BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2704/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
TỔ CHỨC ĐÀO TẠO THÍ ĐIỂM CÁN BỘ QUÂN SỰ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG, ĐẠI HỌC NGÀNH QUÂN SỰ CƠ SỞ
Căn cứ Luật dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009; Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ- CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ- CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật dân quân tự vệ;
Thực hiện Thông tư số 22/2010/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Bộ chương trình khung Giáo dục đại học khối ngành Khoa học Quân sự trình độ đại học; trình độ cao đẳng;
Để triển khai thực hiện Đề án số 3643/ĐA-BQP ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Quốc phòng về đào tạo thí điểm cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,
QUYẾT ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mở lớp đào tạo thí điểm
1. Trường sĩ quan Lục quân 1
a) Đào tạo trình độ đại học ngành quân sự cơ sở, thời gian đào tạo 48 tháng (từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2014);
b) Đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học ngành quân sự cơ sở, thời gian đào tạo 18 tháng (từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2014).
2. Trường quân sự Quân khu 1, 2
a) Trường quân sự Quân khu 1 liên kết đào tạo trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở với Trường sĩ quan Lục quân 1; thời gian đào tạo 36 tháng (từ tháng 9/2010 đến tháng 9/2013);
b) Trường quân sự Quân khu 2 liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở lên cao đẳng ngành quân sự cơ sở với Trường sĩ quan Lục quân 1; thời gian đào tạo 18 tháng (từ tháng 9/2010 đến tháng 3/2012).
Điều 2. Đối tượng tuyển sinh
1. Đào tạo trình độ cao đẳng, đại học từ đội ngũ cán bộ Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã chưa qua đào tạo; cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ nòng cốt hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt; hạ sỹ quan, chiến sĩ thôi phục vụ trong lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; không quá 27 tuổi; trình độ văn hoá trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên; đủ tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe; trong quy hoạch cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã (gọi chung là nguồn).
2. Đào tạo liên thông
Đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
a) Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học cùng ngành đào tạo quân sự cơ sở: Học viên có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở hoặc cao đẳng ngành quân sự cơ sở đạt loại khá trở lên được xét tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; học viên có bằng tốt nghiệp trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc đúng chuyên môn tại Ban chỉ huy quân sự cấp xã; không quá 30 tuổi;
b) Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học cùng ngành đào tạo quân sự cơ sở: Học viên có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở phải có ít nhất 3 năm làm việc đúng chuyên môn tại Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
c) Được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ sở bố trí trong quy hoạch cán bộ quân sự cấp xã theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Điều 3. Chỉ tiêu tuyển sinh
1. Chỉ tiêu các quân khu
TT | Hình thức đào tạo | Chỉ tiêu tuyển sinh | ||||
Tổng số | QK1 | QK2 | QK3 | QK4 | ||
1 | Đại học | 80 | 22 | 22 | 14 | 22 |
2 | Cao đẳng | 80 | 80 |
|
|
|
3 | Trung cấp liên thông lên cao đẳng | 80 |
| 80 |
|
|
4 | Cao đẳng liên thông lên đại học | 80 |
| 80 |
|
|
| Tổng | 320 | 102 | 182 | 14 | 22 |
2. Chỉ tiêu cụ thể các tỉnh có phụ lục kèm theo.
Điều 4. Văn bằng được cấp
Học viên học hết chương trình cao đẳng, đại học đủ điều kiện thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 1 cấp bằng cao đẳng ngành quân sự cơ sở hoặc bằng cử nhân ngành quân sự cơ sở.
Chương II
TỔ CHỨC ĐÀO TẠO
Điều 5. Ban Chỉ đạo đào tạo
Trên cơ sở Ban chỉ đạo đào tạo theo Kế hoạch số 873/KH-BQP ngày 25 tháng 02 năm 2009 của Bộ Quốc phòng về tổ chức đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành Quân sự cơ sở được bổ sung thành phần và nhiệm vụ để chỉ đạo đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở:
1. Bổ sung ủy viên Ban chỉ đạo
a) 01 đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 1;
b) 01 đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 2;
c) 01 đồng chí Ban Giám hiệu Trường sĩ quan Lục quân 1;
d) 01 đồng chí Ban Giám hiệu Trường Quân sự Quân khu 1;
đ) 01 đồng chí Ban Giám hiệu Trường Quân sự Quân khu 2;
e) Đồng chí Trưởng phòng Huấn luyện Cục Dân quân tự vệ/BTTM.
2. Nhiệm vụ Ban Chỉ đạo
a) Xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; quyết định thành phần nhiệm vụ cơ quan thường trực; tổ chức các cuộc họp Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực và các thành phần liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo thí điểm;
b) Chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan xây dựng chương trình khung đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở, đề xuất Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành;
c) Phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 1, 2, Ban Giám hiệu Trường sĩ quan Lục quân 1 tổ chức khảo sát Trường quân sự quân khu và Trường sĩ quan Lục quân 1 về khả năng công tác bảo đảm mọi mặt thực hiện nhiệm vụ đào tạo; làm công tác chuẩn bị triển khai nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; biên soạn chương trình chi tiết, quy chế đào tạo;
d) Chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội biên soạn giáo trình đào tạo; tổ chức Hội đồng thẩm định giáo trình đưa vào đào tạo;
đ) Theo dõi, chỉ đạo Quân khu 1, Quân khu 2, Trường sỹ quan Lục quân 1 tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở;
e) Giúp Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ tổ chức sơ kết đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở để rút kinh nghiệm chỉ đạo tổ chức đào tạo trên phạm vi toàn quốc; đề xuất với Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách về đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở;
g) Hoàn thiện giáo trình, tài liệu đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.
Điều 6. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo
1. Cục Dân quân tự vệ Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; Cục Nhà trường cử 02 cán bộ tham gia cơ quan Thường trực; Bộ Quốc phòng mời 01 đồng chí chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học- Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia cơ quan Thường trực.
2. Nhiệm vụ
a) Giúp Trưởng ban và Ban Chỉ đạo, chỉ đạo giải quyết các công việc có liên quan đến nhiệm vụ đào tạo thí điểm;
b) Xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; giúp Ban Chỉ đạo chuẩn bị nội dung và tổ chức các phiên họp của Ban Chỉ đạo; gửi văn bản phục vụ các cuộc họp để các thành viên cho ý kiến trước khi họp ít nhất 05 ngày;
c) Giúp Ban Chỉ đạo lập kế hoạch chi tiết phân công các thành viên đi khảo sát, kiểm tra các quân khu, địa phương, nhà trường đào tạo thí điểm;
d) Nhận báo cáo, nắm tiến độ thực hiện của các thành viên Ban Chỉ đạo. Tổng hợp báo cáo kết quả với Trưởng, Phó ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo. Đề xuất các biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo đảm tiến độ đã đề ra;
đ) Lập dự toán kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo;
e) Tổng hợp hoàn chỉnh chương trình, giáo trình, tài liệu, quy chế đào tạo, và việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, các mặt bảo đảm của cơ sở đào tạo báo cáo Bộ Quốc phòng, trình các cấp có thẩm quyền ký ban hành;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
Điều 7. Ban tuyển sinh quân sự các cấp
Ban Tuyển sinh quân sự theo Quyết định số 273/QĐ-QP ngày 24 tháng 02 năm 1982 của Bộ Quốc phòng, bổ sung thành phần, nhiệm vụ để thực hiện tuyển sinh đào tạo ngành quân sự cơ sở (gọi tắt là tuyển sinh quân sự cơ sở).
1. Bổ sung thành phần Ban tuyển sinh các cấp
a) Đồng chí Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ vào Phó trưởng Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng;
b) Đồng chí Trưởng phòng Dân quân tự vệ quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào ủy viên Ban Tuyển sinh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
c) Đồng chí Trưởng Ban Dân quân tự vệ Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh vào ủy viên Ban Tuyển sinh cấp tỉnh;
d) 01 đồng chí Trợ lý Dân quân tự vệ Ban chỉ huy quân sự cấp huyện vào Uỷ viên Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện.
2. Nhiệm vụ: Ban tuyển sinh quân sự các cấp có trách nhiệm giúp Ban tuyển sinh quân sự, Ban chỉ đạo đào tạo cấp mình thực nhiệm vụ tuyển sinh quân sự cơ sở theo quy định.
Điều 8. Quy trình xét tuyển
1. Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ Quốc phòng giao, Ban Tuyển sinh quân sự các quân khu chỉ đạo Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh làm kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh quân sự cơ sở cho cấp huyện báo cáo Ban chỉ đạo đào tạo cấp tỉnh và hướng dẫn Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện tổ chức thực hiện.
2. Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện, tỉnh tổ chức sơ tuyển và hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ theo mẫu quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, thông qua Ban Chỉ đạo đào tạo cùng cấp, báo cáo Ban Tuyển sinh quân khu trước ngày 20 tháng 8 năm 2010 (số lượng thí sinh dự tuyển vượt 15% đến 20% chỉ tiêu được giao).
3. Ban Tuyển sinh quân sự quân khu tổ chức thẩm định, xét duyệt thông qua Ban chỉ đạo đào tạo quân khu và báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (qua Cục Nhà trường, Cục Dân quân tự vệ/BTTM) trước ngày 30 tháng 8 năm 2010.
4. Cục Nhà trường (cơ quan Thường trực Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng) chủ trì phối hợp với Cục Dân quân tự vệ thẩm định và đề xuất danh sách đủ tiêu chuẩn xét tuyển; báo cáo Báo cáo Ban chỉ đạo đào tạo Bộ Quốc phòng và đề nghị Trưởng Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định danh sách thí sinh đủ điều kiện đào tạo trước ngày 10 tháng 9 năm 2010.
Điều 9. Kinh phí đào tạo
1. Nguồn kinh phí thực hiện đào tạo thí điểm sử dụng ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch thi hành Luật dân quân tự vệ.
2. Cục Dân quân tự vệ lập dự toán phân bổ kinh phí cho các trường và phần kinh phí Cục Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ đào tạo thí điểm trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Điều 10. Chế độ chính sách đối với học viên
1. Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Dân quân tự vệ và Điều 38 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Dân quân tự vệ cụ thể:
a) Người hưởng lương, chế độ phụ cấp được hưởng nguyên lương, chế độ phụ cấp và các khoản phụ cấp khác (nếu có), do ngân sách địa phương bảo đảm; người không hưởng lương, chế độ phụ cấp hoặc hưởng chế độ phụ cấp nhưng chưa đủ bằng 0,5 mức lương tối thiểu thì được hỗ trợ phụ cấp bằng 0,5 mức lương tối thiểu, do ngân sách nhà nước bảo đảm;
b) Được hỗ trợ tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ bộ binh phục vụ có thời hạn trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
c) Được bảo đảm trang phục dân quân tự vệ, nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về trong một năm;
d) Được bảo đảm tài liệu, giáo trình, văn phòng phẩm đào tạo;
đ) Học viên trong thời gian đào tạo bị ốm, bị tai nạn, bị chết, bị thương, hy sinh thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Dân quân tự vệ;
e) Tốt nghiệp ra trường, nếu có đủ điều kiện theo quy định thì được phong, thăng quân hàm sỹ quan dự bị theo Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; được bố trí sử dụng tại cơ sở cử đi đào tạo theo quy hoạch cán bộ quân sự cấp xã và xếp hưởng lương theo trình độ đào tạo.
2. Khen thưởng, kỷ luật
a) Học viên trong thời gian đào tạo hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, được cơ sở đào tạo khen thưởng theo các văn bản pháp luật về khen thưởng;
b) Học viên trong thời gian đào tạo nếu vi phạm kỷ luật, thì tùy theo mức độ vi phạm, cơ sở đào tạo quyết định hình thức kỷ luật theo quy chế đào tạo hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương III
NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 11. Bộ Tổng Tham mưu
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong và ngoài quân đội giúp Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết, biên soạn giáo trình, quy chế đào tạo trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành; chỉ đạo các quân khu, địa phương xét tuyển, xét cử tuyển đội ngũ học viên dự các lớp đào tạo thí điểm; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ, các quân khu, các học viện, nhà trường triển khai đào tạo, sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ Quốc phòng và Chính phủ; phối hợp với cơ quan chức năng của các bộ, ngành Trung ương và các quân khu, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng có chủ trương, chính sách đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học từ năm 2011 trên phạm vi toàn quốc.
2. Chỉ đạo các cơ quan
a) Cục Dân quân tự vệ
- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đào tạo, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở; biên soạn giáo trình giúp Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định, nghiệm thu; xây dựng quy chế đào tạo, quy định tuyển sinh và sử dụng cán bộ sau đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành;
- Chủ trì nắm kết quả đào tạo, sử dụng sau đào tạo cán bộ quân sự cấp xã;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài quân đội, các địa phương thực hiện kế hoạch bảo đảm cho đào tạo thí điểm;
- Tham gia vào Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Ban tuyển sinh quân sự các cấp thực hiện tuyển sinh quân sự cơ sở;
- Phối hợp với Cục Nhà trường và các cơ quan liên quan giúp Ban chỉ đạo tổ chức tập huấn cán bộ, giáo viên Trường sĩ quan Lục quân 1, Trường quân sự Quân khu 1, 2 về đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các quân khu, Trường sĩ quan Lục quân 1 tổ chức đào tạo; giúp Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng và Thủ tướng Chính phủ tiến hành sơ kết, tổng kết nhiệm vụ đào tạo thí điểm;
b) Cục Nhà trường
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Ban Tuyển sinh quân sự các cấp thực hiện tuyển sinh đào tạo thí điểm cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi, chỉ đạo các trường tổ chức đào tạo, cấp bằng đào tạo theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm chặt chẽ, nâng cao chất lượng đào tạo;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo trường quân sự Quân khu 1, 2 và Trường sĩ quan Lục quân 1 làm tốt công tác chuẩn bị về các mặt để tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở;
- Phối hợp với Cục Dân quân tự vệ và các cơ quan chức năng xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết, biên soạn giáo trình, quy chế đào tạo, hướng dẫn Trường sĩ quan Lục quân 1, Trường quân sự Quân khu 1, 2 tổ chức đào tạo theo quy chế;
- Phối hợp với các cơ quan giúp Ban Chỉ đạo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả đào tạo thí điểm; đề xuất với Bộ Quốc phòng, Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, chế độ chính sách cán bộ, giáo viên các nhà trường;
c) Cục Quân lực
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu tổ chức biên chế khung lớp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học tại Trường sĩ quan Lục quân 1 và Trường quân sự Quân khu 1, 2 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo; giúp Ban Chỉ đạo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả đào tạo thí điểm và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Chính phủ về tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ trường quân sự các quân khu, các học viện, nhà trường thuộc Bộ quốc phòng làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.
Điều 12. Tổng cục Chính trị
Chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các quân khu 1, 2, Trường sĩ quan Lục quân 1 tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đối với các lớp đào tạo thí điểm; việc thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong thời gian đào tạo; xét, duyệt phong, thăng quân hàm sĩ quan dự bị cho học viên tốt nghiệp đào tạo.
Điều 13. Bộ Tư lệnh các quân khu
1. Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Quân khu 2
a) Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thuộc quân khu đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch thực hiện đào tạo thí điểm cán bộ quân sự cấp xã có liên quan đến nguồn quy hoạch cán bộ của địa phương và thực hiện tuyển sinh đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo quy chế và chỉ tiêu được giao;
b) Chỉ đạo, kiện toàn Ban Tuyển sinh quân sự các cấp, đồng thời hướng dẫn kiểm tra Ban tuyển sinh quân sự cấp dưới thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh quân sự sơ sở theo chỉ tiêu được giao chặt chẽ, đúng quy định;
c) Chỉ đạo Trường quân sự quân khu điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý học viên và chuẩn bị đầy đủ các mặt bảo đảm khác, liên kết với Trường sĩ quan Lục quân 1 tổ chức triển khai đào tạo thí điểm cán bộ quân sự cấp xã trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở;
d) Chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc quân khu tổ chức xét tuyển, đưa thí sinh trúng tuyển vào trường nhập học; phối hợp với các nhà trường giải quyết các vấn đề liên quan tới học viên trong quá trình đào tạo; tổ chức tiếp nhận và bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo;
đ) Tổ chức sơ kết bước đầu đào tạo thí điểm theo loại hình đào tạo được giao để làm cơ sở Bộ Quốc phòng sơ kết bước đầu đào tạo thí điểm theo Đề án của Thủ trướng Chính phủ;
e) Tham gia biên soạn chương trình, giáo trình, quy chế, quy định tuyển sinh và sử dụng cán bộ sau đào tạo.
2. Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân khu 4
Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trực thuộc quân khu đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch thực hiện đào tạo thí điểm cán bộ quân sự cấp xã có liên quan đến nguồn quy hoạch cán bộ của địa phương; kiện toàn Ban Tuyển sinh quân sự các cấp và thực hiện tuyển sinh quân sự cơ sở theo quy chế và chỉ tiêu được giao; đưa thí sinh trúng tuyển vào trường nhập học; phối hợp với các nhà trường giải quyết các vấn đề liên quan tới học viên trong quá trình đào tạo; tổ chức tiếp nhận và bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo;
Điều 14. Trường sỹ quan Lục quân 1
1. Có trách nhiệm tham gia xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết, quy chế đào tạo, quy định tuyển sinh, biên soạn giáo trình đào tạo theo kế hoạch của Ban chỉ đạo.
2. Chịu trách nhiệm đào tạo trình độ đại học quân sự cơ sở tại trường và liên kết với trường quân sự Quân khu 1, 2 đào tạo trình độ cao đảng quân sự tại trường quân sự các quân khu;
3. Điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý học viên và chuẩn bị đầy đủ các mặt bảo đảm khác tổ chức đào tạo thí điểm; phối hợp với trường quân sự các quân khu sơ kết bước đầu đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng và sơ kết đào tạo trình độ đại học của nhà trường, giúp Bộ Quốc phòng sơ kết bước đầu đào tạo thí điểm theo Đề án của Thủ trướng Chính phủ.
Điều 15. Cục Tài chính/BQP
1. Có trách nhiệm bảo đảm ngân sách thực hiện nhiệm vụ đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở theo Đề án Thủ trướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn các quân khu, địa phương, Trường sĩ quan Lục quân 1 thực hiện về chế độ, chính sách cho cán bộ giáo viên, học viên đào tạo theo quy định.
2. Tham gia sơ kết bước 1 đào tạo thí điểm, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Chính phủ về bảo đảm ngân sách, chế độ, chính sách cho đào tạo cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học trên phạm vi toàn quốc.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều16. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 17. Các đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các tổng cục, Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.