ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2001/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 03 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC CHO PHÉP THÀNH LẬP QUỸ HỖ TRỢ VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ngày 22/12/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ Từ thiện ;
Căn cứ Thông báo số 761/TB-TU ngày 26/02/1999 của Ban Thường vụ Thành ủy về một số đề án nhằm cụ thể hóa nội dung chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ;
Xét đơn đề nghị của ông Nguyễn Tuấn Việt, đại diện các sáng lập viên, đề nghị của Sở Văn hóa và Thông tin thành phố tại công văn số 3457/CV-SVHTT ngày 30/01/2001 và của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố tại tờ trình số 20/TCCQ ngày 01/3/2001 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.
Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố hoạt động theo nguyên tắc đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các tài năng và hỗ trợ các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thông tin, báo chí trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản ở Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước thành phố.
Quỹ chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính của Sở Tài chánh-Vật giá thành phố và chịu sự quản lý Nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Văn hóa và Thông tin thành phố.
Trụ sở của Quỹ đặt tại trụ sở của Sở Văn hóa và Thông tin thành phố số 164 Đồng Khởi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ :
1- Tổ chức tuyên truyền vận động và tiếp nhận các nguồn đóng góp, tài trợ về vật chất, tài chính của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tiến hành hỗ trợ đầu tư xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ; khuyến khích, tạo điều kiện phát huy tài năng và hỗ trợ các hoạt động sáng tác, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thông tin, báo chi.
2- Tổ chức các hoạt động gây quỹ theo đúng quy định của Nhà nước.
3- Quản lý và sử dụng Quỹ đúng mục đích, đối tượng và có hiệu quả.
Điều 3. Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chịu sự quản lý của Hội đồng quản lý Quỹ gồm có - Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin ;
- Một số Phó Chủ tịch Hội đồng, trong đó 1 Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin kiêm Phó Chủ tịch Thường trực.
- Các ủy viên Hội đồng là đại diện các Ban, Ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, trong đó đại diện Sở Văn hóa và Thông tin thành phố kiêm Giám đốc Quỹ.
Điều 4. Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kèm theo quyết định này.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh-Vật giá thành phố, Giám đốc các Sở ngành có liên quan và Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 27/2001/QĐ-UB ngày 30 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích-ý nghĩa :
- Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh được thành lập nhằm mục đích huy động nguồn lực xã hội, nhằm khuyến khích tạo điều kiện phát huy các tài năng, hỗ trợ các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
- Việc thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh không tập trung hay thay thế các chương trình tài trợ đã có ở các ngành các cấp mà nhằm giúp đỡ, khuyến khích các tài năng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Nguyên tắc hoạt động :
- Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, theo nguyên tắc tự tạo vốn trên cơ sở vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động văn hóa.
- Quỹ tự trang trải chi phí cho hoạt động văn hóa-xã hội và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, không có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Thực hiện công khai mọi khoản thu-chi theo quy định của pháp luật về công khai tài chính.
Điều 3. Vị trí-tư cách pháp nhân :
- Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập, chịu sự quản lý của Hội đồng quản lý Quỹ.
- Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh là một tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước thành phố.
- Trụ sở làm việc của Quỹ đặt tại trụ sở của Sở Văn hóa và Thông tin thành phố Hồ Chí Minh : 164 Đồng Khởi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh-Điện thoại số : 8.223125 - 8292093 -Fax : 8.223221.
Chương 2;
NHIỆM VỤ CỦA QUỸ
Điều 4. Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh có những nhiệm vụ sau :
1- Tổ chức vận động và tiếp nhận các nguồn tài trợ do các đơn vị sản xuất-kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ hợp pháp cho Quỹ hoặc cho các đề án cụ thể của Quỹ để tiến hành các hoạt động hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thông tin, báo chí.
2- Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm về thu-chi Quỹ, xác định quy mô đối tượng bảo trợ.
3- Xây dựng và thực hiện các đề án tài trợ theo tôn chỉ, mục đích của Quỹ.
4- Tổ chức các hoạt động gây quỹ theo quy định hiện hành ; Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Quỹ theo tôn chỉ mục đích của Quỹ.
5- Chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính, tài sản của Sở Tài chánh-Vật giá thành phố.
6- Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.
7- Báo cáo kết quả hoạt động định kỳ (hàng tháng, quý, năm) với Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng quản lý Quỹ. Quỹ phải công khai mọi khoản thu-chi theo quy định của pháp luật về công khai tài chính.
8- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Đối tượng bảo trợ của Quỹ :
1- Bảo trợ, chăm sóc và khuyến khích, bồi dưỡng, đào tạo phát triển các tài năng và hỗ trợ các hoạt động sáng tác, các công trình sáng tác âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, báo chí, thông tin.
2- Tài trợ các cuộc vận động sáng tác văn hóa, nghệ thuật, triển lãm và hỗ trợ cho việc tổ chức các trại sáng tác ; tài trợ cho các công trình nghiên cứu, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân tộc.
Điều 6. Phương thức và định mức bảo trợ :
1- Căn cứ tình hình tài chính của Quỹ trong chương trình hoạt động hàng năm, Hội đồng quản lý sẽ quy định cụ thể về định mức giúp đỡ cho các đối tượng.
2- Phương thức bảo trợ của Quỹ : bảo trợ thường xuyên, có thời hạn hoặc đột xuất.
3- Đối với việc bảo trợ thường xuyên và có thời hạn thì Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ 03 tháng một lần để xét. Đối với trường hợp đột xuất, Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ ủy nhiệm cho Giám đốc Quỹ xem xét quyết định mức trợ cấp cho từng trường hợp cụ thể để giúp đỡ kịp thời (chi trợ cấp đột xuất tối đa không quá 200.000 đồng {hai trăm ngàn đồng} cho một trường hợp).
4- Đối với việc bảo trợ sáng tác văn học hoặc chi các công trình nghiên cứu thì thực hiện cơ chế tạm cấp 60% dự toán được duyệt theo tiến độ thực hiện. Khi được Hội đồng nghiệm thu đánh giá, nếu đạt yêu cầu thì cấp tiếp số còn lại. Nếu người thực hiện không đảm bảo thì sau khi trao đổi với Chủ tịch Hội đồng quản lý, cơ quan điều hành quyết định thu hồi tiền chi không hiệu quả.
Điều 7. Người bảo trợ :
1- Người bảo trợ là các tổ chức, cá nhân có đóng góp về mặt vật chất và tinh thần cho hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật gồm :
- Các cá nhân, đơn vị sản xuất-kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài nước.
- Các tổ chức phi Chính phủ.
2- Người bảo trợ giao quyền sử dụng nguồn bảo trợ của mình cho Hội đồng quản lý Quỹ quyết định hoặc được quyền yêu cầu sử dụng nguồn bảo trợ của mình cho một số đối tượng hay một đơn vị cụ thể.
3- Người bảo trợ được mời tham dự các buổi tổng kết hàng năm của Quỹ, đóng góp ý kiến xây dựng hoạt động của Quỹ.
4- Người bảo trợ có đóng góp to lớn cho hoạt động của Quỹ được ghi vào Sổ vàng của Quỹ và có thể được đề nghị khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Chương 3:
TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ
Điều 8. Thành phần Hội đồng quản lý Quỹ gồm có :
1- Chủ tịch Hội đồng : Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin thành phố.
2- Phó Chủ tịch Thường trực : Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin (kiêm nhiệm) ;
3- Phó Chủ tịch : Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố.
4- Ủy viên Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc Quỹ : đại diện Sở Văn hóa và Thông tin thành phố.
5- Các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ là đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm, đại diện các doanh nghiệp, các doanh nhân, các tổ chức xã hội được phân công trong các tiểu ban như sau :
- Tiểu ban công tác hỗ trợ văn hóa.
- Tiểu ban tuyên truyền vận động và tổ chức gây Quỹ.
Điều 9. Hội đồng quản lý Quỹ :
1- Hội đồng quản lý Quỹ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :
- Xem xét và thông qua phương hướng kế hoạch hoạt động của Quỹ.
- Ban hành các quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu của Quỹ, xây dựng định mức chỉ tiêu cho công tác quản lý Quỹ.
- Chuẩn y các kế hoạch tài chính, thẩm tra các báo cáo quyết toán của Quỹ.
- Hội đồng quản lý Quỹ quyết định các bộ phận chuyên môn của Quỹ.
2- Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng đảm nhiệm. Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm thay mặt Hội đồng để quản lý hoạt động của Quỹ và giải quyết các vấn đề do Giám đốc điều hành Quỹ đề nghị ; quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để vận động tài trợ cho Quỹ theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Giám đốc Quỹ và các bộ phận chức năng :
1- Giám đốc Quỹ là đại diện theo pháp luật của Quỹ, do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm.
2- Giúp Giám đốc trong việc điều hành Quỹ có các Phó Giám đốc phụ trách kế toán, thủ quỹ và một số bộ phận chuyên môn. Các Phó Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc. Khi cần thiết Giám đốc có thể ủy quyền cho Phó Giám đốc Thường trực.
- Trưởng, phó các bộ phận chuyên môn do Giám đốc Quỹ bổ nhiệm.
3- Giúp việc cho Ban Giám đốc Quỹ có các cán bộ vận động tuyên truyền, đối ngoại, thư ký, kế toán, thủ quỹ.
4- Phụ trách kế toán Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ và căn cứ vào tiêu chuẩn do Bộ Tài chính quy định.
Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc Quỹ :
1- Chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Quỹ.
2- Tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ về kế hoạch vận động và sử dụng nguồn Quỹ.
3- Tiếp nhận các nguồn bảo trợ, các yêu cầu bảo trợ, tập hợp và đề xuất Hội đồng quản lý Quỹ quyết định danh sách và mức trợ giúp đối với các đối tượng.
4- Điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ, chấp hành các định mức chi tiêu của Quỹ theo đúng Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ.
5- Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của Quỹ với Hội đồng quản lý Quỹ và Ủy ban nhân dân thành phố.
6- Chịu trách nhiệm quản lý vốn và tài sản của Quỹ theo điều lệ và các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản.
7- Ký các văn bản thuộc trách nhiệm điều hành của Giám đốc và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Điều 12. Ban kiểm soát Quỹ :
1- Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập Ban kiểm soát Quỹ và bổ nhiệm các thành viên. Ban kiểm soát Quỹ phải có ít nhất 03 thành viên gồm : Trưởng ban, Phó trưởng ban và Ủy viên.
2- Ban kiểm soát Quỹ hoạt động độc lập và có các nhiệm vụ sau đây :
- Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo đúng điều lệ, đúng tôn chỉ mục đích của Quỹ và đúng pháp luật.
- Báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý Quỹ về kết quả kiểm soát các hoạt động và tình hình tài chính của Quỹ.
Chương 4:
TÀI CHÍNH QUỸ
Điều 13. Nguồn thu của Quỹ :
1- Thu từ sự đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước và nước ngoài.
2- Tiếp nhận tài trợ có mục đích, có địa chỉ cụ thể để thực hiện theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân tài trợ.
3- Thông qua các hoạt động kinh tế (như góp vốn vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hóa, góp cổ phần).
4- Thu từ lãi suất tiền gởi của Quỹ vào Ngân hàng thương mại cổ phần hoặc Ngân hàng Nhà nước.
5- Thu từ các hoạt động gây Quỹ theo quy định hiện hành.
6- Thu các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).
Điều 14. Các khoản chi :
1- Tài trợ cho các tổ chức, cá nhân về những hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ.
- Bảo trợ, chăm sóc và khuyến khích, bồi dưỡng đào tạo phát triển các tài năng, bảo trợ cho các hoạt động sáng tác, các công trình sáng tác âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và các loại hình văn hóa nghệ thuật, báo chí, thông tin.
- Bảo trợ, tài trợ các cuộc vận động sáng tác văn hóa, nghệ thuật, triển lãm và hỗ trợ cho việc tổ chức các trại sáng tác, các công trình nghiên cứu, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân tộc.
- Bảo trợ đột xuất những trường hợp đặc biệt.
2- Tài trợ theo sự ủy nhiệm của tổ chức, cá nhân và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo quy định của pháp luật.
3- Chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ.
Điều 15. Đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động của Quỹ :
1- Quỹ bị đình chỉ hoạt động khi vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
2- Quỹ bị tạm đình chỉ hoạt động khi :
a) Hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, không đúng với những điều quy định của điều lệ này ;
b) Vi phạm các quy định về quản lý tài chính của Quỹ và của Nhà nước;
c) Tổ chức quản lý và điều hành Quỹ sai quy định của pháp luật hiện hành ;
d) Sử dụng sai có hệ thống hoặc sử dụng sai nghiêm trọng các khoản tài trợ có mục đích của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho Quỹ ;
e) Tổ chức vận động trái pháp luật ;
3- Đối với các vi phạm nêu trên, ngoài việc bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm Quỹ có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, những người có trách nhiệm quản lý Quỹ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4- Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ và cho phép Quỹ hoạt động trở lại.
Điều 16. Xử lý tài sản khi giải thể Quỹ :
- Quỹ giải thể khi có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố. Khi giải thể Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ sẽ chỉ định Ban thanh lý tài sản làm nhiệm vụ kiểm kê, thanh toán và bảo quản tài sản đến khi thanh lý xong. Việc thành lập Ban thanh lý phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
- Sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể, toàn bộ tài sản và tiền còn lại của Quỹ phải được nộp vào ngân sách Nhà nước. Nghiêm cấm việc phân tán tiền và tài sản của Quỹ trái pháp luật.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Trong quá trình thực hiện Điều lệ tổ chức vào hoạt động Quỹ hỗ trợ văn hóa thành phố, Ban Giám đốc Quỹ có trách nhiệm theo dõi và đề xuất các điều khoản mới cho phù hợp với tình hình hoạt động thông qua Hội đồng quản lý Quỹ để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
Điều 18. Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định phê duyệt./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.