BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2008/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành Giao thông vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: VIETNAM INLAND WATERWAYS ADMINISTRATION, viết tắt là VIWA.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
2. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật khác về giao thông vận tải đường thủy nội địa; ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
3. Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và quy chế quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.
4. Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
5. Về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa:
a) Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đã được Bộ trưởng phê duyệt;
b) Trình Bộ trưởng quyết định phân cấp quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia;
c) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do Bộ quyết định đầu tư hoặc được phân cấp;
d) Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa;
đ) Trình Bộ trưởng công bố đóng, mở cảng thủy nội địa, vùng đón trả hoa tiêu đối với cảng đường thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài và công bố đóng, mở tuyến đường thủy nội địa. Thực hiện việc công bố cảng thủy nội địa, cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa và thông báo luồng giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật;
e) Cho ý kiến bằng văn bản đối với các dự án xây dựng công trình trên đường thủy nội địa quốc gia theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn cơ quan chuyên ngành của địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa địa phương. Tổng hợp tình hình phát triển, quản lý, bảo trì hệ thống đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.
6. Về phương tiện thủy nội địa:
a) Trình Bộ trưởng quy định đăng ký và quản lý các loại phương tiện thủy nội địa;
b) Hướng dẫn thực hiện việc đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ vào mục đích an ninh, quốc phòng và tàu cá).
7. Về đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa trong Giao thông vận tải đường thủy nội địa (trừ người điều khiển phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ vào mục đích an ninh, quốc phòng và tàu cá):
a) Trình Bộ trưởng quy định điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải đường thủy nội địa.
b) Trình Bộ trưởng quy định nội dung chương trình đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho thuyền viên, người lái phương tiện và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải đường thủy nội địa; quy định việc sát hạch, cấp và quản lý bằng, chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, người lái phương tiện trong giao thông vận tải đường thủy nội địa.
c) Trình Bộ trưởng quy định điều kiện, tiêu chuẩn thành lập, hoạt động của các trung tâm sát hạch thuyền viên; quy định điều kiện, tiêu chuẩn của các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện, người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải đường thủy nội địa.
d) Xây dựng trình Bộ trưởng quyết định về định biên tối thiểu và nhiệm vụ, trách nhiệm các chức danh thuyền viên trên phương tiện thuỷ nội địa.
8. Về hoạt động vận tải thủy nội địa:
a) Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành cơ chế, chính sách phát triển vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải thủy nội địa và quy định vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường thủy nội địa.
b) Xây dựng trình Bộ trưởng quy định việc công bố các tuyến vận tải hành khách và thực hiện việc công bố theo phân công của Bộ trưởng;
c) Hướng dẫn thực hiện các quy định về vận tải đa phương thức trong lĩnh vực đường thủy nội địa;
d) Tham gia xây dựng khung giá cước hoặc cước vận tải, xếp dỡ, các dịch vụ hỗ trợ vận tải được hoạt động độc quyền và những dịch vụ mà nhà nước trợ giá hoặc giao cho doanh nghiệp thực hiện.
đ) Thực hiện các quy định quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức thống kê, nghiên cứu, dự báo thị trường vận tải đường thủy nội địa, sự phát triển các luồng hàng, lưu lượng hành khách và các tuyến vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.
9. Về an toàn giao thông đường thủy nội địa:
a) Tổ chức thực hiện các đề án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cục;
b) Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, bão, lũ và phối hợp tìm kiếm – cứu nạn trong giao thông đường thủy nội địa theo phân công của Bộ trưởng.
10. Về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường thủy:
a) Tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và cơ sở sản xuất công nghiệp theo sự phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trong lĩnh vực quản lý của Cục.
11. Thực hiện hợp tác quốc tế, các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa.
12. Tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, bảo đảm dịch vụ thông tin phục vụ quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông vận tải thủy nội địa.
13. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước của Bộ; trình Bộ trưởng quyết định việc phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
14. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa thuộc thẩm quyền của Cục.
15. Xây dựng, trình Bộ trưởng quyết định cơ cấu tổ chức, cơ cấu công chức và biên chế của Cục; quản lý tổ chức hoạt động bộ máy, sử dụng biên chế được duyệt theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Cục; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.
16. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật; tổ chức thu các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
17. Xây dựng đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường thủy nội địa trình Bộ Giao thông vận tải; tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.
18. Quan hệ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và phối hợp với các Cục trực thuộc Bộ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Bộ trưởng.
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức Cục
1. Các tổ chức giúp việc Cục trưởng
a) Phòng Kế hoạch – Đầu tư;
b) Phòng Tài chính;
c) Phòng Quản lý hạ tầng;
d) Phòng Pháp chế, Vận tải và An toàn giao thông;
đ) Phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế và Môi trường;
e) Phòng Tổ chức cán bộ;
g) Phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên;
h) Phòng Quản lý dự án vốn trong nước;
i) Phòng Quản lý dự án vốn nước ngoài;
k) Thanh tra;
l) Văn phòng.
2. Chi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (đặt tại thành phố Hải Phòng) và Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (đặt tại thành phố Hồ Chí Minh). Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Chi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ở các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khác trên cơ sở đề nghị của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
3. Các cảng vụ đường thủy nội địa.
4. Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc:
a) Trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy I;
b) Trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy II;
c) Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải đường thủy;
d) Tạp chí Cánh Buồm;
đ) Các đơn vị quản lý đường thủy nội địa.
Điều 4. Lãnh đạo Cục
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Cục trưởng là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; giúp việc Cục trưởng có các Phó Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về nhiệm vụ được Cục trưởng phân công.
2. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễm nhiệm.
3. Các Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm, miễm nhiệm theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; bãi bỏ Quyết định số 2569/2003/QĐ-BGTVT ngày 29 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sông Việt Nam và những quy định pháp luật trước đây trái với Quyết định này.
2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.