ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2595/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 11 tháng 9 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại;
Căn cứ Quyết định số 3196/QĐ-UBND ngày 29/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định về tiêu chí xác định kinh tế trang trại, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2094/TTr-SNN-KHTC ngày 20/8/2012 về việc đề nghị ban hành Đề án Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2012 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Phần I
CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuế đất, thuế mặt nước;
Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay cho Quỹ Quốc gia về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay cho Quỹ Quốc gia về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 29/7/2008 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm;
Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại;
Căn cứ Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 03/01/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về chương trình quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 52/2011/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Quy định về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Căn cứ Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2419/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về ban hành Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 3196/QĐ-UBND ngày 29/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định về tiêu chí xác định kinh tế trang trại, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Căn cứ Quyết định số 3393/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về ban hành Đề án Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Phần II
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH ĐỒNG NAI TÍNH ĐẾN 01/12/2011
Căn cứ báo cáo kết quả khảo sát kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai thời điểm 01/12/2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có 2.161 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại, gồm:
1. Trang trại trồng trọt | 524 trang trại | chiếm 24,25% |
- Cây hàng năm | 59 trang trại |
|
- Cây lâu năm - cây ăn quả | 465 trang trại |
|
2. Trang trại chăn nuôi | 1.539 trang trại | chiếm 71,22% |
3. Trang trại lâm nghiệp | 03 trang trại | chiếm 0,14% |
4. Trang trại thủy sản | 25 trang trại | chiếm 1,15% |
5. Trang trại tổng hợp | 41 trang trại | chiếm 1,90% |
6. Trang trại đặc thù (nấm, nuôi ong) | 29 trang trại | chiếm 1,34% |
Ngành chăn nuôi có tỷ lệ trang trại cao nhất do đáp ứng đủ yêu cầu của tiêu chí trang trại (100 con lợn hoặc từ 5.000 con gà trở lên). Các ngành khác có tỷ lệ trang trại thấp do không đáp ứng được tiêu chí đất đai theo quy định, trong đó thấp nhất là tỷ lệ trang trại lâm nghiệp do các trang trại trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ tiêu chí có trên 31 ha đất/trang trại.
* Số lượng trang trại phân theo đơn vị hành chính cấp huyện
Bảng 01. Số lượng và loại hình trang trại
TT | Huyện | Số TT | Tỷ lệ % | Phân theo loại hình trang trại | |||||
Trồng trọt | Chăn nuôi | Lâm nghiệp | Thủy sản | Tổng hợp | Khác | ||||
1 | Xuân Lộc | 516 | 23,88 | 254 | 216 | 3 | 6 | 20 | 17 |
2 | Thống Nhất | 408 | 18,88 | 8 | 400 |
|
|
|
|
3 | Cẩm Mỹ | 354 | 16,38 | 164 | 179 |
|
| 11 |
|
4 | Trảng Bom | 304 | 14,07 | 30 | 270 |
| 1 | 2 | 1 |
5 | Biên Hòa | 195 | 9,02 |
| 192 |
| 3 |
|
|
6 | Long Khánh | 138 | 6,39 | 7 | 121 |
|
|
| 10 |
7 | Tân Phú | 67 | 3,10 | 24 | 29 |
| 5 | 6 | 1 |
8 | Vĩnh Cửu | 64 | 2,96 | 11 | 48 |
| 5 |
|
|
9 | Định Quán | 57 | 2,64 | 25 | 27 |
| 5 |
|
|
10 | Long Thành | 49 | 2,27 |
| 49 |
|
|
|
|
11 | Nhơn Trạch | 9 | 0,42 | 1 | 8 |
|
|
|
|
Tổng cộng | 2.161 | 100 | 524 | 1.539 | 3 | 25 | 41 | 29 |
Huyện Xuân Lộc có số lượng trang trại nhiều nhất là 516 trang trại, chiếm 23,88%, kế đến là huyện Thống Nhất có 408 trang trại, chiếm 18,88%. Huyện Nhơn Trạch có số lượng trang trại ít nhất là 09 trang trại, chiếm 0,42%.
Trong số 2.161 chủ trang trại có 1.853 nam, 2.040 người Kinh, 2.017 nông dân trong đó 1.703 người chưa đào tạo, 179 sơ cấp, 123 trung cấp, 37 cao đẳng, 119 có trình độ đại học trở lên.
Lao động thường xuyên của hộ chủ trang trại gồm 4.714 người, trong đó 4.162 chưa đào tạo, 173 sơ cấp, 192 trung cấp, 62 cao đẳng, 127 đại học trở lên; lao động thuê mướn có 3.769 người, trong đó 3.644 chưa đào tạo, 38 sơ cấp, 40 trung cấp, 15 cao đẳng, 32 đại học trở lên.
Tổng diện tích đất SXKD của trang trại là 9.706,29 ha, gồm 8.683,81 ha đất của chủ trang trại, 1.023,48 ha đất thuê mướn, hợp đồng, bình quân/trang trại: 4,49 ha, được phân bổ theo Bảng 02.
Bảng 02. Bình quân đất đai của trang trại phân theo loại hình
TT | Loại hình trang trại | Số trang trại | Tổng điện tích đất SXKD (ha) | Bình quân/TT (ha) |
1 | Trang trại cây hàng năm | 59 | 800,13 | 13,56 |
2 | Trang trại cây lâu năm | 465 | 4.515,61 | 9,71 |
3 | Trang trại chăn nuôi | 1.539 | 3.555,00 | 2,31 |
4 | Trang trại lâm nghiệp | 3 | 300,00 | 100,00 |
5 | Trang trại thủy sản | 25 | 180,40 | 7,22 |
6 | Trang trại tổng hợp | 41 | 335,20 | 8,18 |
7 | Trang trại đặc thù | 29 | 20,03 | 0,69 |
Tổng cộng | 2.161 | 9.707,29 | 4,49 |
Thiết bị máy móc sử dụng của trang trại gồm 986 máy kéo, 366 ô tô các loại, 1.250 máy phát điện, 52 máy tuốt lúa có động cơ, 32 máy sấy, 115 máy chế biến lương thực, 09 máy chế biến gỗ, 1.472 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, 2.995 máy bơm dùng cho sản xuất, 593 máy chế biến thức ăn gia súc, 61 máy chế biến thức ăn thủy sản, 20 tàu thuyền có động cơ, 1.199 hầm Biogas.
Về trình độ áp dụng công nghệ thông tin: Có 377 trang trại sử dụng 494 máy vi tính phục vụ sản xuất, có 16 máy kết nối mạng nội bộ (LAN), có 449 máy nối mạng Internet, 02 trang trại có website, 01 trang trại bán hàng qua mạng với doanh số 400 triệu đồng năm 2011 (xã Xuân Bắc - huyện Xuân Lộc).
Tổng vốn sản xuất kinh doanh của trang trại là 4.396.470 triệu đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 3.743.073 triệu đồng, vốn vay ngân hàng, tổ chức tín dụng là 387.987 triệu đồng, vốn vay khác là 11.480 triệu đồng, vốn khác là 253.930 triệu đồng, được phân ra: Vốn xây dựng cơ bản là 1.966.171 triệu đồng, vốn mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng là 1.207.252 triệu đồng, vốn lưu động là 1.223.047 triệu đồng.
Giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại (tính từ 01/12/2010 đến 01/12/2011): Tổng diện tích thu hoạch từ trồng trọt là 5.819,69 ha, thu được 755.129 triệu đồng, thu từ chăn nuôi 5.389.302 triệu đồng, thu từ thủy sản 76.978 triệu đồng, thu từ hoạt động SXKD khác của trang trại là 9.317 triệu đồng. Giá trị sản lượng hàng hóa bình quân của trang trại đạt 2.887,89 triệu đồng.
- Tổng thu nhập (lãi) của trang trại là 777.002 triệu đồng, bình quân đạt 359,56 triệu đồng/trang trại.
- Về quy mô của trang trại:
+ Tổng số bò có 500 con, trong đó có 367 con bò lai, 100 bò sữa.
+ Tổng số lợn là 481.594 con, gồm 73.395 lợn nái, 2.871 lợn đực giống, 405.328 lợn thịt.
+ Tổng số gà là 5.270.857 con, trong đó gà thịt nuôi trại 3.586.281 con, gà đẻ trứng là 1.216.823 con.
+ Tổng số vịt là 37.294 con, trong đó vịt đẻ là 26.209 con.
+ Tổng số ngan, ngỗng là 1.162 con.
+ Tổng đàn cút là 875.170 con.
+ Tổng số dê là 1.002 con.
+ Tổng đàn ong là 70.000 con (01 trang trại huyện Thống Nhất).
- Tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản là 350,79 ha, trong đó nuôi cá là 342,71 ha, nuôi tôm là 0,18 ha, nuôi cá giống là 7,9 ha, 05 lồng cá với thể tích 1.250 m3, 01 lồng thủy sản khác thể tích 200m3, 5.055 thiên nấm các loại.
- Về các chính sách hỗ trợ trang trại:
+ Có 615 trang trại được tập huấn 1.910 lần gồm các nội dung về kinh tế trang trại, BVTV, VietGAP, GlobalGAP cho xoài, IPM, kỹ thuật trồng nấm, trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi thú y, thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, quản lý trong HTX...
từ các công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi, thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Trạm Khuyến nông, BVTV, Trạm Thú y, Phòng Nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Miền Đông Nam Bộ, Sở Khoa học và Công nghệ...
+ 04 trang trại được Nhà nước cho thuê 102 ha đất.
+ 80 trang trại được vay 40.595 triệu đồng vốn ưu đãi (lãi suất từ 14,5 - 20%/ năm).
+ 30 trang trại được hỗ trợ 35 mô hình khuyến nông, lâm, ngư...
+ 39 trang trại được chuyển giao KHCN trong đó có 45 hầm Biogas, tưới tiết kiệm, cơ sở thực hiện GAP (01 trang trại)...
+ 11 trang trại được hỗ trợ triển lãm; 06 trang trại được tham dự các buổi xúc tiến thương mại.
II. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH ĐỒNG NAI
1. Kết quả đạt được
So sánh diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng chính của trang trại so với toàn tỉnh cho thấy tất cả các cây trồng chính của trang trại đều có năng suất vượt trội so với năng suất bình quân toàn tỉnh trong đó cây xoài cao hơn gấp 03 lần (323,05%), cây điều cao hơn gấp 02 lần (202,86%) và cây cao su cao hơn 1,5 lần (151,96%). Từ đó, ta có thể đánh giá là các chủ trang trại có trình độ thâm canh cao hơn hẳn so với hộ nông dân.
Bảng 03. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính của trang trại năm 2011 so với toàn tỉnh
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Tổng số | Tỷ lệ % trang trại/toàn tỉnh | |
Trang trại | Toàn tỉnh | |||
1. Cây lúa |
|
|
|
|
Diện tích | Ha | 434,79 | 68.657 | 0,63 |
Năng suất | Tạ/ha | 88,60 | 48,83 | 181,45 |
Sản lượng | Tấn | 3.852 | 336.213 | 1,15 |
2. Cây xoài | Ha |
|
|
|
Diện tích | Ha | 707,74 | 7.384 | 9,58 |
Năng suất | Tạ/ha | 307,80 | 95,28 | 323,05 |
Sản lượng | Tấn | 21.784 | 70.355 | 30,96 |
3. Cây điều |
|
|
|
|
Diện tích | Ha | 1.510,71 | 47.689 | 3,17 |
Năng suất | Tạ/ha | 21,30 | 10,50 | 202,86 |
Sản lượng | Tấn | 3.218 | 50.073 | 6,43 |
4. Cây tiêu |
|
|
|
|
Diện tích | Ha | 628,26 | 6.256 | 10,04 |
Năng suất | Tạ/ha | 21,50 | 21,29 | 100,99 |
Sản lượng | Tấn | 1.351 | 13.319 | 10,14 |
5. Cây cao su |
|
|
|
|
Diện tích | Ha | 1.167,06 | 29.057 | 4,03 |
Năng suất | Tạ/ha | 21,70 | 14,28 | 151,96 |
Sản lượng | Tấn | 2.533 | 41.497 | 6,10 |
6. Cây cà phê |
|
|
|
|
Diện tích | Ha | 423,61 | 17.396 | 2,44 |
Năng suất | Tạ/ha | 20,80 | 18,05 | 115,24 |
Sản lượng | Tấn | 881 | 31.400 | 2,81 |
Nguồn: Kết quả khảo sát trang trại tỉnh Đồng Nai thời điểm 01/12/2011- Sở Nông nghiệp và PTNT; Cục Thống kê.
So sánh quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại so với toàn tỉnh cho thấy:
Số lượng trang trại năm 2011 chỉ chiếm 1,17 % so với tổng số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng có quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá trị sản lượng hàng hóa chiếm tỷ trọng đáng kể, cụ thể:
Tổng đàn lợn của trang trại chiếm tỷ lệ 36,23% so với toàn tỉnh; tổng đàn gia cầm chiếm tỷ lệ 58,05% so với toàn tỉnh.
Tổng giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại chiếm tỷ lệ 21,82% so toàn tỉnh, trong đó giá trị thu hoạch trên đơn vị diện tích cao hơn gấp 03 lần (318,74%) so toàn tỉnh.
Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của trang trại cao gấp hơn 02 lần (204,31%) so với toàn tỉnh.
Bảng 04. Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại năm 2011 so với toàn tỉnh
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Tổng số | Tỷ lệ % trang trại/toàn tỉnh | |
Trang trại | Toàn tỉnh | |||
1. Số lượng trang trại/hộ sản xuất nông nghiệp | Hộ | 2.161 | 184.517 | 1,17 |
2. Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm |
|
|
|
|
2.1. Tổng số lợn | Con | 481.594 | 1.329.326 | 36,23 |
2.2. Tổng số gia cầm | Con | 6.184.483 | 10.654.000 | 58,05 |
+ Tổng số gà | Con | 5.270.857 |
|
|
+ Tổng số vịt | Con | 37.294 |
|
|
+ Ngan, ngỗng | Con | 1.162 |
|
|
+ Gia cầm khác (cút…) | Con | 875.170 |
|
|
3. Giá trị sản lượng hàng hóa | Tr.đồng | 6.240.726,67 | 28.597.140 | 21,82 |
3.1. Thu từ trồng trọt | Tr.đồng | 765.129,15 | 14.289.520 | 5,35 |
- Diện tích thu hoạch | Tr.đồng | 5.819,69 | 346.435 | 1,68 |
Giá trị bình quân/ha | Tr.đồng | 131,47 | 41,25 | 318,74 |
3.2. Thu từ chăn nuôi | Tr.đồng | 5.389.302,37 | 12.087.120 | 44,59 |
Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp | % | 86,36 | 42,27 | 204,31 |
3.3. Thu từ thủy sản | Tr.đồng | 76.978,05 | 1.565.900 | 4,92 |
3.4. Thu từ hoạt động khác | Tr.đồng | 9.317,10 | 654.600 | 1,42 |
Nguồn: Kết quả khảo sát trang trại tỉnh Đồng Nai thời điểm 01/12/2011 - Sở Nông nghiệp và PTNT; Cục Thống kê.
Bình quân vốn SXKD của trang trại khá cao 2.034,46 triệu đồng/trang trại, chủ yếu là vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng không đáng kể, trong đó chủ trang trại đầu tư nhiều cho xây dựng cơ bản gồm xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà xưởng, kho tàng, trồng mới, chăm sóc vườn cây lâu năm chiếm 44,72% so với tổng số.
Bảng 05. Tỷ lệ vốn đầu tư SXKD bình quân của trang trại
Chỉ tiêu | ĐVT | Tổng số toàn tỉnh | Bình quân/TT | % so tổng số |
Tổng số | Triệu đồng | 4.396.470 | 2.034,46 | 100 |
- Vốn chủ trang trại | Triệu đồng | 3.743.073 | 1.732,10 | 85,14 |
- Vốn vay ngân hàng, tài chính, tín dụng | Triệu đồng | 387.987 | 179,54 | 8,82 |
- Vốn vay khác | Triệu đồng | 11.480 | 5,31 | 0,26 |
- Vốn khác | Triệu đồng | 253.930 | 117,51 | 5,78 |
Phân loại nguồn vốn | Triệu đồng | 4.396.470 | 2.034,46 | 100,00 |
- Xây dựng cơ bản | Triệu đồng | 1.996.171 | 909,84 | 44,72 |
- Mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng | Triệu đồng | 1.207.252 | 558,65 | 27,46 |
- Vốn lưu động | Triệu đồng | 1.233.047 | 565,96 | 27,82 |
2. Những thuận lợi
Trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, kinh tế trang trại được hỗ trợ thông qua các chương trình lồng ghép như chương trình khuyến nông, khuyến ngư; chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực; chương trình tập huấn, nâng cao năng lực quản lý trang trại; chương trình đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; chương trình xúc tiến thương mại, cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
3. Những hạn chế, khó khăn
Khó khăn lớn nhất hiện nay của các hộ nông nghiệp nói chung và trang trại nói riêng là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Quy mô sản xuất của các trang trại tương đối lớn, sản phẩm mang tính hàng hóa nhưng chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do đó, đầu ra của sản phẩm không ổn định và thường bị tư thương ép cấp, ép giá. Mặt khác, trong những năm qua dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra khá phức tạp, giá vật tư phục vụ nông nghiệp ngày càng tăng cao làm ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của các trang trại. Ngoài ra, do giá cả đầu vào, đầu ra không ổn định nên các chủ trang trại khó chủ động trong việc đầu tư mở rộng sản xuất.
Phần lớn các chủ trang trại đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài nguồn vốn tự có của mình, các chủ trang trại rất cần các nguồn vốn vay khác, mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay tuy nhiên thủ tục cho vay còn nhiều khó khăn trở ngại;
Công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng chưa được các chủ trang trại quan tâm đầu tư thỏa đáng nhằm tăng giá trị sản phẩm. Sự liên kết giữa các trang trại với nhau và liên kết giao dịch với các tổ chức kinh tế khác còn ở mức thấp nên sản phẩm cạnh tranh kém.
Sự hình thành và phát triển của một số loại hình tự phát thiếu sự quy hoạch đã gây ảnh hưởng ô nhiễm môi sinh, môi trường và quy hoạch chung như: Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, nuôi cá bè quá nhiều làm ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai… Do đó, cần phải tăng cường quản lý và quy hoạch đối với các loại hình trang trại này trong thời gian tới.
Các chính sách hỗ trợ trang trại chưa nhiều, chưa đồng bộ nhất là về chính sách vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
4. Kết luận
Thực trạng về kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy việc phát triển kinh tế trang trại đã tạo ra những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường trong nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay như sau:
- Về mặt kinh tế: Các trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, manh mún tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Đặc biệt, phát triển kinh tế trang trại luôn gắn liền với chương trình phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực của tỉnh và gắn liền với việc khai thác và sử dụng một cách đầy đủ có hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, phát triển kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của nông thôn và kinh tế nông thôn vì các trang trại luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản hàng hóa có giá trị cao đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn lực hiện có. Đây là những yếu tố cơ bản góp phần vào sự tăng trưởng trong nông nghiệp đồng thời cũng là điều kiện thực hiện công bằng xã hội trong nông thôn.
Phát triển kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cùng với sự đầu tư nhằm phát triển hạ tầng phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất theo phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
- Về mặt xã hội: Phát triển kinh tế trang trại góp phần quan trọng làm tăng số hộ giàu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, thực hiện có hiệu quả chương trình “Xóa đói, giảm nghèo” trong nông thôn. Phần lớn chủ trang trại đều có kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất, đây là tấm gương sống động cho các hộ nông dân trên địa bàn học tập và áp dụng vào sản xuất.
- Về mặt môi trường: Việc sản xuất kinh doanh tự chủ của các chủ trang trại đã gắn với lợi ích thiết thực, lâu dài nên chủ trang trại luôn có ý thức khai thác hợp lý các yếu tố phục vụ sản xuất và quan tâm yếu tố bảo vệ môi trường như các trang trại chăn nuôi xây dựng hầm Biogas vừa tạo khí phát điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt vừa đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Sự phát triển của kinh tế trang trại là một phần không thể tách rời trong nhiệm vụ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn nhằm đạt yêu cầu tiêu chí số 13 thuộc Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Phát triển kinh tế trang trại là chủ trương nhất quán và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã thể hiện rõ trong Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, cần phải xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể trên cơ sở vận dụng, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương về kinh tế trang trại nhằm hỗ trợ các trang trại tăng giá trị sản lượng hàng hóa, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh tại thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo động lực thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh Đồng Nai phát triển ổn định và lâu dài. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020” là cần thiết.
Phần III
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế trang trại là bước chuyển từ kinh tế nông hộ sản xuất nhỏ lẻ sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, sản xuất hàng hóa mũi nhọn, tập trung với quy mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Là tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm và là động lực thúc đẩy các loại hình dịch vụ cùng phát triển, khai thác triệt để, có hiệu quả diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thu hút và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, đồng thời huy động được nguồn vốn nhàn rỗi ít sinh lời để đầu tư cho phát triển trang trại mang lại hiệu quả cao.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2012 - 2015
* Số lượng trang trại: Số trang trại đạt tiêu chí tăng từ 03 - 05% mỗi năm, phấn đấu đến năm 2015 số trang trại đạt tiêu chí là 2.500 trang trại (tăng bình quân mỗi năm 85 trang trại), trong đó chú trọng tăng số lượng trang trại trồng cây lâu năm (tập trung nhóm cây trồng chủ lực), trang trại tổng hợp kết hợp mô hình VAC, trang trại đặc thù.
- Tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 4.000 triệu đồng/trang trại;
- Tổng thu nhập bình quân 500 triệu đồng/trang trại;
- Trên 50% số lượng trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
b) Giai đoạn 2015 - 2020
* Số lượng trang trại: Đến năm 2020 số trang trại đạt tiêu chí là 3.000 trang trại (tăng bình quân mỗi năm 100 trang trại);
- Tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 6.000 triệu đồng/trang trại;
- Tổng thu nhập bình quân 700 triệu đồng/trang trại;
- Trên 80% số lượng trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
II. CÁC CHÍNH SÁCH CHO KINH TẾ TRANG TRẠI
1. Chính sách đất đai
- Chủ trang trại được Ủy ban nhân dân các cấp xem xét áp dụng việc sử dụng đất cho kinh tế trang trại theo Điều 82, Luật Đất đai năm 2003 để khuyến khích hình thức phát triển kinh tế trang trại.
- Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Thông tư Liên tịch số 14/2008/TTLT-BTC-BTNMT ngày 31/01/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ; Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.
Việc thực hiện chính sách này giúp các chủ trang trại an tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các chủ trang trại hoàn chỉnh các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định tại Quyết định số 3196/QĐ-UBND ngày 29/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định về tiêu chí xác định kinh tế trang trại, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Chính sách đầu tư, tín dụng
- Các trang trại là chủ đầu tư có dự án đầu tư thuộc danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và xuất khẩu của Nhà nước được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước và việc vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện theo các quy định của Nghị định này;
- Các trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuế đất, thuế mặt nước khi thực hiện các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ;
- Các trang trại được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn vay cho Quỹ Quốc gia về việc làm; Thông tư Liên tịch số 34/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 09/12/2005 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ Quốc gia về việc làm;
- Các trang trại được vay vốn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
3. Chính sách khoa học và công nghệ
- Các trang trại được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến nông theo Quyết định số 52/2011/QĐ-UBND , ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quy định về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Các trang trại được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND ngày 18/01/2008 về việc ban hành Quy chế quản lý các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai và Công văn số 2182/UBND-PPLT ngày 06/4/2006 về việc hỗ trợ kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có tính khả thi cao thuộc cấp huyện của UBND tỉnh Đồng Nai;
- Các trang trại sẽ được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 28/2009/QĐ- UBND ngày 21/4/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Đề án Phát triển năng suất chất lượng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2015 khi đăng ký thực hiện các chương trình thuộc đề án.
- Các trang trại tham gia các chương trình, dự án thuộc Đề án Cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 3393/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai được hỗ trợ kinh phí của Chương trình theo quy định tại Quyết định này.
4. Chính sách thị trường
- Các trang trại sản xuất hàng hóa được hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng website, tư vấn cho việc lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Sở Khoa học và Công nghệ;
- Các trang trại đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa được hỗ trợ cung cấp thông tin thương mại, thị trường, kỹ thuật, các chương trình xúc tiến thương mại; được ưu tiên mời tham dự các hội thảo về thương mại, dự báo thị trường, dịch vụ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp;
- Các trang trại đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa được hỗ trợ xúc tiến thương mại theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Đồng Nai hàng năm từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại.
5. Chính sách lao động
Chủ trang trại được tham dự các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý trang trại, được hỗ trợ kinh phí tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về quản lý, kỹ thuật viên cho trang trại do các cơ quan, đơn vị Nhà nước tổ chức.
6. Chính sách bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại
Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích Quốc gia, Nhà nước cần thu hồi đất được giao, được thuê của trang trại thì chủ trang trại được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố quyết định thu hồi.
7. Chính sách vệ sinh môi trường
- Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được hỗ trợ 01 lần kinh phí xây hầm Biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư, tạo nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
- Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được vay vốn ưu đãi xây hầm Biogas từ Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
8. Đối tượng áp dụng chính sách
Các chính sách đề cập tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 của mục này ưu tiên áp dụng cho các trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Quyết định số 3196/QĐ-UBND ngày 29/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định về tiêu chí xác định kinh tế trang trại, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
III. TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí lồng ghép các chương trình
Sử dụng các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu (nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường,…) Và các đề án, dự án, chương trình (cây con chủ lực, giảm tổn thất sau thu hoạch, thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, giống cây trồng...) để hỗ trợ thực hiện các nội dung có liên quan.
2. Kinh phí thực hiện Đề án
Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ trang trại được nêu trong đề án được phân bổ từ nguồn ngân sách của UBND cấp huyện, nguồn kinh phí sự nghiệp các sở, ngành, các đơn vị có liên quan được phân bổ hàng năm, cụ thể như sau:
2.1. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Đề án: Khoảng 46.350 triệu đồng (bốn mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi triệu đồng) - phụ lục biểu.
2.2. Các khoản chi phí: Kinh phí từ các sở, ngành, đơn vị có liên quan
a) Chương trình khuyến nông
- Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến... (10 mô hình/năm):
+ Mức chi: 4.000 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Mô hình ứng dụng công nghệ cao (10 mô hình/năm):
+ Mức chi: 8.000 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Mô hình tổ chức quản lý SXKD tổng hợp (10 mô hình/năm):
+ Mức chi: 1.200 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Chương trình khoa học công nghệ
- Hỗ trợ theo Đề án phát triển năng suất chất lượng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2015:
+ Mức chi: 950 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ:
+ Mức chi: 800 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Khoa học và Công nghệ.
c) Thị trường
- Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (10 trang trại/năm):
+ Mức chi: 400 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
+ Mức chi: 1.600 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương.
d) Lao động
- Tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại, học tập mô hình trong nước:
+ Mức chi: 1.200 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
e) Vệ sinh môi trường
- Hỗ trợ xây dựng hầm Biogas (200 trang trại/năm):
+ Mức chi: 1.600 triệu đồng.
+ Đơn vị thực hiện hỗ trợ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.3. Kinh phí từ UBND cấp huyện
a) Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, in ấn giấy chứng nhận kinh tế trang trại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại (300 trang trại/năm)
+ Mức chi: 1.600 triệu đồng.
b) Khoa học và công nghệ
- Hỗ trợ mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ cao... (50 trang trại/năm):
+ Mức chi: 20.000 triệu đồng.
c) Thị trường
- Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... (50 trang trại/năm):
+ Mức chi: 4.000 triệu đồng.
d) Lao động
- Tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại, học tập mô hình trong nước:
+ Mức chi: 2.000 triệu đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện Đề án này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh;
- Tổng hợp kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện đề án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để cân đối bố trí vốn;
- Tổ chức hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, vệ sinh thú y, bảo vệ thực vật… cho trang trại; tổ chức đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý cho chủ trang trại; thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ trang trại xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường;
- Hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế trang trại và kiến nghị những chính sách cần bổ sung, sửa đổi để phát triển kinh tế trang trại;
- Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung sửa đổi cho phù hợp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính triển khai thực hiện các chính sách tại Đề án này.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí phần ngân sách tỉnh và hướng dẫn các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa bố trí ngân sách huyện để thực hiện đề án; chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thanh quyết toán theo chế độ.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tiến hành rà soát lại tình hình sử dụng đất nông nghiệp, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương, các chủ trang trại về thu hồi đất, cấp đất, cho thuê đất theo quy định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và hỗ trợ về khoa học, công nghệ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Công Thương
Thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ trang trại xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tại Quy định này từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa
- Lập quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện;
- Công bố công khai quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, quỹ đất chưa sử dụng, quỹ đất có nhu cầu cho thuê, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn để các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu quyết định đầu tư phát triển kinh tế trang trại;
- Phê duyệt các phương án phát triển kinh tế trang trại;
- Xét và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các chủ trang trại trên địa bàn;
- Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế trang trại theo nguyên tắc không vượt tổng mức nguồn vốn UBND tỉnh giao kế hoạch hàng năm;
- Hàng quý, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện của quý trước gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;
- Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn đối với kinh tế trang trại theo đúng pháp luật hiện hành.
8. Các tổ chức tín dụng có đủ tư cách pháp nhân đóng trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đề nghị các tổ chức tín dụng cho vay theo Quy định này, niêm yết công khai đối tượng được vay, đối tượng phải bảo lãnh theo quy định, các quy trình, thủ tục vay vốn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trang trại được vay vốn để phát triển kinh tế trang trại./.
PHỤ LỤC
TIẾN ĐỘ VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2595/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 của UBND tỉnh)
ĐVT: Triệu đồng
STT | Diễn giải | Giai đoạn 2012 - 2015 | Phân kỳ | Đơn vị thực hiện hỗ trợ | |||
Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | ||||
Tổng cộng (A+B) | 46.350 | 11.550 | 11.600 | 11.600 | 11.600 |
| |
| A. CÁC SỞ, BAN, NGÀNH | 19.750 | 4.900 | 4.950 | 4.950 | 4.950 |
|
1 | Khoa học và công nghệ | 14.950 | 3.700 | 3.750 | 3.750 | 3.750 |
|
1.1 | Chương trình khuyến nông | 13.200 | 3.300 | 3.300 | 3.300 | 3.300 |
|
| Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến... (10 trang trại/năm x 100 triệu đồng/mô hình) | 4.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | Sở NN - PTNT |
| Mô hình ứng dụng công nghệ cao (10 trang trại/năm x 200 triệu đồng/mô hình) | 8.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | 2.000 | Sở NN - PTNT |
| Mô hình tổ chức quản lý SXKD tổng hợp (10 trang trại/năm x 30 triệu đồng/mô hình) | 1.200 | 300 | 300 | 300 | 300 | Sở NN - PTNT |
1.2 | Chương trình khoa học công nghệ | 1.750 | 400 | 450 | 450 | 450 |
|
| Hỗ trợ theo Đề án phát triển năng suất chất lượng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2015 | 950 | 200 | 250 | 250 | 250 | Sở Khoa học - CN |
| Hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | Sở Khoa học - CN |
2 | Thị trường | 2.000 | 500 | 500 | 500 | 500 |
|
| Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (10 trang trại/năm x 10 triệu đồng/trang trại) | 400 | 100 | 100 | 100 | 100 | Sở Khoa học - CN |
| Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại Sở Công Thương (10 trang trại/năm x 20 triệu đồng/lần/trang trại) | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | Sở Công Thương |
| Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại Nông nghiệp và PTNT (10 trang trại/năm x 20 triệu đồng/lần/trang trại) | 800 | 200 | 200 | 200 | 200 | Sở NN - PTNT |
3 | Lao động | 1.200 | 300 | 300 | 300 | 300 |
|
| Tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại, học tập mô hình trong nước | 1.200 | 300 | 300 | 300 | 300 | Sở NN - PTNT |
4 | Vệ sinh môi trường | 1.600 | 400 | 400 | 400 | 400 |
|
| Hỗ trợ xây dựng hầm Biogas (200 trang trại/năm x 2 triệu đồng/hầm) | 1.600 | 400 | 400 | 400 | 400 | Sở NN - PTNT |
| B. UBND CẤP HUYỆN | 26.600 | 6.650 | 6.650 | 6.650 | 6.650 |
|
1 | Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế, in ấn giấy chứng nhận kinh tế trang trại và thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại (300 trang trại/năm x 0,5 triệu đồng/trang trại) | 600 | 150 | 150 | 150 | 150 |
|
2 | Khoa học và công nghệ | - |
|
|
|
|
|
| Hỗ trợ mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ cao… từ ngân sách cấp huyện (50 trang trại/năm x 100 triệu đồng/trang trại) | 20.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 | 5.000 |
|
3 | Thị trường | - |
|
|
|
|
|
| Hỗ trợ chi phí cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của UBND cấp huyện (50 trang trại/năm x 20 triệu đồng/lần/trang trại) | 4.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 |
|
4 | Lao động | - |
|
|
|
|
|
| Tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại, học tập mô hình trong nước từ ngân sách cấp huyện | 2.000 | 500 | 500 | 500 | 500 |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.