài của Nhà nước giải quyết, xử lý nếu có tranh chấp giữa các chủ thể ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch chung của tỉnh; bố trí cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo ra sản phẩm đồng đều có chất lượng cao gắn với các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Chủ động thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng và khu dân cư để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân.
- Hỗ trợ để củng cố và phát triển các hợp tác xã trên địa bàn để làm tốt chức năng cầu nối với các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản.
4.3. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia mô hình
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân có trách nhiệm cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia mô hình thí điểm.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch: Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; Giám đốc: Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.