ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2775/QĐ-UBND | Ngày 28 tháng 09 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 HUYỆN CẨM MỸ, TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 03/01/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quy định quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi; Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 10/01/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quy định về điều kiện giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Căn cứ Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 03/3/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt đề cương - dự toán quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai;
Xét đề nghị của UBND huyện Cẩm Mỹ tại Tờ trình số 1213/TTr-UBND ngày 10/9/2009, đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số 1885/SNN&PTNT ngày 14/9/2009 về việc phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt báo cáo quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển ngành chăn nuôi:
- Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp.
- Phát triển chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường và cải tạo môi trường đất trồng trọt. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi với các giải pháp xử lý chất thải bằng các công nghệ phù hợp nhằm giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi và môi trường sống. Chất thải chăn nuôi được xử lý cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp và nông thôn.
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng trang trại và nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện chuyển nhanh chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ thành các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn. Từng bước di dời các trang trại chăn nuôi ở các khu vực cấm nuôi sang các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cơ sở sản xuất phân vi sinh hữu cơ sử dụng nguyên liệu từ chất thải chăn nuôi, sử dụng năng lượng sinh học.
- Phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, nguồn lực, kết quả và kinh nghiệm nuôi của từng trang trại, nhu cầu thực tế của thị trường; khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trong đó chăn nuôi trang trại là xu hướng chủ đạo, đặc biệt chú trọng phát triển 02 loại vật nuôi có lợi thế nhất trên địa bàn huyện là heo, gà; tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sản xuất lâu dài và ổn định.
- Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, sản xuất thức ăn, thuốc thú y, sản xuất phân bón từ nguồn chất thải chăn nuôi, tăng cường hệ thống quản lý Nhà nước và hệ thống giám sát sản phẩm chăn nuôi và thú y để các văn bản pháp luật và chính sách được thực thi một cách hiệu lực và hiệu quả cao.
2. Mục tiêu và phương hướng phát triển
a) Mục tiêu phát triển:
- Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 22 - 25% trong ngành nông nghiệp vào năm 2010, 32 - 35% vào năm 2015, 42 - 45% vào năm 2020.
- Chú trọng phát triển các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, đưa tỷ lệ đàn heo chăn nuôi trang trại từ 56% như hiện nay lên 65 - 70% năm 2010 và hầu hết được chăn nuôi trang trại vào cuối giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ đàn gia cầm nuôi trang trại tăng tương ứng từ 41,4% hiện nay lên 50 - 55% năm 2010, khoảng 80 - 85% vào năm 2015 và hầu hết được chăn nuôi trang trại vào cuối giai đoạn 2016 - 2020.
b) Phương hướng phát triển:
Chọn phương án II để thực hiện, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cẩm Mỹ, quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Quy mô phát triển ngành chăn nuôi:
Quy mô phát triển đàn heo và đàn gà đến năm 2020 như sau:
+ Đàn heo: Tăng từ 95.639 con năm 2008 lên 114.780 con năm 2010, lên 196.960 con năm 2015 và 288.270 con năm 2020.
+ Đàn gà: Tăng từ 240.199 con năm 2008, lên khoảng 298.140 năm 2010, lên 533.780 con năm 2015 và 825.810 con năm 2020.
4. Quy hoạch các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi:
Tổng diện tích vùng KKPTCN trên địa bàn toàn huyện là: 7.384,0 ha.
Trong đó:
- Diện tích vùng KKPTCN giai đoạn I là: 3.414,0 ha.
- Diện tích vùng KKPTCN giai đoạn II là: 3.970,0 ha.
Cụ thể:
+ Vùng KKPTCN giai đoạn I sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi. Các vùng KKPTCN giai đoạn I sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, điện).
+ Vùng KKPTCN giai đoạn II sẽ được tiếp tục bố trí chăn nuôi chỉ khi diện tích các vùng KKPTCN giai đoạn I đã lấp đầy. Riêng các trang trại hiện có trong vùng này vẫn tiếp tục được phép chăn nuôi.
4.1. Bố trí các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi giai đoạn I:
Tổng số vùng KKPTCN giai đoạn I là 21 vùng, cụ thể như sau:
a) Xã Xuân Đông: Diện tích 882 ha; gồm 03 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Láng Me 2: Diện tích 456 ha. Đầu tư nâng cấp 4,2 km đường trục Xuân Đông - Xuân Tâm vào vùng quy hoạch, 6,8 km đường nhánh; đầu tư 6,8 km đường hạ thế, 3,2 km đường trung thế, trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Cọ Dầu 2: Diện tích 233 ha. Đầu tư nâng cấp 2,9 km đường trục vào vùng quy hoạch, làm mới 2,8 km đường nhánh; đầu tư 3,8 km đường hạ thế, 2,4 km đường trung thế, trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Suối Lức: Diện tích 193 ha. Đầu tư nâng cấp 2,7 km đường trục nối từ Tỉnh lộ 724 ra đường Xuân Đông - Xuân Tây và làm mới 4,8 km đường lô; đầu tư 4,8 km hạ thế, 1,2 km trung thế, trạm biến áp.
b) Xã Xuân Tây: Diện tích 958 ha; gồm 5 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 5 (02 vùng: 5A và 5B): Diện tích 412 ha. Đầu tư: 8,2 km đường lô, 4,4 km trung thế, 8,2 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 4 + ấp 6 + ấp 7: Diện tích 260 ha. Đầu tư: 6,2 km đường nhánh, 2,5 km trung thế, 6,2 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 8: Diện tích 91 ha. Đầu tư nâng cấp 1,2 km đường đất, làm mới 2,2 km đường nhánh; đầu tư 0,5 km trung thế, 2,4 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 10: Diện tích 65 ha. Đầu tư nâng cấp tuyến đường trục từ đường Xuân Định - Lâm San và Tỉnh lộ 764 đi vào vùng KKPTCN, các tuyến đường lô nội vùng. Đầu tư 1,3 km trung thế, 1,0 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 12: Diện tích 130 ha. Đầu tư nâng cấp 1,2 km đường trục, các tuyến đường lô dài khoảng 3,2 km; đầu tư 1,5 km đường trung thế, 2,4 km đường hạ thế và trạm biến áp.
c) Xã Sông Ray: Diện tích 636 ha, gồm 01 vùng: Đầu tư trại giống ông bà.
Đầu tư nâng cấp tuyến đường ấp 72 dài 2,2 km, làm mới các đường lô dài 6,4 km; Đầu tư 1,5 km đường điện trung thế, 6,4 km đường điện hạ thế.
d) Xã Lâm San: Diện tích 403 ha; gồm 04 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 1+6: Diện tích 58 ha. Mở tuyến đường nối từ đường trục vào khu quy hoạch ra Tỉnh lộ 765 dài 2,2 km; làm mới các tuyến đường lô nối từ tuyến đường trục vào vùng quy hoạch, tổng chiều dài khoảng 02 km.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 6: Diện tích 25 ha. Đầu tư làm mới các tuyến đường lô nối từ đường trục vào vùng quy hoạch.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 3: Diện tích 215 ha. Đầu tư: 2,1 km đường trục, 3,2 km đường nhánh, 2,1 km trung thế, 3,2 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 5: Diện tích 105 ha. Đầu tư làm mới các tuyến đường lô khoảng 2,8 km; đầu tư 1,5 km trung thế, 2,8 km hạ thế và trạm biến áp.
e) Xã Bảo Bình: Diện tích 138 ha; gồm 01 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Tân Hòa: Diện tích 138 ha. Đầu tư nâng cấp tuyến đường từ trụ sở ấp vào vùng quy hoạch khoảng 1,5 km, đầu tư làm mới các tuyến đường lô dài khoảng 3,6 km. Đầu tư 1,5 km trung thế, 3,6 km hạ thế và trạm biến áp.
f) Xã Xuân Bảo: Diện tích 36 ha; gồm 01 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I tại ấp Tân Mỹ và Nam Hà: Diện tích 36 ha. Đầu tư nâng cấp tuyến đường trục dài khoảng 1,7 km, làm mới các tuyến đường lô dài 1,8 km. Đầu tư 1,0 km trung thế, 1,8 km hạ thế dọc theo các tuyến đường lô, đầu tư trạm biến áp.
g) Xã Sông Nhạn: Diện tích 152 ha; gồm 03 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I khu 61 - ấp 61: Diện tích 69 ha. Đầu tư 1,4 km đường lô từ đường trục vào khu quy hoạch. Đầu tư 1,4 km trung thế, 0,8 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I khu 2 - ấp 4: Diện tích 59 ha. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường đất dài 1,6 km, làm mới 1,0 km đường lô nối đường trục vào khu quy hoạch. Đầu tư 1,0 km trung thế, 1,5 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I khu 4 - ấp 4: Diện tích 24 ha. Đầu tư nâng cấp 0,8 km đường trục và làm mới 1,5 km đường lô. Đầu tư 0,8 km trung thế, 1,5 km hạ thế dọc đường lô, đầu tư trạm biến áp.
h) Xã Xuân Đường: Diện tích 76 ha; gồm 02 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I khu vực rau nông trường ấp 1: Diện tích 33 ha. Đầu tư nâng cấp 02 tuyến đường lô từ Hương lộ 10 và đường Nhân Nghĩa - Xuân Đường vào khu quy hoạch, dài khoảng 1,7 km, đầu tư các tuyến đường lô với tổng chiều dài 1,1 km. Đầu tư 1,1 km trung thế, 1,5 km hạ thế và trạm biến áp.
- Vùng KKPTCN giai đoạn I khu Bưng B - ấp 2: Diện tích 43 ha. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường lô cao su từ đường vào khu công nghệ sinh học vào vùng quy hoạch dài 1,4 km, đầu tư các tuyến đường nhánh dài 0,8 km. Đầu tư 1,2 km trung thế, 1,0 km hạ thế và trạm biến áp.
i) Xã Xuân Quế: Diện tích 133 ha; gồm 01 vùng:
- Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Suối Râm - ấp 57: Diện tích 133 ha. Đầu tư làm mới các tuyến đường lô khoảng 3,3 km.
Quy hoạch các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ giai đoạn I.
STT | Các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi (KKPTCN) | Địa điểm (xã) | Diện tích (ha) |
1 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Láng Me 2 | Xuân Đông | 456 |
2 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Cọ Dầu 2 | Xuân Đông | 233 |
3 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Suối Lức | Xuân Đông | 193 |
4 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 5 | Xuân Tây | 412 |
5 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 4 + 6 + 7 | Xuân Tây | 260 |
6 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 8 | Xuân Tây | 91 |
7 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 10 | Xuân Tây | 65 |
8 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 12 | Xuân Tây | 130 |
9 | - Trại giống ông, bà | Sông Ray | 636 |
10 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 1+6 | Lâm San | 58 |
11 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 6 | Lâm San | 25 |
12 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 3 | Lâm San | 215 |
13 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp 5 | Lâm San | 105 |
14 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Tân Hòa | Bảo Bình | 138 |
15 | - Vùng KKPTCN GĐ I ấp Tân Mỹ + ấp Nam Hà | Xuân Bảo | 36 |
16 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I khu 61 - ấp 61 | Sông Nhạn | 69 |
17 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I khu 2 - ấp 4 | Sông Nhạn | 59 |
18 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I khu 4 - ấp 4 | Sông Nhạn | 24 |
19 | - Vùng KKPTCN GĐ I khu vực rau nông trường ấp 1 | Xuân Đường | 33 |
20 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I khu Bưng B - ấp 2 | Xuân Đường | 43 |
21 | - Vùng KKPTCN giai đoạn I ấp Suối Râm - ấp 57 | Xuân Quế | 133 |
| Tổng cộng |
| 3414 |
4.2. Quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi giai đoạn II:
Diện tích vùng KKPTCN giai đoạn II toàn huyện là: 3.970,0 ha, tập trung ở các xã: Xuân Đông (965 ha), Xuân Quế (755 ha), Bảo Bình (754 ha), Xuân Tây (747 ha), Xuân Mỹ (252 ha), Sông Ray (221 ha), Xuân Đường (102 ha), Sông Nhạn (97 ha), Lâm San (77 ha).
5. Quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung:
Quy hoạch 05 cơ sở giết mổ tập trung, phân bố trên địa bàn các xã: Sông Nhạn, Xuân Mỹ, Xuân Bảo, Xuân Đông, Xuân Tây với quy mô mỗi cơ sở giết mổ là 01 ha. Vị trí mỗi điểm được thể hiện trên bản đồ quy hoạch.
6. Tiến độ phát triển chăn nuôi, xây dựng các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi giai đoạn I và cơ sở giết mổ tập trung:
- Phân kỳ phát triển: Phân kỳ theo các kế hoạch trung hạn, bao gồm 03 giai đoạn: Giai đoạn 2009 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020.
a) Các trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2010:
+ Ổn định sản xuất, tổ chức di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi cấm nuôi sang các vùng KKPTCN giai đoạn I một cách thuận lợi. Xây dựng các hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, nâng quy mô sản xuất, sản xuất thức ăn, tiêu thụ sản phẩm.
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng đến các vùng KKPTCN giai đoạn I và trong các vùng KKPTCN giai đoạn I ở khu vực trọng điểm di dời và phát triển.
+ Triển khai các dự án ưu tiên đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng vùng KKPTCN giai đoạn I ở địa bàn trọng điểm.
+ Triển khai các mô hình chăn nuôi tiên tiến, các mô hình xử lý chất thải, chăn nuôi kết hợp trồng trọt và nuôi cá.
+ Tăng cường quản lý dịch bệnh, kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt với các nguồn hàng qua huyện và các cơ sở chăn nuôi nhỏ.
b) Giai đoạn sau 2010:
+ Đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa phát triển chăn nuôi đạt trình độ khu vực, tăng sức cạnh tranh để có thể vươn ra thị trường xuất khẩu.
+ Đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ và giết mổ gia súc. Trong mỗi khu chăn nuôi tập trung đều có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã.
+ Kiểm soát chặt chẽ giết mổ, khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển chăn nuôi với trồng trọt, đặc biệt là trong sử dụng các phụ phẩm chăn nuôi cho phát triển trồng trọt bền vững.
+ Đảm bảo xử lý môi trường theo Luật Môi trường. Đẩy mạnh bảo vệ và tôn tạo cảnh quan ở các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi.
+ Nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu chăn nuôi tập trung.
+ Đưa Internet vào các khu chăn nuôi tập trung, giúp các trang trại cập nhật nhanh chóng các thông tin về tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, mô hình xây dựng chuồng trại, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về thức ăn, con giống, các thông tin về thị trường tiêu thụ
7. Vốn đầu tư: Vốn đầu tư cụ thể cho từng khu chăn nuôi tập trung, từng dự án sẽ được tính toán cụ thể khi tiến hành xây dựng dự án.
8. Hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường:
a) Hiệu quả kinh tế:
Ước tính hiệu quả kinh tế chăn nuôi các loại vật nuôi chính giai đoạn từ năm 2009 - 2020 huyện Cẩm Mỹ như sau:
Ước tính hiệu quả kinh tế chăn nuôi các loại vật nuôi chính giai đoạn từ 2009 - 2020 huyện Cẩm Mỹ
Hạng mục | ĐVT | Năm 2008 | Năm 2010 | Năm 2015 | Năm 2020 |
1. Quy mô đàn |
|
|
|
|
|
- Heo thịt | Con | 95.639 | 114.780 | 196.960 | 288.270 |
- Gia cầm thịt | Con | 251.767 | 321.991 | 565.807 | 875.359 |
2. Sản lượng thịt hơi |
| 15.659 | 18.520 | 37.714 | 55.737 |
- Thịt heo | Tấn | 13.824 | 16.356 | 33.680 | 49.294 |
- Thịt gia cầm | Tấn | 1.835 | 2.164 | 4.034 | 6.443 |
3. Trứng gia cầm | Triệu quả | 1,5 | 2,3 | 5,3 | 11,1 |
4. Giá trị sản xuất chăn nuôi |
| 423.812 | 576.093 | 1.177.144 | 1.739.453 |
- Thịt heo | Triệu đ | 387.072 | 523.397 | 1.077.765 | 1.577.413 |
- Thịt gia cầm | Triệu đ | 34.865 | 49.767 | 92.787 | 148.181 |
- Trứng gia cầm | Triệu đ | 1.875 | 2.930 | 6.592 | 13.859 |
5. Tốc độ tăng bình quân | %/năm |
| 16,6 | 15,4 | 8,1 |
b) Hiệu quả xã hội:
- Tăng tỷ lệ hộ giàu nhờ phát triển ổn định chăn nuôi trang trại, là ngành sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao. Tạo việc làm do tăng quy mô chăn nuôi nên giảm được hộ nghèo.
- Tính chất sản xuất công nghiệp và ứng dụng các công nghệ nuôi theo hướng công nghệ cao trong chăn nuôi ở các trang trại sẽ đóng góp tích cực vào xúc tiến lộ trình CNH, HĐH phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện.
- Đời sống đảm bảo, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định sẽ giúp ổn định an ninh nông thôn.
- Cung cấp sản phẩm thịt trứng cho nhu cầu tiêu dùng, cung cấp nguyên liệu cho các ngành chế biến.
c) Hiệu quả môi trường:
- Đưa chăn nuôi trong các khu dân cư ra bên ngoài, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và mỹ quan khu dân cư.
- Khắc phục tình trạng ô nhiễm các khu dân cư, các cơ sở văn hóa, giáo dục y tế, các nguồn nước sinh hoạt.
- Nước rửa chuồng sau khi được xử lý được sử dụng tưới vào mùa khô, phân hữu cơ bón cho cây trồng giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm trồng trọt và tuổi thọ vườn cây lâu năm. Cây cối xanh tốt vào mùa khô sẽ góp phần cải thiện vi khí hậu ở các khu vực CNTT và có ích cho diện rộng.
+ Tăng độ phì nhiêu đất đai, cải thiện độ tơi xốp, tăng hàm lượng hữu cơ cho đất canh tác trên địa bàn huyện và các địa phương khác.
+ Nguồn khí biogas được sử dụng đun nấu, phát điện, là những nguồn năng lượng sạch, giúp hạn chế xả khí thải vào môi trường.
9. Các giải pháp phát triển chăn nuôi, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và khu giết mổ tập trung
a) Giải pháp về thị trường tiêu thụ:
+ Trước mắt, với yêu cầu tăng sức cạnh tranh để đứng vững tại thị trường quốc nội trước sức ép của nguồn thịt ngoại nhập, giảm thiểu biến động xấu về giá cả, tạo sự an toàn cho người nuôi, giải pháp cần đặc biệt quan tâm là hạn chế tình trạng ép giá người nuôi, tránh tình trạng khủng hoảng thừa, ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi, vận động chủ trang trại nâng cấp công nghệ nuôi để phối hợp với các cơ sở giết mổ, các nhà máy chế biến tiêu thụ ổn định sản phẩm.
+ Bên cạnh tiếp tục khai thác thị trường đã có, sẽ tăng cường liên kết với các cơ sở giết mổ lớn ở trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh để tạo thị trường ổn định.
+ Về lâu dài (sau năm 2010) cần đặc biệt chú trọng giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, kể cả tìm kiếm thị trường xuất khẩu: Hiệp hội chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm thị trường. Về phía người sản xuất, cần đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm (ví dụ: Trọng lượng từ 80 - 110 kg/con, thịt chắc, dai, đàn hồi tốt màu hồng đỏ tươi, không có tạp chất, không có băng đá, không được phép tái đông ) và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (các chỉ tiêu chất lượng theo đúng tiêu chuẩn TCVN 7046-2002) để đứng vững trên thị trường xuất khẩu khi đã có cơ hội. Về phía các cơ quan quản lý cần từng bước siết chặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, từ khâu giống, thức ăn, đến công nghệ nuôi và phòng trừ dịch hại, kiểm soát chặt chẽ giết mổ.
b) Giải pháp về khoa học công nghệ:
+ Hiện đại hóa sản xuất là yêu cầu và cũng là điều kiện quyết định thành công trong cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trước mắt, tập trung cho công nghệ sản xuất thức ăn (với yêu cầu hạ giá thành, giúp tăng trọng nhanh), kiểm soát dịch bệnh, nhân giống và dịch vụ sử dụng giống tốt, xây dựng chuồng trại đáp ứng yêu cầu của các công nghệ nuôi tiên tiến một cách phù hợp với từng quy mô trang trại, mô hình xử lý chất thải cho từng loại vật nuôi và từng quy mô nuôi.
+ Hiện đại hóa khâu nuôi lợn đực giống, cung cấp con nái chất lượng cao cho các hộ nuôi thương phẩm, kết hợp tổ chức lai tạo tốt để nâng cao tỷ lệ thụ tinh so với hiện nay, giảm số lần thụ tinh và chi phí thụ tinh.
+ Cần ứng dụng nhanh các công nghệ quản lý và giám sát dịch bệnh. Kết hợp giữa phòng trừ dịch bệnh một cách nghiêm ngặt trên địa bàn với kiểm dịch một cách thường xuyên và xử lý thật nghiêm các nguồn lây bệnh từ bên ngoài.
+ Ứng dụng linh hoạt công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng tốt nguồn chất thải từ chăn nuôi (làm khí biogas, sản xuất phân hữu cơ vi sinh). Nhanh chóng loại bỏ các công nghệ nuôi gây ô nhiễm môi trường (phun nước cho gà, làm ao tắm trong khuôn viên chuồng, không xây dựng các công trình xử lý chất thải).
+ Khuyến cáo các công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, theo mô hình chuồng kín, trước mắt với chăn nuôi gà công nghiệp và các trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn, từng bước mở rộng phạm vi trên địa bàn huyện.
c) Giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường:
Tăng cường các biện pháp quản lý để ngăn chặn gia tăng ô nhiễm và từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường, quản lý môi trường theo Luật Môi trường:
- Các cơ sở chăn nuôi phải có cam kết tự xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định của cơ quan chức năng về môi trường. Phải có tường rào ngăn cách trang trại với bên ngoài và chiều cao từ 02m trở lên. Không được xả chất thải, nước thải chưa được xử lý vào môi trường.
- Trước mắt ứng dụng các mô hình xử lý môi trường có hiệu quả và thiết thực như: Mô hình làm biogas, mô hình sử dụng hệ thống bể lắng, xả nước đã được xử lý theo hệ thống tiêu hoặc ra ao chứa
- Về lâu dài, thử nghiệm mô hình xử lý hiện đại khác để ứng dụng rộng rãi các mô hình phù hợp như: Mô hình xử lý toàn bộ chất thải bằng phương pháp biogas kết hợp phát điện, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học bổ sung trong thức ăn chăn nuôi và ủ phân (nước CTAIR-1 và CTAIR-2) nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
- Vận động bỏ các công nghệ nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm cao như phun nước cho gà, làm bể tắm cho heo
- Vị trí xây dựng các trại chăn nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và theo khoản 2 Điều 2 trong Pháp lệnh Thú y, riêng tỷ lệ cây xanh theo tiêu chuẩn TCVN 3772-83 (quy định, tỷ lệ cây xanh khoảng 35 - 40%) và đã được cụ thể hóa trong quy chế vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi.
d) Giải pháp về huy động vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ vốn cho phát triển chăn nuôi:
- Vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và xây dựng các mô hình được lấy từ nguồn ngân sách và các chương trình nghiên cứu thử nghiệm, hỗ trợ các cơ sở chế biến phân hữu cơ vi sinh, kinh phí hoạt động của hiệp hội. Nhà sản xuất tự huy động vốn cho xây dựng chuồng trại, chi phí sản xuất kinh doanh từ các nguồn tự có, huy động từ người thân, vay từ ngân hàng, trợ giúp thân nhân nước ngoài
+ Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng mở chi nhánh trên địa bàn huyện. Khuyến khích hình thành các tổ chức tín dụng nhân dân. Khuyến khích các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc tăng quy mô chăn nuôi gia công trên địa bàn huyện.
+ Lồng ghép với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, Chương trình 134, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trước mắt là chương trình chuyển giao các công nghệ nuôi heo và gà theo hướng an toàn sinh học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tạo điều kiện tốt về thủ tục đăng ký đầu tư và ưu đãi về đất đai.
e) Giải pháp về tổ chức phát triển chăn nuôi và triển khai dự án phát triển chăn nuôi, xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi:
- Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, nhất là ở các địa bàn trọng điểm chăn nuôi như các xã Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray.
- Mở các lớp tập huấn về kiến thức kinh doanh và quản lý trang trại, quản lý hợp tác xã, với các kiến thức về quản lý, về maketing, phương pháp xây dựng thương hiệu, các công nghệ sản xuất và bảo vệ môi trường tiên tiến có thể áp dụng được vào địa bàn huyện
- Cần tăng cường lực lượng cán bộ khuyến nông về chăn nuôi, cán bộ thú y trong mạng lưới khuyến nông và thú y đến tận thôn ấp (với các địa bàn trọng điểm), đảm bảo nâng cao hiệu lực quản lý thú y và hoạt động khuyến nông.
- Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ gia súc để ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, trợ giúp về vốn và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
- Công bố quy hoạch đến từng xã và công khai tại các xã, các đơn vị có liên quan. Lồng ghép tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng trong quy hoạch này với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng chung của huyện.
- Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi. Trưởng ban là Lãnh đạo UBND huyện, Phó ban Thường trực và cơ quan Thường trực là phòng Nông nghiệp và PTNT, ủy viên là Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Công thương, Chủ tịch UBND các xã, Trưởng trạm Khuyến nông, Trưởng trạm Thú y. Đưa các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi, chăn nuôi trang trại, giết mổ tập trung vào kế hoạch trung hạn và hàng năm, lồng ghép phát triển hạ tầng của dự án quy hoạch vào các chương trình phát triển của huyện. Triển khai các dự án xây dựng các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi.
g) Giải pháp về chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và xúc tiến di dời các cơ sở chăn nuôi trong vùng cấm nuôi:
- Các chính sách hiện hữu có liên quan đến phát triển chăn nuôi: Các hộ chăn nuôi tại các vùng KKPTCN giai đoạn I được hưởng chính sách ưu đãi nhất về đất đai và đất xây dựng chuồng trại theo quy định. Được hỗ trợ từ nguồn vay ưu đãi cho xây dựng các công trình xử lý chất thải. Miễn thuế và hỗ trợ tiếp thị cho các cơ sở chế biến phân hữu cơ vi sinh từ nguồn chất thải trong chăn nuôi.
- Nghiên cứu đề xuất có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi trong nước. Hỗ trợ lãi suất vay để sang nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng chuồng trại và hỗ trợ 20 - 30% chi phí xây dựng chuồng trại với các hộ di dời.
- Nghiên cứu đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, vải bạt làm biogas và các vật tư kỹ thuật có liên quan đến phát triển chăn nuôi.
10. Cơ chế quản lý và đầu tư trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi:
Phát triển chăn nuôi gắn với trồng trọt tạo thế phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và nhu cầu xã hội. Vì vậy, các chủ trang trại khi đầu tư phát triển chăn nuôi vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi có quyền và nghĩa vụ sau đây:
+ Nhà nước không thu hồi đất và giao đất cho sản xuất chăn nuôi mà các hộ có quyền chuyển nhượng để đầu tư phát triển trang trại.
+ Khi xây dựng chuồng trại, diện tích xây dựng so với khuôn viên trang trại không vượt quá 25% với trại heo và không vượt quá 40% với trại gà. Diện tích còn lại cần được duy trì cây lâu năm (nếu đã có), hoặc trồng mới, hoặc cải tạo vườn cũ. Trang trại phải có hàng rào theo đúng quy định.
+ Chủ trang trại không phải xin giấy phép xây dựng nhưng phải được thỏa thuận địa điểm chăn nuôi; không chuyển mục đích sử dụng đất nhưng phải khai báo biến động đất đai.
+ Chủ trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải, nước thải, vệ sinh môi trường, đăng ký cam kết đảm bảo môi trường với phòng Tài nguyên và Môi trường.
+ Đất trong khu quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi không bắt buộc phải chuyển sang chăn nuôi, việc đầu tư phát triển chăn nuôi hay không do chủ sử dụng đất quyết định. Nhưng khuyến khích các hộ chuyển sang phát triển chăn nuôi hoặc sang nhượng cho hộ khác phát triển chăn nuôi.
+ Khuyến khích các chủ trang trại chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại theo hướng hiện đại, hợp lý, đặc biệt ủng hộ theo hướng xây dựng chuồng kín.
+ UBND huyện giao việc tổ chức và quản lý phát triển các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi cho UBND các xã, UBND các xã có thể thành lập Ban Quản lý, hợp tác xã chăn nuôi cho các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi hoặc từng khu trên địa bàn xã, tùy theo tình hình thực tế của địa phương và có chủ trang trại tham gia để tự tổ chức quản lý theo đúng quy định của Nhà nước.
+ Quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi sẽ được công bố rộng rãi, công khai tại từng xã trên địa bàn huyện. Trong ranh giới từ đường biên vùng khuyến khích PTCN đến các công trình công cộng, nhà ở, phải tuân thủ theo Quyết định 01/2008/QĐ-UBND (03/01/2008) của UBND tỉnh Đồng Nai (nhằm tránh tình trạng khu chăn nuôi xây dựng trước các hộ đến xây dựng nhà ở sau đó khiếu nại về ô nhiễm môi trường).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Chủ quản đầu tư: UBND huyện Cẩm Mỹ.
2. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ có trách nhiệm:
- Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thông báo rộng rãi quy hoạch theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo các nội dung của báo cáo quy hoạch.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể, phân kỳ đầu tư hàng năm, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả cao nhất quy hoạch đề ra.
- Căn cứ vào nội dung chính của quy hoạch, phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, thành phần kinh tế huy động các nguồn lực để cân đối và triển khai thực hiện đầu tư kinh phí và thời gian phù hợp.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với chức năng nhiệm vụ quản lý ngành được phân công, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Mỹ và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.