ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2566/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 24 tháng 6 năm 2019 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI VƯỜN QUỐC GIA BÁI TỬ LONG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/06/2017; Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;
Căn cứ Quyết định số 3559/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;
Xét đề nghị của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long tại Tờ trình số 68/TTr-VQG ngày 02/3/2018 và đề nghị của Sở Du lịch tại Báo cáo thẩm định số 868/SDL-KH ngày 30/5/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” gồm những nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên Đề án: “Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Phát triển du lịch sinh thái dựa trên cơ sở Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; khai thác bền vững và có hiệu quả các giá trị sinh thái, cảnh quan của Vườn quốc gia; phù hợp với đặc điểm tự nhiên, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, phát huy các giá trị kinh tế tài nguyên rừng và biển của Vườn quốc gia;
Phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn; nằm trong nội dung phát triển du lịch huyện Vân Đồn và vịnh Bái Tử Long;
3.1. Giai đoạn đến năm 2020
Hoàn thiện các thủ tục cần thiết để hình thành và phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thành lập Trung tâm Dịch vụ Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường trực thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long (không tăng biên chế).
3.2. Giai đoạn 2020 - 2025
Các hoạt động du lịch sinh thái mang lại nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan được trích nộp ngân sách Nhà nước và được giữ lại để tái đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống hạ tầng sẵn có để phục vụ nhu cầu của khách du lịch;
Hoạt động cho thuê dịch vụ môi trường được trích nộp ngân sách Nhà nước và được giữ lại để đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và khôi phục, phát triển các giá trị hệ sinh thái;
Thành lập Trung tâm Dịch vụ Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường tự chủ về tài chính và thực hiện theo các quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
3.3. Giai đoạn 2025 - 2030
Các hoạt động du lịch sinh thái mang lại nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan được trích nộp ngân sách Nhà nước và được giữ lại cho các hoạt động: tái đầu tư, giáo dục môi trường...;
Hoạt động cho thuê môi trường được trích nộp ngân sách Nhà nước và được giữ lại toàn bộ để phục vụ công tác phát triển vùng đệm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển các giá trị hệ sinh thái;
Thành lập Trung tâm Dịch vụ Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường là đơn vị hạch toán độc lập, chịu sự hướng dẫn về tài chính của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long. Trung tâm tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên.
4. Nội dung phát triển Du lịch sinh thái
4. 1. Quản lý, bảo vệ diện tích rừng, biển
Xác định rõ ranh giới, diện tích khu vực cho thuê môi trường rừng, biển ngoài thực địa và trên bản đồ;
Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin diễn biến tài nguyên rừng, biển cho từng lô trạng thái, phân khu; xây dựng bản đồ hiện trạng rừng, đất rừng, các phân khu bảo vệ biển;
Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; hoàn thiện các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm phát hiện sớm cháy rừng, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời;
Tổ chức bảo vệ, thường xuyên tuần tra, phát hiện sâu bệnh hại rừng; ngăn chặn kịp thời các hành động chặt phá cây rừng, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã và các hành vi xâm hại đến rừng; ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thái trái phép nguồn lợi thủy sản tại các phân khu chức năng bảo tồn biển;
- Hướng dẫn khách du lịch thực hiện các nội quy của Vườn quốc gia, khu du lịch sinh thái.
4.2. Các hoạt động du lịch sinh thái
- Các hoạt động du lịch sinh thái khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long gồm: Du lịch thám hiểm, mạo hiểm; Du lịch dã ngoại, cắm trại, trải nghiệm; Tham quan sinh thái rừng và hang động; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển; Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; Du lịch kết hợp giáo dục môi trường.
4.3. Các điểm du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ tài nguyên, giáo dục môi trường
Xây dựng các điểm du lịch sinh thái trên cơ sở kết hợp với công tác bảo vệ tài nguyên, giáo dục môi trường; việc kết nối các điểm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách và đảm bảo các quy định về quản lý đường thủy nội địa.
4.4. Nhu cầu sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái
- Diện tích sử dụng cho thuê môi trường thực hiện theo Quyết định 3559/QĐ-UBND ngày 11/9/2018 của UBND Tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tại phân khu dịch vụ hành chính xem xét hiện trạng đất có rừng, đất chưa có rừng để đề xuất bổ sung thêm vào phần diện tích cho thuê môi trường rừng trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến hiện trạng rừng tự nhiên.
Phạm vi tác động của hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng, trong đó cho phép sử dụng là 5% tổng diện tích được thuê để làm đường mòn, điểm dừng chân, xây dựng văn phòng, nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, vui chơi giải trí và khu công năng phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Phần diện tích được thuê phải được xác định rõ trên bản đồ và phân định rõ ngoài thực địa thông qua hệ thống biển báo.
4.5. Quy hoạch các công trình phục vụ đề án
Trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long; Văn phòng đại diện của Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long tại số nhà 59, đường Lý Anh Tông, huyện Vân Đồn; Khu dịch vụ hành chính tại đồi Khe Vối, xã Minh Châu; Nhà cộng đồng tại xã Minh Châu; Trụ sở Hạt kiểm lâm, các trạm kiểm lâm.
Các công trình quy hoạch chi tiết phục vụ phát triển du lịch sinh thái của nhà đầu tư trên cơ sở phù hợp với các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học và của Đề án này.
Đường tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp với đường liên xã từ cảng Cồn Trụi tại xã Minh Châu đến các điểm tài nguyên du lịch xã Minh Châu.
Hệ thống đường đi bộ, đường tuần tra bảo vệ rừng qua các hệ sinh thái rừng đặc sắc, kết nối các điểm cảnh quan tự nhiên, các điểm di tích, các đền chùa và các hệ sinh thái rừng đặc trưng.
Hệ thống các đập nước phục vụ công tác chữa cháy rừng, đường mòn thiên nhiên...
5.1. Về quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học
Tổ chức thực hiện các biện pháp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và các động vật hoang dã, tăng cường kiểm soát lửa rừng;
Tăng cường ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép trong phân khu chức năng bảo tồn biển;
Đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng phù hợp với điều kiện sinh thái; giao khoán bảo vệ rừng đối với các hộ gia đình ở vùng đệm. Phục hồi, phát triển vốn rừng và không ngừng nâng cao chất lượng, độ che phủ của rừng;
Nâng cao năng lực bảo tồn thiên nhiên, xây dựng các cơ sở dữ liệu, lập các chương trình, kế hoạch bảo tồn các loại động vật đặc hữu, quý, hiếm;
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn, hỗ trợ cộng đồng tại khu vực.
5.2. Về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái
Xây dựng các điểm du lịch sinh thái, kết nối các điểm du lịch nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên theo nguyên tắc: Không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu đến tài nguyên động thực vật hoặc làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Đảm bảo phát triển bền vững đối với bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của Vườn quốc gia.
Tổ chức tuyên truyền giáo dục, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, khách du lịch, các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn; kết hợp hài hòa giữa giáo dục, động viên khen thưởng đi đôi với các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.
5.3. Về cơ chế, chính sách
Xây dựng Đề án thành lập Thành lập Trung tâm Dịch vụ Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường trực thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long làm cơ sở để tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch sinh thái;
Xây dựng Đề án cho thuê dịch vụ môi trường rừng trong Vườn quốc gia Bái Tử Long và khung giá cho thuê dịch vụ môi trường rừng;
Nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện một số chính sách nhằm phát triển du lịch sinh thái:
- Chính sách khuyến khích du lịch nhằm thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô, đa dạng loại hình…;đồng thời tập trung vào đối tượng khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham gia du lịch sinh thái Vườn;
- Chính sách đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tạo ra thương hiệu du lịch Vườn quốc gia Bái Tử Long có sức cạnh tranh cao;
- Chính sách đầu tư và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế;
- Chính sách kiểm soát chất lượng du lịch đảm bảo duy trì chất lượng, thương hiệu, hình thành tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh;
- Chính sách phát triển du lịch bền vững bảo đảm khai thác hợp lý, có trách nhiệm;
- Chính sách bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến điểm, cơ sở dịch vụ du lịch;
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch;
- Chính sách về xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm;
- Chính sách phát triển du lịch cộng đồng, có tác động tới xóa đói, giảm nghèo, giảm áp lực tới khu dự trữ sinh quyển thế giới.
- Chính sách hỗ trợ kinh tế địa phương từ doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
5.4. Về giảm thiểu tác động môi trường
Từng bước hoàn thiện hệ thống các quy định về quản lý tài nguyên, môi trường du lịch trên cơ sở triển khai Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch, cụ thể:
- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch: theo hướng “du lịch có trách nhiệm” với nhiều loại hình tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, các nhà đầu tư và khách du lịch về việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
- Các công trình, dự án triển khai trên địa bàn đều phải thực hiện hoàn thiện các thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện và hoạt động;
- Các công trình xây dựng ven biển, hoạt động du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí ven biển, trên biển bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm nước thải không gây ô nhiễm theo quy định;
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng hệ thống nước thải, thu gom và xử lý rác thải tại các địa điểm xây dựng và hoạt động du lịch;
- Thường xuyên theo dõi, thông báo mức độ và nguy cơ cháy rừng. Lực lượng chữa cháy luôn phải sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy khi xảy ra cháy rừng;
- Khuyến khích các đơn vị đầu tư thiết kế, xây dựng các điểm du lịch theo phương thức thân thiện với môi trường. Vật liệu xây dựng là vật liệu tự nhiên, thi công theo phương án thủ công, tiết kiệm, bảo đảm tối đa yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên;
- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ: Bao gồm nghiên cứu và việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch. Thực hiện quan trắc chất lượng môi trường thường xuyên cho từng khu vực;
Xử phạt nghiêm khắc những đơn vị đầu tư phát triển du lịch gây ô nhiễm môi trường;
5.5. Kinh phí đầu tư và nguồn vốn
Tổng mức đầu tư dự kiến: 64.958 triệu đồng.
Nguồn vốn: Từ nguồn ngân sách Trung ương (đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 02/02/2016 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Bái Tử Long giai đoạn 2015-2020).
Các hạng mục công trình khác mà đề án có đề cập tới sẽ đầu tư theo hình thức huy động vốn từ các doanh nghiệp.
6. Nội dung công việc, thời gian triển khai
6.1. Giai đoạn 1 (đến năm 2020)
Xây dựng Đề án thành lập Thành lập Trung tâm Dịch vụ Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường trực thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long.
- Xây dựng khung giá vé tham quan Vườn quốc gia Bái Tử Long.
- Xây dựng Phương án cho thuê dịch vụ môi trường Vườn quốc gia Bái Tử Long làm cơ sở xây dựng và ban hành khung giá cho thuê môi trường.
- Xây dựng Quy chế quản lý các hoạt động du lịch trong ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long.
- Đầu tư một số hạng mục hạ tầng, trong đó tập trung chủ yếu vào giao thông và cấp điện.
- Đầu tư xây dựng khu trung tâm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long.
- Các dự án đầu khác theo đề xuất của Nhà đầu tư.
- Các dự án hỗ trợ phát triển, quảng bá tuyên truyền, giáo dục môi trường.
6.2. Giai đoạn 2 (từ năm 2020 đến năm 2030)
- Đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật: cấp nước, xử lý chất thải.
- Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống đường phục vụ du lịch.
- Dự án đầu tư xây dựng hệ thống điểm dừng chân trên tuyến.
- Các dự án đầu khác theo đề xuất của Nhà đầu tư.
- Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo các nội dung trong Đề án; lựa chọn, lập các Dự án đầu tư, hợp tác kinh doanh theo đúng quy định hiện hành. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh. Các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước và dự án hợp tác kinh doanh thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư, khai thác theo quy định hiện hành. Việc đầu tư các phương tiện thủy phục vụ du lịch chỉ được thực hiện trên cơ sở Đề án tổng thể phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô và Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn phối hợp với Sở Du lịch thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn; chỉ đạo các xã nằm trong vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Bái Tử Long có trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng, tham gia thực hiện phát triển du lịch sinh thái theo quy hoạch tại địa phương;
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND Tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành: Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu Kinh tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn; Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long và thủ trưởng các ngành đơn vị, địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.