HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 255-HĐBT | Hà Nội , ngày 31 tháng 8 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC VÀ SẮP XẾP MẠNG LƯỚI CÁC TRƯỜNG TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ vào tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 3330-VP ngày 6/7/1991) về việc tổ chức và sắp xếp lại mạng lưới trường học trong hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ vào ý kiến các thành viên Hội đồng Bộ trưởng trong phiên họp ngày 9 tháng 7 năm 1991,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan và các địa phương sắp xếp lại toàn bộ hệ thống mạng lưới trường mầm non, phổ thông, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và trên đại học trong cả nước.
Điều 2. Mục tiêu, nguyên tắc của việc sắp xếp lại mạng lưới, trường lớp là:
a) Việc sắp xếp mạng lưới trường học không nhằm thu hẹp sự phát triển, mà phải tạo được điều kiện để tiếp tục mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, phục vụ tốt hơn cho việc đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao dân trí.
b) Xoá bỏ những bất hợp lý đang tồn tại trong mạng lưới trường học: chuyên ngành đào tạo quá hẹp, tình trạng khép kín, cục bộ trong hoạt động đào tạo giữa các trường, phân tán, trùng lặp nhiệm vụ đào tạo trên một địa bàn. Tạo sự liên thông trong hệ thống, xây dựng mối liên kết giữa các cấp học, ngành học từ mầm non đến trên đại học, để sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
c) Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy, các loại hình trường công lập, dân lập, bán công nhằm thoả mãn yêu cầu phổ cập và nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp cho thanh niên, thiếu niên và nhân dân.
d) Gắn chặt quá trình đào tạo với yêu cầu sử dụng lực lượng lao động xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực nghiệm trong sản xuất. Phân bố hợp lý mạng lưới trường theo ngành và lãnh thổ theo hướng trường mầm non, trường phổ thông gắn với địa bàn dân cư; trường chuyên nghiệp gắn với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở sản xuất; trường đại học và cao đẳng bố trí ở các thành phố và các vùng kinh tế lớn. Xây dựng các trường đại học lớn đa ngành có trình độ cao về nghiên cứu khoa học và đào tạo.
đ) Cải tiến mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục và đào tạo từ cơ sở trường học đến toàn ngành theo hướng đảm bảo tính thống nhất về đầu mối quản lý, đồng thời đảm bảo tính chủ động phối hợp của các ngành, các địa phương. Các trường đại học, cao đẳng đại bộ phận do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, trừ các trường thuộc các ngành y tế, văn hoá - nghệ thuật, an ninh và quốc phòng. Các trường chuyên nghiệp (trung học chuyên nghiệp, dạy nghề) đại bộ phận do các Uỷ ban Nhân dân địa phương trực tiếp quản lý. Các trường mầm non, phổ thông và giáo dục bổ túc do các địa phương quản lý.
Điều 3. Tiến hành khẩn trương, kiên quyết việc thực hiện tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới trường, nhưng chuẩn bị kỹ, có bước đi cụ thể, không gây xáo trộn lớn trong toàn bộ hệ thống. Phải làm xong về cơ bản việc sắp xếp mạng lưới các trường trong cả nước vào cuối năm học 1993-1994. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Khoa học Nhà nước xây dựng những chính sách, chế độ cụ thể về tổ chức và cán bộ của các trường, về tài chính, về chế độ quản lý của Bộ và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với các trường, bảo đảm cho các trường sau khi sắp xếp lại có điều kiện hoạt động tốt hơn trước.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã Ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.