UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2862/QĐ-UBND .VX | Vinh, ngày 07 tháng 08 năm 2007. |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VINH THÀNH TRUNG TÂM VĂN HOÁ-THÔNG TIN CỦA VÙNG BẮC TRUNG BỘ (GIAI ĐOẠN 2006-2020).
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế-văn hoá của vùng Bắc Trung bộ”;
Căn cứ Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 03/02/2006 của UBND tỉnh, Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 02/03/2006 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các Chương trình, Đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tại Tờ trình số 1251/TTr.SVHTT ngày 26/07/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Vinh thành Trung tâm Văn hoá - thông tin của vùng Bắc Trung bộ (giai đoạn 2006-2020).
(có văn bản đính kèm)
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Vinh và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai, thực hiện nội dung của Đề án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Chủ tịch UBND thành phố Vinh và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VINH THÀNH TRUNG TÂM VĂN HOÁ -THÔNG TIN CỦA VÙNG BẮC TRUNG BỘ (GIAI ĐOẠN 2006 - 2020)
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2862/QĐ-UBND.VX ngày 07 tháng 08 năm2007 của UBND tỉnh Nghệ An).
Phần 1:
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VĂN HÓA – THÔNG TIN THÀNH PHỐ VINH:
1. Những kết quả đã đạt được:
Vinh là một đô thị có chiều dày lịch sử và văn hóa, với thời gian hình thành đã trên 200 năm. Vinh là nơi hội tụ, hun đúc nên những giá trị truyền thống, nổi bật là truyền thống yêu nước và cách mạng. Với vị trí địa lý thuận lợi và sự phát triển của giao thông – thương mại, Vinh đã sớm xuất hiện các quan hệ giao lưu văn hóa trong vùng và cả nước, quy tụ và kết tinh các giá trị văn hóa xứ Nghệ.
Từ hàng trăm năm trước, Vinh đã có những công trình kiến trúc văn hóa nổi tiếng, như: chùa Diệc, chùa Cần Linh, Văn miếu, Thành Nghệ An.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Vinh là một trong những đô thị bị tàn phá nặng nề; vì thế, sự phát triển của Vinh có sự đứt quãng, thiếu liên tục.
Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa, sau 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, thành phố Vinh đã có những bước phát triển mới về kinh tế, về hạ tầng kỹ thuật đô thị, về văn hoá xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng phát triển.
Nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa được tu bổ, tôn tạo và xây mới, như: đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, Thành cổ Nghệ An, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, đền thờ vua Quang Trung... Đặc biệt được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã nỗ lực tập trung đầu tư xây dựng công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã thực sự phát huy hiệu quả, mỗi năm thu hút trên 3,5 triệu lượt người đến tham quan và để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu.
Thành phố đã tập trung cho công tác quy hoạch, ưu tiên quỹ đất để xây dựng công viên, các công trình văn hoá cấp tỉnh, nhà văn hoá khối, xóm, trung tâm văn hoá phường xã, sân vận động, nhà tưởng niệm liệt sỹ, nhà truyền thống…. Ở các phường xã khối xóm cơ bản đã có hội quán và các trang thiết bị chủ yếu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cơ bản của nhân dân.
Về chính trị, đạo đức lối sống: Việc nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức, tư tưởng lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được cấp ủy và chính quyền thành phố triển khai sâu rộng và liên tục. Với phương châm xây dựng con người là nhiệm vụ hàng đầu, thành phố đã chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vững vàng về tư tưởng, trong sáng về đạo đức phẩm chất, lành mạnh trong lối sống. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước con người thành phố Vinh đã có những chuyển biến về nhận thức và hành động, ngày càng năng động và thích ứng hơn với điều kiện kinh tế - xã hội mới. Tích cực quan tâm việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thế hệ trẻ, từ đó đã nuôi dưỡng được lòng tự hào và tình cảm đối với quê hương cho các tầng lớp thanh, thiếu niên.
Về xây dựng nếp sống văn hóa đô thị: cuộc vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã thực sự đi vào đời sống.
Về xây dựng nếp sống văn hoá đô thị : cuộc vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã thực sự đi vào đời sống, thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, khối xóm văn hoá, cơ quan đơn vị văn hoá... đã được đông đảo quần chúng nhân nhiệt tình hưởng. Nếp sống văn hoá nơi công cộng có tiến bộ theo hướng văn minh, lịch sự hơn. Việc cưới, việc tang có tiến bộ, giảm dần các phong tục cổ hủ lạc hậu. Môi trường văn hoá ngày càng trong sạch, lành mạnh.
Về giáo dục - khoa học - văn hoá nghệ thuật: trên địa bàn thành phố Vinh ngành giáo dục - đào tạo đã có một hệ thống khá hoàn chỉnh từ bậc học mầm non đến đại học chuyên nghiệp và dạy nghề. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực, đã thực sự phát huy hiệu quả rõ rệt.
Hoạt động văn học nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã có một số chương trình nghệ thuật, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị và tính giáo dục cao. Hoạt động văn nghệ quần chúng ngày càng thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân thành phố.
2. Những tồn tại hạn chế:
Sự phát triển của văn hoá chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng. Đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân chưa thật sự phong phú. Văn hóa đô thị Vinh chưa tạo được bản sắc và rõ nét. Vinh còn thiếu các công trình văn hóa hiện đại và tiêu biểu. Các di tích lịch sử -văn hoá chưa được đầu tư tôn tạo phục hồi đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu về bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái và tiếp tục diễn biến phức tạp. Văn hoá ứng xử nơi công cộng của một số bộ phận chưa thực sự văn minh.
Môi trường văn hoá còn bị ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội, các ấn phẩm văn hoá có nội dung không lành mạnh. Quản lý văn hoá đô thị còn có biểu hiện thụ động lúng túng, nhất là trước các hiện tượng văn hoá mới với các tình huống phức tạp.
3. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án:
Ngày 30 tháng 09 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế - văn hoá của vùng Bắc Trung bộ”, trong đó xác định thành phố Vinh sẽ trở thành Trung tâm Văn hoá - Thông tin của các tỉnh trong vùng.
Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện tại, thành phố Vinh chưa tương xứng với các tiêu chí của đô thị trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ. Nhiệm vụ phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm văn hoá - thông tin của vùng Bắc Trung bộ là nhiệm vụ hết sức phức tạp và nặng nề, liên quan tới nhiều nội dung và diễn ra trong thời gian dài. Do vậy cần phải xây dựng đề án để xác định mục đích, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp, các điều kiện đảm bảo cho việc phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm Văn hoá - Thông tin của vùng Bắc Trung bộ có tính khả thi cao.
1.1. Căn cứ Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30 tháng 09 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án: Phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ.
1.2. Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI.
1.3. Quyết định số 436/QĐ-UB ngày 03 tháng 02 năm 2006 và Quyết định số 742/QĐ-UB ngày 02 tháng 03 năm 2006 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai các chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết số 01/ NQ-TU của Tỉnh uỷ.
1.4. Các quy hoạch tổng thể chuyên ngành Văn hoá - Thông tin.
2.1. Bản chất của văn hoá là tính độc đáo và sự riêng biệt. Điều đó hoàn toàn biện chứng với tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá. Từ bản chất của văn hoá, xây dựng Vinh thành Trung tâm văn hoá vùng Bắc Trung bộ chính là xây dựng một địa chỉ văn hoá với các nội dung sau:
- Có các giá trị văn hoá bản sắc, đóng góp vào bản sắc văn hoá chung của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ.
- Có mối liên hệ, giao thoa, giao lưu với sự nghiệp văn hoá của các tỉnh trong vùng với tư cách là địa chỉ trung tâm, chủ đạo, tiêu biểu trong đó có những hoạt động có ý nghĩa đầu tàu và động lực.
2.2. Định hướng xây dựng Vinh thành Trung tâm văn hoá vùng Bắc Trung bộ bao gồm 3 quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá:
- Xây dựng Trung tâm văn hoá Vinh vừa có bản sắc tiêu biểu của văn hoá xứ Nghệ vừa có nội dung tiên tiến, hiện đại.
- Xây dựng Trung tâm văn hoá Vinh thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ và có hiệu quả giữa các hoạt động văn hoá với các hoạt động thuộc lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng.
- Xây dựng Trung tâm văn hoá Vinh thực sự xứng đáng là nền tảng tinh thần xã hội trong tương quan với xây dựng Đảng và phát triển kinh tế.
II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN:
Xây dựng thành phố Vinh tới năm 2020 trở thành trung tâm văn hoá của vùng Bắc miền Trung với các tiêu chí:
1. Có hệ thống các công trình văn hoá - nghệ thuật thông tin hiện đại, đạt mức tiêu biểu cho cả vùng.
2. Có các hoạt động văn hoá thông tin có khả năng lan tỏa và ảnh hưởng tích cực tới việc phát triển văn hoá thông tin của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ.
3. Phát triển văn hoá - thông tin thành phố Vinh với tầm chiến lược lâu dài và bền vững, hướng tới văn minh hiện đại, đồng thời vẫn giữ được giá trị độc đáo của “Thành phố văn hoá có bản sắc riêng. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của người xứ Nghệ vào việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của vùng.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN:
A. Xây dựng hệ thống các công trình văn hoá - nghệ thuật và thông tin hiện đại:
1. Xây dựng Trung tâm Điện ảnh đa chức năng:
- Mục đích đầu tư: Xây dựng công trình Trung tâm Điện ảnh đa chức năng hiện đại tiêu biểu cho khu vực Bắc miền Trung, là nơi tổ chức các hoạt động: chiếu phim, giới thiệu phim mới, khai thác phim tư liệu, câu lạc bộ của các nhà làm phim (đạo diễn, diễn viên, biên kịch…), dịch vụ văn hoá và điện ảnh (giới thiệu sản phẩm văn hóa, thiết bị điện ảnh, công nghệ làm phim...)
- Quy mô: Diện tích khuôn viên từ 8.000m² đến 9000m². Cụm công trình là tổ hợp liên hoàn các hạng mục sau:
- Khối rạp chiếu phim: Công trình tiêu chuẩn cấp I (tương đương 5 tầng) gồm: 2 khối chiếu bóng 600 chỗ ngồi và 200 chỗ ngồi và 2 khối văn phòng- dịch vụ
- Khối siêu thị văn hoá kết hợp. Nhà 5 tầng có diện tích xây dựng 500 m²
- Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và khuôn viên.
- Thiết bị đầu tư đồng bộ phòng chiếu phim.
- Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1839/QĐ-UBND ngày 26/05/2006.
- Giai đoạn I: Khổi rạp chiếu phim kiêm văn phòng quản lý gồm 05 khối hợp thành “ bông sen” cách điệu gồm:
+ Khối chiếu phim 600 chỗ ngồi (hình ô van);
+ Khối chiếu phim 20 chỗ ngồi (hình ô van);
+ Khối văn phòng dịch vụ;
+ Khối sảnh (Đại sảnh và tiền sảnh);
+ Hành lang hình vành khuyên;
+ Cầu thang và khu vệ sinh;
+ Nguồn vốn: Vốn xây lắp ngân sách tỉnh; đầu tư thiết bị: Ngân sách Trung ương. Hoàn thành năm 2010.
- Giai đoạn II: Khối siêu thị văn hóa –dịch vụ: Nhà 5 tầng, tiêu chuẩn cấp 2, có mặt bằng nhà hình vành khuyên, liên thông với khối rạp chiếu phim văn phòng quản lý. Hoàn thành: Năm 2012
+ Nguồn vốn: Vốn liên kết.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Nghệ An
2. Xây dựng Thư viện Nghệ An:
- Mục đích đầu tư: Xây dựng thư viện đạt tiêu chuẩn hiện đại phục vụ nhu cầu đọc sách báo, tra cứu thông tin và nghiên cứu khoa học. Đồng thời là công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của vùng Bắc Trung bộ.
- Quy mô: Xây dựng thư viện hiện đại theo tiêu chuẩn quốc gia. Quy mô xây dựng: 6.000 m2. Khối nhà 7 tầng tổ hợp thư viện điện tử, thư viện truyền thống, dịch vụ cung cấp thông tin và khai thác tư liệu. Công suất sử dụng lưu giữ được tối đa 350.000 bản sách với trên 1.100 chỗ ngồi đọc.
- Dự án đã được tỉnh phê duyệt tại Quyết định: 3032/QĐ.UBND ngày 24/08/2006.
- Khởi công: năm 2008.
- Hoàn thành vào cuối năm 2010
- Nguồn vốn: Trung ương 50%, tỉnh 50%
- Đơn vị thực hiện: Thư viện Nghệ An
3. Xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh:
- Mục đích đầu tư: Nhằm nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, thể nghiệm, đào tạo, phát huy nghệ thuật dân ca… để bảo tồn và phát huy vốn dân ca Nghệ Tĩnh, phục vụ nhu cầu hưởng thụ học tập, nghiên cứu, tiến tới đề nghị Unessco công nhận di sản dân ca hò ví dặm trở thành di sản văn hoá phi vật thể của thế giới.
- Quy mô: Hệ thống các công trình và thiết bị chuyên dùng phục vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, thể nghiệm và phát huy nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh. Bao gồm các rạp biểu diễn, các phòng tập, các phòng bá âm, phòng đào tạo nghệ nhân và giới thiệu di sản dân ca Nghệ Tĩnh.
- Khởi công: Năm 2008
- Hoàn thành giai đoạn I: Năm 2010
- Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương đầu tư qua Bộ Văn hoá - Thông tin và ngân sách tỉnh
- Đơn vị thực hiện: Nhà hát Dân ca Nghệ An.
4. Xây dựng khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai:
- Mục đích đầu tư: Nhằm tôn vinh công lao và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, góp phần giáo dục truyền thống yêu nuớc và cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
- Quy mô: Cụm các công trình gồm nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, khu tưởng niệm kết hợp trưng bày bổ sung, hệ thống khuôn viên cây xanh.
- Khởi công: Năm 2008
- Hoàn thành: Năm 2010
- Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hoá - Thông tin
5. Xây dựng Trung tâm truyền hình khu vực Bắc Trung bộ:
- Mục đích đầu tư: Xây dựng trung tâm truyền hình của các tỉnh Bắc Trung bộ trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam: tổ chức sản xuất chương trình – truyền dẫn phát sóng và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho các đài truyền hình trong vùng Bắc Trung bộ.
- Quy mô: Tổng hợp các hạng mục gồm: Trường quay, tháp truyền hình (truyền dẫn và phát sóng), trung tâm sản xuất chương trình, thiết bị chuyên ngành… Tổng diện tích khuôn viên: 10.000 m2.
- Chuẩn bị đầu tư: Năm 2007
- Thực hiện : Từ năm 2008
- Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương
- Đơn vị thực hiện: Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An
6. Xây dựng Cung văn hoá thanh - thiếu niên:
- Mục đích đầu tư: Xây dựng công trình văn hoá phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho thanh thiếu niên của tỉnh, giao lưu văn hoá của thanh thiếu niên trong khu vực.
- Quy mô: Hệ thống các hạng mục phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, năng khiếu và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, vui chơi giải trí của thanh - thiếu niên
- Khởi công: Đầu năm 2008
- Hoàn thành giai đoạn I: Năm 2010
- Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương cấp qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
- Đơn vị thực hiện: Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
7. Xây dựng công viên thế giới tuổi thơ (tại thị xã Cửa Lò):
- Quy mô: Công trình đa chức năng gồm vui chơi giải trí, giáo dục truyền thống và dịch vụ du lịch.
- Khởi công: Đầu năm 2008
- Hoàn thành giai đoạn I: Năm 2012
- Nguồn vốn: Kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp và kinh phí từ ngân sách tỉnh, Trung ương.
- Đơn vị thực hiện: Uỷ ban nhân dân thị xã Cửa Lò
* Nhóm các công trình thực hiện sau năm 2010
8. Dự án xây dựng nhà Văn hoá các dân tộc Bắc Trung bộ
9. Biểu trưng thành phố Vinh (cụm tượng đài hoặc cổng, tháp thành phố)
10. Dự án xây dựng trung tâm hội nghị báo chí
B. Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá:
1. Phục hồi khu Văn miếu:
- Mục đích đầu tư: Nhằm gìn giữ, phát huy và giáo dục truyền thống hiếu học của con người xứ nghệ.
- Quy mô: Phục hồi và tôn tạo khu Văn miếu gắn với xây dựng mới một số hạng mục phục vụ du lịch.
- Hoàn thành: Năm 2010
- Nguồn vốn: Chương trình mục tiêu của Bộ Văn hoá - Thông tin
- Đơn vị thực hiện: Sở Văn hoá - Thông tin Nghệ An
2. Tôn tạo khu di tích Phượng Hoàng Trung Đô và xây dựng đền thờ vua Quang Trung:
- Quy mô: Tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử Phượng Hoàng Trung Đô gắn với phát triển du lịch sinh thái khu Lâm viên núi Quyết.
- Đền thờ vua Quang Trung khởi công năm 2006; Hoàn thành giai đoạn I: Năm 2010.
- Nguồn vốn: Ngân sách chương trình mục tiêu của Bộ Văn hoá - Thông tin, ngân sách tỉnh và các nguồn đầu tư hợp pháp khác.
- Đơn vị thực hiện: Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh
3. Phục hồi một số hạng mục Thành cổ Nghệ An:
- Quy mô: Phục hồi, tôn tạo một số hạng mục quan trọng của Thành cổ Nghệ An như: hào thành, tường thành, cổng thành và nâng cấp, xây dựng một số công trình văn hoá - thể thao gắn với phát triển du lịch như: Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, bia dẫn tích Bác Hồ về thăm Nghệ An năm 1957.
- Hoàn thành giai đoạn I: Năm 2010
- Nguồn vốn: Ngân sách của tỉnh và ngân sách Trung ương (Nguồn chương trình mục tiêu của Bộ Văn hoá-Thông tin)
- Đơn vị thực hiện: UBND Thành phố Vinh – Sở VHTT Nghệ An.
4. Tôn tạo Khu di tích ngã ba Bến Thủy:
- Mục đích: Tu bổ, tôn tạo khu di tích ngã ba Bến Thuỷ (cụm di tích thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ) gắn với khai thác cảnh quan núi Quyết - sông Lam để phát triển du lịch.
- Quy mô: Tôn tạo cụm di tích ngã ba cột đèn Bến Thủy và mô hình nhà máy Diêm, phục dựng và tái hiện bối cảnh cầu phao Bến Thủy, phà Bến Thủy (các địa danh anh hùng), xây dựng tượng đài Bến Thủy chiến thắng và tổ chức hệ thống dịch vụ văn hóa du lịch bên bờ sông Lam.
- Hoàn thành giai đoạn I: Năm 2012
- Nguồn vốn: Ngân sách chương trình mục tiêu của Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hoá - Thông tin, ngân sách tỉnh và các nguồn đầu tư hợp pháp khác.
- Đơn vị thực hiện: Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh
5. Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá khác như đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh
- Khởi công: Năm 2008
- Hoàn thành: Năm 2010
- Nguồn vốn: Ngân sách của tỉnh và nguồn huy động xã hội hoá.
- Đơn vị thực hiện: Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh
6. Phục hồi di tích chùa Diệc:
- Bắt đầu xây dựng đề án: Năm 2008
- Khởi công: Năm 2010
- Hoàn thành: Năm 2015
- Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương (Ngân sách Chương trình mục tiêu của Bộ VHTT), Ngân sách của tỉnh, ngân sách của thành phố và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân thành phố Vinh
* Nhóm các công trình thực hiện sau năm 2010:
7. Triển khai giai đoạn II các công trình tôn tạo khu di tích Phượng Hoàng Trung Đô, khu di tích ngã ba Bến Thủy, thành Nghệ An
C. Xây dựng và phát triển văn hoá đô thị thành phố Vinh có bản sắc, văn minh, hiện đại, đủ sức lan toả và ảnh hưởng đến các đô thị khác trong khu vực:
1. Xây dựng môi trường và nếp sống văn hoá đô thị có bản sắc văn hoá xứ Nghệ.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng nếp sống văn hoá ứng xử với khách tham quan và làm việc: tạo sự thân thiện, gần gũi, cởi mở và lịch sự trên cơ sở các quy định của pháp luật nhà nước.
+ Xây dựng nếp sống văn hoá ứng xử nơi công sở và nơi công cộng.
+ Xây dựng nếp sống văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên.
+ Xây dựng nếp sống văn hoá ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.
- Tổ chức thực hiện: Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh chỉ đạo lập đề án và tổ chức thực hiện từ quí II năm 2007.
2. Xây dựng con người (công dân) thành phố có văn hóa, có hiểu biết và phù hợp với yêu cầu của thời đại:
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng phẩm chất văn hóa cho con người thành phố gồm trung thực, chân thật, lịch lãm và nhân ái.
+ Xây dựng và nâng cao trình độ hiểu biết của con người thành phố: hiểu biết về chính trị, thời sự; hiểu biết về các kiến thức xã hội và hiểu biết sâu sắc về các chuyên môn chuyên ngành.
+ Xây dựng con người thành phố phù hợp với yêu cầu thời đại: khắc phục các tư tưởng bảo thủ, đố kỵ, hẹp hòi, chủ quan và bồi dưỡng nâng cao tư tưởng hội nhập, mở cửa, hợp tác để phát triển.
- Tổ chức thực hiện:
+ Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh lập đề án, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện.
+ Kinh phí chi từ ngân sách thành phố và các nguồn hoạt động hợp pháp khác.
3. Xây dựng và phát triển các hoạt động thông tin tuyên truyền:
- Nội dung thực hiện:
+ Củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, đảm bảo các thông tin thiết yếu về thời sự, chính trị, khoa học công nghệ và văn hóa xã hội tiến kịp thời và phát triển với nhân dân thành phố.
+ Nghiên cứu để từng bước hình thành báo Vinh vào năm 2008.
+ Quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch cổ động chính trị và quảng cáo kinh tế - thương mại, thí điểm các cơ chế cổ động chính trị theo mô hình xã hội hoá.
- Tổ chức thực hiện:
+ Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh lập đề án xây dựng báo Vinh và quy hoạch cổ động chính trị và quảng cáo kinh tế – thương mại để chỉ đạo thực hiện từ quí II năm 2007.
+ Nguồn kinh phí chi từ ngân sách thành phố và nguồn huy động hợp pháp khác.
4. Xây dựng và phát triển các hoạt động kiến trúc đô thị và nghệ thuật.
- Nội dung thực hiện:
+ Xây dựng định hướng không gian kiến trúc Vinh có bản sắc riêng, đảm bảo thẩm mỹ, dân tộc và hiện đại, thống nhất trong hoạt động.
+ Xây dựng quy hoạch các vườn tượng, điểm dựng tượng đài, đài tưởng niệm.
+ Xây dựng Vinh thành môi trường trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản dân ca hò ví dặm Nghệ tĩnh.
- Tổ chức thực hiện:
+ Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng lập các đề án, dự án và tổ chức thực hiện.
+ Nguồn kinh phí chi từ ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác.
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Phân khai đề án (tổng thể) thành các dự án hoặc đề án, chương trình để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, bao gồm:
- Các dự án: Trung tâm Điện ảnh đa chức năng; Thư viện Nghệ An; Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh; Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai; Cung văn hoá thanh - thiếu niên; Công viên thế giới tuổi thơ (tại thị xã Cửa Lò); Xây dựng Trung tâm truyền hình khu vực; phục hồi khu Văn miếu; tôn tạo khu di tích Phượng Hoàng Trung Đô và xây dựng đền thờ vua Quang Trung; phục hồi Thành cổ Nghệ An; tôn tạo khu di tích ngã ba Bến Thủy; phục hồi di tích chùa Diệc; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá khác như đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh; xây dựng chi nhánh bảo tàng dân tộc học, nhà văn hoá các dân tộc Bắc Trung bộ, xây dựng trung tâm hội nghị, báo chí.
- Đề án xây dựng nếp sống văn hoá đô thị.
- Đề án xây dựng con người thành phố phù hợp với yêu cầu của thời đại.
- Đề án phát triển các hoạt động thông tin tuyên truyền.
- Đề án quy hoạch và xây dựng kiến trúc không gian đô thị và Tượng đài, tranh hoành tráng.
2. Nguồn vốn:
- Đầu tư của ngân sách tỉnh
- Tranh thủ tối đa nguồn ngân sách Trung ương
- Khai thác mạnh mẽ các nguồn khác: Viện trợ, đầu tư.
3. Cơ chế chính sách:
- Có cơ chế xử lý nhanh về các thủ tục xét duyệt, phê duyệt các chương trình, dự án.
- Có cơ chế chính sách tạo quyền lợi được khai thác cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chương trình.
- Có cơ chế giải phóng mặt bằng nhanh, hiệu quả.
4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kết hợp với tuyên truyền quảng bá để thu hút các nguồn lực cho hoạt động văn hóa và làm động lực phát triển kinh tế.
II. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:
1. Thành lập Ban chỉ đạo, ban tổ chức và bộ phận thường trực thực hiện đề án.
2. Có các cơ chế ưu tiên thẩm định và phê duyệt các dự án, đề án liên quan tới các công trình văn hoá, tu bổ tôn tạo di tích.
3. Có cơ chế để Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh và các ngành liên quan kêu gọi các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đầu tư cho các dự án, đề án.
4. Nguồn vốn Nhà nước đầu tư theo thứ tự ưu tiên cho các đề án, dự án trọng điểm, như: Thư viện Nghệ An, Văn miếu Nghệ An, Thành cổ Nghệ An, Trung tâm Điện ảnh đa chức năng.
III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN:
1. Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh:
- Chủ trì xây dựng và chỉ đạo thực hiện các đề án, dự án được phân công.
- Phổ biến, quán triệt nội dung đề án và tổ chức vận động các ngành các cấp và nhân dân thành phố thực hiện đề án.
- Phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức thực hiện các dự án, đề án.
2. Sở Văn hoá - Thông tin:
- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn trong quá trình thực hiện đề án, phối hợp đề xuất phướng án tổ chức bố trí bộ máy quản ly di tích khi công trình hoàn thành
- Chủ trì xây dựng và chỉ đạo thưc hiện các đề án, dự án được phân công.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về chủ trương đầu tư, thẩm định dự án theo nhiệm vụ được phân công.
- Chủ trì phối hợp với Sở tài chính cân đối bố trí nguồn vốn theo kế hoạch hàng năm trình HĐND, UBND tỉnh phê duyệt.
4. Sở Xây dựng:
Chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch địa điểm xây dựng công trình. Tổ chức thẩm định hồ sơ xây dựng theo quy định hiện hành .
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chịu trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tham mưu cho UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất kịp thời cho các cơ quan quản lý các công trình theo dự án đề án được duyệt.
6. Sở Tài chính: Chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về nguồn vốn để thực hiện các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
7. Sở Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An và các đơn vị có liên quan:
Căn cứ các dự án, đề án được phân công tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.