ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2531/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 24 tháng 11 năm 2014 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Căn cứ Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Căn cứ Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 744/TTr-SNN ngày 18/11/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành định mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kho bạc Nhà nước Bình Phước; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2531/QĐ-UBND
ngày 24 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh)
Chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân; hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của Trung ương, địa phương và các đơn vị quân đội (gọi chung là chủ chăn nuôi) có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy. Hỗ trợ đối với cán bộ thú y, những người tham gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, tăng cơ cấu đàn, nâng cao đời sống của nông dân và dân cư sống ở nông thôn.
Điều 3. Nội dung, mức chi công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Phước, bao gồm dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở heo và cúm gia cầm với các nội dung và mức hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ trực tiếp cho chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bắt buộc phải tiêu hủy. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a) Đối với gia súc:
- Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo.
- Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai.
b) Đối với gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng):
- Từ 1,5 kg/con trở lên: 35.000 đồng/con
- Từ 0,5 kg/con đến dưới 1,5 kg/con: 30.000 đồng/con
- Từ 01 tuần tuổi đến dưới 0,5 kg/con: 20.000 đồng/con
- Dưới 01 tuần tuổi: 10.000 đồng/con.
c) Đối với chim cút 6.000 đồng/con
d) Các loại chim gây nuôi khác: 35.000 đồng/con
2. Hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch:
a) Công tác tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm:
- Tiêm phòng miễn phí vắc xin cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô đàn cụ thể như sau:
+ Chăn nuôi heo: có quy mô từ 50 con trở xuống đối với heo thịt và 20 con trở xuống đối với heo nái.
+ Chăn nuôi trâu, bò: có quy mô từ 20 con trở xuống.
+ Chăn nuôi gia cầm: có quy mô từ 2.000 con trở xuống.
- Hỗ trợ cho người tham gia tiêm phòng vắc xin với mức bình quân cho một lần tiêm: 2.000 đồng/con heo; 4.000 đồng/con trâu, bò; 200 đồng/con gia cầm. Trường hợp mức bồi dưỡng theo lần tiêm dưới 100.000 đồng/người/ngày thì được thanh toán bằng mức 100.000 đồng/người/ngày.
- Hỗ trợ các chi phí công tác tổ chức tiêm phòng: tổ chức hội nghị, chỉ đạo thực hiện, tuyên truyền, tập huấn cho người đi tiêm, chi phí kiểm tra tiêm phòng, chi phí cho vật tư tiêm phòng (bơm tiêm, kim tiêm, dụng cụ cho người đi tiêm, trang thiết bị bảo quản vắc xin), chi phí vận chuyển vắc xin,... và các chi phí khác có liên quan.
- Chi phí mua vắc xin ngoài phần Trung ương hỗ trợ theo quy định.
b) Chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm:
Gia súc, gia cầm mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch phải tiêu hủy bắt buộc; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm do lực lượng phòng, chống buôn lậu, cơ quan thú y, trạm kiểm dịch động vật và các cơ quan chức năng khác trong quá trình thi hành nhiệm vụ bắt buộc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thú y. Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm dựa trên các căn cứ sau:
- Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc tiêu hủy phải có xác nhận của cơ quan thú y.
- Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (trường hợp không quy được trách nhiệm của chủ hàng trong việc hoàn trả chi phí tiêu hủy theo quy định của pháp luật) do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, cơ quan thú y, trạm kiểm dịch động vật và các cơ quan chức năng khác bắt buộc phải tiêu hủy và có biên bản tiêu hủy.
c) Chi phí mua hóa chất các loại phục vụ cho việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường; mua trang phục phòng hộ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d) Chi hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch:
- Cán bộ thú y và lực lượng trực tiếp tham gia tiêu hủy gia súc, gia cầm (kể cả gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm do lực lượng phòng, chống buôn lậu, cơ quan thú y, trạm kiểm dịch động vật và các cơ quan chức năng khác bắt buộc phải tiêu hủy).
- Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm kiểm dịch động vật, chốt kiểm dịch; lực lượng khác tham gia công tác phòng chống dịch và làm nhiệm vụ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng vùng dịch.
Mức chi tối đa là 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
d) Kinh phí tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch; mua sắm thiết bị, vật dụng cho việc kiểm tra phát hiện, chẩn đoán dịch bệnh và phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
e) Hỗ trợ gia súc, gia cầm bị phản ứng và chết trong vòng 24 giờ sau khi tiêm phòng vắc xin, có xác nhận của Trạm Chăn nuôi - Thú y, UBND cấp xã thì mức hỗ trợ như gia súc bị tiêu hủy do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy.
Điều 4. Nguyên tắc hỗ trợ và nguồn kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh
1. Nguyên tắc hỗ trợ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh kể từ ngày có quyết định công bố dịch đến khi có quyết định công bố hết dịch của UBND tỉnh. Đối với trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm (chưa đủ điều kiện công bố dịch) theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo Điều 3, Quy định này.
2. Nguồn kinh phí:
a) Ngân sách tỉnh:
- Đảm bảo chi phí mua hóa chất, trang bị vật tư, công vệ sinh tiêu độc khử trùng và chi phí khác có liên quan. Ban chỉ đạo của tỉnh; tổ giúp việc, tổ công tác liên ngành; lực lượng liên ngành tại Trạm kiểm dịch động vật và chốt kiểm dịch tạm thời do UBND tỉnh thành lập; tập huấn; thông tin tuyên truyền; chi phí khác phục vụ công tác phòng, chống dịch.
- Mua vắc xin và công tiêm phòng, chết sau tiêm phòng chống dịch; chi hỗ trợ hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc, và chi phí khác có liên quan (trong trường hợp công bố dịch);
b) Ngân sách huyện:
- Ban chỉ đạo huyện, xã; đội kiểm tra liên ngành huyện, thị xã; các lực lượng tham gia trực chốt kiểm dịch tạm thời do UBND huyện thành lập; Chi phí thực tế tiêu hủy gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trong trường hợp không quy được trách nhiệm của chủ hàng trong việc hoàn trả chi phí tiêu hủy theo quy định của pháp luật do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, cơ quan thú y, trạm kiểm dịch động vật và các cơ quan chức năng khác bắt buộc phải tiêu hủy và chi phí khác phục vụ công tác phòng chống dịch.
- Đảm bảo chi phí cho công tác tiêu hủy gia súc, gia cầm và các chi phí khác có liên quan phục vụ công tác chống dịch khi công bố dịch ngoài phần ngân sách tỉnh.
- Mua vắc xin, hóa chất và công tiêm phòng, tiêu độc; chi hỗ trợ hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy, chết sau khi tiêm phòng chống dịch và chi phí khác có liên quan (trong trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch).
Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện Quyết định này.
b) Hàng năm lập kế hoạch về khối lượng nhiệm vụ cụ thể, dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách này.
b) Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã đưa vào dự toán ngân sách cấp huyện hàng năm về kinh phí để thực hiện chính sách này.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Căn cứ mức hỗ trợ và nguồn kinh phí hỗ trợ, chủ động bố trí ngân sách huyện, thị xã thực hiện kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ quy định
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.