ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2011/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 19 tháng 8 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TÂY NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV, ngày 10 tháng 7 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về lao động, người có công và xã hội;
Căn cứ Thông tư số 15/TT-BLĐTBXH, ngày 12 tháng 5 năm 1994 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, về việc hướng dẫn thành lập bộ máy về phòng, chống tệ nạn xã hội ở các địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 215/TTr-SNV, ngày 10 tháng 6 năm 2011,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Điều 2, Điều 3 của Quyết định số 104/2005/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc thành lập Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Điều 3. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định này.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHI CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND, ngày 19 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)
VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Chi cục) là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, chịu sự quản lý, chỉ đạo của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Chi cục có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, mở tài khoản tại ngân hàng và Kho bạc Nhà nước tỉnh theo quy định.
3. Chi cục có chức năng giúp Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội. Trước hết là tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy tự nguyện, bắt buộc tại Trung tâm; phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng mại dâm, ma túy và công tác quản lý cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng; công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại cơ sở tập trung và tại gia đình, tại cộng đồng; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, mua bán người; trẻ em bị xâm hại tình dục; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra đối với cơ sở Giáo dục – Lao động xã hội (cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm, người sau cai nghiện ma túy) trên địa bàn tỉnh.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Dự thảo các Quyết định, Chỉ thị, các kế hoạch dài hạn, 5 năm và kế hoạch hàng năm, các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Hướng dẫn kiểm tra, đánh giá và tổng kết tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, chế độ chính sách, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật.
3. Công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai:
a) Thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đối với Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội (gọi tắt là Trung tâm GDLĐXH); các cơ sở cai nghiện tại gia đình, cộng đồng;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch củng cố Trung tâm GDLĐXH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định của Pháp luật. Thẩm tra các hồ sơ đưa người vào cai nghiện tại Trung tâm GDLĐXH, cơ sở cai nghiện. Hướng dẫn tổ chức, tiếp nhận người bị bắt buộc và người tự nguyện vào Trung tâm GDLĐXH, cơ sở cai nghiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật;
c) Thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền cấp, thay đổi hoặc thu hồi hồ sơ, giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy của các tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh;
d) Kiểm tra và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trong các hoạt động tổ chức cai nghiện ma túy tại các Trung tâm GDLĐXH và cơ sở cai nghiện tại gia đình và cộng đồng;
đ) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Y tế, Công an hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ, quy trình chữa trị cho người nghiện ma túy, người bán dâm tại Trung tâm GDLĐXH, cơ sở cai nghiện;
e) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan đơn vị xây dựng cơ chế chính sách, chế độ tài chính về cai nghiện ma túy tại Trung tâm GDLĐXH, các cơ sở cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp với quy định của Luật Ngân sách và điều kiện kinh tế của địa phương tham mưu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành;
g) Điều tra, thống kê, đánh giá tình hình tệ nạn người nghiện ma túy, tỷ lệ tái nghiện ma túy, xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện bền vững. Thông báo, điều chỉnh chỉ tiêu cai nghiện, quản lý sau cai hàng năm theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh;
h) Hướng dẫn Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, Trung tâm GDLĐXH thực hiện giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người sau cai nghiện;
i) Tổ chức các hoạt động tư vấn, phát hiện người nghiện ma túy; hướng dẫn quy trình cai nghiện ma túy tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tư vấn, hỗ trợ bản thân và gia đình các đối tượng nghiện đi cai nghiện; phòng chống HIV/AIDS tại Trung tâm GDLĐXH, cơ sở cai nghiện; chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện nhằm giảm tác hại trong cộng đồng do nghiện ma túy gây nên;
k) Kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định đưa vào Trung tâm GDLĐXH, cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật;
4. Xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm theo tiêu chuẩn hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
5. Thường trực phòng, chống tệ nạn mại dâm:
a) Xây dựng các Chương trình, kế hoạch phối hợp hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đồng thời hướng dẫn tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh;
b) Thống nhất quản lý Trung tâm GDLĐXH và cơ sở cai nghiện dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm. Hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm;
c) Tổ chức điều tra cơ bản, thống kê, đánh giá, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh; nhằm xây dựng cơ chế chính sách về phòng, chống tệ nạn mại dâm phù hợp luật pháp và điều kiện của tỉnh ;
d) Giúp Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, HIV/AIDS của tỉnh; phối hợp Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội cấp tỉnh hướng dẫn Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các huyện, thị xã thực hiện theo đúng trình tự quy định;
đ) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ngành nghề nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm;
e) Hướng dẫn quy định danh mục chỗ làm việc, công việc không được sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ngành nghề nhạy cảm dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
6. Phòng, chống tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em:
a) Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và pháp luật của Nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành;
b) Tổ chức triển khai chương trình hành động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em theo pháp luật Việt Nam và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em;
c) Giải quyết chính sách hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như: Tư vấn tâm lý, chăm sóc y tế, giáo dục, hỗ trợ khó khăn để trẻ em nhanh chóng ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng và gia đình;
d) Can thiệp hỗ trợ, đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xét xử nghiêm minh trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về xâm hại tình dục trẻ em.
7. Phòng, chống tệ nạn mua bán người:
a) Dự thảo các quy chế, quy định về trình tự thủ tục, cơ chế, chính sách tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng bền vững để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành;
b) Xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch truyền thông phòng, chống tệ nạn mua bán người trên địa bàn tỉnh;
c) Tổ chức các hoạt động tư vấn về quy trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Truyền thông nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ cơ sở và người dân trong cộng đồng;
d) Hướng dẫn, kiểm tra Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình chính sách tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng;
đ) Hướng dẫn các địa phương lập Hồ sơ hỗ trợ nạn nhân theo quy định. Thụ lý các hồ sơ hỗ trợ nạn nhân, thẩm tra, hoàn thiện trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
8. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tệ nạn xã hội:
Giúp Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện hợp tác quốc tế về cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm; phòng, chống mua bán người; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
9. Công tác phối hợp:
a) Trao đổi, làm việc với các bộ phận chức năng của các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị (Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm) về hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống tệ nạn xã hội về mại dâm, quản lý người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh;
b) Yêu cầu Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội để tổng hợp và tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
10. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ, cung cấp số liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống tệ nạn xã hội theo tiêu chuẩn ISO.
11. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, đồng thời chuẩn bị các hồ sơ Thi đua - khen thưởng thuộc chuyên đề phòng, chống tệ nạn xã hội của các huyện, thị xã, các xã, phường, đơn vị trình các cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.
12. Quản lý cán bộ công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tham mưu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về phòng, chống tệ nạn xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cơ sở xã, phường, thị trấn.
13. Quản lý tài chính, tài sản của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chương III
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ
Điều 3. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Chi cục:
a) Chi cục có Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng.
b) Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục.
c) Phó Chi cục trưởng là người giúp việc cho Chi cục trưởng, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Chi cục trưởng phân công, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chi cục trưởng vắng mặt, một Phó Chi cục trưởng được Chi cục Trưởng ủy quyền điều hành các hoạt động của Chi cục.
d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, cách chức, khen thưởng, kỷ luật, điều động, luân chuyển, chế độ chính sách đối với các chức danh Chi cục Trưởng, Phó Chi cục trưởng của Chi cục thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Cơ cấu tổ chức của Chi cục:
a) Phòng Tổ chức - Hành chính;
b) Phòng Quản lý về chính sách;
c) Phòng nghiệp vụ công tác xã hội.
Các phòng có Trưởng phòng và không quá 02 Phó trưởng phòng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách đối với lãnh đạo phòng thuộc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và phân cấp quản lý tổ chức cán bộ hiện hành của tỉnh.
Điều 4. Biên chế của Chi cục
1. Biên chế của Chi cục là biên chế quản lý nhà nước được xác định theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm trong tổng số biên chế hành chính của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh.
2. Căn cứ vào tình hình, chức năng, nhiệm vụ của Chi cục, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội xác định tổng số biên chế để báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
3. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Chi cục được thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của tỉnh.
4. Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có trách nhiệm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với chức danh chuyên môn, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo quy định của Nhà nước, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 5. Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có trách nhiệm quy định nhiệm vụ cụ thể của các phòng chuyên môn, quy chế làm việc của Chi cục để tổ chức thực hiện phù hợp với Quyết định này và các quy định hiện hành có liên quan theo đúng pháp luật.
Điều 6. Trong quá trình thực hiện, quy định này có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nội vụ và quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.