ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2895/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 6 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH THỂ LỆ THAM GIA SÁNG TÁC MẪU TƯỢNG ĐÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 4540-CV/TU ngày 20 tháng 5 năm 2013 về việc thực hiện Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1475/SVHTTDL-BQL ngày 28 tháng 3 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Thể lệ tham gia sáng tác mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Sở - ngành, đoàn thể, các thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Nghệ thuật xét chọn mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
THỂ LỆ THAM GIA SÁNG TÁC
MẪU TƯỢNG ĐÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2895/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Thông báo kết luận của Ban Bí thư số 35-TB/TW ngày 06 tháng 6 năm 2011 về việc xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Hồ Chí Minh: “Đồng ý chủ trương xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại trung tâm hành chính Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao, bền vững, xứng tầm với Thành phố mang tên Bác, nơi có vị trí đặc biệt về kinh tế - xã hội của cả nước”;
Căn cứ Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 17-TB/TW ngày 09 tháng 4 năm 2011 về Đề án quy hoạch tượng đài danh nhân anh hùng dân tộc;
Căn cứ Công văn số 1574-CV/TU ngày 14 tháng 11 năm 2010 của Thành ủy về quy hoạch xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Công văn số 113-CV/TU ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Thành ủy về chủ trương xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ ý kiến của Thường trực Thành ủy về chấp thuận vị trí xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên phía trước trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 1123-CV/VPTU ngày 25 tháng 7 năm 2011 của Văn phòng Thành ủy;
Căn cứ Văn bản số 808/BVHTTDL-MTNATL ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về địa điểm xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Văn bản số 384/BXD-KTQH ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ Xây dựng về việc xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Thông báo số 817/TB-VP ngày 5 tháng 11 năm 2012 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về nội dung kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân tại buổi họp Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố về Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Thông báo số 144/TB-VP ngày 11 tháng 3 năm 2013 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về nội dung kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hứa Ngọc Thuận về góp ý Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ kết luận chỉ đạo của tập thể Thường trực Thành ủy tại Công văn số 4419-CV/VPTU ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Văn phòng Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Công văn số 4540-CV/VPTU ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Văn phòng Thành ủy về thực hiện Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Ủy ban nhân dân thành phố công bố Thể lệ tham gia sáng tác mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh làm căn cứ cho các tác giả và các nhóm tác giả tham gia sáng tác mẫu phác thảo dự thi và Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh (dưới đây gọi tắt là Hội đồng Nghệ thuật) hình thành tiêu chí chấm tuyển chọn mẫu tượng đài.
1. Tên công trình: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Địa điểm xây dựng: Công viên trước trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Chủ đầu tư: Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Thời gian thực hiện: từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 02 năm 2015.
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI
Xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nhằm tưởng niệm, tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước và dân tộc; tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh; học tập đạo đức, nhân cách của Người, hợp lòng dân và phù hợp với quy hoạch xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH
1. Yêu cầu nội dung tư tưởng:
- Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình nghệ thuật điêu khắc đảm bảo tính trang trọng, có giá trị cao về tinh thần và tính cách Người, góp phần làm giàu di sản văn hóa nghệ thuật nước nhà, tạo được dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường cảnh quan văn hóa, tính thẩm mỹ và tính nhân văn sâu sắc.
- Khắc họa chân thực thần thái, vóc dáng, phong cách, trí tuệ, những đức tính quý báu, toát lên vẻ đẹp tinh thần, nhân cách cao cả của Người, đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Hình tượng và độ tuổi của Bác để thể hiện mẫu tượng đài là giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1969, trong đó việc thể hiện phải giống với hình dáng, chân dung, thể hiện sự tươi vui, trìu mến, dung dị, gần gũi thân thương, thể hiện tình cảm của Bác Hồ với miền Nam.
- Công trình đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao, chất liệu sử dụng cho tượng đài là hợp kim đồng đảm bảo độ bền vững cao tồn tại vĩnh cữu với thời gian và không gian ngoài trời, màu sắc trang nhã phù hợp với cảnh quan môi trường. Bệ tượng và các hạng mục khuôn viên được ốp lát đá trang nhã và bền vững.
2. Yêu cầu quy hoạch tổng thể:
- Quy mô kích thước, chất liệu, màu sắc của công trình tượng đài phải hài hòa với môi trường cảnh quan khu vực công viên, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra về mục đích, ý nghĩa của công trình.
- Quan hệ giữa các thành phần của công trình bao gồm: tượng, bệ tượng, cây xanh (cây bóng mát, cây trang trí), thảm cỏ, bồn hoa, sân hành lễ, ánh sáng và cảnh quan chung phải đặt trong một bố cục chỉnh thể, hài hòa, tương quan về màu sắc.
- Vị trí xây dựng tượng đài: Tượng đài mới có vị trí nằm trên trục dọc giữa công viên, trong khoảng giới hạn của 2 lối ra vào chính của khách sạn Rex và công trình Vincom, cách vị trí tượng đài hiện hữu khoảng 9m.
- Tổ chức không gian kiến trúc khu vực xung quanh và công viên tượng đài đảm bảo yêu cầu không gian công viên quảng trường, khoảng lùi và tầm nhìn cho công trình.
- Tác giả có thể tham khảo hồ sơ quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan do chủ đầu tư cung cấp.
3. Yêu cầu về hình thức nghệ thuật:
- Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình nghệ thuật điêu khắc đảm bảo tính trang trọng, có giá trị cao về tinh thần và tính cách của Người.
- Tượng đài phải đạt yêu cầu về tính thẩm mỹ và tính xác thực: giống về gương mặt, dáng dấp, bố cục tạo hình nghệ thuật phải chặt chẽ và đẹp.
- Bố cục hình khối, đường nét, chi tiết nhằm diễn tả tư thế hình dáng của Bác Hồ phải sống động, đạt giá trị thẩm mỹ cao.
- Chất liệu: mẫu tượng được chọn sẽ được thực hiện với chất liệu hợp kim đồng tốt nhất, bền vững với thời gian và không gian ngoài trời.
- Quy mô kích thước: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều cao tối đa tính từ cao độ vỉa hè hiện hữu đến phần cao nhất của tượng đài là 7,2m (bao gồm cả phần bệ tượng). Chiều cao theo mẫu sáng tác của tác giả được Hội đồng Nghệ thuật và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kiểm chứng bằng quy trình làm tượng dẹt (hình chính diện của phác thảo được phóng lớn bằng thật trên gỗ dán đặt đúng vị trí dự kiến dựng tượng) hoặc mẫu sáng tác tỷ lệ 1:1 được đặt tại vị trí đã xác định chính thức trong công viên phía trước trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố. Công việc này thực hiện sau khi Hội đồng Nghệ thuật chấm chọn xong phác thảo bước hai (cao 1,2m) và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
III. QUY ĐỊNH SÁNG TÁC MẪU TƯỢNG
1. Phương thức tổ chức sáng tác:
- Căn cứ yêu cầu cụ thể về thời gian và chất lượng nghệ thuật của công trình nên cuộc thi được tổ chức vận động tham gia sáng tác rộng rãi trong cả nước và mời cụ thể một số tác giả có năng lực và uy tín.
- Đối tượng tham gia: Tác giả hoặc nhóm tác giả tham gia sáng tác mẫu tượng đài với các tiêu chuẩn sau:
+ Tác giả hoặc Trưởng nhóm tác giả (người đứng đầu): phải là nhà điêu khắc có uy tín và trình độ nghệ nghiệp cao; tốt nghiệp đại học chuyên ngành điêu khắc.
+ Các thành viên nhóm gồm: các nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư.
2. Hình thức, nội dung, kích thước, số lượng chất liệu mẫu tượng:
2.1. Sáng tác mẫu phác thảo bước một:
- Số lượng phác thảo mẫu tượng:
+ Mỗi nhóm tham gia sáng tác được tham gia tối đa 02 phương án (tối đa 02 mẫu tượng): mỗi phương án kèm theo một bảng thuyết minh không quá 01 trang giấy khổ A4.
+ Mỗi phương án kèm theo một bản vẽ gồm phối cảnh mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt trên khổ giấy A0 (có thể phóng to một số chi tiết để minh họa):
- Chất liệu mẫu phác thảo: thống nhất bằng thạch cao hoặc composit.
- Kích thước: chiều cao mẫu phác thảo bước một là 0,60m.
- Thời gian thể hiện: hạn chót nhận mẫu phác thảo tham dự bước một vào ngày 15 tháng 8 năm 2013.
- Ban Tổ chức từ chối nhận phác thảo tham dự không đúng quy cách, kích thước, thời gian giao nộp, chất liệu được quy định trong Thể lệ cuộc thi.
- Hình thức bảo mật:
+ Các mẫu phác thảo bước một được đóng hộp bảo vệ, ngoài hộp chỉ được ghi mã hiệu một chữ cái và hai chữ số.
+ Tài liệu thuyết minh có phong bì dán kín đặt trong hộp của phác thảo.
+ Ban Tổ chức chỉ mở hộp bảo vệ mẫu phác thảo trước 01 ngày, có ký hiệu riêng khi trình Hội đồng Nghệ thuật làm việc và được ghép phách sau khi có kết quả chấm chọn.
3.2. Sáng tác mẫu phác thảo bước hai:
- Số lượng: căn cứ chất lượng các mẫu phác thảo tham dự bước một, Hội đồng Nghệ thuật chấm chọn 03 mẫu phác thảo tốt nhất vào vòng hai.
- Yêu cầu về nghệ thuật của mẫu phác thảo bước hai phải thể hiện đầy đủ, hoàn thiện kỹ như tượng đài thu nhỏ để làm căn cứ cho bước phóng lớn tỷ lệ 1:1.
- Kích thước: nhân vật cao 1,2m (không kể bệ), các thành tố mỹ thuật khác tương ứng theo tỷ lệ của tượng.
- Mỗi mẫu phác thảo kèm theo một bản vẽ gồm phối cảnh mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt trên khổ giấy A0 (có thể phóng to một số chi tiết để minh họa).
- Chất liệu: thạch cao hoặc composit.
3. Quyền lợi và nghĩa vụ của tác giả và nhóm tác giả được mời tham dự:
- Phải chấp hành đầy đủ các quy định của Thể lệ tham gia sáng tác mẫu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tự nghiên cứu sưu tầm những tư liệu liên quan đến việc sáng tác tác phẩm. Những thông tin liên quan được Ban Tổ chức đáp ứng đầy đủ.
- Chi phí cho các bước sáng tác mẫu phác thảo như nhau:
+ Tác giả và nhóm tác giả tham gia sáng tác có nộp tác phẩm theo đúng quy định sẽ được nhận thù lao bước đầu là 01 triệu đồng, và 05 triệu đồng đối với mỗi mẫu phác thảo được chọn vào vòng 2 (10 mẫu được chọn vào vòng 2).
+ Trong 10 mẫu phác thảo vào vòng 2, Hội đồng Nghệ thuật xét chọn 03 mẫu nâng cao và bổ sung chi tiết để phác thảo mẫu bước 2. Mỗi tác phẩm được chọn sẽ được nhận thêm 15 triệu đồng cho một tác phẩm.
+ Sau khi 03 mẫu đã được các tác giả chỉnh sửa bổ sung theo góp ý của Hội đồng Nghệ thuật. Mẫu phác thảo bước 2 được trưng bày tham khảo ý kiến nhân dân. Hội đồng Nghệ thuật tiếp tục bám sát yêu cầu nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật đề ra trong Thể lệ cuộc thi; tham khảo ý kiến nhân dân qua trưng bày và tiếp tục thảo luận, phân tích, góp ý nâng cao chất lượng các mẫu phác thảo, tư vấn cho lãnh đạo thành phố và cấp trên để lựa chọn tác phẩm có chất lượng tốt nhất.
+ Tác giả có tác phẩm được lựa chọn chính thức để triển khai xây dựng sẽ được nhận thêm 30 triệu đồng.
- Các mẫu phác thảo tham dự thì không hoàn lại tác giả.
- Ban Tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm đối với phác thảo hư hỏng do vận chuyển trước khi giao nhận.
- Các phác thảo gửi tham dự được Ban Tổ chức bảo quản, bảo mật. Sau khi nhận mẫu phác thảo, nếu xảy ra hư hỏng, mất mát làm ảnh hưởng tới kết quả chấm chọn của mẫu phác thảo thì Ban Tổ chức sẽ chịu trách nhiệm.
- 10 mẫu phác thảo vào vòng 2 sẽ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen.
- 03 mẫu phác thảo do Hội đồng Nghệ thuật chấm chọn tại vòng mẫu phác thảo bước hai, được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước và được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Vì là cuộc vận động tham gia sáng tác rộng rãi trong cả nước để chọn 01 mẫu phác thảo xuất sắc nhất làm phương án để xây dựng tượng đài, nên Ban Tổ chức không trao các loại giải thưởng cho tất cả các mẫu phác thảo tham dự.
- Tác giả và nhóm tác giả tham gia sáng tác có mẫu đạt giải sẽ được ưu tiên chỉ định thầu thi công tượng đài (nếu Tác giả và nhóm tác giả trên có tư cách pháp nhân, có năng lực, trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm thi công các công trình xây dựng tượng đài được cơ quan chức năng thẩm định và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành).
- Nếu Tác giả và nhóm tác giả trên không đủ năng lực thi công công công trình, thì việc lựa chọn đơn vị thi công sẽ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Tác giả và nhóm tác giả có mẫu đạt giải sẽ được nhận chi phí tác quyền và toàn bộ chi phí thực hiện các bước sáng tác mẫu đến mẫu phác thảo kích thước tỷ lệ 1:1./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.