ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2615/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 19 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2170/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tại Tờ trình số 65/TTr-SKHCN ngày 02 tháng 12 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 629/QĐ-BCĐ ngày 26 tháng 3 năm 2012 về việc Ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2615/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 1. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) có nhiệm vụ:
1. Tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các Chương trình Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh.
2. Cụ thể hóa định hướng, nội dung Chương trình Khoa học và Công nghệ theo Quy hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 theo Quyết định 2797/QĐ-UBND ngày 03/12/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 19/2/2013 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho từng năm và từng giai đoạn 5 năm.
3. Xây dựng nhiệm vụ đặt hàng nhà nước về khoa học và công nghệ (gồm mục tiêu, sản phẩm dự kiến cho từng nhiệm vụ).
4. Chỉ đạo việc tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học sau khi UBND tỉnh công nhận kết quả.
5. Đánh giá, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện từng nội dung của các Chương trình Khoa học và Công nghệ.
Điều 2. Nhiệm vụ của Trưởng và các Phó trưởng Ban Chỉ đạo
1. Trưởng Ban chỉ đạo:
a) Chỉ đạo chung hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; báo cáo UBND tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo theo quy định;
b) Quyết định thành lập các Tiểu ban khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Tiểu ban) theo chuyên ngành để tư vấn thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo;
c) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; ký các văn bản của Ban Chỉ đạo.
2. Phó Trưởng ban Thường trực:
a) Giúp việc cho Trưởng Ban chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công;
b) Đề xuất nội dung và chỉ đạo Ban thư ký chuẩn bị các tài liệu cần thiết phục vụ cho các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;
c) Tham mưu việc thành lập các tiểu ban khoa học và công nghệ trình Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập theo yêu cầu tư vấn thực hiện các nhiệm vụ theo các lĩnh vực khoa học và công nghệ;
d) Thay mặt Trưởng ban chủ trì các cuộc họp khi Trưởng ban vắng mặt. Ký các văn bản của Ban Chỉ đạo theo sự ủy quyền của Trưởng ban;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo.
3. Phó trưởng ban:
a) Giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công;
b) Đề xuất các nội dung cho các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo.
Điều 3. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo
1. Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Mỗi thành viên chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công tác theo sở, ngành được phân công phụ trách nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác định hướng hoạt động khoa học và công nghệ.
2. Các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chịu trách nhiệm tư vấn, định hướng đặt hàng nhằm thực hiện các quy hoạch phát triển của ngành. Đề xuất nhiệm vụ đặt hàng khoa học và công nghệ theo ngành, lĩnh vực quản lý tương ứng.
3. Có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và báo cáo việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được công nhận trong ngành, đơn vị mình.
4. Tham gia ý kiến trong các hoạt động của các Tiểu ban, của Ban Chỉ đạo.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban phân công.
Điều 4. Ban thư ký
Ban thư ký là cấp trưởng, phó phòng của Sở Khoa học và Công nghệ, do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chỉ định và phân công đảm nhiệm thư ký cho Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban.
Ban thư ký có trách nhiệm:
- Tham mưu, chuẩn bị nội dung, tài liệu, hồ sơ liên quan đến các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban.
- Thực hiện vai trò thư ký trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất về hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Điều 5. Các Tiểu ban
Do Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập, nhằm giúp Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực cụ thể, gồm:
- Tiểu ban khoa học xã hội và nhân văn;
- Tiểu ban công nghệ sinh học và khoa học nông nghiệp;
- Tiểu ban khoa học môi trường;
- Tiểu ban khoa học y dược;
- Tiểu ban khoa học kỹ thuật công nghiệp và công nghệ thông tin.
Điều 6. Nhiệm vụ của các Tiểu ban
1. Tư vấn, định hướng đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm; đánh giá việc thực hiện các định hướng đặt hàng, đề xuất các giải pháp trong việc định hướng đặt hàng và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ có hiệu quả.
2. Đánh giá việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực, ngành, địa phương; rà soát các chương trình khác liên quan đến hoạt động của Tiểu ban để phối kết hợp trong quá trình triển khai, thực hiện và đề xuất hoạt động của Tiểu ban mình.
3. Báo cáo tình hình hoạt động, kết quả các cuộc họp để Ban thư ký tổng hợp, trình Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
4. Các Tiểu ban phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký trong việc hoàn thiện các hồ sơ nhiệm vụ đặt hàng, được Ban Chỉ đạo chọn lựa, đưa ra Hội đồng xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh xem xét, tư vấn.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 6. Nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc thảo luận dân chủ, công khai và Trưởng ban quyết định trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên.
Các Tiểu ban hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số bằng biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín về các vấn đề không thống nhất ngang nhau, thì chủ trì phiên họp quyết định. Ý kiến bằng văn bản của các ủy viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo.
2. Kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo là cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo các hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và là căn cứ để Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong phạm vi chức năng được giao.
3. Các văn bản do Trưởng ban chỉ đạo ký sử dụng con dấu của UBND tỉnh Lâm Đồng; các văn bản do Phó Trưởng ban Thường trực ký sử dụng con dấu của Sở Khoa học và Công nghệ.
Điều 7. Phương thức làm việc
1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng một lần, đánh giá việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; quyết định các nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước về khoa học và công nghệ trên cơ sở các báo cáo, đề xuất của các Tiểu ban.
2. Các Tiểu ban họp định kỳ 6 tháng một lần nhằm cung cấp các thông tin cho cuộc họp Ban Chỉ đạo. Thời gian họp trước thời điểm họp Ban Chỉ đạo. Khi cần thiết có thể họp đột xuất theo yêu cầu của trưởng Ban Chỉ đạo. Chủ trì cuộc họp là Trưởng tiểu ban hoặc Phó trưởng tiểu ban được ủy quyền.
3. Các phiên họp của Ban Chỉ đạo hoặc các Tiểu ban phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham dự.
4. Ban thư ký chuẩn bị tài liệu về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở cuộc họp và chuyển đến các thành viên trước khi họp ít nhất 05 (năm) ngày làm việc. Tài liệu các kỳ họp đột xuất phải chuyển đến các thành viên ít nhất là 02 (hai) ngày làm việc trước khi họp.
Điều 8: Điều kiện làm việc
1. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đảm bảo điều kiện hoạt động Ban Chỉ đạo.
2. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm thông qua Sở Khoa học và Công nghệ. Định mức chi tương ứng như Hội đồng xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh theo các quy định hiện hành.
3. Hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo, đảm bảo quản lý và sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, thanh quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.
4. Các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp với các Tiểu ban trong quá trình triển khai, thực hiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban; các sở, ban, ngành có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc phát sinh mới, kịp thời phản ánh đến Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.