BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 255-VH/QĐ | Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 1961 |
QUYẾT ĐỊNH
ẤN ĐỊNH PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁC NGHỆ NHÂN ĐƯỢC MỜI ĐỂ KHAI THÁC VỐN CỔ DÂN TỘC
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
Xét nhu cầu khai thác vốn cổ dân tộc;
Sau khi có sự thỏa thuận của các Bộ Nội vụ, Lao động và Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Mục đích khai thác vốn cổ dân tộc của Vụ Nghệ thuật là nhằm sưu tầm những di sản văn học, nghệ thuật của người xưa để lại như tuồng, chèo, ca, múa, nhạc, v.v… để giữ được vốn cổ dân tộc sẵn có không bị mất đi, đồng thời dựa vào vốn cổ dân tộc ấy, mà cải biên và nâng cao lên, để góp phần xây dựng cho nền nghệ thuật có tính chất dân tộc của ta ngày càng được phong phú hơn.
Điều 2. - Đối tượng khai thác vốn cổ dân tộc là nghệ nhân, vì ít hoặc nhiều những nghệ nhân ấy, đều sẵn có cái vốn về văn học, nghệ thuật cổ truyền.
Nghệ nhân là người có một trình độ nghệ thuật tương đối về một bộ môn hoặc nhiều bộ môn như tuồng, chèo, ca, nhạc, múa, v.v…
Điều 3. – Đối với nghệ nhân (ngoài biên chế) được mời đến Vụ Nghệ thuật hoặc được Vụ Nghệ thuật mời đến Sở hoặc Ty Văn hóa để khai thác vốn cổ dân tộc thì mỗi người được phụ cấp tiền đi đường, ăn, ở và khi xong việc được cấp thêm một số tiền thù lao như dưới đây:
a) Tiền ăn mỗi ngày chia làm 4 mức 1đ50; 2đ50; 3đ00; 4đ00 (bao gồm các khoản chi tiêu khác như đường, thuốc lá, chè, trầu cau, v.v…).
Cụ thể là:
Mức ăn 1đ50 là áp dụng trong những ngày mà nghệ nhân nghỉ công tác để đảm bảo sức khỏe, hoặc đi tham quan, hoặc những ngày hội ý khai thác nhẹ nhàng.
Mức ăn 2đ50 là áp dụng trong những ngày mà nghệ nhân sử dụng lao động nghệ thuật của mình để biểu diễn với mức độ bình thường.
Mức ăn 3đ00 là áp dụng trong những ngày mà nghệ nhân phải vận dụng trí óc chân tay để biểu diễn liên tục có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mức ăn 4đ00 là áp dụng trong những ngày mà nghệ nhân mang hết sức lực của mình ra biểu diễn liên tục trên 10 tiếng trong một ngày hoặc phải biểu diễn nhiều thời gian về ban đêm có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
b) Tiền tàu xe được thanh toán cả lượt đi và về, ngoài ra mỗi người còn được trợ cấp tiền ăn đi đường là 1đ60 trong một ngày.
c) Vụ Nghệ thuật đài thọ các khoản chi phí cho nghệ nhân như tiền thuê phòng trọ nếu cơ quan không bố trí được chỗ ở, tiền mua vé xem văn công hạng trung bình mỗi tuần một lần để bồi dưỡng nghiệp vụ, tiền thuê xe vận chuyển dụng cụ, nhạc cụ để biểu diễn, v.v…
d) Vụ Nghệ thuật trích quỹ sự nghiệp phí mua chiếu, màn, chăn sợi để cho nghệ nhân mượn trong thời gian khai thác vốn cổ dân tộc, khi xong việc thì những nghệ nhân ấy sẽ hoàn lại cho Vụ Nghệ thuật.
Điều 4. - Đối với nghệ nhân ngoài biên chế được Vụ Nghệ thuật mời đến Vụ hoặc được Vụ Nghệ thuật mời đến Sở, hoặc Ty văn hóa hoặc cử cán bộ đến tận nơi để khai thác vốn cổ dân tộc, khi xong việc Vụ Nghệ thuật sẽ tùy theo thời gian và sự đóng góp về chất lượng và số lượng vốn cổ dân tộc (chủ yếu là chất lượng) mà trả cho mỗi người một số tiền thù lao từ 10đ đến 100đ.
Điều 5. – Trong thời gian những nghệ nhân ngoài biên chế được mời đến Vụ Nghệ thuật hoặc được Vụ Nghệ thuật mời đến Sở, hoặc Ty văn hóa để khai thác vốn cổ dân tộc nếu bị ốm đau hoặc bị chết thì được giải quyết như dưới đây:
a) Ốm nhẹ được y tá của cơ quan Nhà nước chăm sóc, cấp phát thuốc theo tiêu chuẩn như cán bộ, nhân viên trong biên chế. Còn tiền ăn bồi dưỡng được Vụ Nghệ thuật cho nghệ nhân đó mỗi ngày là 2đ.
b) Ốm nặng được vào bệnh viện thì tiền thuốc do Vụ Nghệ thuật thanh toán theo tiêu chuẩn như cán bộ nhân viên trong biên chế. Còn tiền ăn bồi dưỡng được Vụ Nghệ thuật cấp cho nghệ nhân đó mỗi ngày là 2đ, số tiền nghệ nhân đó sẽ thanh toán tiền ăn và tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị ở bệnh viện. Và được hưởng trong thời hạn là 1 tháng.
Trường hợp bệnh còn kéo dài quá 1 tháng thì khoản tiền ăn nói trên cắt đi, còn các khoản viện phí chuyển sang quỹ cứu tế địa phương đài thọ.
Trường hợp bệnh nhân nào túng thiếu thì Vụ Nghệ thuật xét hoàn cảnh cụ thể của từng người tùy theo mức túng thiếu nhiều hay ít mà trợ cấp cho một số tiền từ 20đ đến 60đ. Nếu không túng thiếu thì không trợ cấp.
c) Trường hợp nghệ nhân bị chết trong thời gian khai thác vốn cổ dân tộc thì được cấp mai táng phí theo chế độ hiện hành như cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế.
Điều 6. - Đối với những nghệ nhân nào có tài năng đặc biệt đã cống hiến được nhiều vốn cổ dân tộc chất lượng cao, có kết quả tốt, được xác minh rõ ràng thì tùy theo thành tích của từng người mà Vụ Nghệ thuật cấp giấy khen hoặc đề nghị lên Bộ cấp giấy khen hoặc đề nghị lên Phủ Thủ tướng cấp giấy khen hoặc bằng khen, v.v…
Điều 7. - Tất cả những khoản chi phí nói trên đều trích vào quỹ sự nghiệp phí của Vụ Nghệ thuật.
Việc thanh toán các khoản chi phí nói trên phải thực hiện đúng nguyên tắc tài chính, mỗi khoản chi phải có chứng từ hợp pháp rõ ràng. Cụ thể là: Những khoản chi ở Sở, Ty Văn hóa phải được Sở, Ty Văn hóa địa phương đó chứng nhận. Những khoản chi ở khu phố, xã phải được Ủy ban hành chính địa phương đó chứng nhận.
Điều 8. - Vụ Nghệ thuật phải có trách nhiệm tìm hiểu chuyên môn và sức khỏe của mỗi nghệ nhân trước khi mời đến Vụ Nghệ thuật hoặc đến Sở, Ty Văn hóa. Vụ Nghệ thuật có trách nhiệm quy định tiêu chuẩn cụ thể trong việc lựa chọn nghệ nhân để tránh lãng phí công quỹ của Nhà nước và thời giờ sản xuất của nhân dân.
Điều 9. - Quyết định này bắt đầu thi hành kể từ ngày 15-04-1961 và thay thế cho tất cả các khoản chi phí trước đây trong việc khai thác vốn cổ dân tộc.
Điều 10. – Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, các Ủy ban hành chính khu, các Sở, Ty Văn hóa, Tài chính địa phương chịu trách nhiệm thi hành.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.