ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2007/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 25 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN THAY THẾ XE LÔI MÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 221/TTr-GTVT ngày 24 tháng 10 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thay thế xe lôi máy trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (có Đề án ban hành kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các ngành chức năng liên quan tổ chức thực hiện đề án theo đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
| TM. UBND TỈNH |
VỀ VIỆC THAY THẾ XE LÔI MÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương I
THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH XE LÔI MÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Xe lôi máy chở hành khách và xe lôi máy chở hàng hóa (gọi chung là xe lôi máy) xuất hiện ở tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã lâu. Với lợi thế nhỏ gọn, có thể lưu thông trên các địa bàn chật hẹp, các ngõ hẻm và vốn đầu tư ban đầu không lớn nên xe lôi máy đã góp phần thỏa mãn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng như những du khách ngoài tỉnh đến Bạc Liêu. Ngoài ra nghề chạy xe lôi máy cũng đã giải quyết cho số đông người lao động có công ăn việc làm, có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh trong những năm qua.
Tuy nhiên, nhược điểm của xe lôi máy không phải là xe được thiết kế và chế tạo nguyên chiếc nên không được kiểm tra chất lượng kỹ thuật an toàn. Do vậy, xe lôi máy hoạt động không đảm bảo an toàn giao thông, không phù hợp về thẩm mỹ trong khi tỉnh Bạc Liêu đang phấn đấu xây dựng theo tiêu chí của một xã hội văn minh, lịch sự và an toàn.
Chương II
MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
- Thay thế hoạt động của xe lôi máy vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bằng các loại xe ô tô đảm bảo an toàn giao thông;
- Hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân hành nghề xe lôi máy chở hành khách và hàng hóa tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống sau khi chuyển đổi ngành nghề;
- Đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ cho nhu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2007 và những năm tiếp theo;
- Đảm bảo điều kiện đi lại của nhân dân ngày một tốt hơn về các mặt: An toàn, văn minh, lịch sự.
Chương III
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giáo dục tuyên truyền:
Các sở, ban. ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp tuyên truyền rộng rãi để toàn thể nhân dân - đặc biệt là các hộ đang hành nghề xe lôi hiểu về sự đúng đắn của chủ trương này, từ đó ủng hộ trong quá trình thực hiện. Xem đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân trong qúa trình xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở lên văn minh hiện đại, đặc biệt là thị xã Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành thành phố loại 3;
Mặt khác đây còn thể hiện sự nghiêm túc chấp hành Nghị Quyết số 32/2007 của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
2. Chính sách hỗ trợ và đào tạo nghề đối với những người hành nghề xe lôi máy chở hành khách và chở hàng hóa chuyển đổi:
a) Đối tượng được hỗ trợ: Chỉ áp dụng cho đối tượng có thu nhập chính từ hành nghề xe lôi máy (bao gồm chính chủ phương tiện hành nghề hoặc người đi thuê phương tiện để hành nghề). Xe lôi máy phục vụ chở hàng hóa cho gia đình hoặc hộ kinh doanh nhưng không phải là nguồn thu nhập chính thì không được hỗ trợ;
Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm xác định đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn và niêm yết công khai danh sách người được hỗ trợ tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
b) Mức và hình thức hỗ trợ: Bao gồm:
- Hỗ trợ đời sống trong thời gian chờ chuyển đổi: Hỗ trợ một lần với mức 300.000 đồng/đối tượng/tháng x 6 tháng = 1.800.000 đồng;
- Hỗ trợ học nghề khác: Với mức tối đa 1.800.000 đồng/đối tượng, hỗ trợ thông qua cơ sở đào tạo. Trường hợp học nghề tại các cơ sở ngoài công lập không có đầy đủ hoá đơn chứng từ thì được hỗ trợ một lần, với mức tối đa như trên.
Người được xét duyệt để hỗ trợ học nghề được phép chuyển suất đào tạo của mình cho người thân trong gia đình có điều kiện phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Thời gian hỗ trợ học nghề khác: Trong năm 2008.
c) Nguồn vốn thực hiện:
Ngân sách Nhà nước. Trong đó ngân sách tỉnh chi trả cho hỗ trợ học nghề; ngân sách các huyện, thị xã chi trả cho hỗ trợ đời sống trong thời gian chờ chuyển đổi;
Giao Sở Tài chính hướng dẫn các thủ tục thanh toán trong các trường hợp nêu trên.
3. Chính sách phát triển phương tiện vận tải thay thế xe lôi máy:
a) Loại xe thay thế:
- Đối với xe lôi máy chở hàng hóa: Thay thế bằng các loại xe ô tô tải nhỏ có trọng tải dưới 1,5 tấn để phù hợp với hàng hóa vận chuyển và đường sá lưu thông trong tỉnh;
- Đối với xe lôi máy chở khách: Thay thế bằng các loại xe ôtô khách có trọng tải nhỏ như xe taxi, xe buýt, xe 12 đến 16 chỗ ngồi… trong đó ưu tiên cho các hộ đang hành nghề xe lôi máy chở khách, nếu mua xe ô tô loại nhỏ được tiếp tục hoạt động trên các tuyến đường được phân bổ hoặc tham gia kinh doanh vận tải khách trên các tuyến khác phù hợp.
- Khuyến khích các hộ dân có điều kiện kinh doanh vận tải khách, mua xe trọng tải nhỏ hoạt động các tuyến nội huyện, thị, và nội tỉnh thay thế xe lôi máy. Những xe ô tô khách có trọng tải nhỏ của các chủ khác khi đăng ký kinh doanh sẽ được sắp xếp luồng tuyến, bến bãi để đảm bảo ổn định hoạt động;
Sở Giao thông vận tải chịu trách nhịệm tư vấn cho người dân về một số vấn đề như: Thủ tục đăng ký, đăng kiểm, bến bãi, luồng tuyến hoạt động, đưa ra các khuyến cáo về nhu cầu thị trường đối với sự phát triển của các loại hình, phương tiện vận tải…;
Nguồn vốn để chuyển đổi ngành nghề: Vốn tự có của dân và các nguồn vốn vay khác (thông qua các ngân hàng và các tổ chức tín dụng của địa phương). Trường hợp đối tượng hành nghề xe lôi máy có nhu cầu vay vốn để chuyển sang hoạt động bằng xe ô tô (chở khách hoặc chở hàng hóa): Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người dân thuận lợi trong việc vay vốn này.
b) Ngoài việc thay thế xe lôi máy chở khách bằng các loại xe ô tô khách có trọng tải nhỏ, cần phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cho phù hợp, nhằm đảm bảo thuận tiện, an toàn cho sự đi lại của nhân dân, đồng thời đảm bảo lợi ích của những hộ kinh doanh vận tải.
Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có liên quan trong công tác thẩm định các dự án, phương án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các cơ quan Báo chí, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh và chính quyền các cấp tuyên truyền phổ biến chủ trương cấm hoạt động của xe lôi máy.
2. Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để hỗ trợ cho những hộ hành nghề xe lôi máy gặp khó khăn trong thời gian chuyển đổi và hỗ trợ tiền học nghề theo mức hỗ trợ trong Đề án này.
3. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho người chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi ngành nghề được vay vốn thuận lợi. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có kế hoạch bố trí các nguồn vốn cho vay ưu đãi giúp cho các hộ được vay vốn phục vụ cho chuyển đổi ngành nghề (áp dụng cho đối tượng là hộ nghèo).
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức phổ biến, triển khai Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai chỉ đạo công tác: Lập và niêm yết danh sách đối tượng cần hỗ trợ, thanh toán tiền hỗ trợ đời sống trong thời gian chờ chuyển đổi, chỉ đạo các hợp tác xã hiện có hoặc thành lập các hợp tác xã mới tiếp nhận các chủ xe lôi máy khi chuyển đổi, có nhu cầu tiếp tục kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và lập danh sách đăng ký học nghề gửi các ngành có liên quan xem xét giải quyết.
Chính quyền địa phương các cấp quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện cho những người hành nghề xe lôi máy thực hiện các yêu cầu chuyển đổi ngành nghề phù hợp với khả năng của họ và tình hình thực tế của địa phương, cũng như nhu cầu xã hội ở địa phương mình.
5. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm sắp xếp lại luồng tuyến, bến bãi, phân bổ xe ô tô hoạt động trên các tuyến đảm bảo ổn định kinh doanh cho các chủ xe và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh. Đồng thời chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo các khó khăn vướng mắc và đề xuất (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Đề án này mang tính xã hội cao, liên quan đến đời sống của nhiều người dân và ổn định xã hội, đến an toàn giao thông. Do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, của nhân dân trong tỉnh mà đặc biệt là của những người trực tiếp quản lý và hành nghề xe lôi máy. Các cơ quan, ban ngành đoàn thể, các tổ chức có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia thực hiện tốt nội dung Đề án này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.