ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2001/QĐ-UB | Lạng Sơn, ngày 21 tháng 6 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN”.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;
Căn cứ Nghị định số: 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số: 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ; Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số: 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 và Nghị định số: 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn tại tờ trình số: 88/KH-XD ngày 30 tháng 5 năm 2001;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2001 và thay thế Quyết định số: 18/2000/QĐ-UB ngày 29/3/2000 của UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG ÁP DỤNG THỐNG NHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
(Ban hành kèm theo QĐ số: 27/2001/QĐ-UB ngày 21 tháng 6 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Phần I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
Điều 1. Quy định phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục trong đầu tư và xây dựng, nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý của các ngành, các cấp trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng.
Điều 2. Quy định này nhằm cụ thể hóa các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương liên quan đến công tác quản lý đầu tư và xây dựng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh và được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phần II:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
Điều 3. Thẩm định dự án đầu tư.
1- Ở tỉnh:
a) Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì thẩm định các dự án nhóm B, các dự án nhóm C có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, các dự án có vai trò tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, các dự án liên quan đến an ninh-Quốc phòng, liên quan đến di tích lịch sử, văn hóa không kể mức vốn.
b) Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định các dự án còn lại, trên cơ sở các danh mục dự án được UBND tỉnh quyết định giao theo từng giai đoạn hoặc giao cả năm.
c) Đối với dự án ngoài kế hoạch nhưng do tính chất cấp thiết cần thực hiện đầu tư ngay trong năm kế hoạch, thì tùy theo quy mô, tính chất của dự án, việc thẩm định sẽ có quy định cụ thể riêng cho từng dự án.
d) Trong các trường hợp trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định các dự án đầu tư, như: tiếp nhận hồ sơ, xem xét đủ điều kiện thẩm định, bố trí thời gian, viết giấy mời...
e) Đối với các dự án sau khi thẩm định phải chỉnh sửa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản ý kiến kết luận của người chủ trì thẩm định cho chủ đầu tư biết để chủ đầu tư phối hợp cùng đơn vị tư vấn làm căn cứ chỉnh sửa, bổ sung theo nội dung đã kết luận.
2- Ở huyện:
a) Chủ tịch UBND huyện, thị xã chủ trì thẩm định hoặc ủy quyền Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND huyện, thị xã.
b) Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định giao danh mục các dự án ủy quyền phòng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định theo từng giai đoạn hoặc giao cả năm.
c) Đối với các dự án ngoài kế hoạch hoặc dự án do các chủ đầu tư trình xin thẩm định, tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án mà có quy định cụ thể riêng.
d) Trong mọi trường hợp trên, phòng Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tổ chức thẩm định.
e) Đối với các dự án sau khi thẩm định phải chỉnh sửa thì phòng Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư ý kiến kết luận của người chủ trì thẩm định để làm căn cứ chỉnh sửa, bổ sung.
3- Đối với các dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn:
Các dự án thuộc thẩm quyền hoặc không thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thì các cơ quan đó có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương. Căn cứ vào quy mô dự án, tính chất nguồn vốn, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có quy định riêng cho từng dự án cụ thể.
4- Hình thức thẩm định dự án:
a) Tổ chức họp thẩm định
b) Lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các cơ quan tham gia thẩm định, cơ quan được mời thẩm định.
c) Thuê chuyên gia hoặc sử dụng cán bộ chuyên môn của cơ quan kế hoạch, sử dụng cán bộ của cơ quan có chuyên ngành xây dựng.
Điều 4. Thẩm quyền quyết định đầu tư:
1- Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư:
a1) Các dự án nhóm B
a2) Các dự án nhóm C có mức vốn từ 01 tỷ đồng (một tỷ) trở lên.
a3) Các dự án liên quan đến các lĩnh vực như: An ninh-Quốc phòng, di tích lịch sử, Văn hóa không kể mức vốn.
b) Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư các dự án có mức vốn dưới 01 tỷ (một tỷ) đồng, trừ các dự án nêu tại điểm a3, khoản 1 Điều 4 Quy định này.
c) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã quyết định đâu tư dự án thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, thị xã được phân cấp theo Luật ngân sách Nhà nước.
Đối với các dự án liên quan đến các lĩnh vực: An ninh-Quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, trước khi quyết định đầu tư phải có văn bản chấp thuận của các cơ quan quản lý chuyên ngành và Chủ tịch UBND tỉnh.
d) Đối với dự án đầu tư có khối lượng phát sinh do bất khả kháng, cấp nào có thẩm quyền quyết định đầu tư thì cấp đó được quyết định đầu tư bổ sung phần phát sinh.
e) Theo Nghị định số: 52/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ thì cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, không đồng thời làm chủ đầu tư, do đó ở các huyện, thị xã có thể thành lập Ban Quản lý dự án hoặc dự án thuộc lĩnh vực nào thì giao cho Phòng quản lý chuyên môn về lĩnh vực đó làm chủ đầu tư.
2- Đối với các nguồn vốn chương trình, mục tiêu:
a) Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Chủ tịch UBND các huyện quyết định đầu tư các công trình đã được thống nhất giữa tỉnh và huyện đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là chương trình 135) không kể mức vốn.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư thỏa thuận danh mục các dự án thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.Thời gian thỏa thuận tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, quá thời gian trên, không có văn bản thỏa thuận thì các huyện thực hiện theo các danh mục và quy mô đề nghị thỏa thuận.
c) Đối với các dự án thuộc chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao thì Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án tổng thể và các công trình thuộc dự án tổng thể có mức vốn trên 01 tỷ đồng; ủy quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư các công trình có mức vốn dưới 01 tỷ đồng.
d) Các dự án thuộc nguồn vốn khác còn lại (nếu có) thực hiện theo điểm c khoản 1 Điều 4 Quy định này.
3- Chương trình kiên cố hóa kênh mương:
Chương trình kiên cố hóa kênh mương thực hiện theo Quyết định số: 26/2000/QĐ-UB ngày 27/4/2000 của UBND tỉnh Lạng Sơn.
Điều 5. Lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán.
1- Lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán hoặc dự toán từng hạng mục.
Việc lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán hoặc dự toán từng hạng mục do các tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân thực hiện hoặc cá nhân có chứng chỉ hành nghề tư vấn thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật về chất lượng thiết kế, giá trị dự toán, an toàn kết cấu, sự ổn định và thẩm mỹ của công trình.
Những công trình có quy mô nhỏ, kết cấu không phức tạp thì có thể ký hợp đồng thiết kế với những người được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế theo quy định. Địa phương nào không có người được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế đối với công trình có quy mô nhỏ (dưới 500 triệu đồng) có kỹ thuật đơn giản hoặc điều chỉnh áp dụng thiết kế mẫu thì cho phép các cá nhân có bằng Đại học, Trung cấp chuyên ngành phù hợp, đã công tác trong ngành ít nhất là 3 năm được chủ trì thiết kế.
2- Thẩm định và phê duyệt thiết kế -tổng dự toán:
a) Các dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư thì do Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán.
b) Các dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt đầu tư thì do Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán.
3- Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn sự nghiệp: Có tính chất xây dựng cơ bản đã được UBND tỉnh giao vốn cho các Sở có xây dựng chuyên ngành quản lý thì:
a) Các Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán đối với các dự án có mức vốn dưới 01 (một) tỷ đồng.
b) Các dự án có mức vốn từ 01 tỷ đồng trở lên thì thực hiện theo điểm a, mục 2, điều 5 của quy định này.
4- Các dự án phân cấp hoặc ủy quyền UBND các huyện, thị xã quyết định đầu tư:
a) Các phòng có xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán thuộc lĩnh vực quản lý và trình Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định phê duyệt.
b) Phòng Xây dựng-Công nghiệp thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán các dự án thuộc xây dựng dân dụng và các công trình khác còn lại trình Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định phê duyệt.
c) Đối với các dự án có kết cấu phức tạp, có thể đề nghị các Sở có xây dựng chuyên ngành của tỉnh hoặc thuê chuyên gia có chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế và có năng lực chuyên môn thẩm định.
Tất cả các văn bản thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán phải gửi cho UBND tỉnh và các cơ quan quản lý chức năng của tỉnh để theo dõi.
Điều 6. Thẩm định và thỏa thuận hồ sơ mời thầu.
Đối với các dự án nhóm C, kế hoạch đấu thầu được lập ngay khi lập dự án đầu tư và được phê duyệt kế hoạch đấu thầu cùng với quyết định phê duyệt đầu tư.
1- Ở tỉnh: Tất cả các dự án tổ chức đấu thầu theo Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và Nghị định số: 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ thì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và thỏa thuận hồ sơ mời thầu.
2- Ở huyện: Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải tổ chức đấu thầu thì giao cho phòng Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và thỏa thuận hồ sơ mời thầu.
Điều 7. Thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu.
1- Ở tỉnh: Tất cả các dự án tổ chức đấu thầu theo Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số: 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ thì giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kết quả đấu thầu trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu.
2- Ở huyện: Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải tổ chức đấu thầu thi giao cho phòng Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kết quả đấu thầu trình Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu.
Đối với những dự án phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã có thể thành lập tổ chuyên viên để thẩm định hoặc đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành của tỉnh hỗ trợ thẩm định.
Điều 8. Chỉ định thầu.
Chỉ định thầu được thực hiện theo khoản 3 điều 4 của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số: 88/199/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và khoản 2 điều 1 của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số: 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ. Chủ đầu tư lựa chọn 01 (một) trong số các nhà thầu xin chỉ định thầu trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
1- Ở tỉnh:
a) Đối với cá dự án do UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ xin chỉ định thầu trình UBND tỉnh quyết định chỉ định thầu.
b) Đối với các dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt đầu tư thì Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định chỉ định thầu trên cơ sở báo cáo thẩm định của các phòng chuyên môn của Sở.
2- Ở huyện:
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND huyện, thị xã thì giao cho phòng Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ xin chỉ định thầu trình Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định chỉ định thầu.
3- Hồ sơ của chủ đầu tư xin chỉ định thầu gồm:
a) Tờ trình xin chỉ định thầu. Nội dung tờ trình gồm nội dung sau:
- Lý do chỉ định thầu
- Tên nhà thầu đề nghị chỉ định thầu.
- Giá trị dự toán xây lắp hoặc thiết bị được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thời gian thi công hoặc thời gian cung cấp thiết bị
- Các điều kiện khác kèm theo (nếu có)
b) Quyết định phê duyệt dự án đâu tư (bản sao)
c) Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán (bản sao)
d) Đơn xin dự thầu kèm theo hồ sơ giới thiệu năng lực nhà thầu.
4- Chỉ định thầu tư vấn:
a) Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư quyết định chỉ định thầu tư vấn đối với các dự án không phải tổ chức đấu thầu tư vấn.
Hồ sơ xin chỉ định thầu tư vấn gồm:
+ Tờ trình của chủ đầu tư.
+ Đơn xin và hồ sơ giới thiệu năng lực của nhà thầu xin chỉ định thầu.
b) Đối với các dự án có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, các dự án liên quan đến an ninh-quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa cần phải phê duyệt đề cương trước khi lập dự án thì Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề cương do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình, các dự án còn lại cần thiết phải phê duyệt đề cương thì ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt đề cương dự án trên cơ sở tờ trình của chủ đầu tư.
Điều 9. Thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:
1- Các dự án đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư thì Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá chủ trì thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt quyết toán.
2- Các dự án đầu tư do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư thì Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá thẩm định và quyết định phê duyệt quyết toán.
3- Các dự án do Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Quyết định đầu tư thì Trưởng phòng Tài chính-Giá cả của huyện, thị xã chủ trì thẩm định trình Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định phê duyệt quyết toán.
Phần III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Điều 10. Các ngành, các cấp và những đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính-Vật giá, Xây dựng và các Sở có xây dựng chuyên ngành phối hợp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Quy định này.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các ngành, các cấp phản ảnh trực tiếp hoặc bằng văn bản cho UBND tỉnh hoặc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính-Vật giá, Xây dựng, các Sở có xây dựng chuyên ngành để xem xét giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.