ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 279/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 22 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CHẾ BIẾN, TIÊU THỤ CÁC SẢN PHẨM GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2013-2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ;
Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ văn bản số 481/TTg-KTN ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án quản lý sử dụng và phát triển bền vững rừng thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng;
Căn cứ Quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 03/3/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2020, với những nội dung chủ yếu như sau:
I. Phạm vi thực hiện: Triển khai thực hiện phát triển chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại các địa phương theo qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
II. Mục đích, yêu cầu:
1. Huy động các nguồn lực và tổ chức lại sản xuất ngành lâm nghiệp để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án phát triển chế biến gỗ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 03/3/2009 và Đề án quản lý, sử dụng và phát triển bền vững rừng sản xuất thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020; trên cơ sở đó triển khai thực hiện kế hoạch phát triển chế biến, tiêu thụ các sản phẩm gỗ và trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của từng giai đoạn, đáp ứng xu thế phát triển ngành lâm nghiệp từ nay đến năm 2020, đảm bảo phù hợp, sát với qui hoạch, kế hoạch phát triển của ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Phát triển ổn định nguồn nguyên liệu từ rừng trồng, rừng tự nhiên phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ; nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị của sản phẩm gỗ qua chế biến tinh hàng năm; trong đó:
a) Giai đoạn 2013-2015, tỷ lệ chế biến tinh đạt từ 75% trở lên, tăng trưởng giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến đạt bình quân trên 25%/năm.
b) Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ chế biến tinh đạt từ 85% trở lên, tăng trưởng giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến đạt bình quân 25-30%/năm.
III. Nội dung thực hiện:
1. Phát triển ngành chế biến gỗ theo qui hoạch:
a) Tập trung thu hút các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định đầu tư nhà máy sản xuất chế biến gỗ qui mô lớn, công nghệ hiện đại theo qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trong tỉnh; trong đó đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp sau:
- Khu công nghiệp Phú Hội: Thu hút đầu tư từ 5-6 nhà máy sản xuất chế biến gỗ thông, khoảng 100.000 m3 gỗ tròn/năm (trong đó gỗ thông tự nhiên chiếm 80%) để sản xuất các sản phẩm hàng mộc nội thất, ngoại thất; ván ghép thanh phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Khu Công nghiệp Lộc Sơn: Thu hút đầu tư từ 1-2 nhà máy sản xuất chế biến gỗ với công suất từ 40.000-50.000 m3 gỗ/năm, tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng; nguyên liệu chủ yếu là gỗ thông (rừng trồng, rừng tự nhiên), gỗ keo các loại, gỗ tạp lá rộng để sản xuất các sản phẩm hàng mộc, ván ghép phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Cụm công nghiệp Hà Lâm, huyện Đạ Huoai: Thu hút đầu tư 01 nhà máy sản xuất ván nhân tạo (ván MDF) kết hợp sản xuất các sản phẩm hàng mộc, ván ghép với công suất khoảng 60.000 m3 thành phẩm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Nguyên liệu phục vụ chế biến là gỗ rừng trồng (các loại keo) và gỗ tạp lá rộng để sản xuất các sản phẩm ván MDF, các sản phẩm hàng mộc nội thất, ngoại thất phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Cụm công nghiệp Đạ R’sal, huyện Đam Rông: Thu hút đầu tư 01 nhà máy sản xuất chế biến gỗ với công suất từ 20.000-30.000 m3 gỗ/năm, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng; nguyên liệu chủ yếu là gỗ thông (rừng trồng, rừng tự nhiên), gỗ keo các loại, gỗ tạp lá rộng để sản xuất các sản phẩm hàng mộc, ván ghép, ván bóc, băm dăm, ván ôkan phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
b) Rà soát các cơ sở chế biến gỗ nhỏ đang hoạt động nằm trong mạng lưới qui hoạch chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, khuyến khích đổi mới công nghệ. Nguyên liệu phục vụ chế biến từ nguồn gỗ tận thu, tận dụng, gỗ thu qua xử lý vi phạm qua đấu thầu, đấu giá. Sau khi quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở chế biến gỗ nằm ngoài quy hoạch phải chấm dứt hoạt động hoặc di chuyển vào khu qui hoạch. Không cho phép mở mới cơ sở chế biến gỗ có qui mô nhỏ.
c) Củng cố, đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến gỗ của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ nằm trong mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
2. Về nguồn nguyên liệu:
a) Giai đoạn 2013-2015, khai thác 557.900 m3 gỗ; bình quân 186.000 m3/năm; gồm:
- Khai thác gỗ thông tự nhiên (theo đề án quản lý, sử dụng và phát triển bền vững rừng sản xuất thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020): 407.900 m3; bình quân 136.000 m3/năm.
- Khai thác và tỉa thưa rừng trồng, khai thác tận thu, tận dụng: 150.000 m3; bình quân 50.000 m3/năm.
b) Giai đoạn 2016-2020, khai thác 1.465.000 m3 gỗ; bình quân 293.000 m3/năm; gồm:
- Khai thác gỗ thông tự nhiên (theo đề án quản lý, sử dụng và phát triển bền vững rừng sản xuất thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020): 765.000 m3; bình quân 153.000 m3/năm;
- Khai thác và tỉa thưa rừng trồng, khai thác tận thu, tận dụng: 700.000 m3; bình quân 140.000 m3/năm.
3. Dự kiến sản phẩm và giá trị sản xuất chế biến gỗ:
a) Giai đoạn 2013-2015: Tổng khối lượng gỗ tròn đưa vào chế biến 557.900 m3 (bình quân 186.000 m3/năm); tỷ lệ chế biến tinh chiếm trên 75%, giá trị sản phẩm qua chế biến 3.536 tỷ đồng.
b) Giai đoạn 2016-2020: Tổng khối lượng gỗ tròn đưa vào chế biến 1.465.000 m3 (bình quân 293.000 m3/năm); tỷ lệ chế biến tinh chiếm trên 85%, giá trị sản phẩm qua chế biến 8.100 tỷ đồng.
4. Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu:
Huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư trồng rừng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến gỗ mang tính ổn định lâu dài, phấn đấu đến năm 2015 tổng diện tích rừng trồng đạt 84.000 ha và năm 2020 đạt 100.000 ha; trong đó:
a) Giai đoạn 2013-2015: Trồng rừng 26.470 ha, gồm:
- Trồng rừng trên diện tích đất trống: 2.184 ha;
- Trồng rừng trên diện tích khai thác trắng rừng trồng: 3.976 ha;
- Trồng rừng trên diện tích cải tạo rừng nghèo kiệt: 17.892 ha;
- Trồng rừng trên diện tích khai thác rừng thông tự nhiên: 2.418 ha.
b) Giai đoạn 2016-2020: Trồng rừng 23.929 ha, gồm:
- Trồng rừng trên điện tích đất trống: 1.872 ha;
- Trồng rừng trên diện tích khai thác trắng rừng trồng: 7.455 ha;
- Trồng rừng trên diện tích cải tạo rừng nghèo kiệt: 10.300 ha;
- Trồng rừng trên diện tích khai thác rừng thông tự nhiên: 4.302 ha.
IV. Lộ trình, tiến độ thực hiện:
1. Xây dựng hoàn chỉnh qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh xong trước Quí II/2013. Đình chỉ hoạt động và yêu cầu di chuyển khỏi khu vực trước ngày 30/6/2013 đối với các cơ sở chế biến gỗ không nằm trong qui hoạch.
2. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp (trong đó có Khu công nghiệp Phú Hội và Lộc Sơn; các Cụm công nghiệp Hà Lâm, huyện Đạ Huoai và Đạ R’sal, huyện Đam Rông):
- Từ năm 2013-2015, chuẩn bị mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu, tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ của các doanh nghiệp;
- Chậm nhất đến hết năm 2015, cơ bản hoàn thành việc thu hút các dự án lớn đầu tư chế biến gỗ chuyên sâu và khép kín gắn với vùng nguyên liệu tại từng khu, cụm công nghiệp này và đi vào hoạt động theo kế hoạch.
3. Củng cố tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến gỗ của các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) lâm nghiệp:
- Rà soát, hoàn chỉnh xây dựng phương án củng cố và ổn định hoạt động chế biến gỗ tại đơn vị trước Quí II/2013;
- Chậm nhất đến năm 2015 phải tự đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp, tổ chức lại sản xuất hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (có đủ tiềm lực, có thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định) đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất chế biến tinh, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
- Chậm nhất đến năm 2016, hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và tiến tới cấp chứng chỉ rừng (đối với Công ty có đủ điều kiện);
- Hàng năm, cùng với các Ban Quản lý rừng tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững rừng sản xuất thông 3 lá đã được phê duyệt. Tạo vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ sản xuất chế biến lâu dài tại đơn vị và cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ qui mô lớn trên địa bàn tỉnh.
4. Hàng năm, ưu tiên bán gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp đầu tư tinh chế gỗ qui mô lớn, công nghệ hiện đại chuyên sâu và khép kín nằm trong mạng lưới qui hoạch chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ các tiêu chí theo qui định của UBND tỉnh; trong đó đặc biệt ưu tiên bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ tại các Khu công nghiệp Phú Hội, Lộc Sơn; Cụm công nghiệp Hà Lâm, huyện Đạ Huoai và Đạ R’sal, huyện Đam Rông trong thời hạn 5 năm (2013-2017), nhằm ổn định phát triển sản xuất.
5. Đầu tư trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu:
- Các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến gỗ tinh qui mô lớn, công nghệ hiện đại theo qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trong tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh chế gỗ tại các khu, cụm công nghiệp được thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng (theo tiến độ hàng năm) đảm bảo có khoảng 50% nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất lâu dài (ngân sách Nhà nước đầu tư trồng rừng đối với những vùng không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng).
- Nghiên cứu, cải tạo giống (lựa chọn giống tốt, quản lý vật liệu giống, quản lý nguồn giống; lai ghép, nuôi cấy mô) đáp ứng đủ nguồn giống tốt, phục vụ công tác trồng rừng hàng năm (bắt đầu từ năm 2013) của các doanh nghiệp và các Ban Quản lý rừng.
6. Khuyến khích lồng ghép, hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để đào tạo nghề tại chỗ.
V. Nhu cầu vốn đầu tư:
1. Tổng nguồn vốn đầu tư: 3.405,6 tỷ đồng, gồm:
- Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu: 1.730 tỷ đồng;
- Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: 100 tỷ đồng;
- Đầu tư nhà xưởng máy móc thiết bị: 1.550 tỷ đồng;
- Hỗ trợ di chuyển nhà xưởng, máy móc thiết bị: 10 tỷ đồng;
- Đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp: 15 tỷ đồng;
- Quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ: 0,6 tỷ đồng.
2. Phân theo các nguồn vốn:
- Ngân sách nhà nước: 372,6 tỷ đồng; trong đó:
+ Ngân sách Trung ương: 263 tỷ đồng (đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp);
+ Ngân sách tỉnh: 109,6 triệu đồng (đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp).
- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp: 1.253 tỷ đồng;
- Vốn tín dụng: 1.560 tỷ đồng;
- Vốn ODA: 220 tỷ đồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan:
a) Xây dựng hoàn chỉnh qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
b) Hướng dẫn các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến gỗ thực hiện sản xuất kinh doanh theo qui định; thẩm định năng lực hoạt động chế biến gỗ của các doanh nghiệp nằm trong qui hoạch mạng lưới chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
c) Tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện qui hoạch, kế hoạch chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, định kỳ (6 tháng và 01 năm) báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những nội dung có liên quan.
2. Sở Công thương chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định về trình độ công nghệ của các nhà máy chế biến gỗ đầu tư trong các khu công nghiệp nhằm bảo đảm yêu cầu kế hoạch.
3. Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đức Trọng và các đơn vị có liên quan, xây dựng lộ trình tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp Phú Hội theo tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp.
4. Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch phối hợp với các sở, ngành thuộc tỉnh giới thiệu nội dung thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến gỗ với doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh để tìm hiểu, quyết định đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
5. Các sở, ngành liên quan căn cứ các chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nội dung kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
6. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:
a) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương và thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu, nội dung kế hoạch.
b) Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước hoặc không phù hợp với quy hoạch.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp; Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Giám đốc các Công ty Lâm nghiệp; Trưởng các Ban Quản lý rừng; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.