THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 282-TTg | Hà Nội, , ngày 21 tháng 06 năm 1976 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ MẪU VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào quyết định số 284-CP ngày 23 tháng 12 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với xí nghiệp sản xuất của thương binh;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của xí nghiệp sản xuất của thương binh.
Điều 2: Ông Bộ Trưởng Bộ Thương Binh và xã hội phối hợp với thủ tướng các ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện điều lệ mẫu này.
ĐIỀU LỆ MẪU
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 282 –TTg ngày 21-06-1976 của Thủ Tướng Chính Phủ )
Chương một
NHIỆM VỤ VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH
Điều 1. Xí nghiệp sản xuất của thương binh là một tổ chức kinh tế do Nhà nước thành lập, lãnh đạo và giúp đỡ và do anh chị em thương binh, bệnh binh tự quản lý nhằm mục đích phát huy hợp lý khả năng lao động của thương binh, bệnh binh, bảo đảm cho anh chị em có công việc làm thích hợp, có chế độ làm việc thích hợp, giữ gìn được sức khỏe lâu dài để vừa tự giải quyết tốt đời sống của mình, vừa góp phần đẩy mạnh sản xuất xã hội.
Điều 2. Xí nghiệp sản xuất của thương binh có nhiệm vụ tổ chức sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch Nhà nước và chế độ hạch toán kinh tế: quản lý và sử dụng vật tư, tiền vốn, sức lao động theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, góp phần tích lũy cho xí nghiệp và cho Nhà nước để mở rộng sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của anh chị em thương binh, bệnh binh.
Điều 3. Dưới sự lãnh đạo và kiểm tra của Nhà nước xí nghiệp sản xuất của thương binh thực hiện chế độ quản lý dân chủ tập thể thông qua những cơ quan do anh chị em thương binh tự nguyện cử ra theo những quy định trong điều lệ này.
Chế độ quản lý dân chủ tập thể của xí nghiệp sản xuất của thương binh phải bảo đảm thực hiện sự nhất trí giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của xí nghiệp và của mỗi cá nhân, gắn liền quyền lợi và nghĩa vụ của từng anh chị em thương binh, bệnh binh và người lao động trong xí nghiệp với lợi ích và nhiệm vụ chung của xí nghiệp; trên cơ sở đó, động viên anh chị em thương binh, bệnh binh và những nguời lao động trong xí nghiệp hăng hái thi đua lao động sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chương hai
THÀNH VIÊN CỦA XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH
Điều 4. Thành viên của xí nghiệp sản xuất của thương binh gồm có:
1. Những thương binh, bệnh binh còn sức lao động ở mức độ nhất định, nhưng do tính chất của thương tật hoặc hoàn cảnh riêng không thể chuyển về địa phương, hoặc đưa vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, được cơ quan thương binh xã hội xét cho thu nhận vào làm việc trong xí nghiệp sản xuất của thương binh;
2. Những cán bộ, công nhân của Nhà nước được cử đến làm việc ở xí nghiệp để giúp xí nghiệp về các mặt quản lý và kỹ thuật theo yêu cầu của xí nghiệp và tự nguyện xin gia nhập xí nghiệp;
3. Những người lao động không phải là thương binh, bệnh binh được thu nhận vào làm việc trong xí nghiệp theo hợp đồng để làm những công việc kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định hoặc những công việc nặng nhọc mà thương binh, bệnh binh không có hoặc chưa có điều kiện làm được. Những người này có thể trở thành thành viên của xí nghiệp, nếu được xí nghiệp yêu cầu và tự nguyện xin gia nhập xí nghiệp yêu cầu và tự nguyện xin gia nhập xí nghiệp.
Việc công nhận những cán bộ, công nhân Nhà nước và những người lao động nói trên là thành viên của xí nghiệp phải được đại hội thành viên hoặc đại hội đại biểu thành viên của xí nghiệp sản xuất của thương binh thông qua.
Điều 5. Mỗi thành viên của xí nghiệp sản xuất của thương binh đều có quyền được nghe báo cáo, thảo luận, biểu quyết và giám sát mọi công việc của xí nghiệp, biểu quyết và giám sát mọi công việc của xí nghiệp, có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quản lý của xí nghiệp, được giúp đỡ học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, được hưởng phúc lợi tập thể của xí nghiệp, chăm sóc đời sống, giúp đỡ khi gặp khó khăn.
Ngoài những quyền lợi chung trên đây, mỗi loại thành viên của xí nghiệp còn có những quyền lợi riêng đối với từng loại như sau:
a) Thương binh, bệnh binh được học nghề nghiệp và sắp xếp việc làm thích hợp với tình trạng sức khỏe và tính chất thương tật của mỗi người; được hưởng tiền công tuỳ theo số lượng và chất lượng lao động: được tiếp tục hưởng các chế độ trợ cấp và ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh; được cung cấp lương thực, thực phẩm, đường, vải … như công nhân, viên chức làm những ngành, nghề tương đương;
b) Cán bộ, công nhân của Nhà nước tiếp tục hưởng những quyền lợi như công nhân, viên chức Nhà nước theo luật lệ hiện hành:
c) Những người lao động khác hưởng những quyền lợi theo hội đồng lao động ký kết với xí nghiệp sản xuất của thương binh.
Điều 6. Mỗi thành viên của xí nghiệp sản xuất của thương binh đều có nghĩa vụ:
1. Làm tròn nhiệm vụ sản xuất và công tác, tôn trọng kỷ luật lao động, bảo vệ tài sản của xí nghiệp;
2. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật, chế độ, thể lệ của Đảng và Nhà nước, điều lệ, nội quy của xí nghiệp, các nghị quyết của đại hội thành viên của xí nghiệp.
3. Đề cao phê bình và tự phê bình, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, công tác và đời sống, cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, rèn luyện tay nghề để không ngừng tiến bộ.
Điều 7. Tập thể hoặc cá nhân thành viên của xí nghiệp có nhiều thành tích trong sản xuất, xây dựng tập thể, học tập, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa được xí nghiệp xét khen thưởng hoặc đề nghị lên cơ quan cấp trên xét khen thưởng.
Người nào vi phạm chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải bị xử lý theo pháp luật của Nhà nước. Người nào làm trái điều lệ, nội quy của xí nghiệp, nghị quyết của đại hội thành viên của xí nghiệp phải bị xử lý theo quy định của đại hội thành viên của xí nghiệp.
Ơ
Chương ba
TỔ CHỨC QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH ĐẠI HỘI THÀNH VIÊN CỦA XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CỦA THƯƠNG BINH
Điều 8 : Đại hội thành viên của xí nghiệp là cơ quan lãnh đạo cao nhấp của xí nghiệp sản xuất của thương binh, có quyền xem xét và quyết định mọi vấn đề lớn và quan trọng của xí nghiệp như :
1. Căn cứ vào bản điều lệ mẫu mà thảo luận và thông qua điều lệ cụ thể của xí nghiệp, trình ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét và ban hành, kiểm điểm việc thực hiện điều lệ; thông qua nội quy của xí nghiệp và các báo cáo của ban quản lý xí nghiệp và ban kiểm soát ;
2. Thông qua kế hoạch sản xuất - kỹ thuật – tài chính, kế hoạch phân phối thu nhập, kế hoạch tổ chức đời sống vật chất, văn hoá của xí nghiệp ;
3. Thông qua các tiêu chuẩn, định mức các chế độ lao động học và dạy nghề, vệ sinh và an toàn lao động trong xí nghiệp ;
4. Bầu và bãi miễn các trưởng ban và các thành viên của ban quản lý xí nghiệp , của ban kiểm soát;
5. Thông qua đề nghị của ban quản lý xí nghiệp về cơ cấu tổ chức nhân sự của các bộ môn trong xí nghiệp;
6. Xét và chấp nhận việc kết nạp những thành viên không phải là thương binh, bệnh binh, quyết định những việc khen thưởng và kỷ luật quan trọng, thảo luận và quyết định những việc quan trọng khác theo quyết định của đại hội hoặc theo đề nghị của ban quản lý xí nghiệp.
Điều 9 : Đại hội thành viên của xí nghiệp do ban quản lý xí nghiệp triệu tập. Đại hội thành viên của xí nghiệp họp thường kỳ 6 tháng một lần. Gặp việc quan trọng đột xuất và cấp bách, theo yêu cầu của đa số trong ban quản lý xí nghiệp, thì họp đại hội xí nghiệp bất thường. Đại hội xí nghiệp họp phải có ít nhất 70% số người có mặt là thương binh, bệnh binh mới hợp lệ. Nghị quyết của đại hội xí nghiệp phải được ty, sở thương binh và xã hội duyệt mới được thi hành. Trong trường hợp đặc biệt không thể họp đại hội thành viên của xí nghiệp. Thì họp đại hội đại biểu thành viên của xí nghiệp, đại hội này cũng phải có ít nhất 70% số người có mặt là thương binh , bệnh binh.
BAN QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP CỦA THƯƠNG BINH
Điều 10. Ban quản lý xí nghiệp là cơ quan chấp hành của đại hội thành viên của xí nghiệp, có nhiệm vụ điều khiển mọi hoạt động thường ngày của xí nghiệp theo điều lệ, nội quy của xí nghiệp, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của ty, sở thương binh và xã hội và các cơ quan quản lý khác có thẩm quyền của Nhà nước. Ban quản lý xí nghiệp có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
1. Xây dựng các kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính và tổ chức đời sống, các định mức kinh tế kỹ thuật, kế hoạch tổ chức học tập nghề nghiệp của thương binh, bệnh binh, trình đại hội xí nghiệp thông qua;
2. Tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch, bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho việc hoàn thành các kế hoạch của Nhà nước và xí nghiệp; tổ chức việc thực hiện các chính sách, pháp luật, chế độ, thể lệ của Nhà nước trong xí nghiệp;
3. Tổ chức, kiểm tra việc bảo vệ và sử dụng tốt các tài sản của xí nghiệp, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, duy trì kỷ luật và trật tự trong xí nghiệp;
4. Thực hiện nghiêm túc chế độ hạch toán kinh tế, nắm vững tình hình sử dụng lao động, nguyên liệu, vật tư kỹ thuật, chi phí sản xuất, giá thành, lợi nhuận trong xí nghiệp;
5. Phân phối thu nhập xí nghiệp theo đúng điều lệ của xí nghiệp và kế hoạch được cấp trên phê chuẩn;
6. Tổ chức công tác giáo dục chính trị, văn hóa, nghề nghiệp cho anh chị em thương binh, bệnh binh và những người lao động khác trong xí nghiệp;
7. Thay mặt xí nghiệp để quan hệ với các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, ký kết và thực hiện nghiêm chỉnh và các hợp đồng về cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm và về những vấn đề khác liên quan đến các mặt hoạt động của xí nghiệp, về tổ chức đời sống của thương binh, bệnh binh;
8. Triệu tập đại hội xí nghiệp; báo cáo các mặt hoạt động của xí nghiệp trước đại hội xí nghiệp và lên cấp trên.
CƠ CẤU VÀ CÁCH LÀM VIỆC CỦA BAN QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP
Điều 11. Ban quản lý xí nghiệp có từ 3 đến 5 người. Những người trong ban quản lý xí nghiệp phải là những thành viên hiểu biết về kỹ thuật sản xuất và quản lý xí nghiệp; có công tâm, gương mẫu, hết lòng phục vụ thương binh, bệnh binh; được đại hội thành viên của xí nghiệp bầu ra và được ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận. Ban quản lý xí nghiệp phải có ít nhất hai phần ba (2/3) thành viên là thương binh (tức là phải có 2,3 hoặc 4 người là thương binh, bệnh binh nếu ban quản lý xí nghiệp có 3, 4 hoặc 5 người).
Nhiệm kỳ của ban quản lý xí nghiệp là 2 năm, ban quản lý xí nghiệp gồm có trưởng ban quản lý xí nghiệp gồm có trưởng ban là người chuyên làm công tác quản lý, phó trưởng ban và các ủy viên có thể vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp tham gia sản xuất.
Trong năm đầu mới xây dựng xí nghiệp, ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ chỉ định trưởng ban và các ủy viên của ban quản lý xí nghiệp. Trưởng ban có thể là cán bộ của Nhà nước được cử đến, hoặc là thương binh, bệnh binh trong xí nghiệp.
Ban quản lý xí nghiệp làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trường hợp giữa trưởng ban và các thành viên khác của ban có ý kiến không thống nhất thì phải đưa ra đại hội thành viên hoặc đại hội đại biểu thành viên của xí nghiệp quyết định. Trong khi chờ đợi, nếu là việc cấp bách, thì trưởng ban tạm quyết định, nhưng phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
Điều 12. Trưởng ban quản lý xí nghiệp lãnh đạo công tác của xí nghiệp. Có nhiệm vụ chỉ đạo công tác hàng ngày của xí nghiệp và là người chịu trách nhiệm chính trước ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ty, sở thương binh và xã hội về hoạt động của xí nghiệp.
Phó trưởng ban quản lý xí nghiệp được quyền thay trưởng ban giải quyết những công việc nhất định theo ủy quyền của trưởng ban hoặc khi trưởng ban vắng mặt.
Ơ
CÁC BỘ MÔN NGHIỆP VỤ CỦA XÍ NGHIỆP
Điều 13. Ban quản lý xí nghiệp thành lập và chỉ đạo các bộ môn nghiệp vụ như: kế hoạch, kỹ thuật; cung tiêu, tài vụ, hành chính, y tế và cấp dưỡng. Những người làm việc trong những bộ môn này do ban quản lý xí nghiệp chỉ định trong số thành viên của xí nghiệp và do ty, sở thương binh và xã hội xét duyệt; hoặc do ty, sở thương binh và xã hội cử về, nếu xí nghiệp không có đủ người đủ tiêu chuẩn làm việc đó.
KẾ TOÁN TRƯỞNG XÍ NGHIỆP
Điều 14. Kế toán trưởng là người tổ chức và chỉ đạo công tác kế toán của xí nghiệp, chịu trách nhiệm về việc ghi chép, tính toán, phân tích hiệu quả kinh doanh của xí nghiệp, thanh toán, quyết toán và làm báo cáo tài chính; kiểm tra việc sử dụng nhằm phát huy tác dụng và bảo vệ tài sản, tiền vốn của xí nghiệp; bảo đảm thực hiện các nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, kế toán của Nhà nước.
Kế toán trưởng ở xí nghiệp sản xuất của thương binh có nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ công tác như kế toán trưởng ở các xí nghiệp Nhà nước và do cơ quan chủ quản cấp trên xét duyệt.
Kế toán trưởng ở xí nghiệp sản xuất của thương binh làm việc dưới sự chỉ đạo của trưởng ban quản lý xí nghiệp. Trong trường hợp ý kiến của trưởng ban quản lý xí nghiệp và kế toán trưởng khác nhau, nếu xét việc gấp cần giải quyết ngay thì trưởng ban quản lý xí nghiệp phải có quyết định viết tay và báo cáo ngay cho ban quản lý xí nghiệp; kế toán trưởng phải chấp hành quyết định và báo cáo cho ban quản lý xí nghiệp hoặc cơ quan quản lý cấp trên.
TỔ TRƯỞNG TỔ SẢN XUẤT
Điều 15. Tổ trưởng tổ sản xuất do ban quản lý xí nghiệp chỉ định, không thoát ly sản xuất và có nhiệm vụ, quyền hạn:
- Quán xuyến công việc của tổ, phân công thích hợp cho tổ viên, quản lý chặt chẽ lao động, nguyên liệu, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động sản xuất của tổ, động viên toàn tổ thi đua hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp giao;
-Theo dõi; ghi chép, nắm vững số lượng, chất lượng sản phẩm và công việc làm của tổ, của từng người;
-Theo dõi điều kiện sức khỏe, thương tật của thương binh, bệnh binh trong tổ, phản ánh của y tế và quản lý xí nghiệp dễ sắp xếp cho phù hợp;
- Phân công và đôn đốc giữ gìn thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu và các sản phẩm của xí nghiệp;
- Giữ vững chế độ sinh hoạt dân chủ tập thể trong tổ, bảo đảm củng cố đoàn kết trong tổ, kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, giúp đỡ và khuyến khích những người chậm tiến, quan tâm chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của anh chị em trong tổ.
BAN KIỂM SOÁT
Điều 16. Ban kiểm soát gồm từ 3 đến 5 người do đại hội thành viên của xí nghiệp bầu ra. Nhiệm kỳ của ban kiểm soát là 2 năm. Thành viên của ban kiểm soát phải là người tích cực, có công tâm và có năng lực nghiệp vụ. Ban kiểm soát phải có ít nhất hai phần ba (2/3) thành viên là thương binh, bệnh binh (tức phải có 2,3 hoặc 4 người là thương binh, bệnh binh nếu ban kiểm soát có 3, 4 hoặc 5 người).
Ban kiểm soát có nhiệm vụ, quyền hạn:
- Kiểm tra việc chấp hành điều lệ, nội quy của xí nghiệp, các nghị quyết của đại hội thành viên của xí nghiệp; kịp thời phát hiện những thiếu sót và kiến nghị những biện pháp để khắc phục:
- Kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch, các hợp đồng và các nhiệm vụ đối với Nhà nước;
-Kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo quản tài sản, thu chi tài chính, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, kiểm tra số lượng, chất lượng sản phẩm và tình hình phân phối thu nhập của xí nghiệp;
- Báo cáo trước đại hội thành viên của xí nghiệp về tình hình công tác kiểm soát, kết quả những việc đã kiểm tra, nhận xét tình hình đã thực hiện kế hoạch và quyết toán hàng năm của xí nghiệp;
- Báo cáo trực tiếp lên ty, sở thương binh và xã hội và ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những việc quan trọng có liên quan đến lợi ích của xí nghiệp và của Nhà nước.
Chương bốn
TỔ CHỨC SẢN XUẤT, KINH DOANH KẾ HOẠCH SẢN XUẤT CỦA XÍ NGHIỆP
Điều 17. Hàng năm, xí nghiệp lập kế hoạch sản xuất căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao, các hội đồng đã ký và theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của ty, sở thương binh và xã hội và của các cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh theo ngành.
Kế hoạch sản xuất của xí nghiệp, phải được ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duyệt. Xí nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành và phấn đấu hoàn thành kế hoạch đó. Ban quản lý xí nghiệp phải định kỳ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch lên ty, sở thương binh và xã hội và ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng với kế hoạch sản xuất, xí nghiệp phải lập các kế hoạch cung ứng, tiêu thụ, lao động, tiến bộ kỹ thuật, giá thành, phân phối thu nhập, thu chi tài chính và báo cáo lên ty, sở thương binh và xã hội xét duyệt.
Các kế hoạch của xí nghiệp phải có căn cứ xác thực, có định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với khả năng thực tế của thương binh, bệnh binh, phải bảo đảm cân đối giữa sản phẩm cần Làm ra và vật tư được cung ứng, cân đối sản xuất và tiêu thụ, thống nhất giữa tài chính và hiện vật.
CUNG ỨNG VÀ TIÊU THỤ
Điều 18. Xí nghiệp sản xuất của thương binh ký kết các hợp đồng cung ứng và tiêu thu với các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, và các hợp tác xã, căn cứ vào nhiệm vụ sản xuất của xí nghiệp, vào chỉ tiêu kế hoạch và các chế độ ưu tiên của Nhà nước, và theo sự chỉ đạo của ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Xí nghiệp sản xuất của thương binh phải thực hiện đầy đủ các hợp đồng kinh tế với khách hàng, phải sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu và tận dụng mọi nguồn nguyên liệu, vật liệu sẵn có ở địa phương.
Việc tiêu thụ sản phẩm ngoài chi tiêu kế hoạch Nhà nước phải thông qua các hội đồng kinh tế ký kết với các cơ quan cung ứng và tiêu thụ. Đối với những hàng tiêu dùng ngoài hợp đồng ký với mậu dịch bán buôn, xí nghiệp được bán thẳng cho các tổ chức mậu dịch bán lẻ hoặc các hợp tác xã mua bán hợp tác xã tiêu thụ. Xí nghiệp không trực tiếp bán lẻ hàng hoá ra thị trường cho từng người mua.
TỔ CHỨC LAO ĐỘNG CỦA XÍ NGHIỆP VÀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG CỦA THƯƠNG BINH
Điều 19. Xí nghiệp sản xuất của thương binh phải có tổ chức lao động thích hợp, phải dạy nghề và sắp xếp việc làm thích hợp với từng thương binh, bệnh binh; phải kết hợp lao động của thương binh, bệnh binh với lao động của cán bộ kỹ thuật, thợ lành nghề, lao động của người yếu với lao động của người khỏe để tiến hành sản xuất và nâng cao năng suất lao động; phải tiến hành định mức lao động sát hợp với từng loại thương tật, bệnh tật của thương binh, bệnh binh.
Xí nghiệp phải phát huy đúng mức khả năng lao động của thương binh, không yêu cầu anh chị em lao động quá sức; tích cực phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp; bảo đảm giữ gìn sức khỏe và khả năng sản xuất lâu dài của thương binh, bệnh binh.
Chế độ lao động của xí nghiệp phải được đại hội thành viên của xí nghiệp thông qua và được ty, sở thương binh và xã hội duyệt, có quy định rõ: số ngày công tối thiểu hàng tháng, số giờ làm việc mỗi ngày cho từng loại thương tật, từng loại công việc; thời gian nghỉ giữa ca, nghỉ khi có triệu chứng bệnh tật, vết thương tái phát, khi đi khám bệnh, điều trị; chế độ nghỉ phép, nghỉ ngày lễ.
Xí nghiệp sản xuất của thương binh phải quy định các biện pháp bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động, như: trật tự nơi làm việc, điều kiện làm việc và tư thế lao động, các thiết bị an toàn; bảo đảm ánh sáng, giảm tiếng ồn ở nơi làm việc và các biện pháp vệ sinh lao động đối với nữ thương binh, bệnh binh.
Xí nghiệp phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy tắc phòng hộ lao động của Nhà nước và bảo quản, sử dụng tốt những dụng cụ phòng hộ lao động do Nhà nước trang bị cho xí nghiệp, hoặc do xí nghiệp tự trang bị.
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Điều 20. Xí nghiệp sản xuất của thương binh phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán và tiền gửi các quỹ chuyên dùng tại Ngân hàng Nhà nước. Xí nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ chỉ tiêu, thu nộp, thống kê, kế toán, quản lý tiền mặt, v.v … của Nhà nước.
Công tác tài vụ; kế toán của xí nghiệp đặt dưới sự kiểm tra; giảm sát của các thành viên xí nghiệp, của các cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính của Nhà nước.
Ban quản lý xí nghiệp 6 tháng, hàng năm và khi hết nhiệm kỳ phải báo cáo công khai tình hình tài chính của xí nghiệp trước đại hội thành viên của xí nghiệp.
BỒI DƯỠNG KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ CHO THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, VÀ CẢI TIẾN CÔNG CỤ LAO ĐỘNG
Điều 21. Xí nghiệp sản xuất của thương binh phải tích cực bồi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ giúp cho thương binh, bệnh binh thành cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và thợ lành nghề. Phải đầu tư thích đáng vào việc nghiên cứu, cải tiến, sửa đổi điều kiện làm việc, công cụ lao động cho thương binh, bệnh binh. Phải coi trọng việc sản xuất thử, cải tiến mặt hàng phù hợp với yêu cầu tiêu thụ, bảo đảm không ngừng phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành.
Xí nghiệp phải cố gắng từng bước mở rộng sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật; cải tiến thiết bị máy móc, chủ trọng những loại máy móc có công suất cao và phù hợp với thương binh, bệnh binh.
Chương năm
PHÂN PHỐI THU NHẬP CỦA XÍ NGHIỆP
Điều 22. Xí nghiệp sản xuất của thương binh phân phối thu nhập của xí nghiệp trên nguyên tắc vừa bảo đảm trích nộp khấu hao cơ bản và các khoản chi phí sản xuất khác, vừa quan tâm đầy đủ đến đời sống của thương binh, bệnh binh trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, cố gắng làm cho thu nhập từ sản xuất của thương binh, bệnh binh cộng với trợ cấp thương tật, thấp nhất cũng tương đương với thu nhập của những người cùng nghề, cùng bậc thợ làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh; nâng dần phúc lợi tập thể và tăng dần tích lũy để mở rộng sản xuất.
Việc trích nộp khấu hao cơ bản do ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định theo hướng dẫn của Bộ Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính.
Doanh thu của xí nghiệp, sau khi đã trừ phần trích nộp khấu hao cơ bản và các chi phí sản xuất khác và trích quỹ tiền công (bao gồm cả phần trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội, nếu có), phần còn lại được đưa vào 3 quỹ của xí nghiệp theo tỷ lệ sau đây:
- Quỹ tích lũy 30%
- Quỹ phúc lợi 50%
- Quỹ giáo dục, khen thưởng 20%
Những xí nghiệp có đủ điều kiện nộp lãi, phải trích nộp lãi cho Nhà nước từ 5% đến 10%. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quy định cụ thể về việc trích nộp lãi cho Nhà nước theo sự hướng dẫn của Bộ Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính.
Điều 23. – Trong thời gian thương binh, bệnh binh học nghề mà có làm ra sản phẩm và trong thời gian thương binh, bệnh binh đã tham gia sản xuất, xí nghiệp sản xuất của thương binh có thể trích ra tối đa không quá 20% doanh thu của xí nghiệp (sau khi đã trừ phần trích nộp khấu hao cơ bản và các chi phí sản xuất khác) để thưởng cho thương binh, bệnh binh có nhiều thành tích trong học tập và sản xuất. Số tiền thưởng cho mỗi người trong trường hợp xí nghiệp có doanh thu cao, không được quá một phần ba (1/3) sinh hoạt phí hàng tháng của người đó.
phần doanh thu còn lại được chia đôi, một nửa đưa vào quỹ tích luỹ của xí nghiệp, một nửa đưa vào quỹ phúc lợi.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24 : - Các ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào điều lệ mẫu này và sự hướng dẫn của Bộ thương binh và xã hội, ban hành điều lệ cụ thể cho từng xí nghiệp sản xuất của thương binh ở địa phương.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Duy Trinh |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.