BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2741/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG MỘT SỐ BỆNH VIỆN VỆ TINH CỦA BỆNH VIỆN BẠCH MAI GIAI ĐOẠN 2009 - 2013”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bệnh viện Bạch Mai tại công văn số 375/BM-ĐT&CĐT ngày 22/5/2009 về việc xin phê duyệt đề án “Xây dựng một số bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2009 - 2013”;
Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh; Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng một số bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2009 - 2013” với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên đề án: Xây dựng một số bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2009 - 2013
2. Cơ quan chủ quản: Bộ Y tế
3. Cơ quan chủ đầu tư: Bệnh viện Bạch Mai
4. Cơ quan thực hiện:
- Bệnh viện Bạch Mai
- Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh
- Bệnh viện đa khoa Phố Nối, tỉnh Hưng Yên
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai II
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định
- Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An.
5. Mục tiêu của đề án:
5.1. Mục tiêu tổng quát:
Nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho cán bộ y tế, mở rộng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh một cách bền vững, mặt khác rút ngắn khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa trung ương với địa phương đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh ngay tại cơ sở và góp phần giảm tải cho Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến trên.
5.2. Mục tiêu cụ thể và các giải pháp
5.2.1. Tăng cường chất lượng về chuyên môn
5.2.1.1. Đào tạo cơ bản, định hướng cân đối và bổ sung nhân lực tại các chuyên khoa để từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống khám chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh.
5.2.1.2. Nâng cao kiến thức, kỹ năng và chuyển giao kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ưu tiên cho cán bộ y tế: Cấp cứu hồi sức, Nội khoa, Truyền nhiễm, Chống nhiễm khuẩn, Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Hóa sinh, Huyết học, Vi sinh, Giải phẫu bệnh - tế bào học. Đảm bảo 80% số cán bộ đại học công tác trong các lĩnh vực trên của các bệnh viện thuộc đề án được đào tạo nâng cao kiến thức.
5.2.1.3. Chuẩn hoá các chương trình, giáo trình đào tạo liên tục thuộc các lĩnh vực ưu tiên trên, đảm bảo mỗi lĩnh vực sẽ có tối thiểu 2 chương trình, giáo trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng rộng rãi trong và ngoài đề án.
5.2.1.4. Xây dựng và triển khai áp dụng các phác đồ chẩn đoán, điều trị thuộc các lĩnh vực ưu tiên trên tại các bệnh viện trong hệ thống Bệnh viện vệ tinh.
5.2.1.5. Lựa chọn, xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các lĩnh vực chuyên môn thuộc đề án các bệnh viện vệ tinh.
5.2.1.6. Đảm bảo 80% số cán bộ công tác trong lĩnh vực vật tư trang thiết bị y tế của các bệnh viện thuộc đề án được đào tạo nâng cao kiến thức sử dụng, bảo quản các trang thiết bị.
5.2.2. Nâng cao năng lực về quản lý
5.2.2.1. Nâng cao chất lượng, năng lực về quản lý, tổ chức, thực hiện khám chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý.
5.2.2.2. Thiết lập mô hình điểm về hệ thống Bệnh viện vệ tinh và đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo liên tục tại các bệnh viện thuộc đề án.
5.2.2.3. Xây dựng được mô hình hoạt động, quan hệ giữa các bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần tạo thuận lợi cho đề án luân chuyển cán bộ y tế đang triển khai và đề án nâng cấp các Bệnh viện tuyến tỉnh từ nguồn trái phiếu chính phủ.
5.2.2.4. Tư vấn về trang thiết bị y tế liên quan đến chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh và quản lý, sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị, mô hình đào tạo do dự án cung cấp.
5.2.2.5. Xây dựng hệ thống thông tin trao đổi thường xuyên về các mặt chuyên môn: hội chẩn, đào tạo, trao đổi thông tin từ xa,... giữa các bệnh viện thuộc đề án.
5.2.3. Phát huy hiệu quả hệ thống thông tin, truyền thông
5.2.3.1. Xây dựng và phát triển công tác thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm giáo dục sức khỏe của bệnh viện với cộng đồng và giúp người dân có sự lựa chọn tốt nhất về những dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng gần nơi sinh sống.
5.2.3.2. Sử dụng công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông để trao đổi thông tin, đào tạo, hội chẩn, tham vấn chuyên môn từ xa, thông tin về tình hình bệnh nhân chuyển tuyến.
6. Các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên thuộc đề án
6.1. Cấp cứu hồi sức: Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc.
6.2. Nội khoa: Tim mạch, Hô hấp, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Thận tiết niệu - lọc máu, Nội tiết, Dị ứng - miễn dịch lâm sàng.
6.3. Chống nhiễm khuẩn bệnh viện, truyền nhiễm.
6.4. Cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Hóa sinh, Huyết học, Vi sinh, Giải phẫu bệnh - tế bào học.
6.5. Quản lý bệnh viện
6.6. Thông tin, giáo dục, truyền thông và kết nối hệ thống mạng trực tuyến.
7. Các nội dung cơ bản của đề án
7.1. Phát triển và hoàn thiện về chuyên môn, nâng cao năng lực về quản lý
7.1.1. Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo liên tục thuộc các lĩnh vực ưu tiên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng rộng rãi trong và ngoài đề án.
7.1.2. Chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh về các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên.
7.1.3. Xây dựng phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn để triển khai thống nhất trong hệ thống Bệnh viện vệ tinh.
7.1.4. Xây dựng mô hình chuẩn các đơn vị chuyên môn thống nhất trong hệ thống Bệnh viện vệ tinh.
7.1.5. Xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế vào công tác quản lý, chuyên môn thuộc đề án.
7.1.6. Tổ chức các hoạt động chia sẻ, trao đổi thông tin, giao lưu về chuyên môn, quản lý giữa các bệnh viện tham gia đề án
7.1.7. Củng cố công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo liên tục tại các bệnh viện thuộc đề án.
7.2. Xây dựng, phát triển và duy trì hệ thống thông tin, truyền thông
7.2.1. Xây dựng và phát triển công tác thông tin, giáo dục truyền thông giữa bệnh viện với cộng đồng
7.2.2. Xây dựng, triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý khám chữa bệnh và xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh viện.
7.2.3. Xây dựng hệ thống Tele-medicine để trao đổi thông tin, đào tạo, hội chẩn, tham vấn chuyên môn từ xa, thông tin tình hình bệnh nhân chuyển tuyến.
7.3. Tư vấn, quản lý và cung cấp trang thiết bị, mô hình, phương tiện cần thiết cho các hoạt động của đề án
7.3.1. Tư vấn mua sắm các trang thiết bị y tế chuyên môn có liên quan đến các hoạt động chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.
7.3.2. Mua sắm phương tiện, thiết bị, mô hình cần thiết để triển khai các hoạt động thuộc dự án như phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, thông tin - giáo dục - truyền thông sức khỏe, kết nối mạng trực tuyến,...
7.4. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết và phát triển Đề án.
8. Thời gian thực hiện:
Đề án thực hiện trong 5 năm, từ năm 2009 đến năm 2013
9. Nguồn vốn thực hiện:
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán chi Sự nghiệp y tế hàng năm của Bộ Y tế và các địa phương thuộc Đề án.
10. Tổ chức thực hiện:
10.1. Đối với Trung ương:
Giao Bệnh viện Bạch Mai xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu cho các khóa đào tạo, tổ chức đào tạo; thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, mô hình phục vụ đào tạo,... phân phối cho các bệnh viện vệ tinh và các chi phí khác sử dụng cho các hoạt động của đề án theo quy định của Nhà nước. Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm gửi Bộ Y tế.
Về quản lý tài sản tại Trung ương: Bệnh viện Bạch Mai có trách nhiệm theo dõi và quản lý số tài sản, trang thiết bị đã mua (kể cả phần phân phối cho các địa phương sử dụng trong thời gian dự án triển khai); thực hiện chi tiêu và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Khi Đề án kết thúc có trách nhiệm đề xuất xử lý số tài sản đã trang bị cho các địa phương.
10.2. Đối với địa phương:
Đảm bảo kinh phí để nâng cấp nhà cửa, cơ sở hạ tầng để tiếp nhận các trang thiết bị, mô hình,... do Bộ Y tế trang bị trong thời gian đào tạo, hỗ trợ kinh phí đào tạo và các chi phí khác để cán bộ địa phương tham gia các hoạt động của Đề án theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Vu trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo; Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế; Các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ Y tế; Các ông, bà Giám đốc các Sở Y tế: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Nam Định, Nghệ An và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Phố Nối tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai 2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.