ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 255/2007/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 26 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 791/TTr-SXD ngày 22 tháng 8 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trách nhiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Quy định gồm có 3 Chương, 8 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 255/2007/QĐ-UBND ngày 26/9/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng.
1. Quy định này quy định về trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các Chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế, các nhà thầu thi công xây dựng công trình, các cá nhân tham gia trong lĩnh vực hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
2. Các nội dung nêu tại Quy định này là cơ sở pháp lý để các chủ thể khi tham gia hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng: khảo sát, thiết kế, thi công; là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực này thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng.
3. Các nội dung có liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng không nêu tại Quy định này, các chủ thể tham gia trong quá trình xây dựng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật xây dựng hiện hành và các Quy chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, các Tiêu chuẩn ngành do các cơ quan chức năng ban hành.
Điều 2. Nội dung quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Quản lý chất lượng công trình xây dựng bao gồm các nội dung sau:
1. Quản lý chất lượng về khảo sát xây dựng.
2. Quản lý chất lượng về thiết kế xây dựng.
3. Quản lý chất lượng về thi công và nghiệm thu công trình xây dựng.
Chương 2:
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Điều 3. Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình xây dựng.
1. Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong công tác khảo sát xây dựng:
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Chủ đầu tư trong công tác quản lý chất lượng khảo sát theo các quy định tại Điều 50 Luật Xây dựng; Chương III, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 209/2004/NĐ-CP) và Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình, cụ thể như sau:
1.1. Tự thực hiện công tác khảo sát xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực về khảo sát xây dựng hoặc thuê các tổ chức tư vấn khảo sát có tư cách pháp nhân và đủ năng lực chuyên môn để thực hiện.
Tổ chức tư vấn được thuê phải có đăng ký kinh doanh phù hợp; cá nhân chủ nhiệm khảo sát phải có Chứng chỉ hành nghề và có đủ năng lực hành nghề phù hợp với công việc được giao với nhiệm vụ khảo sát và yêu cầu của loại, cấp công trình theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng; Điều 58 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây gọi tắt là Nghị định số 16/2005/NĐ-CP) và các quy định của pháp luật liên quan;
1.2. Tổ chức phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng và phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng (nhiệm vụ khảo sát xây dựng do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập theo yêu cầu của Chủ đầu tư; phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát xây dựng lập). Thực hiện ký kết hợp đồng khảo sát với tổ chức tư vấn được lựa chọn thông qua hình thức chỉ định thầu trong công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật;
1.3. Xem xét, quyết định bổ sung nội dung nhiệm vụ khảo sát trong các trường hợp quy định tại Điều 9, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP khi có đề nghị hợp lý của nhà thầu thiết kế, nhà thầu khảo sát xây dựng, đơn vị thi công và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
1.4. Thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng thường xuyên, có hệ thống từ khi bắt đầu khảo sát đến khi hoàn thành công việc và phải do người có chuyên môn phù hợp thực hiện. Trường hợp không có đủ điều kiện năng lực thì Chủ đầu tư phải thuê tư vấn để giám sát công tác khảo sát xây dựng. Tổ chức và cá nhân thực hiện công tác giám sát khảo sát xây dựng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình được quy định tại điểm 4, mục III, Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình. Nội dung giám sát theo quy định tại khoản 3, Điều 11, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ;
1.5. Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Trường hợp cần thiết, Chủ đầu tư có thể thuê nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu khảo sát khác nhận xét, đánh giá kết quả khảo sát trước khi nghiệm thu. Kết quả nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát phải lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và phải có người đại diện theo pháp luật của Chủ đầu tư, nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu giám sát khảo sát xây dựng xác nhận. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng. Thanh toán đầy đủ kinh phí cho nhà thầu khảo sát trên cơ sở khối lượng khảo sát thực hiện đã được nghiệm thu;
1.6. Tổ chức lưu trữ hồ sơ liên quan đến công tác khảo sát theo quy định pháp luật hiện hành.
2. Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong công tác thiết kế xây dựng:
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Chủ đầu tư trong công tác quản lý chất lượng thiết kế, theo các quy định tại Điều 57 Luật Xây dựng và Chương IV, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, cụ thể như sau:
2.1. Có trách nhiệm lập hoặc thuê tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình đã nêu tại khoản 3, Điều 11 của Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và tại điểm a, khoản 1, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Nhiệm vụ thiết kế phải nêu rõ các yêu cầu và điều kiện để nhà thầu thiết kế thực hiện. Tại các bước thiết kế, nhiệm vụ thiết kế có thể đuợc bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả cho dự án đầu tư xây dựng công trình.
Đối với công trình phải thi tuyển thiết kế kiến trúc thì Chủ đầu tư có trách nhiệm lập nhiệm vụ thiết kế để người quyết định đầu tư phê duyệt theo quy định tại điểm d, khoản 1, mục II, Thông tư số 05/2005/TT-BXD ngày 12/4/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng;
2.2. Được tự thực hiện thiết kế khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng công trình, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình hoặc thuê các tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng có tư cách pháp nhân và đủ năng lực chuyên môn để thực hiện.
Tổ chức tư vấn được thuê phải có đăng ký kinh doanh phù hợp, các cá nhân chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế các bộ môn phải có Chứng chỉ hành nghề và có đủ năng lực hành nghề phù hợp với công việc được giao với nhiệm vụ thiết kế và yêu cầu của loại, cấp công trình theo quy định tại Điều 56 của Luật Xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan;
2.3. Thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế được lựa chọn thông qua hình thức chỉ định thầu theo Quyết định số 49/2007/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về các trường hợp đặc biệt được chỉ định thầu quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 101 của Luật Xây dựng và chỉ định thầu hoặc đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu;
2.4. Tổ chức thi tuyển kiến trúc công trình xây dựng đối với các công trình có yêu cầu phải thi tuyển kiến trúc theo quy định tại Thông tư số 05/2005/TT-BXD ngày 12/4/2005 của Bộ Xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan;
2.5. Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Biên bản nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng công trình được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP. Trường hợp cần thiết, Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra trước khi nghiệm thu;
2.6. Trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở theo quy định; đồng thời tổ chức việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình đối với những công trình xây dưng phải lập dự án theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình xây dựng phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định tại khoản 7, Điều 1 của Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ. Thiết kế bản vẽ thi công phải được Chủ đầu tư đóng dấu xác nhận trước khi đưa ra thi công;
2.7. Xem xét, quyết định hoặc trình người có thẩm quyền quyết định việc thay đổi thiết kế trong các trường hợp quy định tại Điều 17, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình:
- Trong trường hợp được phép thay đổi, bổ sung thiết kế mà tổng mức đầu tư điều chỉnh không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, kể cả thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư (bao gồm cả sử dụng chi phí dự phòng) thì Chủ đầu tư tự điều chỉnh, sau đó báo cáo người quyết định đầu tư về kết quả điều chỉnh; Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trường hợp tổng mức đầu tư điều chỉnh vuợt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì Chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư cho phép trước khi thực hiện việc điều chỉnh; phần tổng mức đầu tư điều chỉnh thay đổi so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt phải được tổ chức thẩm định theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
- Các trường hợp được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán nhưng không vượt dự toán công trình đã được phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng thì Chủ đầu tư tổ chức thẩm tra, phê duyệt dự toán công trình điều chỉnh và báo cáo cho người quyết định đầu tư biết; đồng thời chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của kết quả thẩm định, phê duyệt của mình;
2.8. Tổ chức lưu trữ các hồ sơ thiết kế theo quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công công trình xây dựng.
3. Trách nhiệm của Chủ đầu tư trong công tác thi công và nghiệm thu công trình xây dựng:
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Chủ đầu tư trong công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng theo các quy định tại Điều 75, Luật Xây dựng và Chương V, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, cụ thể như sau:
3.1.Thành lập Ban Quản lý dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án:
- Trường hợp thành lập Ban Quản lý dự án thì Chủ đầu tư phải phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án; giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ của Chủ đầu tư và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án thực hiện đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ban Quản lý dự án phải có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án theo yêu cầu; Giám đốc, các Phó Giám đốc và những người phụ trách về kỹ thuật, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách, có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm. Riêng đối với dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa thì các chức danh nêu trên có thể giao cho những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thuộc các chuyên ngành phù hợp.
- Trường hợp thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án thì Chủ đầu tư cũng phải phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tư vấn quản lý dự án nhằm bảo đảm dự án được thực hiện đúng nội dung, tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Tổ chức tư vấn quản lý dự án và Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
- Đối với những dự án quy mô nhỏ, đơn giản (có tổng mức đầu tư dưới 1 (một) tỷ đồng - quy định tại khoản 2, mục I, phần III, Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ Xây dựng) mà Chủ đầu tư có điều kiện về nhân lực và chuyên môn thì Chủ đầu tư có thể không thành lập Ban Quản lý dự án mà sử dụng các đơn vị chuyên môn của mình để kiêm nhiệm việc quản lý dự án; trường hợp cần thiết có thể thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý dự án; trường hợp Chủ đầu tư đồng thời triển khai thực hiện nhiều dự án có quy mô nhỏ như trên thì Chủ đầu tư có thể thành lập Ban Quản lý dự án để quản lý các dự án nhưng phải bảo đảm yêu cầu từng dự án phải được theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời;
3.2. Tự tổ chức giám sát chất lượng thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP khi có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng quy định tại Điều 62 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Trường hợp Chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng theo quy định thì Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ này khi có đủ điều kiện năng lực quy định tại Điều 62, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
Trường hợp tổ chức tư vấn quản lý dự án không có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng thì Chủ đầu tư phải thuê tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình.
Chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác giám sát thi công xây dựng công trình do Ban Quản lý dự án, tổ chức tư vấn quản lý dự án và nhà thầu giám sát thi công xây dựng thực hiện;
3.3. Phải có thông báo bằng văn bản danh sách cán bộ giám sát thi công công trình xây dựng gửi cho nhà thầu thi công, nhà thầu thiết kế biết để phối hợp trong quá trình thực hiện. Cán bộ giám sát và tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng phải có năng lực hành nghề theo quy định tại Điều 48 và Điều 62, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ;
3.4. Có trách nhiệm lập báo cáo về tình hình chất lượng công trình theo mẫu (nêu tại Phụ lục 4, Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng) định kỳ 6 tháng, 1 năm gửi về Sở Xây dựng;
3.5. Yêu cầu nhà thầu thi công lập sổ nhật ký thi công xây dựng công trình; sổ này phải được đánh số trang, đóng dấu giáp lai của nhà thầu thi công.
Chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn giám sát thi công công trình của Chủ đầu tư, giám sát tác giả thường xuyên cập nhật thông tin tại hiện trường vào sổ nhật ký theo các nội dung quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP bao gồm danh sách, nhiệm vụ quyền hạn của người giám sát, kết quả kiểm tra và giám sát thi công, những ý kiến xử lý và yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục các hậu quả, các sai phạm về chất lượng công trình, những thay đổi thiết kế trong quá trình thi công;
3.6. Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng tiến hành tổ chức nghiệm thu nội bộ các công việc xây dựng, bộ phận công trình xây dựng, giai đoạn thi công xây dựng, các hạng mục công trình và công trình theo từng giai đoạn trước khi đề xuất Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu. Thành phần tham gia nghiệm thu thực hiện theo quy định tại TCXDVN 371:2006 về nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng;
3.7. Tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận công trình, giai đoạn thi công xây dựng, các hạng mục công trình và công trình xây dựng:
- Đối với công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp phải tổ chức nghiệm thu theo quy định tại TCXDVN 371:2006 về nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng.
- Đối với các loại công trình còn lại, khuyến khích tổ chức nghiệm thu theo quy định tại TCXDVN 371:2006 về nghiệm thu chất lượng thi công công trình xây dựng hoặc tổ chức nghiệm thu theo quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 25 và Điều 26 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
Đối với các công việc xây dựng khó khắc phục khiếm khuyết khi triển khai thi công các công việc tiếp theo như công tác thi công phần ngầm, phần khuất các hạng mục công trình chịu lực quan trọng thì Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế cùng tham gia nghiệm thu.
- Trước khi tổ chức nghiệm thu giai đoạn xây dựng hoàn thành, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng để đưa vào sử dụng Chủ đầu tư phải tổ chức kiểm tra danh mục hồ sơ nghiệm thu. Kết quả kiểm tra phải lập thành biên bản theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng;
3.8. Đối với các công trình xây dựng bắt buộc phải có chứng nhận sự phù hợp chất lượng theo quy định tại điểm 2 mục 1 Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng thì Chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện chứng nhận chất lượng công trình ngay từ khi lập dự án; nội dung chi tiết thực hiện chứng nhận chất lượng theo hướng dẫn quy định tại Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng;
3.9. Mua bảo hiểm công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Trách nhiệm của nhà thầu tư vấn khảo sát trong quản lý chất lượng khảo sát công trình xây dựng.
Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 51 Luật Xây dựng, Chương III Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng khảo sát xây dựng và Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình, cụ thể như sau:
1. Chỉ được nhận thực hiện các công việc khảo sát phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động của đơn vị được quy định tại Điều 58, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Chủ nhiệm khảo sát phải có hợp đồng lao động với tổ chức tư vấn và phải có năng lực hành nghề phù hợp với quy định tại Điều 57, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
2. Tổ chức lập nhiệm vụ khảo sát theo quy định tại Điều 6, Nghị định 209/2004/NĐ-CP khi Chủ đầu tư có yêu cầu; lập phương án kỹ thuật khảo sát theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP , trình Chủ đầu tư phê duyệt.
3. Thực hiện đúng nhiệm vụ khảo sát được giao, đúng hợp đồng đã ký, kết quả khảo sát phải được lập thành báo cáo theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về kết quả khảo sát do mình thực hiện.
3.1. Phải có bộ phận chuyên trách tự giám sát công tác khảo sát xây dựng theo nội dung quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004;
3.2. Khi thực hiện khảo sát phải tuân thủ các tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng hiện hành; thực hiện công tác bảo vệ môi trường và các công trình xây dựng trong khu vực khảo sát theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP .
4. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát được duyệt, phát sinh khối lượng do việc khảo sát sai thực tế; sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại cho công trình.
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của nhà thầu tư vấn thiết kế trong quản lý chất lượng thiết kế công trình xây dựng.
Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thiết kế theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng và Chương IV Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Chỉ được nhận thầu thiết kế xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng công trình của đơn vị được quy định tại Điều 61, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Cá nhân đảm nhận các chức danh chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng công trình phải có hợp đồng lao động với tổ chức tư vấn và phải có năng lực hành nghề phù hợp với quy định tại Điều 59 và Điều 60 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
2. Thực hiện đúng nhiệm vụ thiết kế, bảo đảm tiến độ và chất lượng; phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng thiết kế do mình đảm nhận.
3. Lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng phục vụ cho công tác thiết kế phù hợp với yêu cầu của từng bước thiết kế.
4. Không được ký kết hợp đồng nhận thầu công việc tư vấn giám sát đối với công trình do mình thiết kế; không được chỉ định nhà sản xuất vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng công trình.
5. Giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP .
6. Phải bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ thiết kế; phát sinh khối lượng do thiết kế sai; sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.
7. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của nhà thầu thi công trong quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng.
Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 76 của Luật Xây dựng và Chương V Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Chỉ được nhận thầu thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình của đơn vị được quy định tại Điều 64, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP. Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải có hợp đồng lao động với nhà thầu thi công, phải có năng lực hành nghề phù hợp với quy định tại Điều 63, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và trong cùng một thời gian chỉ được đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường cho một công trình hoặc hạng mục công trình.
2. Phải bố trí nhân lực, thiết bị thi công phù hợp với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng. Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng để thực hiện nội dung quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 19, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ.
3. Thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế.
4. Lập và kiểm tra việc thực hiện biện pháp thi công, tiến độ thi công; kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài công trường; báo cáo Chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của Chủ đầu tư.
5. Thực hiện ghi nhật ký công trình theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 19, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP bao gồm các nội dung: danh sách cán bộ kỹ thuật của nhà thầu tham gia xây dựng công trình (chức danh và nhiệm vụ của từng người); diễn biến tình hình thi công hằng ngày, tình hình thi công từng loại công việc, chi tiết quá trình thực hiện; mô tả vắn tắt phương pháp thi công; tình trạng thực tế của vật liệu, cấu kiện sử dụng; những sai lệch so với bản vẽ thi công, có ghi rõ nguyên nhân kèm theo biện pháp sửa chữa; nhận xét của bộ phận quản lý chất lượng tại hiện trường về chất lượng thi công xây dựng. Đây là tài liệu bắt buộc trong danh mục hồ sơ hoàn công xây dựng công trình. Khi công trình xây dựng hoàn thành được giao lại Chủ đầu tư lưu trữ.
6. Tổ chức nghiệm thu nội bộ cho từng công việc xây dựng, bộ phận công trình, giai đoạn thi công xây dựng, hạng mục công trình và công trình với thành phần tham dự được quy định tại TCXDVN 371:2006 .
7. Có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công bộ phận công trình xây dựng và công trình xây dựng. Trong bản vẽ hoàn công phải ghi rõ họ tên, chữ ký của người lập bản vẽ hoàn công. Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thi công xây dựng phải ký tên và đóng dấu. Bản vẽ hoàn công được người giám sát thi công xây dựng của Chủ đầu tư ký tên xác nhận là cơ sở để thực hiện bảo hành và bảo trì công trình.
8. Chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công việc do mình đảm nhận; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, sử dụng vật liệu không đúng tính năng kỹ thuật của hồ sơ thiết kế, thi công không đảm bảo chất lượng hoặc gây hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi khác gây ra thiệt hại.
9. Có trách nhiệm thực hiện bảo hành công trình theo quy định tại Chương VI Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
1. Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm 3.1 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng. Mọi vấn đề giải quyết về chất lượng công trình xây dựng không phân biệt loại, cấp công trình, Chủ đầu tư phải báo cáo Sở Xây dựng xem xét giải quyết hoặc phối hợp giải quyết.
2. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành bao gồm Sở Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành theo phân cấp, thực hiện các công việc được quy định tại điểm 3.2 của Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15/7/2005 của Bộ Xây dựng.
3. Các phòng chức năng thuộc Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thực hiện công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 74/2007/QĐ-UB ngày 30/3/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Tổ chức thực hiện.
Các Chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan, trong quá trình tham gia đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định nêu tại Quyết định này.
Giao Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện. Mọi vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.