BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 271/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUY CHUẨN HÓA ĐỊA DANH VIỆT NAM PHỤC VỤ CÔNG TÁC LẬP BẢN ĐỒ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chuẩn hóa địa danh Việt Nam phục vụ công tác lập bản đồ” để áp dụng trong Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
CHUẨN HÓA ĐỊA DANH VIỆT NAM PHỤC VỤ CÔNG TÁC LẬP BẢN ĐỒ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 271/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 2 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quy định này áp dụng cho việc chuẩn hóa địa danh Việt Nam (trừ địa danh hành chính và địa danh biển đảo) thuộc Đề án “Xây dựng hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
2. Chuẩn hóa địa danh Việt Nam bao gồm việc thống kê, xác minh, thẩm định các địa danh Việt Nam nhằm tìm ra địa danh đúng để đưa vào danh mục địa danh phục vụ công tác lập bản đồ.
3. Việc chuẩn hóa địa danh Việt Nam phải đảm bảo tính dân tộc, tính hệ thống, tính phổ thông, tính kế thừa, tuân thủ các nguyên tắc của địa danh học, địa danh bản đồ học và quy định có tính định hướng về chuẩn hóa địa danh của Nhóm chuyên gia địa danh Liên Hợp Quốc (UNGEGN): “Sử dụng bộ chữ Latinh, Latinh hóa và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vi phạm tín ngưỡng, tình cảm của các dân tộc”.
4. Địa danh Việt Nam sau khi chuẩn hóa được viết bằng chữ Quốc ngữ có dấu chữ và dấu thanh, tách rời từng âm tiết, giữa các âm tiết không có gạch nối, không có dấu phẩy treo và viết hoa chữ cái đầu của âm tiết.
5. Những địa danh đã được thể hiện tại các văn bản pháp lý của Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là các văn bản có tính pháp lý của Nhà nước) và đang được sử dụng ổn định; địa danh tại các vùng biên giới đã được ghi trong các văn bản pháp lý về biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước láng giềng thì giữ nguyên cách ghi theo các văn bản đó.
6. Các thuật ngữ trong Quy định này được hiểu như sau:
a) Địa danh Việt Nam là tên gọi của các đối tượng tự nhiên, kinh tế - xã hội trong lãnh thổ Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ gốc các dân tộc thiểu số Việt Nam;
b) Địa danh nguyên ngữ là địa danh được ghi nhận bằng văn tự chính thức hoặc phát âm địa danh của dân tộc có địa danh ấy;
c) Phiên âm là ghi cách phát âm địa danh nguyên ngữ bằng chữ Quốc ngữ;
d) Chuyển tự là chuyển tự dạng của địa danh nguyên ngữ sang tự dạng tương ứng của chữ Quốc ngữ.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Những địa danh đã được quy định thống nhất trong các văn bản nêu tại khoản 5 mục I Quy định này thì giữ nguyên cách ghi theo quy định của các văn bản đó.
2. Những địa danh đã được quy định nhưng chưa thống nhất trong các văn bản nêu tại khoản 5 mục I Quy định này thì chọn địa danh theo nguyên tắc sau:
a) Trường hợp có nhiều văn bản có tính pháp lý của Nhà nước mà có địa danh khác nhau thì sử dụng địa danh theo văn bản có tính pháp lý cao nhất;
b) Trường hợp hai văn bản có tính pháp lý ngang nhau mà địa danh khác nhau thì sử dụng địa danh theo văn bản mới nhất.
3. Những địa danh chưa được quy định tại các văn bản pháp lý của Nhà nước được chuẩn hóa theo trình tự tại khoản 3 mục III Quy định này.
Đối với địa danh gốc dân tộc thiểu số ở Việt Nam và địa danh có nguồn gốc nước ngoài được chuẩn hóa theo phương pháp sau:
a) Sử dụng chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái của chữ Quốc ngữ để ghi các phụ âm đầu tương ứng hoặc phụ âm có cách đọc gần đúng với địa danh nguyên ngữ;
Ví dụ: Dak Bla (Đắk Bla), Čŭ pah (Chư Pả), Kŏ Siêr (Cọ Xia)
b) Sử dụng các tổ hợp phụ âm đầu không có trong chữ Quốc ngữ như: Kr, Br, Bl, Pl, Sl, Đr, Gr, Gl để ghi địa danh;
Ví dụ: Pŏng Drang (Pong Đrang), Krông Jing (Krông Dinh) Čǔ Krua (Chư Kroa), Čŭ Mgar (Chư Mơ Ga).
c) Đối với các phụ âm cuối không có trong chữ Quốc ngữ như: b, d, f, j, k, l, r, s, v, w, z được thay thế bằng các phụ âm tương ứng trong chữ Quốc ngữ và thanh điệu thích hợp;
Ví dụ: Mdrăk (Mơ Đrắc).
d) Sử dụng chữ cái hoặc tổ hợp các chữ cái của chữ Quốc ngữ để ghi nguyên âm tương ứng hoặc nguyên âm có cách đọc gần đúng với địa danh nguyên ngữ;
Ví dụ: Kŏ Siêr (Cọ Xia)
đ) Sử dụng các chữ cái ghép oo, ôô để ghi nguyên âm dài của địa danh nguyên ngữ;
Ví dụ: Cầu Roòn, Áng Tôồng, Bơ Ngoong, Đắc Choong, A Nôông
e) Sử dụng dấu thanh của chữ Quốc ngữ để ghi các thang tương ứng hoặc gần đúng của địa danh nguyên ngữ
Ví dụ: Dak teh (Đắk Tẻ), Čŭ pah (Chư Pả)
4. Các danh từ chung cấu thành địa danh thì viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung đó và không ghi thêm danh từ chung
5. Căn cứ vào Quy định tại văn bản này, Cục Đo đạc và Bản đồ có trách nhiệm ban hành bảng mẫu phiên chuyển địa danh ngôn ngữ gốc các dân tộc thiểu số và địa danh có nguồn gốc nước ngoài sang ngôn ngữ Việt nêu tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Mục này.
III. QUY TRÌNH CHUẨN HÓA ĐỊA DANH
1. Thu thập tư, tài liệu:
a) Sử dụng bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1: 25000, những khu vực chưa có bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:25000 thì sử dụng bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1: 50000 để thống kê địa danh;
b) Sử dụng các văn bản pháp lý của Nhà nước có liên quan đến địa danh để kiểm tra các địa danh cần chuẩn hóa theo khoản 5 mục I và khoản 1, 2 mục II Quy định này;
c) Sử dụng các loại bản đồ địa danh, bản đồ địa chính, bản đồ chuyên đề tỷ lệ khác (đặc biệt là bộ bản đồ địa danh tỷ lệ 1:100 000 (lưới chiếu Bonne do Pháp lập) và bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1: 50 000 (lưới chiếu UTM do Mỹ lập ở miền Nam)) để đối chiếu, xác minh các địa danh cần chuẩn hóa;
d) Sử dụng các văn liệu có liên quan đến địa danh dưới đây để tham khảo, đối chiếu các địa danh cần chuẩn hóa:
- Dư địa chí;
- Từ điển địa danh, Sổ tay địa danh;
- Tài liệu của các cơ quan chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, dân tộc, địa lý, lịch sử;
- Tài liệu của các trung tâm lưu trữ trong cả nước.
2. Thống kê địa danh theo khu vực và theo từng mảnh bản đồ thành các lớp thông tin địa danh dân cư, địa danh sơn văn, địa danh thủy văn và địa danh kinh tế - xã hội.
3. Xác minh địa danh theo trình tự sau:
a) Các địa danh cần chuẩn hóa được tham khảo, đối chiếu với các văn bản pháp lý của nhà nước để thẩm định theo khoản 5 mục I và khoản 1, 2 mục II Quy định này;
b) Các địa danh cần chuẩn hóa được tham khảo, đối chiếu với các tài liệu bản đồ khác để thẩm định, loại trừ những khác biệt do lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật in và phương ngữ để khẳng định địa danh đúng.
c) Thẩm định các địa danh cần chuẩn hóa với các nguồn tài liệu tại điểm d khoản 1 mục III Quy định này để xác định địa danh đúng về ngữ âm, ngữ nghĩa.
d) Những địa danh có sự khác biệt được xác minh cách phát âm, cách viết của các dân tộc tại địa phương có địa danh và phải được thống nhất ý kiến đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Lập danh mục địa danh và xây dựng cơ sở dữ liệu địa danh.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.