BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2743/QĐ-BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU PHỐI DỰ ÁN “PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM, CÚM Ở NGƯỜI VÀ DỰ PHÒNG ĐẠI DỊCH Ở VIỆT NAM”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP , ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Thông tư 04/2007/TT-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Quyết định số 45/2004/QĐ-BNN ngày 30/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 934/QĐ-BNN-TCCB ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT về việc thành lập Ban điều phối Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”;
Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Ban quản lý Chương trình, dự án ODA;
Xét đề nghị của Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp và Giám đốc Dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam tại Công văn số 677/DANN ngày 10/6/2008;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ HTQT,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức hoạt động của Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”.
Điều 2. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu cần có sự điều chỉnh, Ban quản lý các dự án nông nghiệp phải báo cáo Bộ để xin ý kiến đồng ý mới được thực hiện.
Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp và Giám đốc Ban điều phối Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU PHỐI DỰ ÁN “PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM, CÚM Ở NGƯỜI VÀ DỰ PHÒNG ĐẠI DỊCH Ở VIỆT NAM”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2743/QĐ-BNN-HTQT ngày 08/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cơ sở pháp lý
- Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Ban quản lý chương trình, dự án ODA;
- Công văn số 1441/TTg-QHQT ngày 14/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp nhất và phân cấp thực hiện dự án cho các địa phương;
- Các Hiệp định tài trợ dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” được ký giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) ký hiệu Cr.4273-VN, T057747 và TF057848, ký ngày 12/4/2007;
- Quyết định số 329/QĐ-BNN-HTQT ngày 05/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”;
- Quyết định số 2467 QĐ/BNN-DANN ngày 23/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt sổ tay thực hiện dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”;
- Quyết định số 934/QĐ-BNN-TCCB ngày 04/04/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thành lập Ban điều phối dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”;
Điều 2. Thông tin về dự án
- Tên dự án: Dự án phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam.
- Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới (WB)
- Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:
Mục tiêu của dự án là giảm thiểu rủi ro tới sức khoẻ con người do cúm gia cầm gây ra bằng cách khống chế dịch bệnh tại gốc, phát hiện và phản ứng sớm với các ca nhiễm bệnh trên người và chuẩn bị các phương án y tế trong trường hợp đại dịch xảy ra trong giai đoạn 5 năm tới. Dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu chung thông qua tăng cường hiệu quả các dịch vụ thú y và chăm sóc y tế của nhà nước tại 11 tỉnh dự án.
- Thời gian bắt đầu thực hiện dự án: 12/4/2007.
- Thời gian kết thúc: 31/12/2010
- Nguồn vốn đầu tư: 38 triệu USD. Phân theo nguồn vốn:
+ Vốn vay ODA (WB): 35 triệu USD; trong đó:
Vốn vay của IDA (WB): 20 triệu USD
Viện trợ không hoàn lại từ Quỹ ủy thác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người (AHI): 10 triệu USD
Vốn viện trợ không hoàn lại của quỹ PHRD: 5 triệu USD
+ Vốn đối ứng: 3 triệu USD (Do Chính phủ đóng góp trả lương, phụ cấp lương cho cán bộ thuộc biên chế nhà nước tham gia thực hiện dự án và văn phòng trụ sở làm việc của các Ban quản lý dự án từ Trung ương đến địa phương).
- Cơ chế tài chính: Nguồn vốn của dự án được quản lý sử dụng theo ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng vốn ODA. Các khoản vốn trên được ngân sách cấp phát.
Điều 3. Thông tin về Ban Điều phối dự án VAHIP
- Tên gọi: Ban điều phối dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”, sau đây viết là Ban điều phối dự án và viết tắt là Ban ĐPDA.
- Tên giao dịch Quốc tế bằng tiếng Anh: Vietnam Avian and Human Influenza Control and Preparedness Project; viết tắt là: VAHIP.
- Địa chỉ: Tầng 3 tòa nhà 2T, đường Phạm Văn Đồng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Điện thoại: 04.7920057; 04.7920052; 04.7920097
- Fax: 04.7920051
- E-Mail: aierp@fpt.vn
- Tài khoản: Được mở tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban điều phối dự án
4.1. Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ quản dự án. Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp được giao quản lý trực tiếp các hoạt động của dự án thông qua Ban điều phối dự án VAHIP;
4.2. Ban điều phối dự án chịu trách nhiệm điều phối, tổng hợp các báo cáo và những đề xuất đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt của các Ban quản lý dự án tỉnh để xin ý kiến đồng thuận của Ngân hàng thế giới và các nhà tài trợ, trình Bộ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
4.3. Ban điều phối dự án VAHIP hoạt động theo nguyên tắc sau đây:
1. Ban điều phối dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, được sử dụng con dấu của Ban quản lý các dự án nông nghiệp, được mở tài khoản riêng, thực hiện dự án và quản lý tài chính theo quy định của pháp luật;
2. Hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, theo chức năng nhiệm vụ và quy định hiện hành của nhà nước;
3. Hội đồng theo sự quản lý và phân cấp của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ban quản lý các dự án nông nghiệp, theo nội dung của các hiệp định, thỏa ước tài chính đã được ký kết trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế;
4. Phải bảo vệ bí mật quốc gia, đảm bảo quan hệ quốc tế theo quy định;
5. Ban điều phối dự án quản lý theo chế độ thủ trưởng và theo sự phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT;
6. Lương và chi phí hoạt động của Ban điều phối dự án được chi từ ngân sách Nhà nước, cấp theo nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của Việt Nam, trích chi theo hiệp định đã ký và các quy định tài chính hiện hành.
Chương 2.
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA BAN ĐIỀU PHỐI DỰ ÁN TRUNG ƯƠNG
Điều 5. Lập kế hoạch thực hiện dự án
Xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện dự án, kế hoạch giải ngân, kế hoạch chỉ tiêu, kế hoạch đấu thầu mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, công trình và tuyển chọn chuyên gia tư vấn. Thống nhất với Ngân hàng thế giới và trình Bộ phê duyệt để thực hiện.
Xác định nguồn lực sử dụng cho dự án, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng, tiêu chí kết quả cho từng hợp phần dự án.
Điều 6. Quản lý quá trình chuẩn bị thực hiện dự án
Chuẩn bị dự án đầu tư và thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý dự án theo loại hình hành chính sự nghiệp và trên cơ sở Hiệp định đã ký với nhà tài trợ.
Tổ chức triển khai các thủ tục về tài chính với các cơ quan tài chính trong nước và IDA để đảm bảo cấp phát, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam và nhà tài trợ;
Hướng dẫn các Ban quản lý dự án tỉnh thực hiện các thủ tục đấu thầu, tài chính, hướng dẫn về quản lý và vận hành các công trình, kết quả sau khi thực hiện xong phần mua sắm;
Hướng dẫn thường xuyên các Ban quản lý dự án tỉnh về công tác kiểm tra giám sát chất lượng, tiến độ thực hiện, nghiệm thu thanh toán và các công tác giải phóng mặt bằng tái định cư, an toàn vệ sinh môi trường, xã hội;
Hướng dẫn thực hiện kiểm toán, quyết toán, bàn giao công trình, kết quả thực hiện dự án theo đúng các chế độ hiện hành của Nhà nước;
Điều 7. Thực hiện, Tổ chức các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng
Đấu thầu tuyển chọn tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước, mua sắm trang thiết bị, xe cộ, hàng hóa, (trừ những gói thầu đã được phân cấp) theo quy định hiện hành của Nhà nước và của nhà tài trợ;
Thực hiện chế độ kiểm toán theo quy định hiện hành của nhà tài trợ;
Tổng hợp và quản lý các hợp đồng trình Bộ Nông nghiệp và PTNT và nhà tài trợ phê duyệt.
Điều 8. Quản lý tài chính, tài sản và giải ngân
Quản lý tài chính, tài sản và thực hiện giải ngân theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định của nhà tài trợ;
Việc quản lý tài chính của dự án được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành trong nước và của nhà tài trợ;
Giám sát tiến độ, tổng hợp các báo cáo thực hiện giải ngân từ các tỉnh tham gia dự án, và ngân sách chung cho toàn bộ dự án;
Hướng dẫn thủ tục rút vốn, giải ngân và cấp vốn, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán theo quy định, đảm bảo cung cấp kinh phí đầy đủ kịp thời, chi tiêu tiết kiệm, có hiệu quả, phản ánh rõ ràng, minh bạch trong hệ thống sổ sách, báo cáo;
Thu thập báo cáo để Ban QLDANN trình Bộ và nhà tài trợ xuất toán những khoản chi của các hợp phần dự án và các Ban quản lý dự án tỉnh không hợp lệ, không đúng quy định của luật pháp và Hiệp định đã ký với nhà tài trợ (nếu có);
Hàng năm xem xét kế hoạch thực hiện của toàn dự án, báo cáo Ban QLDANN trình lãnh đạo Bộ và nhà tài trợ để điều chỉnh ngân sách của các tỉnh (nếu có) nhằm đảm bảo dự án thực hiện đúng mục tiêu và kết quả giải ngân, đạt hiệu quả của toàn dự án.
Điều 9. Công tác hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình
Tổ chức tuyển chọn cán bộ cho dự án, chọn các chuyên gia tư vấn Quốc tế, chuyên gia trong nước theo quy định hiện hành và các điều khoản đã ký trong Hiệp định;
Tổ chức tập huấn, đào tạo trong và ngoài nước về chính sách, môi trường và chính sách đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực chuyên môn;
Là đấu mối quan hệ với các đối tác, các nhà tài trợ IDA và AHI, PHRD, giải quyết các thủ tục triển khai dự án cụ thể được Bộ giao nhiệm vụ theo các điều ước Quốc tế về ODA đã được ký kết phù hợp với quy định hiện hành.
Tăng cường năng lực cho Ban QLDA các tỉnh thông qua tập huấn, hội thảo, hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.
Điều 10. Theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện dự án
Tổ chức đánh giá hoạt động của dự án theo đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ, kết thúc dự án phù hợp với quy định hiện hành
Lập báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định; cung cấp, chia sẻ thông tin, theo dõi đánh giá dự án ODA qua hệ thống quốc gia;
Báo cáo tình hình thực hiện dự án định kỳ và đột xuất theo quy định hiện hành tới Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, Ngân hàng nhà nước và Nhà tài trợ để theo dõi giám sát và hỗ trợ quá trình thực hiện dự án;
Quản lý thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng và nguồn lực nêu trong văn kiện dự án.
Điều 11. Nghiệm thu, bàn giao, quyết toán dự án
Ban quản lý dự án các tỉnh phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, nghiệm thu và bàn giao dự án theo đúng quy định của pháp luật. Hoàn tất hồ sơ quyết toán trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả thực hiện dự án, lập báo cáo hoàn thành dự án về Ban điều phối dự án tổng hợp;
Ban điều phối dự án có trách nhiệm chuẩn bị công tác kết thúc dự án, quyết toán đóng cửa dự án khi các tỉnh đã hoàn tất các báo cáo tổng hợp gửi về Ban QLDANN trình Bộ Nông nghiệp và PTNT và các nhà tài trợ;
Ban điều phối dự án tổng hợp, báo cáo Ban QLDANN trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt báo cáo hoàn thành dự án trước thời điểm kết thúc dự án, báo cáo nhà tài trợ.
Điều 12. Các nhiệm vụ đặc thù
Nhiệm vụ đặc thù của dự án là triển khai ở các tỉnh có dịch cúm gia cầm và cúm ở người trên toàn quốc, có sự phối hợp của hai ngành Y tế và Nông nghiệp trong cùng một dự án. Là dự án có tính khẩn cấp liên quan đến sức khoẻ và tính mạng của người và gia cầm. Các cán bộ thực hiện dự án phải thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, do đó có nguy cơ lây nhiễm cao.
Điều 13. Một số nhiệm vụ khác
Ngoài những nhiệm vụ đã được quy định ở trên, dự án có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ban quản lý các dự án nông nghiệp có thể giao thêm một số nhiệm vụ của ngành theo sự phân công của Bộ trưởng.
Chương 3.
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU PHỐI DỰ ÁN
Điều 14. Cơ cấu tổ chức của Ban điều phối dự án
1. Lãnh đạo Ban điều phối dự án gồm:
- Giám đốc;
- Phó Giám đốc Hành chính;
- Phó Giám đốc kỹ thuật;
2. Các tổ chuyên môn nghiệp vụ: Gồm 3 tổ
- Tài chính kế toán;
- Kỹ thuật và hợp tác quốc tế;
- Kế hoạch, tổng hợp;
3. Chuyên gia tư vấn bao gồm:
- Các tư vấn quốc tế;
- Các tư vấn trong nước.
Theo Hiệp định và thỏa ước quốc tế, chuyên gia tư vấn về các lĩnh vực hỗ trợ Ban điều phối dự án và các Ban QLDA tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn về môi trường, xã hội học, tư vấn về đào tạo, tập huấn, đánh giá dự án …
Điều 15. Giám đốc Ban điều phối dự án
Giám đốc Ban điều phối dự án do Bộ trưởng bổ nhiệm;
Giám đốc Ban ĐPDA phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Ban QLDA tỉnh để tổng hợp các đề xuất Tiểu dự án; lập kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm của toàn bộ dự án trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và báo cáo nhà tài trợ;
Điều phối và quản lý dự án theo quy định hiện hành;
Tổng hợp và lập báo cáo tháng, quý, năm trình Bộ Nông nghiệp và PTNT và nhà tài trợ;
Lập kế hoạch đào tạo, tập huấn, tham quan cho toàn bộ quá trình thực hiện dự án;
Tổng hợp báo cáo hoàn thành kết thúc dự án trình Bộ Nông nghiệp và PTNT và nhà tài trợ;
Xây dựng và bảo vệ hệ thống thông tin thông suốt và thống nhất giữa các Ban QLDA tỉnh làm đầu mối liên hệ với các cơ quan của Chính phủ, các Vụ, Cục của Bộ và nhà tài trợ;
Kiểm tra thực hiện, xuất toán các khoản chi không hợp lệ của các Ban QLDA tỉnh;
Nếu ngân sách không sử dụng hết, hoặc còn thừa do thực hiện chậm tiến độ, hoặc hiệu quả kém (với bằng chứng cụ thể), Giám đốc dự án có công văn báo cáo lãnh đạo Bộ và nhà tài trợ điều chỉnh kế hoạch để có hiệu quả cao hơn;
Trong trường hợp có đủ bằng chứng xác đáng về chất lượng chuyên gia tư vấn kém, không đạt yêu cầu so với điều khoản tham chiếu của tư vấn (TOR), Giám đốc dự án có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ và nhà tài trợ để đình chỉ, thay đổi;
Truy xuất thông tin, dữ liệu về tài chính kế toán, trong hệ thống thông tin chung của toàn dự án; tiếp cận sử dụng các chứng từ gốc và các tài liệu chuyên môn của các Ban QLDA tỉnh;
Quản lý tài chính, theo định mức chi tiêu, kế hoạch vốn được phê duyệt và kiểm soát chất lượng đối với các Ban QLDA tỉnh;
Làm chủ tài khoản và trực tiếp quản lý nguồn kinh phí và các nguồn lực khác của dự án kể cả trường hợp ủy quyền cho Phó Giám đốc khi đi vắng;
Phân công công tác cho các Phó Giám đốc, khi đi công tác vắng được ủy quyền cho một Phó Giám đốc thay mặt quản lý, điều hành các hoạt động cụ thể của Ban ĐPDA để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định của Ban;
Bố trí nhân sự của các bộ phận và các thành viên tham gia dự án; đề nghị khen thưởng, nâng lương, kỷ luật cán bộ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền Ban ĐPDA quản lý hoặc trình Bộ phê duyệt theo phân cấp và theo quy trình hiện hành của Bộ;
Ký kết hợp đồng lao động đối với cán bộ, công chức theo quy định và phân cấp hiện hành.
Điều 16. Các Phó giám đốc Ban điều phối dự án
Các phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc trong việc quản lý và tổ chức thực hiện dự án, được Giám đốc ủy quyền điều hành dự án khi Giám đốc đi công tác. Các phó Giám đốc được phân công và trực tiếp phụ trách và chỉ đạo những công việc, lĩnh vực cụ thể, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện cho Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc những việc được giao phụ trách.
Điều 17. Nhiệm vụ của các cán bộ và chuyên gia trong Ban điều phối dự án
Tất cả các cán bộ và chuyên gia của dự án, bao gồm cả người Việt Nam và nước ngoài đều có nhiệm vụ:
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ và đúng thời hạn, các công việc được giao theo bản mô tả công việc (TOR) trong hợp đồng hoặc các công việc được giao.
Báo cáo trung thực và đầy đủ các công việc được giao theo định kỳ và hàng tháng.
Duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và các cơ quan liên quan. Các chuyên gia và nhân viên của dự án chỉ được quyền giao dịch với các cơ quan của Việt Nam và nước ngoài theo sự phân công của Giám đốc Ban điều phối dự án.
Tuân thủ pháp luật và chính sách của Nhà nước Việt Nam, các quy chế của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các quy định của dự án và Ban quản lý các dự án nông nghiệp đặc biệt trong công tác bảo mật thông tin, tài liệu, bảo vệ tài sản.
Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và năng lực công tác thông qua các hoạt động của dự án.
Đóng góp đầy đủ và đúng hạn các khoản thuế và nghĩa vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương 4.
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC, CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, KIỂM TRA, GIÁM SÁT
Điều 18. Quan hệ với Ban quản lý các dự án nông nghiệp
Ban ĐPDA được sử dụng con dấu của Ban quản lý các dự án nông nghiệp, được mở tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Ban quản lý các dự án Nông nghiệp chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban ĐPDA “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”.
Ban ĐPDA báo cáo Ban quản lý các dự án Nông nghiệp về kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm, tình hình hoạt động của dự án, kết quả giải ngân, thanh toán, quyết toán để tổng hợp chung toàn Ban. Ban QLDANN làm đầu mối trình Bộ các văn bản liên quan tài chính của Ban điều phối dự án.
Điều 19. Mối quan hệ giữa Ban ĐPDA với Cục Chăn nuôi, Cục Thú y
Ban ĐPDA phối hợp với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y quản lý, tổ chức thực hiện dự án theo nội dung Hiệp định đã được ký kết.
Các Cục có trách nhiệm cử một cán bộ đại diện Cục biệt phái làm việc tại Ban ĐPDA thời gian là 50%. Các cán bộ biệt phái được hưởng phụ cấp của Dự án theo quy định.
Các Cục chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ thuật đối với các hợp phần dự án có liên quan đến các Cục.
Ban ĐPDA là đầu mối điều phối và hướng dẫn về thủ tục, thể chế của dự án và chịu trách nhiệm giải ngân các khoản chi theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và các Nhà tài trợ.
Điều 20. Mối quan hệ giữa Ban ĐPDA và các địa phương
Phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án trong các hoạt động theo kế hoạch tiến độ đã được phê duyệt, giải quyết các vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện các nội dung dự án;
Hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ gồm công tác lập kế hoạch, quy định về mua sắm, thủ tục giải ngân và thanh quyết toán các nguồn vốn theo quy định hiện hành.
Các đơn vị thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo Ban ĐPDA theo định kỳ quý, 6 tháng, năm về tiến độ, kết quả thực hiện dự án.
Cùng chịu trách nhiệm liên đới về nội dung hoạt động của toàn dự án.
Trưởng Ban quản lý các dự án các tỉnh (hoặc Giám đốc dự án) chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Ban ĐPDA về mọi hoạt động của dự án.
Điều 21. Mối quan hệ giữa các tổ chuyên môn nghiệp vụ và Giám đốc Ban điều phối dự án
Tổ chuyên môn, nghiệp vụ chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Ban ĐPDA về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Tổ mình được quy định tại các điều khoản của quy chế này theo quy định hiện hành.
Quan hệ giữa các Tổ nghiệp vụ là quan hệ phối hợp công tác, cùng chịu trách nhiệm giải quyết các công việc chung của Ban ĐPDA.
Các tổ chuyên môn nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo sự phân công của Giám đốc Ban ĐPDA trên cơ sở các Hiệp định đã ký và kế hoạch hàng năm được duyệt.
Giám đốc, kế toán dự án chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý nguồn vốn và chi tiêu của dự án và là người đứng tên trong giao dịch với Ngân hàng, Kho bạc và nhà tài trợ theo Hiệp định và quy định hiện hành.
Điều 22. Chế độ báo cáo và hội họp
Ban ĐPDA tổ chức triển khai thực hiện dự án hàng năm và xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
Hàng tháng Giám đốc Ban ĐPDA họp giao ban với các bộ phận để xem xét đánh giá tình hình thực hiện dự án.
Ban ĐPDA báo cáo kết quả thực hiện dự án định kỳ, đột xuất theo quy định về quản lý ODA của Nhà nước, của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nhà tài trợ theo thỏa thuận trong Hiệp định và theo sự chỉ đạo của Ban QLDANN.
Mọi cán bộ, nhân viên thuộc Ban ĐPDA đều phải báo cáo kết quả công tác theo định kỳ.
Điều 23. Chế độ kiểm tra, giám sát
Các Tổ nghiệp vụ của Ban ĐPDA chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kiểm tra đánh giá hoạt động của dự án tỉnh để trình Trưởng ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Giám đốc Ban ĐPDA xem xét và phê duyệt;
Ban QLDA có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, đánh giá theo kế hoạch được duyệt và đột xuất theo sự phân công của Bộ và Ban quản lý các dự án nông nghiệp.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Giám đốc Ban điều phối dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam”, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Giám đốc Ban điều phối dự án có trách nhiệm đề xuất với Bộ xem xét, điều chỉnh bổ sung, sửa đổi Quy chế này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.