BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 254-QĐ | Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 1975 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC SỐ 254-QĐ NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM 1975 BAN HÀNH QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG 10 NĂM
BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ vào Nghị định số 19/CP ngày 29 tháng1 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông cấp III Bộ Giáo dục;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông 10 năm.
Điều 2. Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ, Giám đốc Sở Giáo dục và trưởng ty giáo dục chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Nguyễn Văn Huyên (Đã ký) |
QUY CHẾ
THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG 10 NĂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 254-Q Đ ngày 23-4-1975 của Bộ Giáo dục)
Chương 1
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 10 năm có mục đích kiểm tra và xác nhận kết quả học tập và rèn luyện mà học sinh đã đạt được sau khi học hết bậc học phổ thông.
Để đánh giá kết quả học tập và rèn luyện mà người học sinh đã đạt được, hội đồng thi sẽ căn cứ vào:
a) Kết quả học tập và rèn luyện mà học sinh đã đặt được trong quá trình học 3 năm ở trường phổ thông cấp III;
b) Kết quả các bài thi của học sinh.
Điều 2. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 10 năm tổ chức chung cho những loại thí sinh dưới đây:
a) Học sinh đang học lớp 10 trường phổ thông, trừ trường hợp bị kỷ luật không được dự thi của năm mở kỳ thi;
b) Học sinh đã học lớp 10 trường phổ thông của những năm học trước (học sinh cũ);
c) Thí sinh có đăng ký tự học theo chương trình cấp III phổ thông.
Chương 2
NGUYÊN TẮC THI
Điều 3. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sẽ kết hợp việc kiểm tra học sinh một cách toàn diện qua sự đánh giá của nhà trường về các mặt đạo đức, học tập, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện với việc kiểm tra các môn văn hoá.
Điều 4. Chương trình kiểm tra về các môn văn hoá là chương trình hiện đang áp dụng trong các trường phổ thông cấp III.
Điều 5. Học sinh được học môn nào sẽ phải thi môn ấy, Bộ Giáo dục sẽ có câu hỏi hướng dẫn ôn tập cho từng môn. Hình thức thi bao gồm thi viết và thi hỏi miệng. Hàng năm căn cứ vào tình hình dạy và học ở các trường phổ thông cấp III, Bộ Giáo dục sẽ quy định cụ thể số môn thi viết, môn thi hỏi miệng bắt buộc và môn tự nguyện được cộng điểm khuyến khích, quy định nội dung chương trình các môn thi và công bố chậm nhất 60 ngày trước ngày thi tốt nghiệp phổ thông.
Điều 6. Hàng năm, Bộ Giáo dục ra đề thi và hướng dẫn chấm thống nhất các hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông. Đối với các tỉnh miền núi, có thể có đè thi hoặc hướng dẫn chấm riêng. Về các môn thi, sẽ ra nhiều đề, học sinh được tuỳ ý chọn làm một trong các đề ấy. Riêng phần bài tập, chỉ ra một đề.
Chương 3
HỒ SƠ THÍ SINH
Điều 7. Trường phổ thông cấp III chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thi cho học sinh đang học lớp 10. Hồ sơ bao gồm:
a) Bảng ghi tên, ghi điểm và kết quả đánh giá xếp loại về 4 mặt của học sinh;
b) Học bạ chính;
c) Bản sao giấy khai sinh, thẻ học sinh có dán ảnh do nhà trường cấp;
d) Giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp II phổ thông;
đ) Giấy chứng nhận thuộc diện chiếu cố và diện xét đặc cách trúng tuyển (nếu có);
Điều 8. Những học sinh đã học năm trước, thí sinh tự học muốn dự thi phải nộp hồ sơ xin thi sau đây trước ngày thi một tháng:
a) Đơn xin dự thi,
b) Bản học bạ chính (đối với học sinh cũ); giấy chứng nhận của Sở, Ty giáo dục về quá trình đăng ký tự học hàng năm và giấy xác nhận về tư cách đạo đức và tinh thần thái độ lao động của chính quyền địa phương hay cơ quan quản lý (đối với thí sinh tự học).
c) Bản sao giấy khai sinh,
d) Giấy trúng tuyển kỳ thi hết cấp II phổ thông.
Điều 9. Khi vào thi, học sinh cần mang theo giấy tờ sau đây để xuất trình với hội đồng coi thi:
a) Thẻ học sinh có dán ảnh (nếu là học sinh tự học, thẻ này sẽ do Sở, Ty giáo dục cấp),
b) Giấy triệu tập đi thi do Sở, Ty giáo dục cấp (đối với học sinh tự học),
Chương 4
ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN VÀ TIÊU CHUẨN XẾP LOẠI TRÚNG TUYỂN
Điều 10. Những học sinh được xếp loại đạo đức cả năm từ trung bình trở lên và có điểm bình quân các môn thi đạt từ 5 trở lên, không có bài thi nào bị điểm không (0) điểm bình quân các môn thi là tổng số điểm các baì thi chia cho số môn thi bắt buộc) sẽ được công nhận trúng tuyển thẳng.
Điều 11. Những học sinh sau đây sẽ được xét lấy đỗ thêm:
1- Có điểm bình quân các môn thi là 4,5 trở lên (không có bài thi nào bị điểm không) và có một trong các điều kiện sau:
a) Có 4 mặt giáo dục (đạo đức, học tập, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể) được xếp loại cả năm từ trung bình trở lên;
b) Có 2 mặt đạo đức và lao động được xếp loại cả năm từ khá trở lên;
c) Là con liệt sĩ, có mặt đạo đức được xếp loại cả năm từ trung bình trở lên;
d) Là thương binh hoặc đã đi bộ đội, thanh niên xung phong đã phục vụ tại ngũ từ 2 năm trở lên (có giấy chứng nhận của cơ quan, đơn vị quản lý) nay về tiếp tục học tại trường phổ thông cấp III.
2- Có điểm bình quân các môn thi đạt từ 5 trở lên, không có bài thi nào bị điểm không.
3- Ngoài các điều kiện trên, nếu có trường hợp đặc biệt cần xét thấy đỗ thêm nữa thì Sở, Ty giáo dục phải trình Bộ quyết định.
Điều 12. Học sinh đã học năm học trước (đối với năm mở kỳ thi) được dự thi lại thì kết quả đánh giá xếp loại về 4 mặt giáo dục sẽ được xét trong học bạ của năm học trước. Đối với thí sinh tự do thì xét qua giấy xác nhận về tư cách đạo đức và tinh thần thái độ lao động của chính quyền địa phương hay cơ quan, đơn vị quản lý.
Điều 13. Học sinh trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được xếp làm 4 loại tiêu chuẩn sau đây và được ghi nhận trong học bạ và bằng tốt nghiệp phổ thông:
1- Loại giỏi: (được hội đồng chấm thi tuyên dương trước toàn hội đồng và Sở, Ty giáo dục cấp giấy khen) là những học sinh trúng tuyển thẳng mà:
a) Được xếp loại cả năm về 4 mặt giáo dục từ loại khá trở lên, điểm bình quân các môn thi từ 8 trở lên, không có môn thi nào dưới 5 điểm; hoặc
b) Được xếp loại đạo đức, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể cả năm vào loại tốt, xếp loại học tập văn hoá cả năm từ loại khá trở lên, điểm bình quân các môn thi từ 7 trở lên, không có môn thi nào dưới 5 điểm.
2- Loại khá: là những học sinh trúng tuyền thẳng mà:
a) Được xếp loại cả năm về 4 mặt giáo dục từ loại khá trở lên, điểm bình quân các môn thi từ 6 điểm trở lên, chỉ có một môn thi 4 điểm; hoặc
b) Được xếp loại đạo đức cả năm từ loại khá trở lên, xếp loại học tập, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể cả năm từ trung bình trở lên, điểm bình quân các môn thì là 6,5 điểm trở lên, chỉ có một môn thi 4 điểm.
3- Loại trung bình là những trường hợp trúng tuyển thẳng còn lại.
4- Loại thường: là những trường hợp được xét lấy đỗ thêm:
Điều 14. Những học sinh có đầy đủ một trong các điều kiện sau đây sẽ được xét đặc cách trúng tuyển:
a) Học sinh bị ốm đau trước khi thi, không tham dự kỳ thi được. có đầy đủ giấy tờ chứng nhận của cơ quan y tế, có xếp loại cả năm về 4 mặt đạo đức học tập, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể từ loại khá trở lên.
b) Học sinh bị ốm đau trong lúc đang thi, nếu có đầy đủ giấy tờ của cơ quan y tế thì:
- Các môn đã thi phải đạt từ 5 điểm trở lên;
- Điểm trung bình cả năm của các môn không thi được phải là 5 điểm trở lên;
- Có xếp loại cả năm về 4 mặt đạo đức, học tập, lao động, bảo vệ và rèn luyện sức khoẻ từ loại trung bình trở lên.
c) Học sinh được tuyển nhập ngũ sau khi đã học hết học kỳ I của năm học, nếu cả 4 mặt được nhà trường đánh giá xếp loại từ loại trung bình trở lên, hoặc được tuyển nhập ngũ sau khi đã học hết học kỳ II thì kết quả đánh giá 4 mặt của một trong hai học kỳ được nhà trường xếp loại từ trung bình trở lên.
Những học sinh được công nhận đặc cách trúng tuyển đều không được xếp loại.
Chương 5
TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO KỲ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG
Điều 15. Hàng năm, Bộ Giáo dục phụ trách:
a) Ra các chỉ thị hướng dẫn về quy chế thi;
b) Ra đề thi và hướng dẫn chấm thống nhất cho các địa phương;
c) Kiểm tra công việc của các hội đồng coi thi, chấm thi, công việc tổ chức chỉ đạo toàn bộ kỳ thi của các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành và các Sở, Ty giáo dục.
Điều 16. Để giúp Bộ chỉ đạo công tác thi, Bộ sẽ thành lập các tổ chức sau:
a) Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông;
b) Các ban kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Các ban này có nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ công việc thi cử của các địa phương theo đúng quy chế thi tốt nghiệp phổ thông của Bộ đã ban hành. Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông bao gồm các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ. Nếu phát hiện địa phương nào làm không đúng theoquy chế thi của Bộ thì kịp thời báo cáo và có thể đề nghị Bộ Giáo dục không công nhận toàn bộ kết quả kỳ thi của địa phương đó.
Điều 17. Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố và Sở, Ty giáo dục có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp phổ thông của địa phương mình (từ khâu chuẩn bị thi đến khâu coi thi, chấm thi, xét duỵệt kết quả trúng tuyển, khen thưởng và kỷ luật v,v....) theo đúng như điều đã quy định trong quy chế thi của Bộ Giáo dục, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Bộ về toàn bộ công tác chỉ đạo thi cử của địa phương mình, phải kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục qua từng khâu công tác trong quá trình chỉ đạo kỳ thi.
Điều 18. Để giúp Uỷ ban chỉ đạo công tác thi, ở mỗi Tỉnh, thành phố, Uỷ ban sẽ thành lập các tổ chức sau:
a) Ban chỉ đạo thi và duyệt kết quả thi tốt nghiệp phổ thông;
b) Ban kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Điều 19. Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập hội đồng coi thi, chấm thi gồm các thành phần sau:
- Chủ tịch Hội đồng,
- Các Phó Chủ tịch Hội đồng,
- Các thư ký Hội đồng,
- Các giáo viên coi thi hay chấm thi.
Điều 20. Việc tổ chức coi thi, chấm thi, phải đảm bảo tiến hành theo nguyên tắc thầy giáo không được coi thi và chấm bài thi của học trò trường mình.
Điều 21. Toàn bộ cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi của hội đồng thi là cán bộ, giáo viên trong tỉnh, thành phố do Uỷ ban hành chính Tỉnh, thành phố điều động. Tuỳ điều kiện cụ thể, một hay hai trường cấp III có thể thành lập một hội đồng coi thi và mỗi hội đồng chấm thi không được qua 4.000 học sinh dự thi.
Điều 22. Hội đồng coi thi, chấm thi có nhiệm vụ tổ chức và tiến hành toàn bộ công việc của hội đồng trong kỳ thi theo những điều mà Bộ Giáo dục đã quy định.
Điều 23. Hội đồng thi, chấm thi có quyền quyết định mọi công việc của kỳ thi trong phạm vi hội đồng theo đúng những điều đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp phổ thông của Bộ Giáo dục. Hội đồng chấm thi sẽ công bố tạm thời danh sách học sinh trúng tuyển trước khi hội đồng kết thúc công việc và giao cho các trường phổ thông cấp III công bố điểm bài thi của học sinh.
Chương 6
HỒ SƠ, SỔ SÁCH VÀ VIỆC QUẢN LÝ LƯU TRỮ HỒ SƠ THI
Điều 24. Vụ giáo dục phổ thông cấp III phụ trách ấn định mẫu những hồ sơ, sổ sách cần dùng trong kỳ thi (giấy làm bài thi, bảng ghi tên, ghi điểm và đánh giá xếp loại 4 mặt của học sinh dự thi, biên bản, báo cáo danh sách học sinh trúng tuyển v.v...)
Điều 25. Căn cứ vào kết quả tốt nghiệp của hội đồng chấm thi và việc xét duyệt kết quả thi của Sở, Ty giáo dục, ông Giám đốc Sở giáo dục hay ông Trưởng Ty giáo dục sẽ cấp phát bằng tốt nghiệp phổ thông 10 năm cho học sinh trúng tuyển trong thời hạn 30 ngày sau khi công bố kết quả thi.
Điều 26. Sở, Ty giáo dục có nhiệm vụ quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ kỳ thi trong địa phương mình và phải lập hồ sơ cấp bằng tốt nghiệp phổ thông 10 năm theo quy định của Bộ Giáo dục.
Chương 7
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT TRONG KỲ THI
Điều 27. Nguyên tắc chung
a) Việc khen thường và kỷ luật một cán bộ giáo viên làm công tác coi thi hoặc một học sinh dự thi phải căn cứ vào mức độ thành tích hay hành động phạm lỗi cụ thể của cá nhân đó trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình được quy định trong quy chế thi của Bộ.
b) Việc khen thưởng và kỷ luật phải được tiến hành một cách nghiêm minh, dân chủ, kịp thời và có tác dụng giáo dục cán bộ, giáo viên và học sinh.
Điều 28. Mức độ khen thưởng cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi bao gồm:
1- Chủ tịch Hội đồng biểu dương trước toàn Hội đồng coi thi hay chấm thi;
2- Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố cấp giấy khen.
Điều 29. Mức độ thi hành kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên coi thi, hay chấm thi bao gồm 4 loại sau đây do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố ra quyết định:
a) Khiển trách trước toàn thể cán bộ, giáo viên của Tỉnh, thành phố;
b) Cảnh cáo trước toàn thể cán bộ, giáo viên của Tỉnh, thành phố;
c) Hạ tầng công tác, chuyển đi làm việc khác;
d) Buộc thôi việc và có thể truy tố trước pháp luật.
Điều 30. Mức độ biểu dương khen thưởng đối với học sinh dự thi bao gồm:
a) Giáo viên coi thi biểudương trước học sinh trong phòng thi;
b) Chủ tịch Hội đồng coi thi biểu dương trước toàn thể học sinh dự thi;
c) Chủ tịch Hội đồng chấm thi biểu dương trước toàn thể hội đồng;
d) Sở, ty giáo dục cấp giấy khen.
Điều 31. Mức độ thi hành kỷ luật đối với học sinh dự thi bao gồm:
a) Giáo viên coi thi phê bình trước học sinh trong phòng thi;
b) Chủ tịch Hội đồng thi cảnh cáo trước toàn thể học sinh dự thi;
c) Chủ tịch Hội đồng coi thi quyết định đình chỉ việc dự thi tiếp các môn còn lại;
d) Chủ tịch hội đồng coi thi đề nghị Hội đồng chấm thi không chấm toàn bộ bài thi hay một phần của bài thi hoặc đề nghị hội đồng thi huỷ kết quả trúng tuyển, huỷ việc lấy trúng tuyển thêm hoặc đè nghị Sở, Ty giáo dục cấm không cho dự thi tốt nghiệp phổ thông từ 1 đến 2 năm, đè nghị cơ quan an ninh truy tố trước pháp luật;
đ) Nếu phát hiện ra hành động phạm lỗi của học sinh dự thi sau khi hội đồng thi đã kết thúc công việc thì Sở, Ty giáo dục có thể huỷ bỏ kết quả trúng tuyển và thu hồi bằng tốt nghiệp phổ thông, cấm không cho dự thi từ 1 đến 2 năm.
Chương 8
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Bản quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 33. Ông vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông cấp III có trách nhiệm hướng dẫn thi hành quy chế này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.