ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2892/2011/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 29 tháng12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÁI PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; sửa đổi bổ sung năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; sửa đổi bổ sung năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004; Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006; Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ quy định về quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1317/TTr-STNMT ngày 12 tháng 12 năm 2011; văn bản số 1430a/STNMT-TTr ngày 29 tháng 12 năm 2011 và báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 130/BCTĐ-STP ngày 07 tháng 12 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xử lý tang vật, phương tiện trong hoạt động khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quy định tạm thời thu giữ, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÁI PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2892/2011/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2011của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định tạm giữ; tịch thu; xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 3. Nguyên tắc
Việc tạm giữ, tịch thu, xử lý tang vật, phương tiện trong hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quản lý phương tiện xe, máy chuyên dùng trong hoạt động khoáng sản
1. Các chủ phương tiện xe, máy chuyên dùng (kể cả phương tiện do thuê, mượn) phải thực hiện kê khai và ký cam kết tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã).
2. Các loại máy, xe, máy chuyên dùng phải kê khai và ký cam kết không tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật gồm: Máy đào các loại, máy xúc các loại, máy ủi các loại, ô tô các loại, xe máy, các loại máy nghiền, sàng rung, giàn tuyển rửa khoáng sản, xuồng cào các loại, các loại máy bơm, máy hút, máy phát điện và các loại máy, công cụ khác.
3. Nội dung kê khai:
- Các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các phương tiện, xe, máy chuyên dùng;
- Mục đích sử dụng, thời gian sử dụng, lưu hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Mục đích sử dụng, thời gian sử dụng, địa điểm sử dụng xe máy chuyên dùng;
- Sơ yếu lý lịch của người điều khiển phương tiện, xe, máy chuyên dùng và các giấy tờ khác có liên quan.
4. Nội dung ký cam kết:
- Không sử dụng phương tiện xe, máy chuyên dùng vào hoạt động khoáng sản trái pháp luật.
- Không cho thuê, mượn (kể cả cho thuê, cho mượn lại) để sử dụng vào mục đích hoạt động khoáng sản trái pháp luật.
- Nếu vi phạm những điều đã cam kết thì người ký cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 5. Tiêu huỷ tang vật, phương tiện sử dụng vào hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật
1. Đối với tang vật, phương tiện ít giá trị như: Lán trại, máng tuyển rửa, cuốc, xẻng, ống dẫn, vòi dẫn... các tổ công tác, các đoàn thanh tra, kiểm tra lập biên bản và tiêu huỷ tại chỗ.
2. Trường hợp phát hiện máy móc, phương tiện sử dụng vào hoạt động khoáng sản trái pháp luật ở những nơi vùng sâu vùng xa, không thể đưa phương tiện khác đến chuyên chở về nơi tạm giữ và đối tượng sử dụng máy móc, phương tiện sử dụng vào hoạt động khoáng sản trái pháp luật không hợp tác để đưa máy móc về nơi tạm giữ theo yêu cầu của các đoàn, tổ công tác thì đoàn, tổ công tác lập biên bản và thực hiện các biện pháp làm vô hiệu hoá khả năng vận hành của máy móc, phương tiện đã được sử dụng vào hoạt động khoáng sản trái pháp luật.
Điều 6. Tạm giữ tang vật, phương tiện sử dụng vào hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật
1. Đối với tang vật, phương tiện máy xúc các loại, máy đào các loại, máy ủi các loại, ôtô các loại, xe máy, các loại máy nghiền, sàng rung, giàn tuyển rửa khoáng sản, xuồng cào các loại, các loại máy bơm, máy hút, máy phát điện và các loại máy, công cụ khác, tổ công tác, các đoàn thanh tra, kiểm tra lập biên bản tạm giữ theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong biên bản tạm giữ phải ghi rõ họ tên chủ sở hữu, người đang sử dụng (vận hành), số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện, (số khung, số máy, công suất máy…). Nếu người vi phạm không chịu ký hoặc trốn tránh không ký vào biên bản tạm giữ thì phải có chữ ký của người chứng kiến và chính quyền địa phương. Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện được giao cho bên vi phạm một bản.
Trường hợp các tổ công tác, các đoàn thanh tra đến lập biên bản nhưng tang vật, phương tiện không có người nhận thì vẫn lập biên bản kèm xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có hoạt động khoáng sản trái pháp luật để tạm giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Tại địa điểm khai thác, nếu phát hiện thêm hành vi gây ô nhiễm môi trường, huỷ hoại đất đai do khai thác khoáng sản trái phép thì ghi rõ vào trong biên bản để làm cơ sở xử lý cả hành vi vi phạm đó.
Điều 7. Tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện sử dụng vào khai thác khoáng sản trái pháp luật
1. Chủ sở hữu của các phương tiện, xe, máy chuyên dùng nêu tại Khoản 2, Điều 4 của quy định này trực tiếp, hoặc cho người khác thuê, mượn hoặc thuê người khác điều khiển phương tiện của mình để sử dụng vào hoạt động khoáng sản trái pháp luật (khai thác, thu gom, chế biến, vận chuyển) đều bị tịch thu sung quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt).
2. Các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước được xử lý theo quy định tại Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc Ban hành Quy định xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 8. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có quyền:
- Tạm giữ tang vật, phương tiện
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền đến 2.000.000 đồng
- Tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến 2.000.000 đồng
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do khai thác khoáng sản trái pháp luật gây ra.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện có quyền:
- Tạm giữ tang vật, phương tiện
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền đến 30.000.000 đồng
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để khai thác khoáng sản trái pháp luật.
- Tịch thu khoáng sản khai thác trái phép
- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do khai thác khoáng sản trái pháp luật gây ra
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyền:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền đến 500.000.000 đồng
- Tước quyền sử dụng giấy phép thuộc thẩm quyền
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để khai thác khoáng sản trái pháp luật.
- Tịch thu khoáng sản khai thác trái phép
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do khai thác khoáng sản trái pháp luật gây ra
Điều 9. Xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật
1. Đối với tổ chức:
b) Đối với các tổ chức không có giấy phép mà tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật thì sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện và bị yêu cầu ra khỏi địa phương.
a) Đối với các tổ chức (đơn vị, doanh nghiệp) đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra yêu cầu khắc phục các vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản hoặc đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà không khắc phục các vi phạm hoặc tái phạm thì sẽ bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác đã được cấp.
2. Đối với cá nhân:
a) Các cá nhân tham gia hoạt động khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện và yêu cầu cam kết không tái phạm.
b) Người điều khiển phương tiện, xe, máy chuyên dùng tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn bị tạm giữ giấy phép điều khiển phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Các đối tượng tham gia khai thác khoáng sản trái pháp luật ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép còn bị xử phạt, bồi thường do huỷ hoại đất đai, gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã)
1. Thông báo vùng cấm hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện và xử lý các tổ, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn của mình quản lý theo thẩm quyền.
2. Tổ chức cho các đối tượng có xe, máy chuyên dùng kê khai đăng ký và ký cam kết không tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn theo nội dung quy định tại Điều 4 Quy định này.
3. Tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc quyền quản lý của cấp mình cam kết không khai thác khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn (theo mẫu) và lưu giữ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã 01 bản.
4. Thực hiện việc giám sát, theo dõi việc sử dụng các phương tiện xe, máy chuyên dùng tại địa phương theo quy định. Khi phát hiện có hiện tượng đưa các loại phương tiện, xe, máy chuyên dùng vào địa phương khai thác khoáng sản trái pháp luật thì thực hiện các biện pháp ngăn chặn và thông tin, báo cáo đến các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý.
5. Thường xuyên kiểm tra, kê khai tạm trú, tạm vắng đồng thời trục xuất đối với các đối tượng vi phạm;
6. Tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ gia đình, cá nhân nội dung bản quy định này.
Điều 11. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện)
1. Thực hiện việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý các phương tiện, xe, máy chuyên dùng hoạt động tại địa phương theo thẩm quyền.
2. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải toả và xử lý nghiêm minh các hành vi khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật.
3. Tạm giữ, tịch thu và xử lý các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sung quỹ Nhà nước theo thẩm quyền.
Điều 12. Trách nhiệm của các ngành có liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương và Công an tỉnh)
1. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và việc tổ chức thực hiện ngăn chặn, giải toả các hoạt động khai thác, thu gom, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh;
2. Xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ và tịch thu các tang vật, phương tiện tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật theo thẩm quyền.
3. Hướng dẫn cấp huyện và cấp xã thực hiện các nhiệm vụ nêu trong bản quy định này.
Điều 13. Trách nhiệm của các đoàn, tổ công tác liên ngành
1. Thực hiện việc kiểm tra, phát hiện, giải toả và xử lý các hoạt động khoáng sản trái pháp luật.
2. Tiến hành tạm giữ các tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản; lập biên bản vi phạm hành chính; lập các thủ tục xử lý tang vật, phương tiện tham gia hoạt động khoáng sản trái pháp luật chuyển người có thẩm quyền, cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định này đến từng hộ gia đình, cá nhân.
Điều 15. Báo cáo định kỳ
Hàng tháng Uỷ ban nhân dân cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện quy định này đến cơ quan cấp trên trực tiếp.
Điều 16. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu có phát sinh vướng mắc, các cấp, ngành và các tổ chức phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.