BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 284/QĐ-BXD | Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA BỘ XÂY DỰNG
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 48/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội; Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định “Chương trình hành động về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Xây dựng ”.
Điều 2. Căn cứ Chương trình hành động này, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, xây dựng Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với phạm vi lĩnh vực phụ trách.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : | BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA BỘ XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 284/QĐ-BXD ngày 20 tháng 03 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động, nhằm triển khai Chỉ thị với nội dung như sau.
A/ MỤC TIÊU, YÊU CẦU CHUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG.
I. Mục tiêu:
- Khắc phục tình trạng lãng phí diễn ra trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc Bộ, thực hiện việc sử dụng tiết kiệm nhất các nguồn lực hiện có nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng, hiệu quả hoạt động SXKD của đơn vị.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công nhân viên chức trong ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Định hướng cho các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng về chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm trong lĩnh vực và phạm vi quản lý.
II. Yêu cầu:
- Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định tài chính hiện hành: Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng ngân sách, tài sản và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước.
- Xây dựng kịp thời, đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công góp phần thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng đơn vị.
- Trong năm 2013 thực hiện ngay và có kết quả một số giải pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng quản lý.
B/ NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
1. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định; thực hiện nghiêm có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí.
Tiết kiệm trong chi tiêu hành chính, đảm bảo chi đúng tiêu chuẩn, đúng định mức, đúng mục đích; đồng thời chống thất thu và tận dụng khai thác các nguồn thu trong đơn vị như thu dịch vụ, thu hoạt động sản xuất kinh doanh, thu phí, lệ phí…
2. Tăng cường hình thức họp trực tuyến trong việc chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc liên quan, hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung để tiết kiệm chi phí tổ chức họp, đi lại, ăn ở của các đại biểu (trừ các cuộc họp quan trọng do Chính phủ chỉ đạo). Việc tổ chức họp, hội nghị, hội thảo phải đảm bảo chất lượng, thành phần tham dự thiết thực, gọn nhẹ, nội dung phải thật sự cần thiết, chuẩn bị kỹ, phát biểu ngắn gọn, có trọng tâm; tránh phát biểu dài dòng, sáo rỗng. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tận dụng hội trường hiện có để tổ chức hội nghị, hội thảo, trường hợp không thể bố trí được mới thuê địa điểm ngoài.
3. Rà soát kỹ các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn đi công tác bảo đảm gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả; nghiêm cấm việc tổ chức đón tiếp gây tốn kém chi phí đối với cấp dưới và các tổ chức, cá nhân liên quan.
4. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm trong đi công tác nước ngoài tại công văn số 8743/VPCP-QHQT ngày 01/11/2012 của Văn phòng Chính phủ. Tập trung bố trí kinh phí cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chế độ quy định; hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, bao gồm cả đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án ODA và các dự án có sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
5. Thực hiện tốt Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản: Việc triển khai bố trí vốn của các dự án phải thực hiện đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền. Rà soát các danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên, đầu tư vốn tập trung, đảm bảo công trình đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ. Công khai minh bạch trong đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có năng lực, giá trúng thầu phải đảm bảo cạnh tranh, đảm bảo tiết kiệm vốn đầu tư. Tăng cường kiểm tra giám sát tiến độ giải ngân, điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình phù hợp với khả năng hoàn thành dự án. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát chất lượng công trình thường xuyên, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư đã bố trí cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp trong năm 2013;
6. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xi măng, sắt, thép xây dựng ... kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện cổ phần hoá theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Hạn chế tối đa việc nhập khẩu, sử dụng các loại hàng hoá, vật liệu, vật tư, thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được, đáp ứng yêu cầu chất lượng; thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giảm tối đa các chi phí quản lý.
7. Thực hiện ngay việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có kế hoạch bổ sung, sửa đổi, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; loại bỏ các nội dung quy định không phù hợp với yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí; các quy định thiếu chặt chẽ, dễ gây sơ hở, lợi dụng, lãng phí tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên.
8. Quản lý dự toán thu chi ngân sách hàng năm:
8.1.Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong các khâu: Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán và định mức, tiêu chuẩn, chế độ qui định. Thực hiện công khai tài chính hàng năm theo quy định.
8.2. Trong quản lý kinh phí khoa học, sự nghiệp kinh tế, chương trình mục tiêu:
- Rà soát các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế, tập trung bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho những nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế trọng điểm cần ưu tiên đã được cấp có thẩm quyền tuyển chọn và phê duyệt; không bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, sự nghiệp kinh tế chưa đủ thủ tục. Thực hiện đình chỉ và chuyển kinh phí của các đề tài, dự án triển khai không đúng tiến độ, không có hiệu quả cho các đề tài, dự án khác có hiệu quả, cần đẩy nhanh tiến độ. Thu hồi kinh phí sử dụng không đúng mục đích, sai chế độ quy định.
- Phân bổ và theo dõi thực hiện kinh phí chương trình mục tiêu đúng chương trình Bộ đã duyệt. Những đơn vị triển khai chậm tiến độ, sử dụng tài sản kém hiệu quả, Bộ sẽ thu hồi để điều chuyển cho đơn vị khác.
9. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được phát hiện:
Trong năm 2013, kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tập trung vào một số lĩnh vực sau: mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng ô tô công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; các chương trình mục tiêu; quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài.
II. Đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ:
1. Các Tổng công ty, Công ty nhà nước căn cứ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung ban hành quy chế quản lý tài chính phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.
2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức lao động, định mức chi phí tài chính và các định mức khác phù hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức quản lý, trình độ trang thiết bị của từng đơn vị. Các định mức phải được phổ biến công khai đến từng lao động trong doanh nghiệp biết để thực hiện và kiểm tra giám sát.
Thường xuyên theo dõi, xử lý tích cực các khoản nợ tồn đọng, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm việc kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính trong các Tổng công ty, Công ty nhà nước; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi gây lãng phí vốn, tài sản, lao động, tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.
3. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, mít tinh, kỷ niệm, khởi công, động thổ, đón nhận các danh hiệu thi đua và đi công tác học tập ở trong và ngoài nước. Rà soát lại số xe ô tô đang sử dụng, đảm bảo sử dụng đúng tiêu chuẩn quy định, từng bước thực hiện khoán chi phí sử dụng xe công cho các đối tượng sử dụng. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, mua sắm ô tô mới và trang thiết bị văn phòng, phương tiện làm việc phải thực sự cần thiết và được Tổng công ty chấp thuận.
Thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư xây dựng:
- Tất cả các đơn vị ngay từ Quý I/2013 thực hiện rà soát các dự án đang đầu tư, tập trung vốn và đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác sử dụng. Những dự án xét thấy không hiệu quả thì kiên quyết đình chỉ.
- Tập trung quyết toán vốn đầu tư xây dựng hoàn thành đối với những dự án đầu tư đã bàn giao đưa vào sử dụng.
- Những dự án đầu tư mới phải đảm bảo về quy họach, kế hoạch, trình tự thủ tục, cân đối đủ vốn, có hiệu quả và công khai; thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng.
5. Tăng cường hoạt động giám sát đối với các Tổng công ty, Công ty nhà nước trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực được nhà nước giao, trong việc thực hiện trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thủ trưởng đơn vị phổ biến, quán triệt sâu sắc về thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật thực hành tiết kiệm, Chỉ thị chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, CNVC, lao động trong đơn vị.
Toàn thể cán bộ CNVC- LĐ ngành xây dựng luôn quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, thể hiện bằng hành động cụ thể: phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nguyên nhiên vật liệu, hao phí lao động trong quá trình sản xuất; thực hiện xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, tổ chức lễ hội, xây dựng gia đình văn hóa.
2. Căn cứ Chương trình hành động này và Chương trình công tác, hàng năm các đơn vị phải xây dựng chương trình hành động cụ thể của mình, quy định cụ thể thời hạn thực hiện và hoàn thành; phân công người chịu trách nhiệm từng khâu công việc; thường xuyên rà soát kết quả thực hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các sai phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hàng quý, tổng hợp báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về Bộ Xây dựng (Vụ Kế hoạch Tài chính) chậm nhất 15 ngày tháng đầu Quý sau.
Giao Vụ Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Vụ chức năng theo dõi Chương trình này, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện để thông báo công khai hàng năm và báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.