BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU QUA ĐỊA ĐIỂM THÔNG QUAN NỘI ĐỊA
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Pháp lệnh hải quan ngày 20/2/1996.
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7/3/1994 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Tổng cục Hải quan.
Để đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước về Hải quan, đồng thời góp phần khuyến khích và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về Hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua Địa điểm thông quan nội đại (Inland Clearance Depot - I.C.D).
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cơ quan Tổng cục Hải quan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các Doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Bùi Duy Bảo (Đã ký) |
QUY CHẾ
HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU QUAN ĐỊA ĐIỂM THÔNG QUAN NỘI ĐỊA (INLAND CLEARANCE DEPOT - I.C.D)
(Ban hành theo Quyết định số 27/TCHQ-QSQL ngày 08 tháng 4 năm 1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Địa điểm thông quan nội địa (Inland Clearance Depot - I. C.D) trong Quy chế này là một địa điểm nằm sâu trong đất liền mà các công ty vận chuyển hàng hoá bằng đường biển cấp phát vận đơn của mình cho hàng hoá nhập khẩu được chuyên chở tới đó hoặc những hàng hoá xuất khẩu từ đó đi. Địa điểm thông quan nội địa đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của hải quan, được Hải quan và các cơ quan có liên quan khác làm các thủ tục cần thiết để đưa vào nội địa sử dụng, tạm lưu kho hoặc xuất khẩu thẳng.
Điều 2: Địa điểm thông quan nội địa và tất cả phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, tất cả hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu ra vào hoặc lưu giữ tại Địa điểm thông quan nội địa phải chịu sự kiểm tra, giám sát và quản lý Nhà nước về Hải quan.
Điều 3: Các thuật ngữ chung trong Quy chế này:
3.1- Hải quan Địa điểm thông quan nội địa (dưới đây gọi tắt là Hải quan I.C.D) là đơn vị hải quan cấp Cửa khẩu, có văn phòng làm việc thường trực tại I.C.D, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các đối tượng ghi ở Điều 2 Quy chế này; làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu tại I.C.D, và giám sát vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu giữa I.C.D và Cửa khẩu.
3.2- Hải quan Cảng Cửa khẩu là Hải quan tại các Cảng, nơi hàng nhập khẩu được dỡ từ tàu để chuyển về làm thủ tục tại I.C.D hoặc tiếp nhận việc giám sát hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan tại I. C.D cho đến khi hàng thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
3.3- Người khai thác là Doanh nghiệp có I.C.D được Tổng cục hải quan quyết định cho hoạt động.
3.4- người vận tải là các hãng tàu Việt Nam và các hãng giao nhận vận tải đã cấp vận đơn có ghi Cảng đích (Final Destination) là I. C.D hoặc cấp vận đơn suốt cho hàng xuất thẳng từ I.C.D.
Chương 2:
THỦ TỤC CÔNG NHẬN ĐỊA ĐIỂM THÔNG QUAN NỘI ĐỊA
Điều 4: Để được xét cấp giấy phép cho Địa điểm thông quan nội địa hoạt động, các Doanh nghiệp cần có các điều kiện sau:
4.1- Là Doanh nghiệp Việt Nam được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận, vận tải, đại lý tàu biển.
4.2- Được Nhà nước cho phép sử dụng mặt bằng kho bãi cần thiết.
4.3- Kho bãi phải được ngăn cách với khu vực xung quanh bởi tường rào chắc chắn, có đủ trang thiết bị xếp dỡ, trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và hàng hoá, phương tiện vận tải.
4.4- Có văn phòng làm việc của Hải quan và dây chuyền thủ tục Hải quan với đầy đủ phương tiện.
4.5- Có phương tiện thông tin liên lạc thuận tiện với trong và ngoài nước.
Điều 5: Thủ tục xin phép công nhận Địa điểm thông quan nội địa:
5.1- Doanh nghiệp làm đơn xin phép công nhận Địa điểm thông quan nội địa gửi Tổng cục hải quan.
5.2- Kèm theo đơn xin phép công nhận Địa điểm thông quan nội địa phải nộp:
- Quyết định thành lập Doanh nghiệp (Bản sao công chứng)
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Bản sao công chứng).
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng kho bãi (Kèm theo Sơ đồ kho, bãi)
- Luận chứng kinh tế kỹ thuật.
Điều 6: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ đơn và giấy tờ như quy định tại điều 5 của Quy chế này, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành các thủ tục xét duyệt hồ sơ, kiểm tra thực tế kho bãi và nếu đủ điều kiện sẽ ra quyết định công nhận Địa điểm thông quan nội địa. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép thì Tổng cục Hải quan sẽ trả lời bằng văn bản cho Doanh nghiệp biết.
Chương 3:
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU QUA ĐỊA ĐIỂM THÔNG QUAN NỘI ĐỊA
Điều 7:
7.1- Chỉ những hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đủ điều kiện sau đây được làm thủ tục qua I.C.D:
7.1.1. Hàng hoá nhập khẩu, trên vận tải đơn có ghi Cảng đích (Final Destination) hoặc nơi giao hàng (Place of Delivery) là I.C.D hoặc bãi Containars (Containars Yard - C.Y).
7.1.2. Hàng hoá xuất khẩu quy định nơi nhận hàng (Palace of Receipt) là I.C.D/C.Y và nơi xếp hàng lên tàu là Cảng Cửa khẩu (Port of Loading). Các địa diểm này phải được thể hiện trên Hợp đồng.
7.1.3. Hàng hoá chứa trong Containers (bao gồm cả các kiện hàng lẻ nhập khẩu đến Cửa khẩu được xếp vào Containers để chuyển về I.C.D)
7.2- Hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan tại Địa điểm kiểm tra ngoài khu vực Cửa khẩu, nếu có quy định như tại điểm 7.1.2, được đưa vào I.C.D xếp vào Containers để xuất khẩu.
Điều 8: Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu làm thủ tục tại I.C.D như quy định đối với hàng hoá xuẩt nhập khẩu làm thủ tục Hải quan tại Cửa khẩu hoặc Hải quan tỉnh, thành phố.
Điều 9: Quy định trách nhiệm các bên đối với hàng xuất khẩu:
9.1- Trách nhiệm của hải quan Địa điểm thông quan nội địa đối với hàng hoá xuất khẩu:
9.1.1. Làm thủ tục xuất khẩu cho từng lô hàng như quy định về thủ tục Hải quan đối với hàng xuất khẩu.
9.1.2. Giám sát việc đóng hàng vào Containers hoặc đưa vào kho chờ xếp vào Containers.
9.1.3. Niêm phong Containers đã xếp hàng xuất khẩu, các kiện hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục Hải quan đưa vào kho chờ xếp vào Containers và kho chưa hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục Hải quan.
9.1.4. Lập Biên bản bàn giao (3 bản, theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này) Containers đã xếp hàng xuất khẩu, đã niêm phong Hải quan cho Người khai thác.
9.2- Trách nhiệm của Hải quan Cửa khẩu xuất:
9.2.1. Tiếp nhận Containers hàng xuất khẩu và Biên bản bàn giao được chuyển từ Hải quan I.C.D tới, thông qua Người khai thác.
9.2.2. Kiểm tra niêm phong Hải quan và đối chiếu với Biên bản bàn giao. Nếu Containers vỡ hỏng hoặc niêm phong không còn nguyên vẹn thì lập biên bản về việc đó, yêu cầu Người vận tải/ Người khai thác ký biên bản, báo cáo Trưởng hải quan cửa khẩu để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
9.2.3. Vào sổ theo dõi riêng đối với loại hàng này.
9.2.4. Ký xác nhận vào Biên bản bàn giao và chuyển lại 1 bản cho Hải quan I.C.D thông qua Người khai thác.
9.2.5. Giám sát hàng hoá cho đến khi hàng thực xuất.
9.3- Trách nhiệm của Người khai thác:
9.3.1. Tiếp nhận hoặc theo uỷ quyền của Người vận tải tiếp nhận Containers hàng xuất khẩu đã được niêm phong để vận chuyển đến cửa khẩu. Chịu trách nhiệm đảm bảo sự nguyên vẹn của Containers và các niêm phong cho đến khi hàng được xếp lên tàu xuất ra nước ngoài (kể cả niêm phong của các kiện hàng đã làm xong thủ tục Hải quan tạm gửi trong kho chờ xếp vào Containers, và niêm phong kho).
9.3.2. Luân chuyển các Biên bản bàn giao và các chứng từ khác giữa Hải quan I.C.D với Hải quan Cửa khẩu và ngược lại.
9.3.3. Ký và thi hành các biên bản liên quan đến trách nhiệm của mình do Hải quan lập (kể cả trách nhiệm Người vận tải trong trường hợp được uỷ quyền).
9.4- Trách nhiệm Người vận tải:
9.4.1. Tiếp nhận hoặc uỷ quyền Người khai thác tiếp nhận Containers hàng xuất khẩu đã được niêm phong để vận chuyển đến Cửa khẩu. Nếu tự vận chuyển phải chịu trách nhiệm đảm bảo sự nguyên vẹn của Containers hàng hoá và các niêm phong cho đến khi hàng hoá được xếp lên tàu xuất ra nước ngoài (kể cả niêm phong của các kiện hàng đã làm xong thủ tục hải quan tạm gửi trong kho chờ xếp vào Containers và niêm phong kho).
9.4.2. Ký và thi hành các biên bản liên quan đến trách nhiệm của mình do Hải quan lập.
Điều 10: Quy định trách nhiệm các bên đối với hàng hoá nhập khẩu:
10.1- Trách nhiệm của Hải quan Cửa khẩu nhập:
10.1.1. Kiểm tra tình trạng bên ngoài của Containers hoặc các kiện rời (nếu có) hàng chuyển về I.C.D. Nếu bị đổ vỡ hoặc mất niêm phong thì lập biên bản về việc đó, giao cho Người khai thác 1 bản để chuyển cho Hải quan I.C.D.
10.1.2. Giám sát việc xếp các kiện rời (nếu có) vào Containers để chuyển về I.C.D.
10.1.3. Niêm phong Containers chuyển về I.C.D.
10.1.4. Lập Biên bản bàn giao (3 bản) Containers cho Người khai thác chuyển về I.C.D.
10.2- Trách nhiệm của Hải quan I.C.D.
10.2.1. Tiếp nhận Containers hàng và Biên bản bàn giao được chuyển từ Hải quan Cửa khẩu tới thông qua Người khai thác.
10.2.2. Kiểm tra tình trạng bên ngoài của Containers, đối chiếu với Biên bản bàn giao và biên bản khác (nếu có). Nếu không phù hợp thì lập biên bản về việc đó báo cáo Trưởng hải quan I.C.D để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
10.2.3. Giám sát việc đưa các kiện hàng rời và các kiện hàng gửi theo B/L lẻ đóng trong Containers chung chủ (LCL) vào kho chờ làm thủ tục nhập khẩu. Niêm phong kho hàng chờ làm thủ tục nhập khẩu.
10.2.4. Vào sổ theo dõi hàng đến.
10.2.5. Xác nhận vào Biên bản bàn giao để chuyển cho Hải quan Cửa khẩu nhập thông qua Người khai thác.
10.2.6. Làm thủ tục Hải quan cho từng lô hàng hoá nhập khẩu như những quy định về thủ tục Hải quan đối với hàng nhập khẩu hoặc làm thủ tục cho chuyển tiếp lô hàng theo quy định về thủ tục Hải quan đối với hàng chuyển tiếp.
10.3- Trách nhiệm của Người khai thác:
10.3.1. Tiếp nhận hoặc theo uỷ quyền của Người vận tải tiếp nhận Containers hàng nhập khẩu từ Cảng nhập khẩu để chuyển về I.C.D. Chịu trách nhiệm bảo đảm sự nguyên vẹn Containers hàng và niêm phong cho đến khi hàng được làm thủ tục nhập khẩu tại I.C.D.
10.3.2. Cung cấp hoặc thay mặt Người vận tải cung cấp cho Hải quan I.C.D bản lược khai hàng hoá chuyên chở trên từng tàu, bản sao B/L và các chứng từ khác (nếu có).
10.3.3. Luân chuyển các Biên bản bàn giao và các chứng từ khác giữa Hải quan Cảng với Hải quan I.C.D và ngược lại.
10.3.4. Ký và thi hành các biên bản liên quan đến trách nhiệm của mình do Hải quan lập (kể cả trách nhiệm Người vận tải trong trường hợp được uỷ quyền).
10.4- Trách nhiệm Người vận tải:
10.4.1. Tiếp nhận hoặc uỷ quyền Người khai thác tiếp nhận Containers hàng nhập khẩu từ Cảng nhập khẩu để chuyển về I.C.D. Nếu tự vận chuyển phải chịu trách nhiệm bảo đảm sự nguyên vẹn Containers hàng và niêm phong cho đến khi hàng hoá được làm thủ tục nhập khẩu tại I.C.D.
10.4.2. Cung cấp các chứng từ liên quan đến vận tải hàng hoá (lược khai, bản sao B/L) và các chứng từ khác (nếu có) cho Người khai thác để chuyển cho Hải quan.
10.4.3. Ký và thi hành các biên bản liên quan trách nhiệm của mình do Hải quan lập.
Chương 4:
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11: Những hành vi vi phạm các điều khoản trong bản Quy chế này và quy định tại các văn bản pháp luật liên quan, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12: Quy chế này có hiệu lưc thi hành theo Quyết định số 27/TCHQ-GSQL ngày 08 tháng 4 năm 1996.
Điều 13: Cục trưởng Cục giám sát và quản lý về Hải quan có trách nhiệm hướng dẫn triển khai, theo dõi thực hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế này. Thủ trưởng các đơn vị Cơ quan Tổng cục Hải quan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các Doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
PHỤ LỤC 1
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
BIÊN BẢN BÀN GIAO
Hồi...... giờ...... phút ngày..... tháng..... năm 199... Hải quan............................ bàn giao............... Containers đã niêm phong cho.................. để chuyển đi.........................
Chi tiết như sau:
S TT | Số hiệu Containers | Số Seal Containers | Số Seal | Ghi chú |
|
|
|
|
|
Tình trạng Containers:...........................................
................................................................. Biên bản về tình trạng hàng hoá (nếu có), số:.................... ................................................................. Biên bản này được lập thành 3 bản, mỗi bên ký tên dưới đây giữ 1 bản.
Đai diện Hải quan I.C.D Hải quan
Người khai thác (ký, ghi rõ họ tên, Cảng cửa khẩu
(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) đóng dấu) (ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.