ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2847/2006/QĐ-UBND | Hạ Long, ngày 25 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI- kỳ họp thứ 8 “về một số cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006-2010”;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1380/KHĐT-TMDL ngày 15/9/2006; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 2420/STP-KTVB ngày 06/9/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2847/2006/QĐ-UBND ngày 25/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, đào tạo trong lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006 - 2010 thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các thành phần kinh tế: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã; các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành dưới mọi hình thức (công lập, ngoài công lập) có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dạy nghề trong lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2. Lao động nông thôn có đất sản xuất bị Nhà nước thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lao động thuộc diện chính sách, dân tộc thiểu số; lao động nữ và lao động chưa có việc làm.
3. Người có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh đi lao động tại nước ngoài.
Chương II
NỘI DUNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
Điều 3. Chính sách về đất đai
Tỉnh tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất trước khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ khuyến khích đầu tư như sau: chợ loại I, Trung tâm hội chợ triển lãm thương mại, siêu thị hạng I ở thành phố Hạ Long và thị xã Móng Cái; bãi đỗ xe, điểm đỗ xe buýt; đầu tư hạ tầng khu dịch vụ hậu cần cảng Cái Lân; các cụm công nghiệp làng nghề gắn với du lịch; khu công viên văn hóa, bao gồm có đủ các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; khu du lịch sinh thái có quy mô từ 50 ha trở lên; bệnh viện chất lượng cao.
Điều 4. Chính sách giải quyết việc làm
1. Hỗ trợ đào tạo ngắn hạn các nghề dịch vụ trên địa bàn cho lao động nông thôn có đất sản xuất bị Nhà nước thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; lao động thuộc diện chính sách, dân tộc thiểu số; lao động nữ và lao động chưa có việc làm.
Địa bàn ưu tiên:
- Các xã thuộc khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn (theo quy định của Chính phủ), xã, thôn thuộc diện 135, các xã có nhiều hộ thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp (từ 1/2 số hộ dân trở lên), chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
- Các xã, phường có dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ.
- Các xã ven đô thị, hải đảo.
Mức hỗ trợ dạy nghề:
Tính theo số lượng học viên thực tế tốt nghiệp khóa học. Hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng và không quá 1.500.000 đồng/người/khóa học.
Hình thức hỗ trợ:
Thông qua cơ sở đào tạo (kể cả cơ sở dạy nghề ngoài công lập) có đủ điều kiện để tổ chức các khóa học cho lao động theo quy định hiện hành của Chính phủ.
2. Tại các doanh nghiệp sử dụng từ 20 lao động trở lên, kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ: du lịch sinh thái biển đảo, văn hóa dân tộc, các dự án khôi phục ngành nghề truyền thống, làng nghề sản xuất sản phẩm xuất khẩu, gắn kết du lịch, người lao động được hỗ trợ học nghề 2.000.000 đồng/người đối với những nghề phải đào tạo trên 6 tháng và tối đa 1.500.000 đồng/người đối với những nghề phải đào tạo dưới 6 tháng.
Hình thức hỗ trợ:
Thông qua cơ sở đào tạo (kể cả cơ sở dạy nghề ngoài công lập) có đủ điều kiện để tổ chức các khóa học cho người lao động theo quy định hiện hành của Chính phủ.
Điều 5. Chính sách hỗ trợ người đi lao động ở nước ngoài
1. Hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng nghề cho người lao động có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh ở các Trung tâm đào tạo của các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ 800.000 đồng/người đi lao động ở nước ngoài.
2. Người lao động khi có đủ điều kiện và thủ tục đi xuất khẩu lao động được hỗ trợ chênh lệch lãi suất giữa lãi suất bình quân của các Ngân hàng thương mại và lãi suất của ngân hàng chính sách xã hội theo chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Mức vốn gốc được hưởng hỗ trợ chênh lệch lãi suất không quá 20 triệu đồng. Thời gian được hưởng hỗ trợ là 02 năm.
Điều 6. Chính sách xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch
1. Hàng năm bố trí ngân sách từ 5 - 7 tỷ đồng cho các quỹ: Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch, Quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại, Quỹ xúc tiến đầu tư của tỉnh theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và quy chế quản lý các quỹ.
2. Hỗ trợ chi phí thuê gian hàng và các chi phí liên quan trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc gia và quốc tế. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/1 lần/1 năm/1 doanh nghiệp.
3. Tỉnh lo kinh phí tổ chức hội thảo, gặp gỡ giao dịch và hỗ trợ 50% kinh phí đi lại cho các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư cùng đoàn của tỉnh tổ chức tại nước ngoài.
Điều 7. Chính sách khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
Hỗ trợ 25 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, TQM, SA8000 và được chứng nhận theo quy định.
Điều 8. Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ
Hợp tác xã chuẩn bị thành lập có mục đích kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, sáng lập viên được hỗ trợ thông tin, tư vấn kiến thức về hợp tác xã; tư vấn xây dựng Điều lệ hợp tác xã, hoàn thiện các thủ tục để thành lập, đăng ký kinh doanh và tổ chức hoạt động của hợp tác xã. Mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/hợp tác xã thành lập.
Điều 9. Hỗ trợ tổ chức các giải, chương trình về hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tầm quốc tế, châu lục
Hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức các giải, chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tầm cỡ quốc tế, châu lục do các doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tình hình thực tế, quyết định mức hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể với các nội dung: hỗ trợ tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, chiêu đãi, du lịch tham quan vịnh Hạ Long, quà tặng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ của tỉnh; có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình; nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
b) Chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan đề xuất kế hoạch kinh phí hàng năm để thực hiện cơ chế chính sách phát triển dịch vụ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
c) Chủ trì phối hợp với ngành có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện bản Quy định này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi ban hành.
d) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Các ngành khác có liên quan:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ theo chuyên ngành quản lý; tham gia thẩm định hồ sơ và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện bản Quy định này.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Tham gia thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ trong phạm vi có liên quan; phối hợp với các ngành để triển khai thực hiện bản Quy định này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Điều khoản thi hành
1. Các trường hợp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐND ngày 14/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI- kỳ họp thứ 8 “về một số cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2006-2010” được hưởng cơ chế, chính sách theo bản Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện bản Quy định này, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh mới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các ngành, đơn vị tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.