BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2892/QĐ-BNN-XD | Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CỐNG THỦ BỘ THUỘC QUY HOẠCH THỦY LỢI CHỐNG NGẬP ÚNG KHU VỰC TP. HỒ CHÍ MINH
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003, Luật số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009, số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về quản lý đầu tư xây dựng công trình, số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 và số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 phê duyệt Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 853/QĐ-BNN-KHCN ngày 06/4/2010 phê duyệt Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong tính toán thủy văn, thủy lực; số 1600/QĐ-BNN-XD ngày 14/6/2010 phê duyệt kết quả tính toán thủy văn, thủy lực phục vụ lập dự án ĐTXDCT các dự án thuộc Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An tại văn bản số 1363/SNN-KH ngày 24/9/2010.
Xét đề nghị của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 tại Tờ trình số 522/BQL9 ngày 21/10/2010 kèm theo hồ sơ Dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường do các đơn vị Tư vấn lập, Báo cáo thẩm định của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình và ý kiến đồng trình của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cống Thủ Bộ thuộc Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên dự án: Cống Thủ Bộ.
2. Chủ đầu tư: Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9.
3. Tổ chức tư vấn lập dự án: Liên danh Viện Thủy lợi & Môi trường và Công ty Tư vấn & Chuyển giao Công nghệ Trường Đại học Thủy lợi.
Đại diện liên danh: Viện Thủy lợi và Môi trường thuộc Cơ sở 2 Đại học Thủy lợi.
4. Chủ nhiệm dự án: Th.s. Lê Xuân Bảo - Phó Viện Trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường thuộc Cơ sở 2 Đại học Thủy lợi.
5. Mục tiêu đầu tư xây dựng:
- Cùng với các công trình khác trong hệ thống công trình thủy lợi thuộc vùng I Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cống Thủ Bộ có nhiệm vụ kiểm soát triều và lũ, chủ động điều tiết mực nước trên kênh rạch làm tăng khả năng tiêu thoát cho hệ thống tiêu thoát nước đô thị, đảm bảo mục tiêu không cho ngập do triều và cải thiện điều kiện môi trường, cho vùng I.
- Đảm bảo giao thông thủy qua cống và qua âu truyền trong thời gian không ngăn triều, qua âu thuyền trong thời gian ngăn triều.
- Kết hợp làm cầu giao thông bộ qua cống.
6. Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng:
- Cống có âu thuyền với quy mô đảm bảo yêu cầu ngăn triều, tiêu thoát nước, đảm bảo yêu cầu giao thông thủy với cấp kỹ thuật đường thủy nội địa cấp I và đảm bảo vận tốc dòng chảy lớn nhất qua cống Vmax < 1,5m/s.
- Cầu giao thông trên cống tải trọng HL93 và đê bao kết hợp đường quản lý theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng.
- Nhà quản lý và trang thiết bị vận hành đáp ứng yêu cầu quản lý theo các mục tiêu đầu tư xây dựng đã đặt ra, với diện tích sử dụng đủ cho cả lắp đặt, vận hành các thiết bị nối điều hành với khu quản lý trung tâm.
7. Địa điểm xây dựng:
Xã Đông Thạnh huyện Cần Giuộc và xã Phước Đông huyện Cần Đước tỉnh Long An.
8. Diện tích sử dụng
Tổng diện tích sử dụng là 34,58ha, trong đó:
- Sử dụng đất vĩnh viễn: 18,50 ha.
- Sử dụng đất tạm thời: 10,88 ha.
- Sử dụng mặt nước: 5,20 ha.
9. Phương án xây dựng (thiết kế cơ sở):
A. Các giải pháp thiết kế cơ sở cần tuân thủ (chi tiết tại Phụ lục 02):
Cống đặt tại lòng sông Cần Giuộc, cách cầu Cần Giuộc khoảng 4,7km về phía kênh Nước Mặn, bao gồm các hạng mục: Cống có âu thuyền, cầu giao thông qua cống, đê bao kết hợp đường quản lý, khu quản lý. Các bộ phận chính của cống (trụ pin, dầm ngưỡng) và âu được xây dựng tại chỗ trong khung vây.
9.1. Cống:
Bằng BTCT M30(28), gồm 4 khoang rộng 40m và khoang âu rộng 14,6m, giao thông thủy qua hai khoang giữa và âu; cao trình ngưỡng (-6,50), cao trình đỉnh trụ pin (+4,00). Trên trụ pin là tháp kéo cửa van. Có trụ chống va trước trụ pin các khoang thông thuyền. Gia cố nền trụ pin bằng móng cọc, suốt dưới đáy cống (trụ pin, dầm ngưỡng) và âu có hàng cừ chống thấm. Cao trình đáy kênh dẫn thượng hạ lưu (-7,50), đáy và mái được gia cố đến cao trình (-2,50) bằng thảm BT M25(28) và (hoặc) rọ đá dưới có lớp vải địa kỹ thuật; bờ gia cố bằng cừ BTCT dự ứng lực, mặt bằng trên phạm vi gia cố bờ và trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được kiến tạo cảnh quan vườn hoa.
Âu thuyền được bố trí ở bờ trái (phía huyện Cần Đước), gồm đoạn lai dắt thuyền vào âu (kết hợp neo thuyền trong thời gian chờ) đoạn chuyển tiếp vào âu, đoạn đầu âu và đoạn buồng âu. Đoạn buồng âu nằm phía kênh Nước Mặn, dài 120m.
Cửa cống dạng cửa van phẳng kéo đứng, cửa âu dạng cửa van phẳng chữ nhân, đóng mở bằng xi lanh thủy lực, gồm 04 bộ cửa cống và 02 bộ cửa âu. Cao trình đỉnh cửa (+3,50)m.
9.2. Cầu giao thông và Đê bao kết hợp đường quản lý:
Cầu giao thông trên cống nằm trước tháp kéo van (phía cầu Thủ Bộ), tải trọng HL93, nối thẳng hai đầu cầu với đê bao kết hợp đường quản lý; chiều rộng mặt cầu 11,2m (7,5m + 2x1,85m), cao trình đáy dầm cầu các khoang thông thủy (+13,30). Trên cầu có hệ thống chiếu sáng và đèn trang trí, dưới kết hợp đỡ các đường ống kỹ thuật (điện, nước, cáp quang …).
Đê bao kết hợp đường quản lý: đi cặp theo đường điện 3 pha 22 KV hiện hữu từ Quốc lộ 50 đến cột điện 26- Phước Đông thì bẻ góc, đi theo phương tim cầu giao thông qua cống gặp tuyến đường Hương lộ 12 (thuộc xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) thì kết thúc. Tổng chiều dài L = 9.969m.
Cao trình đỉnh đê (+3,15), mặt rộng 12m, trải BT nhựa asphal gia cố mặt đường rộng 7,5m, có hệ thống cọc tiêu và hệ thống tiêu thoát nước.
9.3. Khu quản lý:
Bố trí trên bờ phía huyện Cần Giuộc, nhà cấp II, hai tầng, diện tích xây dựng 250m2, xây dựng trong khuôn viên được cấp đất sử dụng.
Công trình được lắp đặt hệ thống điện vận hành (bao gồm cả hạ thế và máy phát điện dự phòng), chiếu sáng (trong nhà và ngoài trời), chống sét, điều khiển và thu thập dữ liệu, camera quan sát.
Các trang thiết bị quản lý khác sẽ được xác định chung cho tất cả các dự án thuộc Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh và được bổ sung sau:
B. Các nội dung được phép thay đổi trong bước thiết kế kỹ thuật:
- Kích thước đoạn lai dắt, đoạn chuyển tiếp vào âu;
- Chủng loại, số lượng, kích thước các loại cọc;
- Vật liệu gia cố đáy và mái, bờ sông;
- Chiều sâu đóng cừ chống thấm.
10. Cấp công trình: công trình thủy lợi cấp I.
11. Khối lượng chính:
- Đất đào: 600.000 m3
- Đất đắp: 260.000 m3
- Đá các loại: 170.000 m3
- Cát đắp các loại: 840.000 m3
- Bê tông các loại: 125.000 m3
- Cừ dự ứng lực: 23.950 m
- Cừ thép (L = 10m): 183.000 cây
- Thép các loại: 9.810 tấn
- Cửa van cống: 04 bộ.
- Xi lanh thủy lực (nâng hạ cửa van cống + âu): 12 bộ.
12. Tổng mức đầu tư: giá quý IV/2010
Tổng số: 2.136.112.000.000 đồng (Hai ngàn một trăm ba mươi sáu tỷ, một trăm mười hai triệu đồng)
Trong đó:
+ Chi phí xây dựng, thiết bị: 1.392.349.000.000 đ;
+ Chi phí bồi thường GPMB, tái định cư: 132.621.000.000 đ;
+ Chi phí quản lý dự án: 13.038.000.000 đ;
+ Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 71.668.000.000 đ;
+ Chi phí khác: 44.207.000.000 đ;
+ Chi phí dự phòng: 482.229.000.000 đ.
Chi tiết như ở Phụ lục 01 kèm theo.
13. Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước.
14. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.
15. Thời gian thực hiện dự án: 03 năm kể từ ngày khởi công.
16. Các nội dung khác:
16.1. Bước thiết kế:
Ba bước (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công).
16.2. Những vấn đề cần lưu ý và báo cáo Bộ trước khi thực hiện các bước thiết kế sau:
- Về việc xác định tĩnh không cầu trên cống Thủ Bộ, tỉnh Long An cần có văn bản khẳng định rõ về quy hoạch bến cảng, nhu cầu giao thông thủy nội địa khu vực phía trong cống để đề nghị Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam xem xét điều chỉnh cấp kỹ thuật đường thủy cho phù hợp. Nếu có thay đổi thì cần xem xét điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Đoạn lai dắt, đoạn chuyển tiếp vào âu cần xem xét việc bố trí tường ở cả hai bên hay chỉ ở một bên (phía bờ) thì thuận lợi hơn cho dòng chảy và giao thông thủy để thiết kế cho phù hợp. Kiểm tra lại tính toán ổn định lún đường dẫn vào cầu và có phương án chống lún phù hợp đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật.
- Kiểm tra lại tính toán cao trình đỉnh cửa van, đỉnh trụ pin để xác định lại cho phù hợp.
- Xem xét khả năng sử dụng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực thay cho cọc khoan nhồi; xác định lại số lượng, kích thước các loại cọc trên cơ sở kết quả kiểm tra; cần kiểm tra ổn định dầm ngưỡng (do không được gia cố nền).
- Xác định lại phạm vi gia cố đáy và mái, bờ sông trên cơ sở kết quả thí nghiệm thủy lực; xem xét giảm bớt lớp gia cố đáy và mái bằng thảm BT M25(28) trên rọ đá (thay thế bằng rọ đá ở các vị trí còn lại); biện pháp thi công rọ đá, thảm bê tông dưới nước phải đảm bảo an toàn, chất lượng.
- Xác định lại chiều sâu đóng cừ chống thấm trên cơ sở kết quả tính toán kiểm tra thấm.
- Thiết kế bộ cửa cống dự phòng sao cho có thể sử dụng cho mọi khoang cống có chiều rộng 40m trong Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh và sẽ được quyết định sau khi có sự thống nhất với các địa phương.
- Xác định lại phân chia các khối khung vây, kiểm tra kỹ kết cấu khung vây đảm bảo ổn định, an toàn thi công; xác định trình tự thi công bộ phận công trình hợp lý, hạn chế được xói lở và có biện pháp bảo đảm giao thông thủy trong quá trình thi công.
- Thiết kế bổ sung các trụ chống va, hệ thống tiêu thoát nước cho đường dẫn vào cống.
- Trên cơ sở kết quả thí nghiệm mô hình thủy lực xác định chính xác phạm vi gia cố lòng dẫn trước và sau cống.
- Toàn bộ công trình cần xem xét lại phương án kiến trúc đảm bảo yêu cầu mỹ thuật của một công trình lớn trong đô thị.
- Chủ đầu tư trao đổi với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường về chi phí bản quyền tác giả sáng chế, báo cáo kết quả về Bộ.
16.3. Phương thức lựa chọn nhà thầu:
Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Phân giao nhiệm vụ:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cấp quyết định đầu tư. Bộ phân giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện như sau:
- Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh Long An thực hiện trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư trong việc quản lý, tổ chức thực hiện và quyết toán hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng trong phạm vi Tỉnh đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia dự án hoàn thành nhiệm vụ;
- Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 là Chủ đầu tư, chịu trách nhiệm quản lý vốn, kỹ thuật, chất lượng, tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành;
- Liên danh Viện Thủy lợi & Môi trường và Công ty Tư vấn & Chuyển giao Công nghệ Trường Đại học Thủy lợi chịu trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ dự án theo các nội dung được duyệt nộp cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9;
- Cục Quản lý xây dựng công trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Chủ đầu tư tổ chức quản lý thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành;
Điều 3. Các ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9, Liên danh Viện Thủy lợi & Môi trường và Công ty Tư vấn & Chuyển giao Công nghệ Trường Đại học Thủy lợi, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 01
TỔNG MỨC ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG CỐNG THỦ BỘ
(Kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BNN-XD ngày 29/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
Đơn vị tính: đồng
TT | Hạng mục | Giá trị trước thuế | Thuế GTGT | Giá trị sau thuế |
| Tổng cộng | 1.955.176.000.000 | 180.936.000.000 | 2.136.112.000.000 |
1 | Chi phí xây dựng, thiết bị | 1.265.771.000.000 | 126.578.000.000 | 1.392.349.000.000 |
| Chi phí xây dựng | 1.147.776.000.000 | 114.778.000.000 | 1.262.554.000.000 |
| Chi phí thiết bị (xi lanh thủy lực và thiết bị vận hành) | 117.995.000.000 | 11.800.000.000 | 129.795.000.000 |
2 | Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (phần ủy quyền cho UBND tỉnh Long An làm cấp quyết định đầu tư) | 132.621.000.000 |
| 132.621.000.000 |
3 | Chi phí quản lý dự án | 11.853.000.000 | 1.185.000.000 | 13.038.000.000 |
4 | Chi phí tư vấn | 65.150.000.000 | 6.518.000.000 | 71.668.000.000 |
4.1 | Chi phí khảo sát địa hình, địa chất & thủy văn giai đoạn lập dự án | 4.505.000.000 | 451.000.000 | 4.956.000.000 |
4.2 | Chi phí khảo sát địa hình, địa chất & thủy văn giai đoạn TKKT, BVTC | 10.000.000.000 | 1.000.000.000 | 11.000.000.000 |
4.3 | Chi phí thí nghiệm mô hình vật lý | 3.000.000.000 | 300.000.000 | 3.300.000.000 |
4.4 | Lập dự án đầu tư | 1.901.000.000 | 190.000.000 | 2.091.000.000 |
4.5 | Chi phí thẩm tra tính hiệu quả dự án | 235.000.000 | 24.000.000 | 259.000.000 |
4.6 | Chi phí thiết kế kỹ thuật | 12.630.000.000 | 1.263.000.000 | 13.893.000.000 |
4.7 | Chi phí thiết kế bản vẽ thi công | 6.947.000.000 | 695.000.000 | 7.642.000.000 |
4.8 | Chi phí thẩm tra TKKT | 392.000.000 | 39.000.000 | 431.000.000 |
4.9 | Chi phí thẩm tra thiết kế BVTC | 157.000.000 | 16.000.000 | 173.000.000 |
4.10 | Chi phí thẩm tra dự toán | 370.000.000 | 37.000.000 | 407.000.000 |
4.11 | Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu xây lắp | 270.000.000 | 27.000.000 | 297.000.000 |
4.12 | Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu mua sắm thiết bị | 70.000.000 | 7.000.000 | 77.000.000 |
4.13 | Chi phí giám sát thi công xây dựng công trình | 5.857.000.000 | 586.000.000 | 6.443.000.000 |
4.14 | Chi phí giám sát lắp đặt thiết bị | 297.000.000 | 30.000.000 | 327.000.000 |
4.15 | Chi phí giám sát khảo sát xây dựng | 145.000.000 | 15.000.000 | 160.000.000 |
4.16 | Chi phí kiểm tra đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình. Kiểm tra chất lượng vật liệu, kiểm tra chất lượng công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư | 2.050.000.000 | 205.000.000 | 2.255.000.000 |
4.17 | Chi phí lập định mức, đơn giá xây dựng công trình | 909.000.000 | 91.000.000 | 1.000.000.000 |
4.18 | Chi phí dịch tài liệu sang tiếng Anh | 3.915.000.000 | 392.000.000 | 4.307.000.000 |
4.19 | Chi phí thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giai đoạn TKKT & BVTC | 10.000.000.000 | 1.000.000.000 | 11.000.000.000 |
4.20 | Chi phí tư vấn giám sát môi trường giai đoạn thi công | 1.500.000.000 | 150.000.000 | 1.650.000.000 |
5 | Chi phí khác | 40.186.000.000 | 4.021.000.000 | 44.207.000.000 |
5.1 | Lệ phí thẩm định dự án đầu tư | 115.000.000 | 12.000.000 | 127.000.000 |
5.2 | Lệ phí thẩm định thiết kế kỹ thuật | 81.000.000 | 8.000.000 | 89.000.000 |
5.3 | Lệ phí thẩm định tổng dự toán, dự toán | 89.000.000 | 9.000.000 | 98.000.000 |
5.4 | Chi phí bảo hiểm công trình | 8.228.000.000 | 823.000.000 | 9.051.000.000 |
5.5 | Chi phí quan trắc mực nước | 800.000.000 | 80.000.000 | 880.000.000 |
5.6 | Chi phí kiểm toán | 718.000.000 | 72.000.000 | 790.000.000 |
5.7 | Chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán | 447.000.000 | 45.000.000 | 492.000.000 |
5.8 | Chi phí đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong thi công | 17.891.000.000 | 1.789.000.000 | 19.680.000.000 |
5.9 | Chi phí rà phá bom mìn | 4.545.000.000 | 455.000.000 | 5.000.000.000 |
5.10 | Chi phí đo đạc địa chính | 909.000.000 | 91.000.000 | 1.000.000.000 |
5.11 | Chi phí đào tạo, thăm quan học | 4.545.000.000 | 455.000.000 | 5.000.000.000 |
5.12 | Chi phí trang thiết bị phục vụ quản lý, vận hành | 1.818.000.000 | 182.000.000 | 2.000.000.000 |
6 | Dự phòng | 439.595.000.000 | 42.634.000.000 | 482.229.000.000 |
6.1 | Dự phòng cho yếu tố khối lượng | 151.558.000.000 | 13.830.000.000 | 165.388.000.000 |
6.2 | Dự phòng cho yếu tố trượt giá | 288.037.000.000 | 28.804.000.000 | 316.841.000.000 |
PHỤ LỤC 02
THÔNG SỐ THIẾT KẾ CHÍNH CỐNG THỦ BỘ
(Kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BNN-XD ngày 29/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)
TT | Hạng mục | Thông số thiết kế chính |
1 | Cống | - Đặt tại lòng sông Cần Giuộc, cách cầu Cần Giuộc khoảng 4,7km về phía kênh Nước Mặn - Trụ pin, dầm ngưỡng xây dựng tại chỗ, trong khung vây. - Giao thông thủy qua hai khoang giữa và âu. - Chiều rộng thông nước: 4 khoang x 40m. - Cao trình ngưỡng cống: (-6,50). - Cao trình đỉnh cửa van: (+3,50). - Cao trình đỉnh trụ pin: (+4,00) - Cao trình đáy kênh trước sau cống: (-7,50). - Cao trình đỉnh tháp kéo cửa van: + Khoang thông thuyền: (+23,20). + Khoang không thông thuyền: (+ 18,00). - Dầm ngưỡng: bằng BTCT M30(28), hình chữ T, dài 33m, rộng 12m, dày 0,5m ÷ 1,5m. Bên dưới có hàng cừ lasen IV chống thấm, đóng từ bờ bên này đến bờ bên kia, chiều dài đóng cừ L = 207m. - Trụ pin: cống có 05 trụ pin bằng BTCT M30(28) đặt trên hệ cọc khoan nhồi, kết cấu trụ gồm 3 phần: + Đáy trụ: kích thước (LxBxh = (37x15x4,50)m, cao trình đỉnh (-6,50). + Thân trụ lớn: kích thước LxBxh = (33x8x10,5)m, cao trình đỉnh (+4,00). + Thân trụ nhỏ: kích thước LxBxh = (2,3x9,1x19,0)m cao trình đỉnh (+23,00). - Gia cố đáy kênh đoạn chuyển tiếp trước và sau cống bằng rọ đá (bên dưới có lớp vải địa kỹ thuật) dày 0,5m, bên trên trải thảm BTCT M25(28), dày 0,5m. Tổng chiều gia gia cố rọ đá Lrọ đá = 430m, tổng chiều dài gia cố thảm bê tông Lthảm BT = 226m. - Gia cố mái kênh bằng rọ đá (bên dưới có lớp vải địa kỹ thuật) đến cao trình (-2,50) và cừ BTCT dự ứng lực. - Trên cống có cầu giao thông. |
2 | Âu thuyền | - Vị trí: đặt bên bờ phải (phía huyện Cần Đước). - Âu thuyền gồm: đoạn lai dắt thuyền vào âu, đoạn chuyển tiếp vào âu, đoạn đầu âu và buồng âu. - Đoạn lai dắt thuyền vào âu (kết hợp neo thuyền trong thời gian chờ): + Chiều dài L = 120m. + Chiều rộng B = 43,9m. + Cao trình đáy: (-6,50). + Có hệ thống cọc tiêu neo thuyền bằng cọc BTCT M30(28) tiết diện (40x40)cm, liên kết các đầu cọc (kết hợp các mố neo tàu) bằng dầm mũ BTCT M30(28). - Đoạn chuyển tiếp vào âu: + Chiều dài L = 87,6m. + Chiều rộng B = 43,9m ÷ 14,6m. + Cao trình đáy: (-7,00). + Kết cấu: dạng tường chắn bằng BTCT M30(28) gồm: tường dày 0,5m ÷ 1,65m, cao 10,15m đặt trên bản đáy dày 1,2m, Xử lý nền bằng cừ tràm. - Đoạn đầu âu: + Chiều dài L = 23m. + Chiều rộng B = 14,6m. + Cao trình đáy: (-7,00) ÷ (-6,50). + Kết cấu: bằng BTCT M30(28), gồm 02 tường dày 2,5m, cao 9,65m, đặt trên bản đáy dày 2,5m. Xử lý nền bằng cọc BTCT tiết diện (40x40)cm. Cửa van được đặt tại hai đoạn đầu âu. Bên dưới đầu âu phía sông (phía cầu Thủ Bộ) có hàng cừ lasen IV chống thấm. - Buồng âu: + Đặt về phía kênh Nước Mặn. + Chiều dài L = 120m. + Chiều rộng B = 14,6m. + Cao trình đáy: (-7,00). + Kết cấu: bằng BTCT M30(28) gồm 02 tường dày 0,5m ÷ 1,5m, cao 10,15m đặt trên bản đáy dày 1,5m. Xử lý nền dưới đáy bằng cừ tràm. |
3 | Cầu giao thông | - Cầu thiết kế với tải trọng HL93 gồm 12 nhịp, 02 làn xe. - Tổng chiều dài cầu L = 603m, chiều rộng B = (2,35 + 7,50 + 2,35)m, độ dốc i = 0% ÷ 5%. - Cao trình đáy dầm cầu: (+13,30), tĩnh không thông thuyền 11m, đảm bảo giao thông thủy quốc gia cấp I. - Trên cầu có hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí, lan can bảo vệ và các đường ống kỹ thuật. - Trụ cầu: gồm 08 trụ, bằng BTCT M30(28), kích thước bệ LxBxH = (15x5x2)m, kích thước thân trụ LxBxh = (3,0 x 1,5 x 4,3)m ÷ (3,0 x 1,5 x 12,3)m, kích thước đài LxBxh = (12,2x3,7x1,5)m. - Mố cầu: gồm 02 mố, bằng BTCT M30(28), kích thước bệ LxBxh = (15x5x2)m, kích thước thân mố LxBxh = (3,0x12,2x2,8)m. - Xử lý nền dưới mố, trụ cầu bằng cọc BTCT tiết diệt (40x40)cm. - Mặt cầu trải BT nhựa asphal. |
4 | Đê bao kết hợp đường quản lý cống | - Đường thiết kế với tải trọng HL93, quy mô đường cấp IV đồng bằng, 02 làn xe. - Tổng chiều dài L = 9,969m. - Chiều rộng mặt đường B = (2,5 + 7,5 + 2,5)m. - Cao trình mặt đường: (+3,15). - Đường có hệ thống cọc tiêu và tiêu thoát nước. - Kết cấu đường: hai bên đắp đất, ở giữa đắp cát, bảo vệ mái taluy bằng trồng cỏ hoặc đã xây vữa. Mặt đường trải BT nhựa asphal rộng 7,5m. |
5 | Công trình bảo vệ bờ đoạn nối tiếp trước và sau cống | - Hai bờ sông trước và sau cống được bảo vệ bằng hệ thống kè BTCT có tổng chiều dài 958m, gồm: + Đỉnh kè là tường BTCT, cao trình đỉnh kè (+3,15). + Tấm lát BTCT M25(28): lát từ cao trình (+3,00) ÷ (+1.50), mái m = 2,0. - Tường chắn đất: tường đứng cao 2,5m, dày 0,3m đặt trên bản đáy dày 0,3m, rộng 8,7m. Bên dưới tường chắn đất phía bờ có 02 hàng cọc BTCT M30(28), tiết diệt (35x35)cm, phía sông có 01 hàng cừ BT dự ứng lực. - Rọ đá (bên dưới có lớp vải địa kỹ thuật): trải theo mái m = 3,5 từ cao trình (-2,50) ÷ (-7,50), nối với lớp rọ đá gia cố đáy kênh trước và sau cống. |
6 | Nhà quản lý | - Quy mô nhà cấp II, 02 tầng, diện tích xây dựng 250m2, xây dựng trong khuôn viên được Địa phương cấp đất sử dụng. |
7 | Cửa van và thiết bị đóng mở | - Cửa van cống: 04 bộ cửa van phẳng kéo đứng, kích thước BxH = (40x10)m, kết cấu hệ khung dàn, mỗi cửa được nâng hạ bằng 02 hệ thống xi lanh thủy lực. - Cửa van âu thuyền: 02 bộ cửa van phẳng chữ nhân, kích thước BxH = (14,6x4,6)m, vận hành cửa bằng hệ thống xi lanh thủy lực. |
8 | Các hệ thống phục vụ - vận hành, quản lý | - Cống được lắp đặt hệ thống điện vận hành, chiếu sáng (trong nhà và ngoài trời), chống sét, điều khiển và thu thập dữ liệu, camera quan sát. |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.