ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2008/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 4 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ (KHÓA VIII) VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA X) VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Chương trình hành động số 24/CTr-TU ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nông nghiệp - Nông thôn thành phố tại Tờ trình số 06/TTr-BCĐ ngày 09 tháng 11 năm 2007 về Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa VIII) về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa VIII) về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có liên quan đến biển, ven biển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ (KHÓA VIII) VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 09-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA X) VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28 /2008/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. MỤC TIÊU
Kế hoạch tổ chức thực hiện này xác định nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố nhằm thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu góp phần có hiệu quả để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Có cơ chế, chính sách phát huy mọi tiềm lực, thế mạnh vùng biển, ven biển và vị trí chiến lược của thành phố trong mối quan hệ với vùng biển, ven biển Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ
1. Tập trung xây dựng và phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, đặc biệt là phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải, dịch vụ sửa chữa giàn khoan, công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển rừng và du lịch biển.
Xây dựng khu đô thị gắn với cảng biển, các khu công nghiệp và dịch vụ; phát triển không gian đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên về thoát nước, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng hiện đại kết nối với toàn thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố Hồ Chí Minh ra biển góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
2. Bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống xâm nhập, buôn lậu một cách hiệu quả.
3. Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân vùng biển, ven biển, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên ngang bằng mức thu nhập bình quân chung của thành phố.
4. Bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển và ven biển; nâng cao hiệu quả phòng tránh thiên tai, sạt lở.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TẬP TRUNG THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020
1. Tập trung xây dựng lực lượng võ trang vững mạnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu giữ vững quốc phòng, bảo vệ an ninh lãnh hải; đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực, hiệu quả cứu hộ, cứu nạn của bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự, công an, bảo đảm an toàn hoạt động của ngư dân, của nhân dân vùng biển, ven biển và các doanh nghiệp sản xuất, khai thác tài nguyên biển.
2. Tập trung xây dựng phát triển toàn diện huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tái bố trí dân cư phù hợp với cơ cấu kinh tế và điều kiện tự nhiên, thành phố cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ, tạo điều kiện cho huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè phát huy vai trò chủ lực trong thực hiện Chiến lược biển của thành phố; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch, xây dựng các khu tránh bão, động đất, sóng thần; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng biển và thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng điểm về kinh tế - xã hội như: Chương trình phát triển hải sản giai đoạn 2006 - 2010; Chương trình di dời và tái bố trí 1.400 hộ sống ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở; Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở và bố trí lại 5.000 hộ dân; Chương trình nâng cao dân trí và bồi dưỡng nguồn nhân lực; Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu; bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ; đầu tư xây dựng các khu tái định cư để di dời dân cư, hướng dẫn nhân dân xây dựng nhà ở phù hợp với điều kiện gió, bão, sóng và quy hoạch, xây dựng các công trình phục vụ công tác phòng, tránh bão, động đất, sóng thần, bảo đảm an toàn đời sống của nhân dân ở vùng biển, ven biển. Phấn đấu nâng mức thu nhập của cư dân vùng biển, ven biển lên ngang bằng mức thu nhập bình quân chung của thành phố; giảm khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư.
3. Xây dựng chiến lược phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển thành phố đến năm 2020, cụ thể:
a) Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020; tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ xây dựng quốc phòng - an ninh vùng biển, ven biển thành phố; có kế hoạch, chính sách, giải pháp khả thi để huy động nguồn vốn đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược biển của thành phố.
b) Về xây dựng, phát triển cảng biển, vận tải biển và cơ sở hạ tầng phục vụ Chiến lược biển:
- Kết nối đồng bộ về phát triển không gian xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và đô thị cảng Hiệp Phước với khu dân cư Bắc Nhà Bè, khu đô thị mới Nam thành phố đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên về địa chất, hệ thống sông rạch, thoát nước, cao độ mặt đất tự nhiên, hài hòa với khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.
- Quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, cảng sông khu vực thành phố Hồ Chí Minh gắn với quy hoạch, xây dựng hệ thống Cụm cảng số 5 của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xây dựng Trung tâm hàng hải và cảng du lịch hiện đại; tích cực tham gia di dời Nhà máy đóng tàu Ba Son, cảng Sài Gòn theo Kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết Nghị quyết số 20 ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị; tập trung nguồn lực đầu tư, kêu gọi đầu tư khu đô thị cảng Hiệp Phước; triển khai thực hiện dự án xây dựng cảng Đồng Đình (xã Cần Thạnh) phục vụ neo đậu, tránh trú bão cho tàu, thuyền đánh cá, tàu du lịch của thành phố và khu vực (quy mô 2.000 tàu). Phấn đấu nâng công suất vận tải hàng hóa của hệ thống cảng khu vực thành phố tăng bình quân 10%/năm, nâng tổng công suất lên 200 triệu tấn vào năm 2020.
- Xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại hệ thống giao thông khu đô thị cảng Hiệp Phước, kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông đường thủy, đường metro, đường sắt vận tải, bảo đảm sự thông suốt trong nội bộ và ra vào khu đô thị cảng. Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Nguyễn Hữu Thọ để hoàn thành vào năm 2010; hoàn thành, mở rộng, nâng cấp tuyến đường Nhà Bè - Cần Giờ, đường Liên tỉnh lộ 25B; hoàn thành dự án xây dựng cầu Bình Khánh và đường cao tốc liên vùng vào năm 2012; nghiên cứu cải tạo, nạo vét và mở rộng luồng Soài Rạp đủ độ sâu để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn (50.000 - 60.000 tấn) và tàu khách du lịch vào năm 2009; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện hệ thống tín hiệu hàng hải, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước, giao thông công cộng hướng ra biển.
c) Về phát triển đô thị cảng - công nghiệp biển, tập trung mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước và có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để khẩn trương xây dựng khu đô thị cảng - công nghiệp Hiệp Phước (quy mô khoảng 3.600 ha) thành Trung tâm công nghiệp, trong đó có công nghiệp đóng tàu, dịch vụ logistics gắn với cảng biển và vận tải biển tầm cỡ khu vực và quốc tế, nhằm xây dựng Hiệp Phước thành một đô thị cảng văn minh, hiện đại, tạo bước đột phá để phát triển thành phố hướng ra biển.
d) Về phát triển rừng, du lịch biển:
- Tăng cường quản lý chặt chẽ và đầu tư mở rộng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; bảo vệ và phát triển hệ động vật, thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển, ven biển thành một địa chỉ xanh tiêu biểu của quốc gia và quốc tế.
- Đầu tư phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ (ven biển Cần Thạnh - Long Hòa và du lịch sinh thái Vàm Sát - Lý Nhơn). Nghiên cứu dự án khu giải trí liên hợp và du lịch đảo ở vị trí thích hợp; triển khai thực hiện dự án lấn biển Cần Giờ để phục vụ cho du lịch.
đ) Về sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt hải sản:
- Quy hoạch, phát triển vùng nuôi trồng hải sản (7.000 ha) phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, chế biến, bảo quản thủy - hải sản để bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới về sản xuất giống hải sản, rong tảo và các nguồn động, thực vật từ biển; có kế hoạch phát triển các ngành dịch vụ nuôi trồng, khai thác hải sản ven biển và trên biển (giống, thú y, thức ăn, các dịch vụ hậu cần chuyên dùng…). Phát triển vùng sản xuất muối (1.000 ha tại xã Thạnh An và xã Lý Nhơn) theo công nghệ sạch, chất lượng cao.
- Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác và bảo vệ nguồn thủy - hải sản theo kế hoạch của Chính phủ; phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ có trang bị bảo quản sơ chế, chế biến hải sản, cung cấp dịch vụ khai thác, đánh bắt trên biển và dịch vụ nuôi trồng thủy - hải sản, nhằm tăng giá trị sản lượng xuất khẩu.
4. Về phát triển nguồn nhân lực:
+ Có chính sách, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường bổ sung, luân chuyển cán bộ có năng lực cho các địa phương và các sở - ngành có liên quan để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường biển; khuyến khích việc xây dựng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đào tạo các ngành, nghề biển.
+ Có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, các chuyên gia và đội ngũ lao động được đào tạo chuyên sâu về các nghề hàng hải, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, du lịch biển, nghiên cứu khoa học biển, dịch vụ logistics...; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân vùng biển và ven biển để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn theo hướng phát triển các loại hình dịch vụ về biển; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân vùng biển, ven biển của thành phố.
IV. GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tổ chức, các tầng lớp nhân dân thành phố, nhất là cán bộ, nhân dân huyện Cần Giờ và các ngành, các cấp có liên quan đến biển về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chiến lược biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố.
2. Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng biển, ven biển và quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết, mà xác định các mục tiêu trọng điểm, các dự án ưu tiên và có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư khai thác kinh tế biển, ven biển thành phố.
3. Tập trung đầu tư thỏa đáng cho các lực lượng vũ trang để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo, thông tin, liên lạc, xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường biển, ven biển; đầu tư trang bị phương tiện, cơ sở vật chất và củng cố đơn vị tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đối phó kịp thời các sự cố xảy ra trên biển và ven biển.
4. Quy hoạch các khu tránh, trú bão, chủ động bố trí lại dân cư phòng tránh thiên tai ở vùng ven biển. Không để xảy ra tình trạng tự phát trong xây dựng và tổ chức sản xuất làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Có chính sách hỗ trợ nhân dân vùng biển và ven biển kiên cố hóa nhà ở nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Có cơ chế chính sách đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực liên quan đến biển, cửa biển, ven biển; đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; đảm bảo bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, “khu dự trữ sinh quyển thế giới”; xây dựng hệ thống đê, kè các khu vực thấp, có nguy cơ sạt lở.
5. Tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các công trình, dự án đã được phê duyệt. Tất cả các cơ sở vật chất phục vụ quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội và dân dụng đều phải đảm bảo tính vững chắc, chịu đựng được những sự cố thiên tai, bão, lũ.
6. Tăng cường chỉ đạo, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện có hiệu quả công tác dự báo, phòng, tránh thiên tai, bão, lụt; xử lý kịp thời các sự cố môi trường, bảo đảm an toàn cuộc sống cho nhân dân vùng biển và ven biển.
7. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong công tác quốc phòng, an ninh; điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, bảo vệ môi trường biển và ven biển; về khoa học công nghệ biển; về phòng, chống và cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn theo Kế hoạch này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các sở, các cơ quan ngang sở, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè có trách nhiệm rà soát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến biển, ven biển. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm về thành công cũng như những mặt còn hạn chế, thiếu sót.
2. Trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè trực tiếp chỉ đạo xây dựng chương trình hành động cụ thể của ngành, địa phương mình; đồng thời phối hợp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm vào giữa quý IV báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố. (Đính kèm 47 Chương trình, công trình thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố).
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm điều phối, bảo đảm việc triển khai thực hiện thống nhất kế hoạch thực hiện này, định kỳ vào cuối quý IV tổng hợp báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong quá trình tổ chức triển khai, nếu cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các sở - ngành, các địa phương chủ động báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định./.
ĐỀ MỤC
NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH, CÔNG TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ (KHÓA VIII) VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 09-NQ/TW KHÓA X VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28 /2008/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)
TT | CƠ QUAN CHỦ TRÌ | CƠ QUAN PHỐI HỢP | NỘI DUNG | THỜI GIAN HOÀN THÀNH |
1 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở-ban-ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện Cần Giờ, Nhà Bè. | 1. Xây dựng kế hoạch tổng hợp đầu tư 5 năm, hàng năm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển, ven biển thành phố. | Quý III/2008 |
2. Lập chương trình, mục tiêu hợp tác quốc tế về biển. | Quý III/2008 | |||
2 | Sở Quy hoạch - Kiến trúc | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 3. Quy hoạch các khu tránh, trú bão cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển. | Quý III/2008 |
4. Lập đề án di dời xã đảo Thạnh An và những vùng có nguy cơ sạt lở. | Quý II/2008 | |||
3 | Viện Kinh tế thành phố | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 5. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo, ven biển, các khu công nghiệp, dịch vụ, vành đai kinh tế, hành lang kinh tế. | Quý II/2008 |
6. Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển. | Quý II/2008 | |||
4 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 7. Đánh giá thực trạng tài nguyên, môi trường vùng biển, ven biển thành phố Hồ Chí Minh. | Quý II/2008 |
8. Lập đề án xây dựng các trung tâm dự báo, thông tin thời tiết, khí hậu, thủy văn. | Quý II/2008 | |||
9. Lập đề án phòng ngừa, đối phó các sự cố gây ô nhiễm biển, ven biển. | Quý II/2008 | |||
5 | Sở Giao thông - Công chánh | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 10. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế hàng hải (cảng tổng hợp, chuyên dùng, các luồng tuyến, đội tàu, dịch vụ cảng, các trạm trung chuyển...). | Quý III/2008 |
11. Lập dự án nâng cấp, cải tạo luồng tuyến sông Soài Rạp - An Nghĩa. | Quý II/2008 | |||
12. Lập đề án xây dựng cảng Thiềng Liềng. | Quý II/2008 | |||
13. Lập dự án cầu, đường giao thông kết nối nhóm cảng số 5, quốc lộ 51 và các đường vành đai. | Quý III/2008 | |||
6 | Sở Xây dựng | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 14. Lập đề án, thiết kế mẫu kiên cố hóa nhà ở, công trình dân dụng, công trình công cộng, các cơ sở hạ tầng có khả năng chịu đựng thiên tai ở vùng biển, ven biển. | Quý II/2008 |
7 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 15. Lập đề án bảo tồn, nâng cấp và phát triển rừng ngập mặn ven biển. | Quý II/2008 |
16. Rà soát, lập đề án xây dựng hệ thống đê, kè chống sạt lở, xói mòn vùng biển, ven biển. | Quý II/2008 | |||
17. Quy hoạch và phát triển chương trình nuôi trồng thủy sản ven biển, trên sông, biển. | Quý II/2008 | |||
18. Tổng kết rút kinh nghiệm và xây dựng chương trình phát triển khai thác hải sản thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. | Quý II/2008 | |||
19. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và quy trình sản xuất muối. | Quý II/2008 | |||
20. Quy hoạch các khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá. | Quý II/2008 | |||
21. Lập đề án bảo tồn, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng biển ven biển. | Quý II/2008 | |||
8 | Sở Khoa học và Công nghệ | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 22. Lập đề án triển khai nghiên cứu và tổ chức ứng dụng các đề tài, tiến bộ kỹ thuật liên quan phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển. | Quý III/2008 |
9 | Sở Du lịch | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 23. Lập đề án phát triển du lịch sinh thái; du lịch, biển, đảo, khu giải trí liên hợp. | Quý III/2008 |
10 | Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 24. Lập dự án khả thi và triển khai thí điểm dự án lấn biển Cần Giờ. | Quý II/2008 |
11 | Sở Nội vụ | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 25. Lập đề án phát triển nguồn cán bộ, chuyên gia về quản lý, khai thác biển, ven biển. | Quý III/2008 |
26. Xác lập địa giới hành chính vùng biển, ven biển giáp ranh giữa thành phố và tỉnh Đồng Nai. | Quý II/2008 | |||
12 | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 27. Nghiên cứu và lập kế hoạch nhu cầu lao động khai thác biển. | Quý III/2008 |
28. Xây dựng đề án tổ chức dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển. | Quý III/2008 | |||
13 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 29. Xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực quản lý, khai thác biển; các chế độ chính sách đảm bảo cho cán bộ, giáo viên công tác trên các đảo và vùng ven biển. | Quý II/2008 |
14 | Sở Văn hóa và Thông tin | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 30. Lập đề án tuyên truyền các Nghị quyết, Chương trình của Trung ương, thành phố về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. | Quý II/2008 |
31. Xây dựng đề án nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ thành Lễ hội Văn hóa - Du lịch quy mô cấp thành phố. | Quý II/2008 | |||
15 | Sở Tư pháp | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 32. Xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến các thông tin về Luật biển, Luật Biên giới quốc gia, các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên. | Quý II/2008 |
16 | Sở Bưu chính, Viễn thông | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 33. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng mạng lưới thông tin trên biển, đảo, ven biển. | Quý II/2008 |
17 | Sở Công nghiệp | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 34. Nghiên cứu ứng dụng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thủy triều... | Quý IV/2008 |
18 | Sở Thương mại | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 35. Xây dựng đề án phòng, chống buôn lậu trên sông, biển, cửa biển. | Quý II/2008 |
36. Phát triển dịch vụ logictics và các chợ, trung tâm thương mại vùng biển. | Quý II/2008 | |||
19 | Sở Tài chính | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 37. Xác định tổng vốn và nguồn vốn thực hiện các chương trình, công trình phục vụ chiến lược biển thành phố. | Quý II/2008 |
20 | Sở Y tế | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 38. Lập đề án phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ sở an dưỡng và các chế độ chính sách cho cán bộ y tế phục vụ trên biển, đảo, ven biển. | Quý II/2008 |
39. Nghiên cứu các chuyên đề y học về biển. | Quý IV/2008 | |||
21 | Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 40. Lập đề án phát triển các dịch vụ, hậu cần phục vụ nuôi trồng, đánh bắt, tiêu thụ thủy hải sản. | Quý II/2008 |
22 | Bộ đội Biên phòng thành phố | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 41. Triển khai lực lượng biên phòng toàn dân, kết hợp quốc phòng - kinh tế biển. | Quý II/2008 |
23 | Công an thành phố | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 42. Lập đề án bảo đảm trật tự, trị an cho các thành phần kinh tế sinh sống và hoạt động trên biển, ven biển. | Quý II/2008 |
24 | Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 43. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc vùng biển, đảo, ven biển. | Quý II/2008 |
44. Lập đề án xây dựng khu vực dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vùng biển, ven biển. | Quý II/2008 | |||
25 | Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố. | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 45. Lập đề án xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng ứng phó, khắc phục các sự cố xảy ra trên biển, đảo, ven biển. | Quý II/2008 |
26 | Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 46. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết và triển khai thực hiện khu đô thị - cảng - công nghiệp Hiệp Phước hiện đại. | Quý II/2008 |
27 | Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ | Các sở-ban-ngành liên quan và các địa phương | 47. Lập đề án phát triển toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực ở vùng biển, cửa biển, ven biển trên địa bàn huyện Cần Giờ. | Quý II/2008 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.